Nho giáo/Quyển IV/Thiên III-1

THIÊN III

NHO-GIÁO ĐỜI THANH
(1644 — 1911)

I. — TÌNH-TRẠNG NHO-GIÁO ĐỜI THANH

Nhà Thanh đối với Nho-giáo. — Nhà Thanh là nòi dống người Hồ ở vùng núi Tràng-bạch, phía đông-bắc đất Mãn-châu. Năm Vạn-lịch thứ 11 (1583) có người tù-trưởng tên là Nộ-nhĩ-cáp-xích quật khởi lên đánh lấy các bộ-lạc, rồi đến năm Vạn-lịch thứ 44 (1610) xưng làm đế, tức là vua Thái-tổ nhà Thanh. Thái-tổ phá quân nhà Minh ở Thẩm-dương, lập thành một nước có thế lực rất mạnh.

Vua Thái-tổ và vua Thái-tôn đều có chí lớn và rất chú ý đến việc học. Lúc đầu người Mãn-châu không có văn-tự, nhà vua bèn lấy chữ Mông-cổ hợp với tiếng người bản-xứ đặt ra lối chữ riêng, bắt các hoàng-tử và con các quan phải học tập đạo Nho.

Đến đời vua Thế-tổ, niên-hiệu Thuận-trị, vào làm vua nước Tàu, theo chế độ của nhà Minh mà trị nước và hết lòng lo mở-mang việc học.

Vua Thánh-tổ, niên-hiệu Khang-hi (1662-1722), là một đấng anh-quân, tính rất hiếu-học. Bình nhật tuy vẫn lo việc trị nước và việc đánh dẹp, nhưng không mấy khi tay rời quyển sách. Thánh-tổ rất sùng Nho-giáo, đến tế Khổng-tử ở văn-miếu, ưu-lễ, nho-thần và khuyến miến sĩ tử. Đó có lẽ về đường chính-trị là một cách khôn khéo để thu-phục lòng người Tàu, nhưng cũng bởi cái tính bản-nhiên của Thánh-tổ mến học. Không những là ngài xem sách nho mà thôi, ngài xem hết cả các sách nói về thiên-văn, địa-lý, binh-thư, âm-nhạc, y-thư cùng những sách toán-học của các giáo-sĩ đạo Gia-tô đã soạn ra hoặc đã dịch ra bằng chữ nho.

Ngài lại chủ-trương làm những sách như: Uyên-giám-loại-hàm 淵 鑑 類 亟, Khang-hi tự-điển 康 熙 字 典, Tính-lý tinh-nghĩa 性 理 精 義, Chu-tử toàn-thư 朱 子 全 書 v. v., và sai các quan sưu tầm các thứ sách vở; song ngài có ý muốn thống nhất sự ngôn luận và sự tư tưởng của người trong nước, cho nên ngài chỉ trọng những Kinh Truyện và Sử, chứ không chuộng những sách của bách-gia chư-tử. Thế đủ rõ là trong sự hiếu học của Thánh-tổ vẫn có cái chủ-kiến về đường chính-trị vậy,

Sự học trong đời Khang-hi rất thịnh, không những các phái trong Nho-giáo như phái Hán-học và phái Tống-học đều thịnh hành, mà phái Tây-học cũng có thế-lực. Những giáo-sĩ của hội Gia-tô-giáo đến ở Bắc-kinh từ cuối đời nhà Minh đều được trọng dụng. Lúc ấy có giáo-sĩ Thang-Nhược-Vọng 湯 若 望 (Adam Schall) và Nam-Hoài-Nhân 南 懷 仁 (Ferdinand Vierbiest), đều làm chức giám-chính trong Khâm-thiên-giám. Các giáo-sĩ đem những sách khoa-học và triết-học của Âu-tây dịch ra chữ nho. Sau vì những giáo-sĩ thuộc về giáo-hội khác ở phía nam nước Tàu, công-kích cái phương-pháp tuyên giáo của giáo-hội Gia-tô (Société des Jésuites) cho nên Thánh-tổ mới có lịnh cấm đạo, thành ra sự Tây-học ở nước Tàu cũng vì thế mà gián đoạn.

Vua Thế-tôn, niên-hiệu Ung-chính (1723-1735), cũng chăm lo việc học, mở các thư-viện và chọn những người minh kinh tu hạnh làm viện trưởng, lấy những điều-qui của Chu-tử ở Bạch-lộc-động ban ra khắp cả nước.

Vua Cao-tôn, niên-hiệu Càn-long (1736-1795), cũng như vua Thánh-tổ rất lưu tâm đến việc học, mở những khoa bác-học hồng-từ, và sai các quan đại-thần tuyển cử những kẻ sĩ tiềm tâm kinh học và ban thưởng rất hậu. Cao-tôn lại mở Tứ-khố-toàn-thư-quán 四 庫 全 書 館, và sai quan làm bộ Tứ-khố toàn-thư tổng-mục 四 庫 全 書 總 目, sách Đại-Thanh hội-điển 大 清 會 典, sách Đại-Thanh nhất-thống-chí 大 清 一 統 志, sách Thập-bát-tỉnh thông-chí 十 八 省 通 志, v. v..

Bởi nhà vua trọng những người văn học, cho nên trong đời nhà Thanh có nhiều người làm văn giỏi như Ngụy Hi 魏 禧, Hầu Phương-Vực 侯 方 域, Uông Uyển 汪 琬, Chu Di-Tôn 朱 彞 尊, Phương Bào 方 苞, và những người làm thơ giỏi như Ngô Vĩ-Nghiệp 吳 偉 業, Vương Sĩ-Trinh 王 士 禎, Tra Thận-Hành 查 慎 行, đều là người nổi danh trong đời vậy.

