Phụ nữ thời đàm với Phong hóa
Trong số 11 của Phụ nữ thời đàm có bài “Phong hóa, tờ báo trẻ con” ở mục “Tiểu phê bình”. Bài ấy chỉ vạch ra bao nhiêu cái chỗ trẻ con của Phong hóa, tưởng ai đọc đến cũng từng gật đầu mà cho là phải.
Hôm thứ sáu, 1er Décmbre 1933, Phong hóa ra, có bài cãi lại bài phê bình ấy, đại để chối phăng hết thảy, không nhận một cái lỗi nào dù là thứ lỗi chẳng đến nỗi làm cho Phong hóa mất danh dự hay là chịu thiệt hại.
Phải, người ta ít khi biết cái dở của mình, huống nữa là chịu mình rằng dở. Phong hóa kiếm các lẽ mà chống chỏi lại cũng như Tiếng dân hôm trước, là phải lắm.
Xin độc giả chớ lấy làm lạ, trong nghề làm báo chúng tôi cũng phải có cái điều không thực thà như nghề buôn nghề thợ chẳng hạn: hàng mình xấu mà nói tốt, đồ mình vụng mà nói khéo. Kẻ không tự biết xấu biết vụng đã đành; có kẻ biết vậy rồi mà cũng cứ nói tốt nói khéo đại đi. Trong ý sẵn định một cái gàn như thế rồi, rồi thiếu gì lẽ vin lấy mà đỡ gạt. Dân làng báo chúng tôi đã có người nói ra miệng: “Đã biết mình nói thế là bướng, nhưng cứ nói, chả nhẽ lại chịu lép?"
Phần chúng tôi là người phê bình, biết điều gì phải thì nói, người ta nghe hay không nghe, trối mặc người ta, việc ấy nào có dính dáng gì với việc bổn phận chúng tôi?
Tuy vậy, trong bài “trả lời” của Phong hóa hôm thứ sáu tuần trước, có mấy chỗ trở lại chỉ trích về văn từ hoặc tư tưởng, ý kiến của một vài người biên tập của Bản báo, điều đó, theo lẽ, chúng tôi nên có lời giải đáp. Nhưng chúng tôi xin thôi, không giải đáp, là vì nghĩ rằng bao giờ lấy mình bênh vực cho mình thì cũng đứng về địa vị chủ quan cả, cũng dùng cặp mắt chủ quan cả, cái chủ quan đã choán cả trong óc rồi, e khi nói ra xa với lẽ thật mà không tự biết. Chi cho bằng để nhường cho độc giả tự phán đoán lấy là hơn; vì độc giả ở địa vị khách quan, tất nhiên dùng cặp mắt khách quan, rồi sẽ thấy rõ ai phải ai trái hơn chúng tôi.
Đó, thì chúng tôi chỉ vạch bao nhiêu chỗ trẻ con của Phong hóa, Phong hóa đều chối phăng đi hết, cũng là vì cái chủ quan của những người chủ trương Phong hóa quá sôi nổi. Thế thì hôm nay họ chỉ trích lại chúng tôi, chúng tôi cũng lại chối phăng đi cả sao? Như thế rồi nó thành ra cái trò “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, chứ chẳng thành ra trò gì được hết. Vậy thì, nếu có thì tốt, những người đứng ngoài làm trọng tài giữa chúng tôi; mà không, thì để cho thời gian làm trọng tài.
Há chẳng thấy như một bài thơ mới trong hai bài “Hai cảnh trên xe hỏa” đó mà người ta cũng cho là không có thi vị? Ôi! thực tình ra thì sự có thi vị với không nó dễ phân biệt làm sao! Mà “tinh quái” ra thì thế nào cũng bảo là không thi vị được hết mà!
Con mèo, con chó có lông,
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.
Như thế thật là không có thi vị, chúng tôi cũng chịu là không có thi vị.
Còn như bài thơ mới “ăn sò” (Phụ nữ thời đàm số 1) ấy, không phải nó có thi vị hết cả bài, nhưng nó có thi vị ở đoạn sau:“Ở đời kẻ nhỏ thường hay chịu thiệt thòi,
Kẻ lớn có lòng nhân từ nhưng xa xôi,
Thì cũng thế thôi!”
Lấy việc nho nhỏ, việc bán sò không được trả tiền mà suy rộng ra đến việc kẻ lớn kẻ nhỏ là việc trong quốc gia xã hội, việc hằng ngày đáng lấy làm đau xót trước mắt chúng ta, thế mà là không có thi vị ư? Thơ cổ biết bao bài chỉ đến câu chót mới thấy thi vị, thì bài này cũng vậy.
Nhưng mà ngày nay có Phong hóa đã bảo rằng không có thi vị thì cũng thôi, để rồi nó sẽ có thi vị với người ngày mai!
Muốn nghị luận cùng nhau một cách đứng đắn, đừng pha bông lơn, nói trắng ra tức là gây một cuộc bút chiến nên hình, thì cũng phải đợi một vấn đề nào, đôi bên đều có thể đứng ở địa vị khách quan, lấy khách quan mà phán đoán, thì mới có giá trị và chúng tôi cũng chẳng dám từ nào; nhưng đến như sự nói qua nói lại lần này, xin liễu kết từ đây cho tiện.
Tòa soạn P.N.T.Đ.