Nho giáo/Quyển IV/Thiên III-6

d) TÂN-HỌC-PHÁI

Nhà Thanh từ đời Đạo-quang (1821-1850) trở đi, thế lực mỗi ngày một kém, sự giao-thiệp với nước Anh nước Pháp sinh ra nhiều nỗi khó-khăn, nào việc đốt nha-phiến ở Quảng-đông, nào quân nước Anh và nước Pháp vào đánh Bắc-kinh, nào việc Trung-Nhật chiến tranh, việc gì cũng thất bại, tình thế rất nguy. Lúc ấy có mấy người nho-học như Khang Hữu-Vi, Lương Khải-Siêu mưu việc biến chính, song lại bị đảng thủ-cựu làm hại, phải chạy trốn ra ngoài, làm sách và làm báo-chí cổ động người trong nước bỏ học cũ theo học mới, và sửa đổi việc chính-trị, v. v.. Bọn Khang Lương thật là người gây thành cái tư trào cho sự tân-học của nước Tàu ngày nay vậy.

Khang Hữu-vi.— Khang Hữu-Vi 康 有 爲, tự là Quảng-hạ 廣 夏, hiệu là Trường-tố 長 素, người huyện Nam-hải, dòng dõi nhà lý-học ở đất Quảng-đông. Thuở 19 tuổi, ông theo học Chu Thứ-Kỳ 朱 次 埼, tự là Tử-tương 子 襄, cũng là người nho-học có tiếng ở xứ ấy.

Khang Hữu-Vi thích theo cái học họ Lục họ Vương, cho cái học ấy trực tiệp minh thành và hoạt-bát hữu dụng hơn, cho nên những tư-tưởng của ông về sự tự tu hay sự giáo-dục đều lấy cái học ấy làm cốt. Ông lại thích xem Phật-học có được nhiều điều sở đắc.

Sau khi Chu Thứ-Kỳ mất rồi, ông mở nhà học-đường ở Tây-tiều-sơn để dạy học. Lúc ấy ở Hương-cảng và Thượng-hải có những sách Tây dịch ra chữ Tàu, ông xem những sách ấy và lại thấy cái chính-trị thực-dân của những nước Âu tây rất là hoàn bị, ông bèn có chí về việc kinh-doanh thế sự. Ông dạy học ở Tây-tiều-sơn được bốn năm rồi đi du-lịch ở miền bắc nước Tàu trong sáu năm, xem xét phong thổ, nhân vật, khắp cả các tỉnh từ đông chí tây, từ nam chí bắc. Sau lại trở về Quảng-đông mở nhà học-đường, đem cái qui-thức mới và cái tư-tưởng mới mà giảng dạy. Bấy giờ có bọn Lương Khải-Siêu đến học.

Ông dạy học ở Quảng-đông được 4 năm, rồi đến mở học-hội ở Quế-lâm là tỉnh thành Quảng-tây, bị quan bản xứ ngăn cấm, ông bèn lên mở học-hội ở Bắc-kinh được mấy tháng lại bị chính-phủ có lịnh cấm, nhưng ông cứ hết sức đề xướng việc mở học-hội.

Từ khi có việc chiến-tranh với Nhật-bản, ông đã mấy lần làm tờ điều-trần dâng lên cho vua nhà Thanh, nhưng không đạt lên được. Sau nhờ có quan Hộ-bộ thượng-thư là Ông Đồng-Hòa là người có ý muốn duy-tân, tiến ông cho vua nhà Thanh. Lúc ấy ông đã làm chức chủ-sự ở bộ Công. Vua Đức-tôn, niên-hiệu Quang-tự, mới đặc biệt triệu kiến ông tấu đối mọi điều vua lấy làm vừa ý, bèn dùng ông để-chủ việc biến-chính. Tháng-tư năm Quang-tự thứ 24 (1898), nhà vua xuống chiếu bỏ thời văn, đặt học-đường, đổi cái chế-độ võ-khoa và mở kinh-tế đặc khoa, Vua Đức-tôn lại cho bọn Dương-Nhuệ. Lưu Quang-Đệ, Lâm Húc, Đàm Tự-Đồng tứ phẩm khanh hàm, coi việc ở Quân-cơ chương-kinh, để trù biện việc cải-cách.

