Phụ nữ thể thao  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 15 (24. 12. 1933), trang 1.

Có người đọc bài phỏng vấn một nữ sĩ Ăng-lê của Minh Tước, trong số báo vừa rồi, thấy nói phụ nữ bên Anh ham thể thao quá, coi như là một sự cần cho đàn bà trên hết mọi sự, thì lấy làm lạ mà ra dáng ngạc nhiên. Họ cho đó là một cái phong thượng kỳ quặc của Tây, Tây quá, không thích hợp với phụ nữ Việt Nam ta; phụ nữ ta dù cho đến bao lâu nữa cũng không có thể có được cái tập tục mê thể thao đến như thế.

Chúng tôi cho rằng nghĩ như thế là lầm lắm. Mọi sự ở trên đời đều bởi sự cần mà có. Ngày nay phụ nữ ta chưa cần đến thể theo mấy nỗi cho nên chưa có cái khuynh hướng sốt sắng về thể thao; chứ đến một ngày kia thấy cần lắm rồi, tự nhiên cũng có lẽ ham thể thao như đàn bà nước Anh vậy.

Cái sân quần của phụ nữ Hà Nội lập ra chỉ để “phơi quần”, theo như lời chế nhạo của báo Phong hóa là phải. Song, ta nên biết, trong khi chưa thấy sự cần cho lắm, thì phụ nữ nguội lạnh đối với thể thao cũng phải.

Người ta, bất kỳ nam nữ, phải nhờ có vận động thì con người mới nở nang, chặt chịa, và mới vui vẻ mà sống. Trước kia chưa có thể thao thì người ta vận động bằng sự công tác hằng ngày. Từ ngày khoa học thịnh hành, phần nhiều công tác hằng ngày phó cho máy móc, mất đi nhiều món vận động tự nhiên, nên mới bày ra khoa thể thao để bổ khuyết. Vậy ta có thể nói rằng cái phong trào thể thao tràn khắp thế giới là chính bởi cơ khí phát đạt mà ra.

Rửa bát, giặt áo gặt quần, cho đến đánh kem, xay cà-phê, ... những việc đó ở bên nước Anh hầu hết do máy điện làm cho cả. Phụ nữ, ngoài sự làm việc bằng trí, có lẽ được ở dưng suốt ngày, không động đến đầu móng tay; sợ cho cái thân người sẽ hóa nên đống thịt, thì bảo sao họ chẳng đua nhau tập thể thao?

Việt Nam ta đến ngày máy móc nhiều ra rồi cũng thế. Cứ xem ngày nay đây, đã có mấy việc công tác hằng ngày của phụ nữ bị máy móc choán đi rồi.

Tát nước bằng gàu giai ở giữa đồng ruộng, là một môn thể thao tốt lắm, cũng như môn thể thao giã gạo bằng chày tay, làm chuyển động được cả gân cốt huyết mạch trong chu thân. Nhưng nơi nào có máy dẫn thủy nhập điền rồi thì phụ nữ nơi ấy không còn phải tát nước nữa; nơi nào đã ăn gạo bởi máy xay ra rồi, đàn bà ở đó không còn phải giã gạo nữa. Mất đi hai việc làm khó nhọc cho thân thể, nhưng cũng đồng thời mất đi hai cách tập luyện cho thân thể. Suy ra đến các việc khác thì cũng thế.

Phụ nữ ta hiện giờ còn lãnh đạm với thể thao là vì thấy chưa cần lắm, mà cũng có một phần ở tại tri thức chưa được mở mang và sinh kế chưa được dư dụ. Chứ mai sau, có một ngày, tri thức mở mang, biết sinh lý người ta là quan hệ, sinh kế dư dụ, có thì giờ để luyện tập, lại gia dĩ máy móc thêm nhiều ra, ít có dịp cất nhắc đến chân tay, thì ngày ấy, đàn bà con gái ta cũng phải chuộng thể thao như họ và chẳng còn ai lấy làm lạ hết.

Ngày đó, sân quần phụ nữ không còn để phơi quần nữa, sẽ mất một cái đầu đề trào phúng của Phong hóa nếu báo ấy còn sống đến ngày ấy!...

P. K.