Phật giáo triết học/IV-1
PHẦN THỨ TƯ
CHƯ TÔNG TRIẾT HỌC
Câu xá tông
Câu xá tông lập ra là do Câu Xá Luận. Luận nầy do Thế Thân bồ tát lấy ý nghĩa trong Mahâvibhasa çâstra mà đặt ra.
Câu Xá Luận phân biệt vạn hữu ra vô-vi-pháp và hữu-vi-pháp. Hữu vi pháp chỉ về vạn tượng trong giới hiện tượng, có sanh diệt chuyển biến. Vô vi pháp chỉ về cảnh giới thường trụ, không sanh diệt chuyển biến, tức là chỉ về lý-thể. Như thế là câu xá tông nhận vật-tâm nhị nguyên.
Trong hữu vi pháp, thì phái hữu bộ (phái đã đặt ra Mahâvibhasa), cho rằng pháp thể là hằng hữu, và pháp thể ấy thì tam thế (quá khứ thế, hiện tại thế, vị lai thế) là thật hữu. Câu xá tông thì chủ trương rằng hiện tại là hữu thể, còn quá khứ và vị lại đều vô thể.
Cái pháp thể gồm vật tâm ấy kết thành, là bởi cái sức của hoặc nghiệp— nghĩa là pháp thể là kết quả của mê vọng. Sức của hoặc nghiệp tuần hoàn vô thỉ đến vô chung, làm ra thân tâm ta cứ luân hồi triền chuyển.
Cứ như thế, thì nguyên nhân sanh khởi của hiện tượng giới là sự hoặc, mà cái nguyên nhân gần là cái nghiệp của ta.
Hoặc nghĩa là không rõ suốt đâu là mê, đâu là ngộ, không hiểu lý của nhân quả. Như lý hoặc, là không rõ đạo lý của khổ, tập, diệt, đạo; như sự hoặc là không rõ sự tướng của vạn hữu.
Nghiệp là sự động tác của ta hằng ngày. Nghiệp có ba thứ: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Ý nghiệp, là đều ta phân biệt cùng tư lự ở trong tâm tư, tức là cái động cơ (le mobile). Hai cái thân nghiệp và khẩu nghiệp là nghiệp do động cơ kia (do ý nghiệp) mà phát hiện ra ngoài.
Bởi các cái nghiệp ấy làm nhân, mà dẫn đến những cái kết quả, làm thành hiện tượng giới.
Nghiệp nhân dẫn quả, chia ra nhiều giống. Kể có lục nhân, tứ duyên, và ngũ quả.
Lục nhân là: năng tác nhân, câu hữu nhân, đồng loại nhân, tương ứng nhân, biến hành nhân, dị thục nhân.
Năng tác nhân là cái nhân phổ biến, còn năm cái nhân kia đều là nhân riêng. Khái quát sáu cái nhân, ta có thể lấy năng tác nhân.
Nguyên nhân là đối với kết quả phải có sức năng tác (efficience) nghĩa là cái sức hay làm được cho nhân kết quả.
Năng tác nhân có phạm vi rất rộng, sánh với năm cái nhân kia tổng hiệp lại. Phàm cái chi không thuộc vào năm nhân kia, thì thuộc vào năng tác nhân.
Câu hữu nhân. — Vạn vật không có cái gì là đứng riêng một mình mà độc sanh, mà vật nầy cùng vật nọ cùng đứng chung nhau nương tựa. Chẳng những tiền nhân hậu quả kế tiếp nhau mà sanh trong thời gian, mà lại còn đồng thời nhân và quả trông ngóng đợi chờ nhau ở trong không gian, Bao nhiêu những cái nhân như thế gọi bằng câu hữu nhân.
Câu hữu nhân lại chia ra hai thứ. Một thứ là « hộ vi quả » câu hữu nhân. — Thuộc về loại nầy phải có hai vật trở lên, mà hai những vật đó cùng làm nhân làm quả với nhau. Còn thứ nhì là « đồng nhứt quả » câu hữu nhân. Thuộc về loại nầy phải có hai vật trở lên, cùng hiệp lực nhau làm thành một quả chung.
Đồng loại nhân. — Đồng một vật mà mới cũ đổi thay, sống chết giao thê, mà hiện tượng trước làm nhân cho hiện tượng sau.