Thuở ấy vua Đức-tôn tuy nói là thân chính, nhưng quyền bính ở cả Tây-hậu. Vua muốn làm việc gì phải bẩm qua Tây-hậu có cho, mới được làm. Việc biến-chính tuy Tây-hậu không ưa, nhưng lúc đầu cũng để cho làm. Sau bọn người Mãn sợ mất quyền, mới mưu với Tây-hậu để bỏ vua. Vua Đức-tôn thấy sự nguy cấp, toan nhờ Viên Thế-Khải ủng-hộ để trị bọn cựu-đảng và đàn áp Tây-hậu. Không ngờ Viên Thế-Khải lại bỏ vua mà theo Tây-hậu, thành ra Tây-hậu lại ra lâm triều, vua Đức-tôn phải cấm cố và đảng duy-tân đều bị giết hại.

Khang Hữu-Vi và Lương Khải-Siêu trốn thoát được, đi du-lịch các nước trong thiên-hạ, rồi làm sách làm báo, để truyền bá cái tư-tưởng mới, đến khi nhà Thanh mất ngôi, Dân-quốc thành lập mới về nước.

Cái học của Khang Hữu-Vi theo cái chủ-nghĩa bác-ái, lấy đạo nhân 仁 làm cái tôn-chỉ duy-nhất. Ông cho là thế-giới sở dĩ đứng được, chúng-sinh sở dĩ sinh nở ra, quốc-gia sở dĩ còn, lễ nghĩa sở dĩ hưng khởi lên, là đều căn-bản ở đạo nhân, cho nên ông bàn việc học hay việc chính, không việc gì là không lấy sự phát cái lòng « bất nhẫn nhân 不 忍 人 » ra làm đầu. Có nhân 仁 mới có ái-lực, có ái-lực cho nên người ta mới thân yêu nhau và mới có lòng cứu quốc, cứu thiên-hạ. Đó là cái yếu-điểm trong cái học của Khang Hữu-Vi vậy.

Sách của ông có ba bộ rất trọng yếu, là: Tân-học ngụy-kinh khảo 新 學 僞 經 考, Khổng-tử cải-chế khảo 孔 子 改 制 考 và Đại đồng thư 大 同 書.

1. Tân-học ngụy-kinh khảo. — Thuở ấy những người thuộc về phái Hán-học cho những Kinh cổ-văn làm chính, rồi cố tìm nghĩa từng chữ từng câu như lối huấn-hỗ đời Hán, chứ không ai để ý phân biện thực giả gì cả. Khang Hữu-Vi làm sách này để bác cái học của phái Hán-học. Ông cho là: những sách cổ-văn thuộc về cái học của nhà Tấn, do bọn Lưu Hâm 劉 歆 làm ra, chứ không phải à cái học của nhà Tây-Hán. Cứ như ý ông, thì đời Tây-Hán không có phân ra cổ văn và kim-văn, chỉ vì bọn Lưu Hâm muốn giúp Vương Mãng, mới bịa đặt ra chuyện cổ-văn để làm loạn mất cái vi-ngôn đại-nghĩa của Khổng-tử. Vì có cái thuyết ấy của ông mà cái căn-bản của phái Hán-học phải lay động vậy.

2• Khổng-tử cải-chế khảo. — Khang Hữu-Vi cho Khổng tử làm sách Xuân-thu là chủ ở sự cải-chế về đường chính-trị. Ông lấy ý trong sách ấy mà chia ra làm ba đời: đời loạn, đời thăng-bình, đời thái-bình. Người ta ở vào đời nào thì tùy thời mà cải-cách. Cái tư-tưởng biến-pháp duy-tân của ông là gốc ở sách này mà ra. Cứ như ý của ông, thì Nghiêu Thuấn đều là bậc người hoàn-toàn về đường lý-tưởng, không biết có thật ha không, nhưng Khổng-tử lấy để làm tiêu-biểu, cũng như Lão-tử nói Hoàng đế. Mặc-tử nói Đại-Vũ, Hứa Hành nói Thần-Nông. Vậy nên ông cho là ai muốn hiểu rõ cái học của Khổng-tử, thì nên tìm cái vi-ngôn đại-nghĩa ở trong các Kinh Truyện, chứ không nên tìm cái tiểu-tiết ở từng chữ từng câu. Bởi vì văn-tự chẳng qua là cái phù-hiệu, phi có khẩu truyền không hiểu được đến những ý nghĩa uyên-thâm. Điều ấy thật là một cái đặc-kiến trong cái học của Khang Hữu-Vi mà xưa nay học-giả chưa ai đã tầng bàn đến vậy,

