Phật giáo triết học/II-6
Nghiệp. — Về phương diện giải thoát, tức là về phương diện luân lý, nhà Phật chủ trương phải diệt nghiệp. Trong khi nói về ngũ uẩn, trên kia đã có nói qua nghiệp như thế nào rồi. Đây hãy nói rõ hơn nữa. Vì nếu cả nền siêu hình học của phật giáo là ở nơi luận về thập nhị nhân duyên, thì cả nền luân lý của phật giáo là ở nơi luận về nghiệp (karma)
Nghiệp của phật giáo, cũng như nghiệp của bà la môn giáo (brahmanisme) là công việc của mình làm, khiến cho mình luân hồi mãi. Đến giải thoát được là khi nào diệt được nghiệp. Nhưng giải thoát trong bà la môn giáo là bổn ngã trở về với bráhma, hiệp nhứt với brahma. Còn giải thoát trong phật giáo là đến cõi niết bàn (nirvâna).
Niết bàn là gì? Trong Phật giáo kiến giải về niết bàn không có đồng nhứt. Có chỗ nói là cõi « ly sanh diệt », có chỗ nói là cõi « xuất ly phiền não », có chỗ nói là cõi « viên mãn thanh tịnh », cũng có chỗ nói là cõi « diệt tận nhứt thiết tập khí » nghĩa là diệt tận những cái thú tánh trong người.
Có nơi nói rằng niết bàn là cái thể thoát ly vòng luân hồi, thoát ly vật chất, thoát ly tình cảm, nghĩa là đến cái thể không sầu khổ, không hân hoan gì cả.
Lại có chỗ nói rằng niết bàn là cái mực tự do vô thượng, là cõi khoái lạc tinh thần, đến đó thì tuyệt đích bất diệt. Niết bàn có thể đạt được ở cõi đời, là về phương diện tinh thần. Nhưng muốn đạt được niết bàn một cách hoàn toàn thì phải diệt tận ngũ uẩn, nghĩ là phải chết, phải không còn tư tưởng, không còn hành động.
Tư tưởng niết bàn bao hàm tư tưởng có nghị lực tinh thần. Niết bàn là chí thiện.
Không đến được niết bàn thì cái nghiệp còn triền miên luân chuyển mãi, « dầu cho ở thượng tiêu, dầu cho ở đáy biển, dầu cho ở đâu trong thế giới, cũng không chỗ nào người ta thoát khỏi nghiệp báo. » Người ta thường ví nghiệp luân hồi với sự tầm lộn nhộng hóa bướm. Tầm ăn dâu mà phải kéo tơ, rồi lại tự quấn mình vào tơ mà thành nhộng, nhộng lại hóa bướm cắn lấy kén mà ra. Ra rồi bướm lại cấp đôi, đẻ trứng, sanh ra tầm.
Nghiệp có ba (trividhadvâra). Là thân nghiệp, tức là nghiệp do sự hành động của thân thể mà ra, khẩu nghiệp, tức là nghiệp do lời nói mà ra: lời ác, lời dối, làm ra nghiệp xấu; ý nghiệp, tức là nghiệp do ý niệm, tư tưởng, mà ra. Cái ý mặc dầu chưa ra ngoài, cũng có thể tạo nên nghiệp, là vì có ý ắt có dẫn đến hành. Bởi thế cho nên nhà Phật nói: « nhứt niệm khởi, thiện ác dĩ phân »