Phép đặt đầu đề
Lời thương xác cùng Minh Viên tiên sanh
Đọc Tiếng dân ra ngày 30 Juillet, bài Viết thơ và làm văn của Minh Viên tiên sanh trong đó có một đoạn nói về sự đặt đầu đề, tiên sanh nói rằng :
“Trong bài chưa nói hay dở, chỉ xem cái đầu đề mà đã thấy thông hay dốt rõ ràng. Nhiều người vì cớ khinh suất, hoặc quen theo lối sáo, thấy người ta viết mà bắt chước như đầu đề mà hay dùng chữ “Bàn về”. Ví dụ: “Bàn về tình hình kinh tế ở xứ ta ngày nay” ; “Bàn về học thuyết ông Tôn Văn”, v.v…
Nói cho đúng thì hai chữ “Bàn về” là thừa ra, không ăn thua gì trong bài, mà lại làm rườm cả cái đề, như cái mụt đeo trước con mắt ; người rành nghề không ai dùng hai chữ đó, mà chỉ nói : “Tình hình kinh tế”, … “Học thuyết Tôn Văn” mà cũng đủ nghĩa”.
Tiên sanh kêu bằng “đều đề” (titre) đó, nhiều người hay kêu bằng “tựa”. Kêu bằng “tựa” không trúng, kêu bằng “đầu đề” hay là “đề” mới trúng. Bởi vì “tựa” tức là cái bài để ở đầu một cuốn sách, tiếng Pháp gọi là préface, chớ không phải đầu đề, là titre.
Cứ như một đoạn dẫn trên đây, Minh Viên tiên sanh dạy cho người ta làm văn trước phải cẩn thận sự đặt đầu đề là phải lắm. Có nhiều khi vì cái đầu đề không ổn đáng mà làm cho cả bài văn thành ra hư hỏng, dầu bài văn ấy là hay cũng mặc, cho nên cẩn thận là phải.
Đại để sự đặt đầu đề cũng như sự định nghĩa hay là lập giới thuyết (donner une définition). Lập giới thuyết cho một cái danh từ nào thì phải y theo cái giới hạn của ý nghĩa của danh từ ấy, không dư không thiếu ; cũng vậy, đặt đầu đề cho một bài nào thì phải y theo cái giới hạn của đại ý bài ấy, không thiếu không dư.
Lẽ đó tiên sanh dạy phải lắm, tôi xin đồng một ý với tiên sanh. Song le, về cái ví dụ tiên sanh đã lấy, thì tôi cho là chưa đúng, vả lại sai với phép đặt đầu đề nữa, cho nên tôi mới viết ra đây mà xin cùng tiên sanh thương xác lại.
Xin độc giả chớ thấy vầy mà cho là tôi hay cãi, và chớ lấy làm lạ sao tôi lại dám cãi đến lời của Minh Viên tiên sanh.
Tôi đã nhiều lần nói rằng xã hội ta ngày nay mọi người nên lấy lý trí (raison) mà phán đoán mọi sự cùng nhau, chớ không chuyên về một mặt tình cảm (sentinent). Hễ lấy tình cảm mà khỏa lấp lý trí thì những điều sai lầm trong xã hội cứ việc mà sai lầm mãi, cái hại không phải là nhỏ. Bởi vậy tôi thấy điều chi sai lầm thì tôi nói ; mà tôi tưởng sự tôi nói cũng không hại chi đến cảm tình. Huống chi một người lão thành minh đạt như Minh Viên tiên sanh, lời của người nói ra, ai nấy sẽ coi là khuôn vàng thước ngọc, nếu mà có chỗ sai lầm thì lại còn hại hơn lời của người khác nữa, bởi vậy tôi lại còn lấy làm cần mà phải nói, không thể bỏ qua.
Ở đây tôi cũng nên tỏ cho ai nấy biết rằng cách ba năm trước khi tôi cãi với báo Tiếng dân về Nam sử, về vấn đề nước Pháp giúp nước Nam hơn một trăm năm trước đây, cũng một ý ấy[1].
Hoặc giả còn có người nói rằng biện bác với nhau trên báo là biện bác về việc gì lớn kia, chớ còn về cách đặt đầu đề đây là việc tầm thường, chẳng đáng chi mà biện bác. Nếu nói vậy cũng không phải. Vì nếu là việc không quan hệ thì thôi, Minh Viên tiên sanh có đem mà phô trương trên báo làm chi ? Đã đem mà viết trên báo, thì dầu lớn dầu nhỏ cũng có quan hệ. Quan hệ thì tôi phải nói, miễn là tôi nói có lý.
