Phong cảnh Hương Sơn
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương-sơn ao ước bấy lâu nay!
Kìa non non, nước nước, mây mây,
« Đệ nhất động[1] », hỏi là đây có phải?
Thỏ-thẻ rừng mai chim cúng trái;
Lửng-lơ khe Yến[2] cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang-hải giật mình trong giấc mộng!
Này suối Giải oan[3], này chùa Cửa võng[4],
Này am Phật-tích[5], này động Tuyết-quynh[6].
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long-lanh như gấm dệt.
Thăm-thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập-ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang-sơn còn đợi ai đây?
Hay tạo-hóa sẽ ra tay sắp-đặt?
Lần tràng-hạt, niệm: Nam-vô Phật!
Cửa từ-bi công-đức biết là bao.
Càng trông, phong-cảnh càng yêu.
Chú thích
- ▲ Đệ nhất động: ngoài cửa động Hương-tích, có đề năm chữ « Nam-thiên đệ nhất động 南 天 第 一 峒 » (Động thứ nhất ở trời Nam)
- ▲ Khe Yến: dòng suối thuộc địa-phận làng Yến-vĩ; muốn vào động Hương-tích, phải xuống thuyền ở bến đó Suối (ở đầu làng Yến-vỹ, thuộc phủ Mỹ-đức, Hà-đông) rồi theo dòng suối ấy đi đến Chùa Ngoài (tên chữ là Thiên-trù); đoạn, đi theo đường núi vào đến động (tục thường gọi là Chùa Trong.
- ▲ Suối giải-oan: (giải oan 解 寃: cởi gỡ những nỗi oan): ở khoảng giữa lối đi tự Chùa Ngoài vào Động Hương-tích, có một cái mạch nước trong và mát, khách đi lễ thường dừng lại đấy lấy nước uống; suối ấy gọi là « Suối giải oan » và ngôi chùa xây ở đấy gọi là « Chùa giải oan »
- ▲ Chùa Cửa võng: tên một ngôi chùa cũng ở lối vào động.
- ▲ Phật tích 佛 跡: dấu vết của Phật; tục truyền Động Hương-tích là nơi hóa kiếp của Phật Quan Âm.
- ▲ Động Tuyết-quynh: không biết có phải tác-giả nói về chùa Tuyết ở mé ngoài Động Hương-tích, gần Bến đò Suối không?
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.