Tương ứng nhân. — Câu Xá Luận bảo rằng trong bảy mươi lăm pháp có vương tâm. Khi vương tâm tác dụng thì có nhiều tâm sở đồng ứng để giúp nó Bởi thế nên gọi bằng tương ứng nhân
Biến hành nhân. — Biến hành nhân cũng một loại với đồng loại nhân. Nhưng mà đồng loại nhân thì phổ biến ở nơi vạn hữu, còn biến hành nhân thì chỉ gom lại ở trong cái biến hành phiền não trong tâm sở:
Dị thục nhân. — Dị thục nhân là cái nguyên nhân làm cho con người phải chịu cái kết quả nổi chìm lành dữ. Nguyên nhân ấy là thiện hoặc là ác, mà kết quả ta không nhận ra
Duyên. Duyên là thứ nhân, tức là cái nhân tiếp giúp nguyên nhân để cho thành quả. Nhưng cũng có cái nhân và cái duyên không phân biệt nhau được, mà ra nhân tức là duyên, duyên tức là nhân.
Duyên chia ra bốn loại. Một là nhân duyên, hai là đẳng vô gián duyên, ba là sở duyên duyên, bốn là tăng thượng duyên.
Nhân duyên là chỉ cái nguyên nhân thân mật phát sanh vạn vật. Trừ cái năng tác nhân ra, còn thì năm cái nhân kia đều là vào loại nhân duyên nầy cả: ở đây nhân tức là duyên.
Đẳng vô gián duyên là riêng nói về sự phát động của tâm. Tâm trước tâm sau, hai cái có cái thể đồng đẳng nhau. Tâm trước diệt, làm cái duyên phát động tâm của hiện tượng sau, không có gián cách ở khoảng nào cả.
Sở-duyên duyên là nói về cái tâm pháp. Phàm khi tâm khởi lên, là nó dựa vào cảnh khách quan mà khởi, cho nên cảnh khách quan ấy gọi là sở-duyên, nghĩa là cái bởi đó mà ra duyên.
Tăng thượng duyên cũng là năng tác nhân.— Tăng thượng duyên cũng gọi là công duyên.
Quả. — Bởi lục nhân tứ duyên mà ra thì có năm loại kết quả. Một là dị thục quả, hai là đẳng lưu quả, ba là ly hệ quả, bốn là sĩ dụng quả, năm là tăng thượng quả.
Dị thục quả là do dị-thục nhân mà có, Do cái nghiệp lực quá khứ hoặc thiện hoặc ác làm ra, mà ta không nhận thấy được quả thể, tức là dị thục quả.
Đẳng lưu quả là cái kết quả do đồng loại nhân, hoặc biến hành nhân mà có. Ấy là chỉ về cái kết quả của hiện tượng nào cùng đồng đẳng, đồng lưu, (dòng) đồng loại với nguyên nhân của hiện tượng ở trước nó.
Ly hệ quả là cái kết quả không do lục nhân, tứ duyên mà có, nhưng mà kết quả ấy có ra là bởi cái vô lậu chân trí (trước đã có nói về vô lậu và hữu lậu), thoát ly hệ phọc của vô minh và của phiền não, mà chứng được cảnh niết bàn. (Ly: lìa khỏi; hệ: trói buộc).
Sĩ dụng quả — Sĩ đây là lấy cái danh sĩ phu mà nói. Dụng là tác dụng. Sĩ dụng quả là cái kết quả do hai cái câu-hữu nhân và tương ứng nhân nương nhau mà thành, cũng như các thứ sự nghiệp dựa vào tác dụng của sĩ phu mà có.
Tăng thượng quả là cái quả kết thành bởi năng tác nhân và tăng thượng duyên.
Tóm lại, bởi có mê hoặc mới có nghiệp. Và do cái nghiệp đó mới sanh khởi hiện tượng giới. Còn sanh diệt tuần hoàn là do nơi thập nhị nhân duyên.
Nhân sanh quan. — Nhân sanh quan của câu xá tông do thế giới quan ở trên đây mà diễn dịch ra. Nhân sanh do hoặc nghiệp mà khởi sanh, thì mê vọng như mộng huyễn. Vạn hữu mê vọng như huyễn, thì vô thường, vô ngã. Cứ mãi mãi nổi chìm trong giới mê vọng vô thường vô ngã, là sự đau khổ lớn nhứt.
Nhưng mà hoặc và nghiệp là giả chỉ cái nhân ở quá khứ. Đem mà luận vào hiện tại, còn có giá trị gì? Hằng ngày ta chứng lượng sự vật hiện tại, thấy biết nó mê vọng, thì phải làm thế nào?
