Phạt Tống lộ bố văn

Phạt Tống lộ bố văn  (1075) 
của Lý Thường Kiệt

Xem bài viết về Phạt Tống lộ bố văn trên Wikipedia, bách khoa toàn thư mở.

Tiếng Hán

sửa

天生蒸民,君德則睦。君民之道,務在養民。今聞,宋主昏庸,不循聖范。聽安石貪邪之計,作青苗助役之科。使百姓膏脂涂地,而資其肥己之謀。

蓋萬民資賦於天,忽落那要离之毒。在上固宜可憫,從前切莫須言。

本職奉國王命,指道北行。欲清妖孽之波淘,有分土無分民之意。要掃腥穢之污濁,歌堯天享舜日之佳期。

我今出兵,固將拯濟。檄文到日,用廣聞知。切自思量,莫懷震怖。

Phiên âm Hán Việt

sửa

Thiên sinh chưng dân, quân đức tắc mục. Quân dân chi đạo, vụ tại dưỡng dân. Kim văn, Tống chủ hôn dung, bất tuần thánh phạm. Thính An Thạch tham tà chi kế, tác "thanh miêu", "trợ dịch" chi khoa. Sử bách tính cao chi đồ địa, nhi tư kỳ phì kỷ chi mưu.

Cái vạn dân tư phú ư thiên, hốt lạc na Yêu Li chi độc. Tại thượng cố nghi khả mẫn, tòng tiền thiết mạc tu ngôn.

Bản chức phụng quốc vương mệnh, chỉ đạo Bắc hành. Dục thanh yêu nghiệt chi ba đào, hữu phân thổ vô phân dân chi ý; yếu tảo tinh uế chi ô trọc, ca Nghiêu thiên hưởng Thuấn nguyệt chi giai kỳ.

Ngã kim xuất binh, cố tương chủng tế. Hịch văn đáo nhật, dụng quảng văn tri. Thiết tự tư lường, mạc hoài chấn bố.

Tạm dịch

sửa

Dân là do trời sinh ra, nếu vua có đức thì dân sẽ hòa thuận. Đạo trị nước của vua đối với dân cốt yếu là ở chỗ biết nuôi dưỡng dân. Nay nghe rằng vua nhà Tống ngu muội, không noi theo khuôn phép của thánh nhân, lại nghe theo kế sách tham tà của [Vương] An Thạch, đặt ra các thuế má như thuế "thanh miêu"[1] và "trợ dịch".[2] Mỡ máu của dân đổ xuống đất chỉ để phục vụ cho lợi ích của kẻ tham lam.

Vạn dân vốn được trời ban phúc lộc, nay bỗng nhiên lại gặp độc kế của Yêu Ly.[3] Người cầm quyền phải có lòng thương cảm, đừng vì chuyện đã qua mà oán trách.

Ta vâng lệnh quốc vương, dẫn quân về phương Bắc. Mong muốn dẹp sạch sóng dữ của yêu nghiệt, ý ở chỗ phân định rõ đất, nhưng không chia cắt dân. Muốn quét sạch những sự nhơ bẩn, để có ngày vui như thời Nghiêu, hưởng thịnh trị như thời Thuấn.

Nay ta xuất quân cốt để cứu giúp dân chúng, hịch văn này được truyền đến các nơi để ai nấy đều hay biết. Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng, chớ ôm lòng sợ hãi.

   




Chú thích

  1. Thanh miêu (青苗) là một chính sách kinh tế được đề xuất bởi Vương An Thạch nhằm mục đích giảm bớt khó khăn tài chính cho nông dân và tăng thu nhập cho nhà nước. Theo đó, nhà nước cung cấp cho nông dân các khoản vay lãi suất thấp vào mùa xuân để mua sắm giống và phân bón, sau đó thu lại khi đến mùa thu hoạch.
  2. Trợ dịch (助役) là một chính sách khác trong cải cách của Vương An Thạch, có thể hiểu là "thuế lao dịch bổ sung." Chính sách này nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng lao dịch trực tiếp cho nông dân và tăng nguồn thu cho nhà nước bằng cách cho phép dân chúng đóng tiền thay vì trực tiếp đi lao dịch cho nhà nước.
  3. Yêu Ly (要離) là một thích khách người nước Ngô đời thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, bị Ngô vương Hạp Lư ép dùng khổ nhục kế chặt mất tay phải, giết chết cả vợ con, để tiếp cận công tử Khánh Kỵ.