Phát biểu của Đại sứ Osius tại Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quan hệ Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam

Phát biểu của Đại sứ Osius tại Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quan hệ Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam  (2015) 
của Ted Osius, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Công bố ngày 26 tháng 1 năm 2015.


Ngày 26/1/2015
Học viện Ngoai giao Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ
Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quan hệ Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam
Phiên Khai mạc


Xin chào và hoan nghênh quý vị,

Tôi thực sự vui khi khai mạc hội nghị quan trọng này với người bạn của tôi, Tiến sỹ Đặng Đình Quý. Tôi muốn nói lời cảm ơn đặc biệt đến rất nhiều người ở đây hôm nay, những người đóng vai trò quan trọng trong quan hệ của chúng ta. Tôi cũng muốn ghi nhận sự lãnh đạo của Thứ trưởng Ngoại giao Ngọc.

Tôi biết tất cả quý vị cũng như tôi hôm nay đều gửi lời cảm ơn sâu sắc và nồng nhiệt nhất tới Đại sứ Pete Peterson, người đã đi tiên phong và làm rất nhiều cho mối quan hệ này. Tôi cũng xin ghi nhận việc Đại sứ Michalak, Tiến sỹ Vikram Singh, bà Ginny Foote, Murray Hiebert, Mike DiGregorio, Frank Jannuzi, và Nguyễn Xuân Thành đã đi những chặng đường dài đến đây để chia sẻ những kiến thức chuyên môn. Sự kiện này mở đầu cho hoạt động kỷ niệm kéo dài suốt năm của chúng ta nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam.

Như chương trình của hội thảo đã trình bày rõ ràng, quan hệ song phương đang ngày càng sâu sắc và trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Hôm nay, chúng ta nhìn lại xem hai nước đã trở nên gần gũi đến thế nào trong khoảng thời gian ngắn đó. Chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đã củng cố ra sao. Chúng ta sẽ thảo luận xem làm sao chúng ta có thể thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện. Chúng ta sẽ chúc mừng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Và – có lẽ là quan trọng nhất – chúng ta sẽ phát triển một tầm nhìn cho 20 năm tới và xa hơn nữa.

Tổng thống Obama đã gọi các mối quan hệ nhân dân là ‘chất keo dính’ làm vững mạnh hơn quan hệ giữa các quốc gia. Tôi cho rằng không có gì là cường điệu khi chúng ta nói về tầm quan trọng của việc xây dựng những cầu nối như thế giữa hai đất nước. Mới tuần trước, tôi đã tham dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng không có biểu tượng nào tốt đẹp hơn FETP và Trường Đại học Fulbright Việt Nam để nói về quãng đường dài hai đất nước chúng ta đã qua và quãng đường dài chúng ta có thể đi tới. Những mối quan hệ cá nhân kiểu đó – cộng với các mối quan hệ giữa các định chế – giữ vị trí trung tâm trong việc xây dựng tương lai chung của chúng ta.

Mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: Chúng tôi muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền.

Mỗi trụ cột trong Quan hệ Đối tác Toàn diện được ký bởi Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang năm 2013 phản ánh cam kết rộng lớn này. Công việc của chúng ta, vì thế, là duy trì và nuôi dưỡng cam kết này.

Hội thảo này sẽ giúp chúng ta nêu bật, xác định, và thảo luận những cơ hội to lớn nhằm thúc đẩy quan hệ song phương xa hơn nữa. Tôi tin rằng, như tôi biết thì tất cả quý vị cũng vậy, 20 năm đầu tiên chỉ là phần mở đầu cho một câu chuyện dài hơn và phong phú hơn rất nhiều.

Tôi muốn cảm ơn Học viện Ngoại giao Việt Nam vì đã tổ chức sự kiện quan trọng này. Tôi cũng muốn cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, và Trường Đại học Bang Portland về những đóng góp quan trọng của họ để đưa hội thảo này trở thành hiện thực.

Tôi chờ mong những cuộc bàn thảo của chúng ta và tôi hy vọng hội thảo hôm nay sẽ truyền cảm hứng cho các cuộc bàn thảo và dẫn đường cho chúng ta đưa mối quan hệ này tiến về phía trước theo những phương thức mới và hiệu quả.

Xin cảm ơn.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: