LỜI MỞ ĐẦU


Chữ Phật 佛 là tiếng gọi tắt chữ Phật-đà 佛 陀 dịch theo âm chữ phạm Bouddha. Lấy cái nghĩa chân-đế 眞 諦 là cái nghĩa chân-thực tuyệt-đối[1] mà xét, thì Phật là hoàn-toàn chân-tính, chân-như bất sinh, bất diệt, độc nhất vô nhị ở trong vũ-trụ. Cái chân-tính ấy thường gọi là Pháp-thân[2], tức là phần sáng tỏ thiêng-liêng, vạn vật nhờ đó mà có, rồi chung qui lại quay về đó. Theo cái nghĩa chân-đế ấy thì chỉ có một Phật chứ không có hai, nhưng lấy cái nghĩa tục-đế 俗 諦 là cái nghĩa luân-chuyển tương-đối[3] của sự báo-ứng biến-hóa mà người ta có thể hiểu biết được mà xét, thì Phật là giác-giả 覺 者, tức là cái danh-hiệu để gọi những bậc có trí-tuệ cực minh-triệt[4], cực cao-siêu, hiểu thấu hết thảy mọi sự mọi vật ở trong vũ-trụ. Những bậc ấy đã chứng được cái pháp-thân chân-thực, vượt qua khỏi cuộc luân-hồi biến hóa, và lại đem sự hiểu biết của mình mà tuyên truyền ra để tế-độ chúng sinh, cứu vớt các giống hữu-tình[5] ở chốn hôn-mê, đưa sang bến giác-ngộ yên-lặng.

Theo cái nghĩa « tục-đế » ấy, thì Phật không phải là cái danh-hiệu để gọi riêng một vị nào, nhưng để gọi chung hết thảy những bậc đã tu thành chính quả viên-mãn, không sót chút gì là mờ-đục ngại-trở và không mắc tí nào vào trong sự biến-hóa vô-thường nữa.

Vậy theo « chân-đế », thì ở trong vũ-trụ chỉ có một pháp-thân, mà theo « tục-đế » thì cái Pháp-thân biến hiện ra nhiều báo-thân ứng-thân cho nên mới nói rằng từ đời vô-thủy đến nay có Hằng-hà sa số Phật.[6]

Nay theo lịch-sử thì người đã thành Phật và đã sáng lập ra đạo Phật là đức Thích-ca mầu-ni. Khi Ngài đã đắc đạo rồi, Ngài đem đạo-lý dạy người ta biết bởi đâu mà có thế-gian và vạn vật, và tại sao mà có sự khổ-não ở đời, rồi Ngài chỉ bảo cho mọi người tự mình nên lấy cái bản-tính sáng-suốt mà phá tan cái mờ-tối, để giải-thoát ra ngoài luân-hồi sinh tử. Đến khi ngài diệt độ, nghĩa là Ngài đã về chỗ chân-như yên-lặng rồi, các đồ-đệ làm tượng Ngài thờ như lúc sống. Bởi vậy mới thành ra có sự thờ-phụng ở các chùa.

Về sau dần dần số tín-đồ nhiều ra, đạo-lý mỗi ngày một mở rộng. Trong số tín-đồ, có phái tu theo cái nghĩa tiểu-thặng, cố tu-hành để giải-thoát lấy mình; có phái tu theo cái nghĩa đại-thặng, lấy lòng từ-bi bác-ái mà tu-hành, không những là để cứu mình mà lại còn lo cứu người. Tiểu-thặng là cỗ xe nhỏ chỉ chở được một người, đại-thặng là cỗ xe lớn chở được nhiều người. Dùng sang nghĩa bóng là nói một phái tu lấy tự giác, tự lợi[7]; một phái tu để tự giác giác tha[8]. Cái nghĩa của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng khác nhau là thế.

Phái Tiểu-thặng tuy cũng nhận có nhiều Phật khác, nhưng chỉ riêng thờ một đức Thích-ca mà thôi. Phái Đại-thặng thì không những thờ đức Thích-ca và đức A-di-đà, mà lại thờ cả các vị Bồ-tát, là những bậc đã tu đắc đạo, nhưng chưa được viên-mãn[9] như chư Phật. Các vị Bồ-tát đều có công-đức lớn ở lại trong thế-gian mà tế-độ chúng sinh. Vì the, sự thờ-phụng và đạo-lý của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng có nhiều chỗ không giống nhau.

Đạo Phật ở nước Việt-nam ta, thuộc về phái Đại-thặng, cho nên ta cần phải biết rõ danh-hiệu và sự tích của chư Phật và chư Bồ-tát cùng các vị thần thánh thờ ở trong các chùa.

Sách này chia ra làm năm mục: Mục đầu nói về Phật-tổ là đức Thích-ca mầu-ni Phật cùng thập đại-đệ-tử; mục thứ hai nói về chư Phật; mục thứ ba nói về chư Bồ-tát; mục thứ tư nói về thế-gian và thế-giới ở trong không-gian và thời-gian mục thứ năm nói về các tượng và cách bài-trí ở các chùa. Sau cùng phụ thêm một mục nói mấy cảnh chùa lớn và cổ ở Bắc-kỳ. Chủ-đích là dùng lời giản-ước và rõ-ràng mà bày tỏ những điều các tín-đồ cần phải biết trong đạo Phật, để tránh khỏi những sự lầm-lẫn về đường tín-ngưỡng.

  1. Tuyệt-đối: Cùng tột, không có gì sánh ngang được.
  2. Pháp-thân: Cái thân thuần là lý, không có sắc, không có tướng.
  3. Tương-đối: Sánh ngang cái nọ đối với cái kia.
  4. Minh-triệt: Sáng suốt.
  5. Hữu-tình: Giống sinh vật có cảm-giác.
  6. Hằng-hà sa số: Số cát ở sông Hằng, nghĩa bóng vô-số.
  7. Tự giác tự lợi: Biết lấy cho mình, lợi lấy cho mình.
  8. Tự giác giác tha: Biết cho mình rồi làm cho người biết.
  9. Viên-mãn: Toàn vẹn.