3• Đại-đồng-thư.— Lúc Khang Hữu-Vi dạy học ở Tây-tiều-sơn, mới lấy đoạn nói về đại-đồng tiểu-khang trong thiên Lễ-vận, sách Lễ-ký, mà làm ra sách Đại-đồng-thư, giảng cái nghĩa đại-đồng thế-giới và tiểu-khang thế-giới, có lắm cái tư-tưởng rất cao-kỳ tương-hợp với cái chủ-nghĩa của các xã-hội-đảng ngày nay. Đại-đồng tức là đời thái-bình, tiểu-khang tức là đời thăng-bình của ông đã nói ở trong sách Khổng-tử cải-chế khảo. Song ông cho cái thuyết đại-đồng là một cái lý-tưởng chưa thể thi-hành được, cho nên không muốn truyền bá ra ở đời, và chỉ lấy cái thuyết tiểu-khang làm chủ-nghĩa thực-hành về đường chính-trị.

Ông tin cái thuyết đại-đồng tiểu-khang là của Khổng-tử, song có nhiều người ngờ là không phải. Dù thế nào mặc lòng, từ Khang Hữu-Vi về sau, những nhà nho-học, ai bàn về chính-trị, thường hay nói đến cái thuyết ấy.

Cái học của Khang Hữu-Vi thường pha lẫn Phật-học và Tây-học. Ông do Dương-Minh-học mà vào Phật-học, những điều ông sở đắc hơn cả là ở Thiền-học, cho nên ông có cái sức tự tín rất mạnh, việc gì cũng lấy chủ-quan làm cốt, chứ không để ý đến những điều khách-quan. Cũng bởi thế mà ông có nhiều sự lầm lỗi, song cũng vì thế mà ông có cái nhân-cách rất đặc-biệt. Còn sự Tây-học của ông, thì xem ra không có gì là tinh thâm, chẳng qua là ông xem những sách Tây dịch ra chữ Tàu, và chỉ biết cái đại khái mà thôi. Song ông nhân đó mà cổ-động bọn hậu-học nên lấy khoa-học làm chỗ thực dụng quan-thiết đến việc tiến-hóa của xã-hội.

Đại để, cái học của Khang Hữu-Vi có nhiều chỗ chưa được thật là thuần túy, cũng có chỗ sai lầm, song tựu trung cũng có nhiều cái tư-tưởng trác tuyệt, chỉ hiềm vì ông nóng về thời vụ. quá thiên về mặt chính-trị, thành ra cái học-thuyết của ông kết-cục không được uyên-thâm. Tuy nhiên, đối với cuộc biến thiên của Nho-giáo và sự cải-cách về đường chính-trị của nước Tàu, ông là một người có công lớn mở đường cho hậu-học vậy.

Lương Khải-Siêu. — Lương Khải-Siêu 梁 啓 超, tự là Trác-như 卓 如, người đất Tân-hội, tỉnh Quảng--đông. Ông thuở nhỏ rất thông-minh, 13 tuổi theo học cái học của họ Đái, họ Đoàn và hai họ Vương. Năm 15 tuổi đỗ cử-nhân, năm 18 tuổi lên Bắc-kinh thi hội hỏng, về đến Thượng-hải được đọc sách Doanh-hoàn chí-lược. Ông về Quảng-đông nghe Khang Hữu-Vi lên Bắc-kinh dâng thư không được đã trở về, ông đến xin làm môn-đệ. Khang Hữu-Vi lấy cái tâm-học của họ Lục và họ Vương cùng Sử-học và Tây-học mà dạy. Từ đó Lương Khải-Siêu bỏ lối cựu-học mà theo tân-học.

Từ năm giáp-ngọ là năm Quang-tự thứ 22 (1894) có việc chiến-tranh với Nhật-bản rồi, ông theo Khang Hữu-Vi lên Bắc-kinh dâng thư biến pháp. Việc dâng thư ấy không đạt tới triều-đình, Lương Khải-Siêu ở lại mở Cường-học-hội. Sau việc lập học-hội phải cấm, ông cùng với những người đồng-chí mở Thời-vụ-báo 時 務 報 ở Thượng-hải.

