Phật giáo triết học/IV-5
Tam luận tông.
Tam luận tông là cái tông lấy gốc nơi ba bộ luận: Trung Quan Luận, Thập Nhị Môn Luận (của Long Thọ tạo ra) và Bách Luận (của Đề Bà tạo ra).
Nội dung của tam luận là: một luận nói về chân và tục, một luận về bát bất phá tà, một luận nói về vô sở đắc trung đạo.
Ba luận đứng về ba phương diện mà quan sát, nhưng kết cuộc cũng đồng một (văn bản không rõ).
Chân và vọng, đây không phải nói lại, đại khái bàn bạc khắp nơi trong tập nầy đã nói rõ chân vọng là gì rồi.
« Bát bất » để phá tà, thì trong Trung Luận dẫn ra với mấy câu kệ nầy:
Bất sanh, diệc bất diệt,
Bất thường, diệc bất đoạn,
Bất nhứt, diệc bất dị,
Bất lai, diệc bất xuất,
Năng thuyết thị nhân duyên,
Thiện diệt chư hý luận,
Ngã khể thủ lễ Phật,
Chư thuyết trung đệ nhứt
Bát bất phá tà như thế cũng là bài xích cái vọng mà hiển dương cái chân.
Trung đạo luận là kết quả của cái luận về chân vọng.
Nhứt thiết vạn hữu trong hiện tượng giới đều sanh diệt vô thường. Sanh diệt vô thường như thế nguyên là không có tự tánh, mà bởi nhân duyên mê vọng nên sanh ra giả hữu.
Thế tục, vì vọng kiến, nên chấp lấy cái giả hữu đó. Chân trí thì phủ định giả hữu mà đến nhận thảy thảy là không.
Nhưng mà cái lý không đó, không phải là tuyệt đối. Bởi vạn tượng giả hữu đó, thật là bề trong nó uyển nhiên là không. Rằng hữu rằng không đều chẳng qua là tại ta chưa lìa được vọng tình nên thiên chấp mà ra có thế.
Siêu việt được tất cả hữu và vô, là cái quan niệm tuyệt đối.
Muốn đạt cái quan niệm tuyệt đối ấy phải biết rằng chư pháp đều do nhân duyên sanh ra, thì dứt duyên là hết sanh chư pháp giả hữu.
Chư pháp, tuy là hữu, nhưng mà là phi thường hữu. Hữu, mà phi thường hữu là giả hữu. Giả hữu tuy là hữu mà phi hữu. Hữu mà phi hữu, thì cùng với vô có khác gì? Cho nên chư pháp tuy là vạn hữu, nhưng uyển nhiên là không.
Lý thể của chân như, tuy là không tịch, bất sanh diệt, mà bởi nó sanh ra chư pháp, cho nên nó là căn của giả hữu. Đã là căn của giả hữu thì mặc dầu lý thể của chân như là không, thật ra nó là phi không. Như thế, chân như là không mà không thật là không, cho nên cùng với hữu có khác gì? Vì thế, rốt lại, chân như tuy là không tịch, mà nó uyển nhiên là hữu.
Hữu cùng không, không khác nhau, không cùng hữu, không khác nhau. Hữu hiệp với không, không hiệp với hữu. Hữu là hữu của không, mà không phải là hữu của hữu. Không là không của hữu, mà không phải là không của không.
Hữu, không, hai cái toàn nhiên cùng nhau hỗn hiệp.
Trung đạo ra ngoài chỗ chấp hữu cùng chấp không.
Tại nhận thức của ta sai biệt mà ra có hữu vô. Siêu việt nhận thức, phủ định nhứt thiết, thì đạt được thật tại bất khả tư nghị Nhận thức, chỉ ở được trong phạm vi hiện tượng. Thật tại không phải nhận thức mà được. Chỉ phải nhờ trực quan mà đạt nó thôi.
Giải thoát, là phủ định hiện tượng mê vọng, trong hiện tượng ấy có cả ta nữa.
Thuyết tam luận, tóm lại, chẳng qua là một loại hoài nghi, một loại ngụy biện, và kết cuộc nó chỉ ngừng nơi vấn đề giới hạn của nhận thức.