Phép huấn luyện thú rừng

Tuyển tập tạp văn của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Phép huấn luyện thú rừng

Vừa rồi lại có cuộc giảng diễn rất có ích, ấy là Sơuâytơ, viên quản lý đoàn xiếc Haichinhpô giảng cho chúng ta về "cách huấn luyện động vật như thế nào" ở từng lầu thứ ba của Trung Hoa Học nghệ xã. Tiếc tôi không được cái hân hạnh đến nghe, chỉ xem thấy thuật lại trên báo. Nhưng nội ở trên báo cũng đã đủ có nhiều điều mới mẻ lắm rồi:

"Có người cho rằng thú rừng có thể lấy nắm tay, sức mạnh đối phó nó, áp bách nó, là không đúng, vì nó là cách đối phó tú rừng của người dã man trước kia, chứ bây giờ, cái phương pháp huấn luyện không như vậy đâu.

"Hiện giờ cái phương pháp chúng tôi dùng, là lấy lực lượng của sự yêu thương để được lòng tín nhiệm của chúng nó đối với người, lấy lực lượng của sự yêu thương, cái tâm tình hòa dịu làm cảm động chúng nó..."

Mấy lời đó tuy ra từ miệng người Giécmanh, nhưng cũng mười phần hợp với lời dạy của thánh hiền chúng ta đời xưa. Đối phó bằng nắm tay, sức mạnh, tức gọi là "bá đạo". Nhưng mà "lấy sức mạnh phục người, không phải là tâm phục"[1], cho nên người văn minh phải dùng "vương đạo" để lấy được "tín nhiệm": "dân không tin, không đứng được"[2].

Trái lại, sau khi có được "tín nhiệm" rồi, thú rừng có thể đem làm trò được ngay:

"Người huấn luyện, sau khi đã lấy được tín nhiệm ở chúng nó rồi, rồi mới có thể bắt tay huấn luyện chúng nó được: Bước thứ nhất, có thể làm cho chúng nó nhận rõ chỗ ngồi chỗ đứng ; tới một bước, có thể bắt chúng nó nhảy qua vật gì hay là đứng thẳng lên..."

Phép huấn luyện thú vật cũng giống với phép chăn dân, cho nên người đời xưa chúng ta cũng gọi những ông lớn trị dân là "mục".

Nhưng mà cái vật "mục = chăn" đó là bò dê, khiếp nhược hơn thú rừng, vì vậy không cần chuyên cậy ở "tín nhiệm", không can chi dùng cả nắm tay, ấy tức là cái "uy tín" lộng lẫy đàng hoàng.

Những động vật bởi "uy tín" trị nó được rồi, "những sự nhảy qua vật gì, đứng thẳng lên" còn chưa đủ, kết quả không đem dâng lông, sừng, máu, thịt không được, ít nhất là hằng ngày vắt sữa nó ra, - như những sữa bò, sữa dê.

Nhưng mà đó là phép đời xưa, tôi không thấy được cũng có thể đem dùng ở hiện tại.

Nghe nói sau khi Sơuâytơ giảng diễn, còn có cuộc vui như "tấu nhạc phương Đông" cùng "đá kiệu" các thứ, trong báo nói không rõ, không làm sao biết được cặn kẽ, giá biết được, tôi tưởng, hoặc cũng rất có ý nghĩa.

27-10-1933
(Dịch ở Chuẩn phong nguyệt đàm)

   




Chú thích

  1. Đây là một câu sẵn có trong sách Mạnh Tử, nguyên văn là: "Dĩ lực phục nhân giã, phi tâm phục dã."
  2. Đây là một câu sẵn có trong sách Luận ngữ, nguyên văn là: "Dân vô tín bất lập."