Năm Mậu-tuất là năm Quang-tự thứ 26 (1898) ông là một người hoạt-động trong việc biến-chính. Được ba tháng thì bị đảng thủ-cựu phá tan, ông trốn sang Nhật-bản, sang Mỹ, rồi đi du-lịch hoàn-cầu. Khi ông trở về ở Nhật-bản làm Tân-dân tùng-báo 新 民 叢 報. Từ đó ông đổi cái chủ-nghĩa bảo-hoàng mà theo cái chủ-nghĩa cộng-hòa, trái-hẳn cái ý của Khang Hữu-Vi.

Lương Khải-Siêu là người học rộng tài cao, trước-thuật rất nhiều. Những điều ông phê-bình và nghị-luận về học-thuật, về chính-trị, in ra thành sách gọi là Ẩm-băng thất văn-tập 飲 冰 室 文 集, Ẩm-băng-thất tùng-trứ 飲 冰 室 叢 著, v. v. Sau khi Quốc-dân đã thành-lập rồi, ông về nước làm ra nhiều sách, đại khái như là Trung-quốc học-thuật tư-tưởng biến thiên sử 中 國 學 術 思 想 變 遷 史, Thanh-đại học-thuật khái-luận 清 代 學 術 槪 論, cùng những sách bàn về Sử-học, Mặc-học, Phật-học v. v.

Ông thường chia Khổng-học ra làm hai phái. Một phái của Mạnh-tử truyền cái thuyết đại-đồng, một phái của Tuân-tử truyền cái thuyết tiểu-khang. Khổng-học truyền đến hết đời Mạnh-tử là suy. Còn từ đời Hán về sau mấy nghìn năm là học theo Tuân-tử cả. Bởi vậy ông cùng những người đồng chí như Đàm Tự-Đồng hết sức công-kích Tuân-tử. Về sau ông bỏ cái học cũ, mà theo về đường tư-tưởng tự-do, và thường nói ở sách Thanh-đại học-thuật khái-luận rằng: « Khải-Siêu từ 30 tuổi trở đi, không bàn đến Ngụy-kinh và cũng chẳng nói gì đến Cải-chế, mà khi Khang Hữu-Vi xướng lên việc lập Khổng-giáo-hội, định lập thành quốc-giáo v.v., Khải-Siêu không những là không theo mà lại bác đi.» Ý ông muốn để cái tư-tưởng độc-lập tự-do, chứ không ỷ-thác vào thánh-hiền đời trước mà lập thuyết, thành ra ông cùng với Khang Hữu-Vi, thầy trò phản đối nhau. Ông tự nhận rằng: « Khải-Siêu có một điều trái hẳn với Hữu-Vi, là Hữu-Vi có thành-kiến, mà Khải-Siêu thì không có thành-kiến. Ứng sự cũng thế, học tập cũng thế. Hữu-Vi thường nói: « Ta học đến 30 tuổi đã thành, rồi sau không thấy tiến nữa, mà bất tất phải cầu tiến nữa.» Khải-Siêu không thế, thường tự biết cái học của mình chưa thành, và cứ lo nó không thành, trong mấy mươi năm cứ tìm-tòi mãi. Cho nên cái học của Hữu-Vi đến nay có thể định luận được, mà cái học của Khải-Siêu thì chưa có thể định luận được. » Xét rõ cái thực, thì cái học của Lương Khải-Siêu tuy rộng nhưng mà nông, nhiều nhưng mà tạp, không bằng cái học của Khang Hữu-Vi. Căn do là bởi Khải-Siêu quá ham Tây-học mà lại không biết đến chỗ sâu xa. Vả cái chủ-ý của ông là muốn phá cái lưu-tệ của sự học đương thời để tiến cho chóng vào con đường học mới, cho nên ông nói rằng: « Lấy sự bế-tắc ủy-mĩ của cái tư-tưởng hai mươi năm về trước, nếu không đúng cái thủ-đoạn mỗ-mãng sơ-khoát, thì không phá được sơn trạch mà lập ra tân-cục vậy.»

