Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-5

SÙNG NHÂN-PHÁI

Cái học của phái Hà-đông thì thuần-nhiên theo cái học của Trình Chu, cái học của phái Sùng-nhân, thì xuất nhập ở cái học của họ Chu và họ Lục. Bởi vậy về sau môn-đệ của phái này biến ra làm mấy chi-phái có cái tôn-chỉ khác nhau. Người đứng đầu phái này là Ngô Giữ-bật.

Ngô Dữ-bật. — Ngô Dữ-bật 吳 與 弼, tự là Tử-phó 子 傅, hiệu là Khang-trai 康 齋, người đất Sùng-nhân, tỉnh Giang-tây. Hậu-nho nhân lấy tên chỗ ông ở mà gọi là Sùng-nhân-phái 崇 仁 派.

Ông đọc sách Y-Lạc-uyên-nguyên-lục 伊 洛 淵 源 錄, khảng-khái có chí ở đạo, bèn bỏ lối học khoa cử, hết sức tìm cho đến chỗ tâm tính của thánh hiền. Ông nhà nghèo, nhưng cứ an bần lạc đạo, tự mình cày cấy lấy mà ăn, và lúc nào cũng lo sự giáo-hối không biết mỏi. Người bốn phương nghe tiếng ông, đến học rất nhiều. Có mấy lần nhà vua vời vào làm quan, ông từ chối không nhận.

Cái học của ông, đại yếu ở sự hàm-dưỡng tính tình và lấy sự khắc kỷ an bần làm thực địa. Ông không thích trước thuật, ngôn động thì bình đạm. Ông tả rõ cái tính tình ra ở hai câu thơ:

Đạm như thu thủy bần trung vị,
澹 如 秋 水 貧 中 味
Hòa tự xuân phong tĩnh hậu công.
和 似 春 風 靜 後 功

Ông theo cái học của Trình Chu, nhưng vẫn ghé theo cái học của Lục Tượng-sơn, có lắm điều xuất nhập ở hai cái học ấy. Bởi vậy học-trò của ông có ba người cao-đệ là Hồ Cư-nhân, Lâu Lượng và Trần Hiến-chương, mỗi người theo một tôn-chỉ khác nhau. Hồ Cư-nhân thì theo Trình Chu, Lâu Lượng và Trần Hiến-chương thì theo về phái tâm-học.

Hồ Cư-nhân.— Hồ Cư-nhân 胡 居 仁, tự là Thúc-tâm 叔 心, hiệu là Kính-trai 敬 齋 (1434-1484), người đất Dư-can, tỉnh Giang-tây. Ông theo học Ngô Dữ-bật, tuyệt-nhiên không có ý thi cử ra làm quan. Tính ông rất thuần đốc, ngồi nói chuyện cả ngày không lúc nào nói đến lợi lộc. Sách của ông truyền lại, có bộ Cư-nghiệp-lục 居 業 錄.

Cái học của ông lấy trung tín làm đầu, lấy sự tìm cái phóng tâm làm cốt. Ông nói rằng: « Biết được cái tâm sổng ra cũng là việc tốt, rồi tỉnh ra mà thu-liệm lại; đừng để nó chạy đi nữa, ấy là cái công-phu chủ kính tồn tâm. Nếu cái tâm không biết ở chỗ nào, mơ-mơ màng-màng, thì có công-phu gì? » Ông cho sự giữ cái tâm mà không mất, thì không gì bằng sự kính, vậy nên ông lấy chữ kính mà gọi chỗ nhà học.

Ông làm nhà ở trong núi, người ở các nơi đến học rất đông. Ông bảo học-trò rằng: « Học để cho mình, không cầu cho người ta biết. » Ông lại thường hay nói với người ta rằng: « Trong các học-thuyết khác không có học-thuyết nào gần cái học của ta bằng Thiền-học bên Phật. Những kẻ học-giả về sau ngộ-nhận hai chữ tồn tâm, hay theo về Thiền học, muốn bỏ hẳn sự tư lự để cầu lấy tĩnh; chứ không biết rằng thánh hiền chỉ răn cẩn-thận lo sợ để không có sự nghĩ bậy. Như thế, không cầu tĩnh mà chưa tầng đã không tĩnh. Bởi sự ngộ-nhận ấy cho nên kẻ học thấp thì đắm vào chỗ công lợi, kẻ học cao thì phóng túng ở chỗ hư-không, thành ra có hai cái vạ: một là cái sở-kiến không thật; hai là cái công-phu gián đoạn. » Ông bèn làm bài Tiến-học-châm rằng: « Thành kính ký lập, bản tâm tự tồn, lực hành ký cửu, toàn-thể giai nhân, cử nhi thố chi, gia tề quốc trị, thánh nhân năng sự tất hỹ 誠 敬 旣 立,本 心 自 存,力 行 旣 久,全 體 皆 仁,舉 而 措 之,家 齊 國 治,聖 人 能 事 畢 矣: Thành kính đã lập, cái bản tâm tự còn, cố sức làm đã lâu, thì toàn thể đều là nhân, đem ra mà thi-thố ở đời, thì nhà tề nước trị, việc hay của thánh-nhân hết vậy. »

Ông với Trần Hiến-chương cùng theo học Ngô Dữ-bật, nhưng ông theo cái học-thuyết của Trình Chu, mà Trần Hiến-chương thì theo cái học-thuyết của Lục Tượng-sơn. Cho nên ông chê cái học của Hiến-chương rằng: « Cái học của Hiến-Chương gần với thiền ngộ, thành ra hào phóng. Lối ấy đã thành, thì cái hại không nhỏ vậy. »

Hồ Cư-nhân cứ ở chỗ ẩn mà lo sửa mình, chung thân không ra làm quan, người ta cho là sau Tiết Huyên chỉ có ông là người chính hơn cả.

Lâu Lượng.— Lâu Lượng 婁 諒, tự là Khắc-trinh 克 貞, hiệu là Nhất-trai 一 齋, người đất Quảng-tín, tỉnh Giang-tây. Thuở trẻ có chí ở thánh học, sau theo học Ngô Dữ-bật, thi đỗ phó-bảng, làm chức phân giáo ở Thành-đô được ít lâu rồi cáo về dạy học.

Cái học của ông không theo Trình Chu, cho nên bạn đồng-môn của ông là Hồ Cư-nhân chê là ông đem Nho-giáo hãm vào dị-giáo. Ông lấy sự thu cái phóng tâm làm cái cửa vào sự học cư kính, lấy mấy chữ « hà tư hà lự, — vật trợ vật vong » làm cái yếu-chỉ của sự cư kính. Ông cho là đạo ở chỗ nào cũng có, hễ hợp với nghĩa lý mà không có lòng tư. là có thể gọi là đạo được, cho nên ông thường nói: « Ta thấy người khuân gỗ gánh nước mà phải, ấy là đạo đó. » Ông hiểu được đạo dễ-dàng như thế, là nhờ có công-phu nghĩ-ngợi lâu lắm.

Khi Vương Thủ-nhân mới 17 tuổi đến hỏi việc học, có nhiều điều tương hợp lắm. Bởi vậy nho-giả cho cái học của phái Diêu-giang là phát đoan ở đó vậy.