Sự mở-mang Nho-học. — Về việc học thì nhà Thanh vẫn theo qui-củ của nhà Minh, duy chỉ sửa đổi một vài điều riêng cho người Mãn-châu. Thí-dụ ở Kinh-sư đã có nhà Quốc-tử-giám, nhưng lại đặt thêm nhà Tôn-học 宗 學, nhà Giác-la-học 覺 羅 學, nhà Hàm-yên-cung-học 咸 安 宮 學, nhà Cảnh-sơn-quan-học 景 山 官 學, nhà Bát-kỳ-quan-học 八 旗 官 學, để dạy tôn-thất đệ-tử và bát-kỳ đệ-tử. Những người coi việc giảng dạy ở các nhà học ấy có cả người Mãn và người Hán.

Chủ-ý là để dạy nho-học, nhưng vẫn bảo-thủ cái tục cũ của người Mãn-châu. Song vì cái nền học của người Mãn rất đơn sơ, và lại không có cái văn-minh cố hữu, cho nên dẫu muốn hạn-chế thế nào mặc lòng, lâu ngày người Mãn cũng bị cái văn-học của người Hán cảm hóa hết cả.

Cách mở-mang như thế, kể cũng đã rộng lắm, nhưng vì sự học chỉ bó buộc trong hai chữ văn-chương, mà nghĩa lý thì không được ra ngoài cái ý-kiến của họ Trình họ Chu, cho nên cái học-vấn của nhân-dân một ngày một hẹp lại. Đó cũng là bởi cái học khoa-cử mà ra.

Khoa-cử. — Khoa-cử đời nhà Thanh cũng như đời nhà Minh. Lệ cứ ba năm một lần thi. Những học-sinh ở Kinh và ở các phủ, châu, huyện, đỗ thi hương thì vào thi cả ở bộ Lễ, gọi là thi hội. Những người thi hội trúng cách thì được vào thi ở điện Thái-hòa, gọi là thi đình. Ai thi đình đỗ cao được tiến-sĩ cập-đệ và tiến-sĩ xuất-thân, ai đỗ thấp thì được đồng-tiến-sĩ xuất-thân.

Khoa-cử khởi đầu có từ đời vua Vũ-đế nhà Hán, nhưng thật thịnh-hành thì kể từ đời nhà Đường trở đi, đến cuối đời nhà Thanh, trước sau có hơn hai nghìn năm, là một cái chế-độ để kén chọn người ra làm quan lại. Nho-giáo nhờ đó mà phát đạt ra, nhưng cũng vì đó mà cái tinh-thần kém-cỏi đi, là bởi cái nội-dung của khoa cử, chỉ chuyên về mặt từ-chương, lấy thi phú, kinh-nghĩa và văn-sách làm cốt, chứ không hỏi đến học-vấn và tháo hạnh, Hễ ai có tài làm văn và giỏi nghề thư-pháp thi đỗ, mà thương ai đã đỗ đạt rồi, bao nhiêu những điều quan-hệ đến đạo lý của thánh hiền, hoặc đến việc trị nước yên dân. đều gác bỏ đi, không nhìn đến nữa, thành ra cái lối học khoa-cử chỉ có danh mà không có thực. Bởi chưng khoa-cử là con đường danh lợi, cho nên những sĩ tử cứ lăn lộn vào đó, rồi dùng đủ cách gian dối để cho đạt cái mục-đích ti-thiển của mình. Cũng vì thế mà thành ra cái lưu-tệ càng ngày càng thêm rộng ra. Xưa nay các nhà thức-giả cũng đã muốn tìm cách trừ bỏ đi, nhưng vẫn không thành hiệu. Đến cuối thế-kỷ thứ XIX, năm Quang-tự thứ 28 (1898), bọn Khang Hữu-Vi, Lương Khải-Siêu v.v. mưu sự biến pháp tân chính và bỏ khoa-cử đi, vụ lấy thực học, để theo thời mà tiến hành, nhưng lại bị bọn thủ-cửu ngăn-cấm, Cách bảy năm sau là năm Quang-tự thứ 31 (1905), vì thời thế bức bách, triều-đình nhà Thanh mới nghe lời của Trương Chi-Động và Viên Thế-Khải, bỏ khoa-cử đi và đặt ra qui-thức giáo-dục theo tân-thời. Nho-giáo về đường hình-thức đến đó mới biến hình đổi dạng, và có lẽ nhờ cuộc biến-đổi ấy mà phát hiện cái chân tướng ra được. Bởi vì xưa nay cái học chân-chính của Nho-giáo thường phát ra ở các nhà tư-thục, chứ ở những nhà công-học, thì ngoài sự bó buộc sĩ tử trong vòng khoa-cử ra, không thấy có cái tư-tưởng gì mới lạ cả.

Một nhà khảo-cứu Nhật-bảo nói rằng: « Sự học-vấn nước Tàu bị nhà chính-trị lợi-dụng, học-trò khi ở nhà trường học những cách không phải để đem ra ứng dụng, chẳng qua chỉ học những văn bài để ra ứng thí mà thôi. Thậm chí Khổng-giáo là cốt dạy cho người ta trí-tri, cách-vật và cái qui-mô trị quốc, bình thiên-hạ, lớn đến những điều cốt yếu về chính-trị, nhỏ là những điều để tu-dưỡng nhân-cách, thế mà từ khi bị phải nhà chính-trị lợi dụng, có người chê cả Khổng-giáo, cho là một cách học để đi thi. Ngày nay nước Tàu bỏ hẳn khoa-cử đi rồi, nhiều người đã xướng lên là giải phóng cho Khổng-giáo, thật là phải lắm vậy.»