Tính ông rất ham học, mà khi đã thích điều gì thì chìm đắm, để hết cả tinh-lực vào đó, bỏ cả các điều khác; được ít lâu lại đổi sang việc khác và bỏ điều đã học trước. Vì có để hết tinh-lực vào, cho nên thường có điều sở đắc; vì hay tùy lúc thay đổi mà bỏ cái cũ, cho nên học cái gì cũng không vào đến chỗ sâu. Bởi vậy những điều nghị-luận của ông trước sau hay mâu-thuẫn với nhau, sự biết của ông rất là phức-tạp mà thiển-bạc. Ông cũng biết như thế, cho nên ông có mấy câu thơ đề cho con gái là Lĩnh-Nhàn rằng:

Ngô học bệnh ái bác,
吾 學 病 愛 博
Thị dụng thiển thả vô,
是 用 淺 且 無
Vưu bệnh tại vô hằng,
尤 病 在 蕪 恆
Hữu hoạch toàn thất chư.
有 獲 旋 失 諸
Bách phàm khả hiệu ngã,
百 凡 可 效 我
Thử nhị vô ngã như
此 二 無 我 如

Song ông là một nhà làm văn có tài, bất kỳ việc gì ông cũng bàn được, mà lời văn rất hoạt-bát. rất nồng nàn, làm cho người ta dễ cảm-động. Bởi ông có cái tài ấy mà thành ra về đường tư-tưởng, ông có cái sức phá-hoại rất mạnh, chứ không có cái năng-lực kiến thiết. Nói rút lại, ông chỉ là một nhà làm báo-chí rất giỏi, mà không phải là một học-giả uyên-thâm vậy.

Cùng đồng thời bấy giờ, có Đàm Tự-Đồng và Chương Bỉnh-Lân đều là người có thể lấy làm đại-biểu cho phái Tân-học ở cuối đời nhà Thanh.

Đàm Tự-Đồng.— Đàm Tự-Đồng 譚 嗣 同, tự là Phục-sinh 復 生, hiệu là Tráng-phi 壯 飛, người tỉnh Hồ-nam. Ông học rộng, làm văn giỏi. Sau cuộc Trung-Nhật chiến tranh rồi, ông khởi đầu mở ra một học-hội ở Hồ-nam để cổ-động sự cải-cách. Sau ông lên Bắc-kinh rồi cùng với bọn Khang Hữu-Vi chủ-trương việc biến-chính, bị Tây-hậu giết năm Nhâm-tuất (1898).

Ông có làm bộ sách Nhân-học 仁 學, chủ ý muốn đem khoa-học, triết-học. tôn-giáo đúc vào một lò, để tiện cho sự ứng dụng của cuộc nhân-sinh. Ông cực lực bài-xích cái quan-niệm tôn cổ, phá hoại cái lưu-tệ của tục học. Ông nói rằng: « Cái chính-trị hai nghìn năm nay là cái chính-trị nhà Tần, đều là bọn ăn trộm lớn vậy; cái học hai nghìn năm nay là cái học của Tuân-tử, đều là bọn hương-nguyện vậy. Duy có bọn ăn-trộm lớn lợi-dụng bọn hương-nguyện, và bọn hương-nguyện nịnh-nọt bọn ăn-trộm lớn. » Xem cái khẩu khí ấy, thì đủ biết cái chủ-ý của ông là muốn phá cái chính-thể áp-chế mà tán thành cái chính-thể dân-chủ, cùng là công-kích cái tục-học và cái hủ bại của người đời vậy. Nhưng sau cuộc biến-chính ông lâm nạn, thành ra cái học của ông không thành-lập.

Chương Bỉnh-Lân. — Chương Bỉnh-Lân 章 炳 麟, người tỉnh Chiết giang. Ngay từ đầu, ông đã có cái ý bài Mãn, cho nên về đường chính-trị ông đề-xướng lên việc chủng-tộc cách-mạnh. Ông trốn sang ở Nhật-bản, kê-cứu các sách Tây-học, cốt lấy tân-học bổ-cứu cho cựu-học. Nguyên cái học của ông thuộc về phái Khảo-chứng, cho nên ông rất tinh về đường nghiên-cứn. Ông thích Phật-học và Lão-học, thường lấy Phật-học mà giải-thích Lão Trang.