Đáp vấn đề nầy, tiểu thừa phật giáo lấy hai cái pháp ấn: chư hành vô thường, và chư pháp vô ngã.
« Chư hành vô thường », là nói rằng vạn hữu đều sanh diệt chuyển biến, không có cái nào là thường trụ. Vô thường phân ra hai thứ: Sát-na vô thường, và phân đoạn vô thường.
Sát-na (tiếng phạn là ksana) là nháy mắt, chỉ cái thời gian cực ngắn. Sát-na vô thường lấy thí dụ mà nói, thì như một thác nước đổ xuống, lớp trước vừa thoáng qua, lớp sau đã trút xuống, không có một chút nước nào đình trụ lại một sát-na, cũng không có một thể nước với nhau. Vạn vật đều từ sát na, từ sát na, sanh diệt biến hóa, không một mảy thời gian nào mà nó đồng một thái độ được. Ta buổi sáng, cùng ta buổi trưa, với ta buổi chiều không phải cùng là một ta. Thậm chí, trong một sát-na có đến chín trăm lần sanh diệt.
Phân đoạn vô thường là cái kết quả của sát-na vô thường. Mỗi sát na đều có những bằng mấy trăm lần sanh diệt chuyển biến, nhưng sự chuyển biến ấy không thấy được. Mà nó lần lần đổi thay. Đến chừng ta thấy được kết quả của sự chuyển biến, thì ta coi như có phân đoạn. Tức như hồng nhan hóa làm bạch cốt, thạnh biến ra suy, sanh lại diệt. Vạn vật trong hiện tượng giới không thoát ra ngoài sự thành hoại vô thường.
« Chư pháp vô ngã », là nói rằng: không thể nào tìm được thật ngã chủ tể thường nhứt, trong cõi vô thường như trên đã nói. Vạn vật do lục nhân, tứ duyên giả hòa hiệp, mà vô thường, mà chuyển biến không ngừng trong một sát-na nào. Bởi vô thường như thế cho nên vô ngã.
Nếu phân tích ra nhỏ mãi, thì kết quả, ở ngoài ngũ uẩn, không có vật gì cả. Thế thì nói rằng có cái thật ngã chi phối ta, để chuyển truyền qua đời sau, thì thật là mê lý, thật là không tưởng. Cho nên không nên chấp có hữu vi vô thường, mà chỉ nên trông ở cõi niết bàn thường tịch.
Lại còn cái vô ngã giả tồn đã nói trên đây cũng không đủ để chấp nó. Cái phải nắm giữ là phương pháp trong giới thường tịch.
Do đó sanh ra chủ nghĩa cấm dục, để cầu giải thoát.
Giải thoát luận.— Nhân sanh là khổ, uế, mê, vọng. Cho nên cần phải giải thoát. Chung cuộc của sự giải thoát theo tiểu thừa giáo, là diệt cho được cái thân thể bị sanh diệt vô thường, đoạn tuyệt cái vọng trí là cái căn nguyên của sự phiền não, mà vào cõi niết bàn là cảnh vô vi thường tịch, tức là nhứt trí được với cái thật tại trong lý tưởng.
Tiểu thừa giáo chủ trương như thế, thì chẳng những chung cuộc giải thoát là tiêu cực, mà cái khởi điểm (tức nhân sanh quan) cũng toàn thị là tiêu cực. Cho nên cái phương-thức giải thoát cũng phải dùng thủ đoạn tiêu cực mà chế ra.
Phương-thức giải thoát có ba; giới, định, tuệ. Giới là giới luật. Định là thiền định. Tuệ là phân biệt được pháp tướng của sự tượng; là rõ lý nhân quả của tứ diệu đế, tức là chỉ cái tác dụng của tinh thần kìm chế được sự hoặc và lý hoặc.
Cứ theo cái thủ đoạn đó mà đi đến cái kết quả cuối cùng thì là ăn vào diệt đế (trong tứ diệu đế), nghĩa là vào cảnh giới niết bàn, nhứt trí với cái thật tại tiêu cực.
Tóm lại, phương thức của giải thoát là đạo đế (trong tứ diệu đế). Cái đạo đế ấy là bát chánh đạo (mârga, đã nói rồi), tức kết quả cùng với giới, định, tuệ bất quá không đồng nhau là về chỗ khai hiệp mà thôi.
Chung cuộc của giải thoát là phải vào niết bàn tức là thuộc về diệt đế (trong tứ diệu đế).