Nho giáo/Quyển IV/Thiên III-4

b) KINH-HỌC PHÁI

Người mở ra học-phái này là Nhan Nguyên 顏 元, tự là Tập-trai 習 齋 (1635 - 1704), người đất Bác-dã, tỉnh Bắc-bình. Ông là dòng dõi quan nhà Minh, cho nên không ra làm quan với nhà Thanh. Thuở nhỏ nhà thật nghèo, ông phải chịu mọi đường khổ sở, nhưng rất chuyên cần ở việc học.

Cái học của ông đại-để do cái học của phái Diêu-giang mà ra, nhưng sau ông riêng lập ra một phái chỉ lấy Kinh Truyện làm gốc, chứ không theo Hán-học mà cũng không theo Tống-học. Ông thường nói rằng: « Cách lập ngôn chỉ bàn phải trái, không bàn cái đồng dị. Phải thì cái ý-kiến của một hai người cũng không đổi; trái thì tuy hàng nghìn hàng vạn người cũng không theo. Không những là hàng nghìn hàng vạn người đến hàng trăm hàng nghìn năm mà mê-hoặc, thì ta cũng nên lấy tiên-giác giác hậu-giác, chứ không phải phụ-họa lôi-đồng vậy.»

Đối với Tống-học, thì ông nói rằng: « Ta trước còn có cái ý cho Trình Chu là một chi-phái của thánh-môn. Từ lúc đi du-lịch phía nam, thấy người nào cũng theo Thiền-học, nhà nào cũng theo lối hư-văn, thật là đối địch với Khổng-môn, ta bỏ được một phần Trình Chu. thì vào được một phần Khổng Mạnh. Ta nhất-định cho Khổng Mạnh và Trình Chu tiệt-nhiên là hai đường, mà ta không muốn làm kẻ hương-nguyện trong đạo-thống vậy.» Cái học của ông khác với cái học của Tống-nho là bởi cái tôn-chỉ: « Tập hành ư thân giả đa, lao khô ư tâm giả thiểu 習 行 於 身 者 多,勞 枯 於 心 者 少: Tập làm ở thân thì nhiều, lao khô ở tâm thì ít. » Ông cho sự học cốt ở sự thực-hành, chứ không quan-hệ ở lời nói. Cho nên nói rằng: « Lời bàn của chư nho ở thân chăng? ở đời chăng? Nếu chỉ là ở giấy bút mà thôi, thì lời nói trái với Khổng Mạnh cũng hỏng, mà lời nói không trái với Khổng Mạnh cũng hỏng. » Nghĩa là những học-giả chỉ nói cái đạo của thánh hiền mà không làm việc của thánh hiền, thì dù nói đúng hay không đúng cũng không có ích lợi gì. Ông rất ghét cái học hư-tĩnh-không-đàm, cho nên nói rằng: « Theo lâu cái học yêu sự tĩnh, bàn cái không, ắt thế nào cũng chán việc, chán việc thì ắt bỏ việc, gặp việc gì là lờ-mờ vậy, cho nên làm hại nhân tài mà hỏng việc của thiên-hạ, ấy là Tống-học vậy. »

Cái học của ông là vụ lấy sự thi-thố ra ở việc làm, chứ không cầu ở sự đọc sách. Ông nói rằng: « Người nào nhận sự đọc sách làm sự học, vốn không phải là cái học của Khổng-tử, và lấy cái học đọc sách mà giải nghĩa sách, cũng không phải là sách của Khổng-tử.» Ông cho việc học là phải thực-hành những điều nhân nghĩa lễ trí và lục nghệ. Vậy nên ông tự cung hành những điều ấy và lấy những điều ấy dạy học-trò. Ông thường nói rằng: « Nuôi thân không gì hay bằng sự tập động. Sáng dậy, tối nằm, chấn khởi cái tinh-thần, tìm việc mà làm. » Tóm lại mà nói, cái học của ông chỉ chuyên chủ về một mặt hành-động mà thôi. Lương Khải-Siêu nói rằng: » Cái học của Nhan Tập-trai lấy thực-học thay hư-học, lấy động-học thay tĩnh-học, lấy hoạt-học thay tử-học. » Cái học ấy giống cái tư-trào giáo-dục ngày nay, nhưng về đường tư-tưởng thì như thế chẳng phải là hẹp-hòi lắm hay sao?

Đệ-tử của ông có Lý-Cung 李 塨 và Vương Nguyên 王 源 là trứ danh hơn cả, nhưng vì cái học của phái này khắc khổ quá, cho nên sự truyền ra không được rộng và không được bao lâu cũng mất.