TỪ GIẢI

Giải-nghĩa những tiếng chữ nho dùng trong sách này

Ảo: Chính âm chữ này là hoạn, nhưng ta quen đọc là ảo, nghĩa là mê-hoặc, không thực

Ảo-ảnh: Hình-ảnh hư-vọng.

Ảo-tưởng: sự tưởng-nghĩ hư-vọng.

Ảo-tượng: hình-tượng có có, không không, không thực.

Biểu: ngoài, rõ ra ngoài.

Biểu-lộ: hiện lộ ra ngoài.

Biểu-tượng: làm cho hiển-hiện ra ngoài để dễ hiểu-biết.

Biểu-thị: bày-tỏ cái ý-nghĩa ra.

Cao-siêu: cao vượt lên trên sự hiểu-biết thường.

Căn-nguyên: cỗi-nguồn.

Chiền-miên: ràng-rịt, chằng-chịt.

Chiết-trung: so-sánh hơn kém, lấy ý-nghĩa trung-bình ở giữa.

Chủ-quan: quan-niệm tự ở tâm mà ra

Duyên cảnh: cảnh-giới thuộc về duyên-nghiệp.

Duyên tự: mối dây về duyên-nghiệp

Dung-nạp: bao-dung nạp-thụ.

Hoắc nhiên: nhanh-chóng.

Hiện-thực: cảnh-giới thực có (le réel), không biến-đổi.

Hiện-tượng: những sự-vật hiện ra ở trong vũ-trụ.

Hư vọng: giả-dối, không chân-thực.

Huyễn-hoặc: mờ mắt, che mắt như quỉ-thuật.

Y-bát: áo cà-sa và bát ăn của người tu đạo Phật, nghĩa bóng là nói đạo-thống của Phật-giáo.

Ỷ-lại: nhờ-cậy, nương-dựa.

Kiếp: kiếp có hai nghĩa, một nghĩa nói cái đời sống của một người, một vật; một nghĩa nói khoảng thời-gian của thế-giới.

Khách-quan: quan-niệm về ngoại vật, ngoài tâm-trí của mình.

Khế-hợp: đúng, ăn với nhau.

Khiên-dẫn: lôi giắt.

Khổ-não: đau-khổ.

Liễu-kết: kết-quả.

Liễu-ngộ: hiểu rõ, biết rõ.

Lĩnh-nạp: thu-nhận lấy.

Lợi-căn: cỗi-rễ tốt, có thiên-tư tốt.

Mông-muội: tối-tăm, mờ-mịt.

Ngã chấp: cố chấp cái giả-ngã.

Nguyên-ủy: đầu-đuôi, gốc-ngọn.

Ngộ đạo: hiểu thấu được đạo.

Nghiệp báo: sự báo-ứng do cái nghiệp gây ra.

Nhận-thức: nhận biết, cũng như tri-thức.

Nhiễm nhân: cái nhân vì có sự nhuộm thấm mà thành ra.

Nhu-dụng: cần-dùng.

Pháp chấp: cố chấp chư pháp là có thật.

Pháp-luân: bánh xe của Phật-pháp, tức là nói cách giảng-dạy của Phật.

Phát-động: khởi-phát ra.

Phù-hợp: đúng, hợp.

Phú-dữ: nói tính trời phú cho.

Phương-thức: cách, lối (moyen) để làm việc gì.

Phương-tiện: phương-thức tiện-lợi.

Qui-túc: qui là về, túc là chỗ ngủ. Nói chỗ tinh-thần của người ta quay về mà yên-nghỉ.

Sai-dị: khác nhau.

Sâm-la: rậm, nhiều.

Sưu-tập: tìm-nhặt, gom-góp.

Tịch-tĩnh: im-lặng.

Tiến-triển: tiến mở ra.

Tư trợ: giúp-đỡ.

Tự-tại: có luôn, không biến-đổi.

Tự tướng: cái hình-tướng riêng của mình.

Tự thể: bản-thể riêng của mình.

Tự tính: bản-tính riêng của mình.

Thặng: tiếng này có hai âm. Một âm thặng, danh-tự, là cỗ xe chở người, một âm là thừa, động-từ (verbe) là cỡi. Khi nói Đại-thặng, Tiểu-thặng thì phải gọi là thặng mới đúng. Nhưng có người có người gọi quen là thừa thì lầm.

Thiên chấp: cố-chấp một điều thiên-lệch, không đúng chân-lý.

Thực-tại: sự hiện-có của vạn vật (Etre, existence).

Uyển nhiên: y nhiên.

Vi-tử: cũng nghĩa như nguyên-tử.

Vô lậu: không sét, không dỉ.

Vọng nhận: nhận bậy, nhận quấy.

Vọng ngã: cái ngã sai-lầm.

Xiển phát: mở rộng ra, mà khai phát thêm.

Xiển chuyển; mở ra và biến-đổi.




CHUNG