Tôi cho sự tiên sanh bảo cẩn thận về sự đặt đầu đề là phải ; còn cái ví dụ tiên sanh lấy đó sai lầm. Rồi tôi cắt nghĩa như vầy:
Cái đầu đề mà đặt rằng “Bàn về tình hình kinh tế ở xứ ta ngày nay” với cái đầu đề đặt rằng : “Tình hình kinh tế ở xứ ta ngày nay”, hai cái có ý nghĩa khác nhau. Cái ví dụ thứ nhì : “Bàn về học thuyết ông Tôn Văn” với “Học thuyết ông Tôn Văn”, hai cái đầu đề ấy cũng lại khác nhau như vậy.
Theo tôi tưởng thì khi mình viết một bài mà chỉ kể rõ cái tình hình kinh tế của xứ ta ngày nay mà thôi, không có ý phê bình nó thế nào thì nên đặt đầu đề là “tình hình kinh tế ở xứ ta ngày nay”. Song nếu mình kể rõ cái tình hình ấy rồi, lại còn lấy ý kiến mình mà phán đoán nữa, bảo phải nhơn tuần nó hay là cải cách, thì khi ấy, trên cái đầu đề đó nên thêm hai chữ “bàn về” hay là chữ gì giống như vậy mới phải. Bằng chẳng vậy, không có hai chữ “bàn về”, thì cái đầu đề thiếu đi, không vừa giới hạn, nghĩa là không sung túc cái lượng của nó.
Cái ví dụ thứ hai lại còn dễ rõ hơn nữa. Nếu khi tôi muốn biện bác những điều sai lầm trong học thuyết của Tôn Văn - việc nầy có người làm rồi như Hồ Thích – mà tôi không đặt cái đầu đề “Bàn về học thuyết Tôn Văn” tôi chỉ theo như tiên sanh, nói rằng : Học thuyết Tôn Văn, rồi thì nó thành ra bổn thân cái học thuyết của Tôn Văn đi còn chi ? – Vì chính cái học thuyết ấy đã được đặt tên là “Tôn Văn học thuyết”.
Bởi cái lý do ấy, tôi xin Minh Viên tiên sanh đính chánh lại chỗ lầm nầy. Vẫn biết hai chữ “bàn về” không nên lạm dụng như “Bàn về sông Hương Giang”, “bàn về chợ Đông Ba” trong cuốn sách giáo khoa kia mà tiên sanh chỉ đó ; song, theo phép đặt đầu đề khi nào cần để chữ “bàn về” thì cũng phải để chữ “bàn về” hay là chữ gì như chữ “bàn về”, chớ không thể bỏ bớt đi. Vì theo trên kia đã nói, bỏ bớt thì không đủ nghĩa, dầu tiên sanh đã nói rằng “mà cũng đủ nghĩa”.
Cốt ý bài nầy của tôi chỉ có thế. Sau hết tôi xin thanh minh rằng về chỗ đó, tôi thấy Minh Viên tiên sanh nói sai, tôi sợ kẻ học nhơn đó mà mắc lầm nên tôi chỉ trích ra cho thấy. Nếu tôi nói phải thì nghe ; bằng có ai cho tôi nói quấy thì viết ra mà bẻ bác lại tôi ; chớ xin đừng thấy tôi nói có bấy nhiêu lời mà nói tôi phản đối cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tôi nói rồi đa. Một đừng, hai đừng !
Cuối bài “Viết thơ và làm văn” của Minh Viên tiên sanh đó, có một đoạn nói về cái thuyết chánh danh của Khổng Tử. Tiên sanh cũng cho cái nghĩa chánh danh là hệ trọng lắm, chẳng khác những lời tôi đã phát huy cái nghĩa ấy ra trong mấy bài đăng ở Phụ nữ tân văn. Về sự nầy thật tiên sanh đã vô ý mà như biểu đồng tình với tôi, tôi rất lấy làm cảm tạ tiên sanh ; và cũng xin khuyên độc giả của Tiếng dân hãy nghiền ngẫm đoạn ấy cho kỹ, vì nó có ích lắm.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Các bài Phan Khôi tranh luận về việc này đăng Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn từ tháng 5 đến tháng 8.1928