Đó là nói tóm tắt cái đại-cương sự học của mấy người thủ xướng ra cái tư-tưởng của phái Tân-học, để học-giả hiểu rõ cái căn-nguyên sự biến-thiên của Nho-giáo trong thế-kỷ thứ hai mươi này. Khởi đầu bởi bọn Khang Lương, rồi sau các thiếu-niên phấn chấn lên, đi du-học ở các nước bên Âu bên Mỹ, thu thái lấy cái phương-pháp Tây-học, đem cái tư-tưởng tân thời mà biến cái học-thuật và đổi cái chính-thể theo phong-trào của thế-giới.

Hiện thời trong bọn tân-học nước Tàu có Hồ Thích 胡 適 là người trứ danh hơn cả. Ông làm quyển thứ nhất bộ Trung-quốc triết-học-sử đại-cương 中 國 哲 學 史 大 綱, dùng bạch-hoại mà viết văn và theo phương-pháp cùng tư-tưởng Tây-học mà phê-bình cái học cũ. Tuy trong sự phê-bình của ông còn nhiều điều không được xác-đáng, nhưng cũng là cái hiệu-quả của sự tân-học ở bên Tàu vậy.

Cái tư-trào tân-học ngày nay tuy mạnh thật, song cái tinh-thần Nho-giáo đã có cỗi rễ rất sâu, tất thế nào rồi cũng có cái phản-động-lực có thể phát-minh được cái tinh-thần ấy ra một cách sáng rõ hơn trước. Hãy xem như trong sách Đông Tây văn-hóa cập kỳ triết-học 東 西 文 化 及 其 哲 學 của Lương Thấu-Minh 梁 潄 溟, ở chỗ bàn về Khổng-học có lắm điều khả thủ, thì đủ rõ là tương-lai Nho-giáo tất có cuộc biến thiên, nhưng chỉ biến được cái hình-trạng ở bề ngoài, chứ cái tinh-thần thì không thể biến mất đi được. Sau này cuộc đời dù có xoay-vần ra thế nào nữa, Nho-giáo vẫn là một cái học rất cao minh của Á-đông ta, mà vẫn có ảnh-hưởng đến sự nhân-sinh của loài người vậy.

Tóm lại mà xét, Nho-học đời nhà Thanh, tuy là thịnh, các học-giả làm sách vở rất nhiều, sự nghiên-cứu rất tường và rất đúng với phương-pháp khoa-học, nhưng có một điều ta nên biết là Thanh-nho chỉ có cái tư-cách khoa-học mà không có cái tinh-thần triết-học. Những danh-nho trong khoảng non ba thế-kỷ vừa rồi đều là người bác-học, song không có mấy người hiểu đến chỗ uyên-thâm của Nho-giáo như đời Tống và đời Minh. Thật rõ cái chứng là phần hình-nhi-hạ rộng ra bao nhiêu, thì phần hình-nhi-thượng kém đi bấy nhiêu. Cái nguyên-nhân cũng là bởi các học-giả thuở ấy chú-trọng thái quá về mặt kinh-tế, cho nên kết-quả thành ra như vậy,

Kế đến thời-kỳ Thanh-mạt, phái Tân-học dấy lên, thường say đắm ở sự tiến-hóa về đường vật-chất, có nhiều người muốn hủy-hoại hết cái tinh-thần cựu-học để cho chóng bằng các nước bên Âu bên Mỹ. Sự phá-hoại ấy hiện đang mạnh, làm cho cuộc nhân sinh rất rối loạn, nhưng thiết tưởng đó chỉ là một cơn bão gió đem làn sóng rất to tràn khắp cả bờ biển, che lấp mất những cảnh thiên-nhiên là chỗ xưa nay người ta vẫn đến du-ngoạn. Song đến khi trời im gió lặng, làn sóng lui xuống, thì những cảnh thiên-nhiên lại xuất-hiện ra, tươi tốt đẹp đẽ hơn trước. Cái nền Nho-giáo bên Á-đông ta và cái thế-lực Tây-học ngày nay tương tự như thế vậy. Có lẽ nhờ có cơn sóng gió ấy, thì rồi mới làm mất những cái hẩm nát đi, cũng như nhờ có phong-trào tân-học làm mất những điều hủ lậu của Nho-giáo, để cho cái tinh-thần lại phát-minh ra rực-rỡ bội phần. Đó là một cái mộng-tưởng, một điều ức-đoán, song biết đâu lại không có ngày là sự thực hay sao?