Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-2

I

THỜI-KỲ THỨ NHẤT

Thời-kỳ thứ nhất vào quãng sơ-diệp nhà Minh, kể từ đời vua Thái-tổ (1368-1398) đến đời vua Thành-tổ (1403-1424). Trong khoảng hơn một nửa thế-kỷ ấy, nền nước mới dựng lên, các học-giả hãy còn học theo lối học của nhà Nguyên, chưa ai xướng xuất ra cái học-thuyết nào mới. Song thuở ấy đã có những danh-nho như Lưu Cơ, Tống Liêm, Phương Hiếu-nhụ, Tào Đoan, đều có chí xây đắp lên cái nền Nho-học, cho nên về sau có các đại-nho lũ lượt ra đời và sáng lập ra các học-phái có giá-trị ở đời nhà Minh.

Lưu Cơ. — Lưu Cơ 劉 基, tự là Bá-ôn 伯 溫 (1311-1375), người đất Thanh-điền, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ cuối đời nhà Nguyên. Ông học hết các kinh sử, không có sách gì là không đọc và lại tinh thâm về cái học tượng-vĩ. Làm quan với nhà Nguyên không đắc chí, ông bèn bỏ quan về quê ở. Lúc vua Thái-tổ nhà Minh mới dấy nghiệp, lấy lễ vời ông đến. Ông làm bài thời-vụ 18 điều trình lên, vua Thái-tổ lấy làm mừng lắm, cho ở Lễ-hiền-quán, rồi sau cất lên làm Quảng-văn-quán học-sĩ, Đến khi việc nước đã định rồi, ông được phong làm Thành-ý-bá 誠 意 伯, đứng đầu công-thần nhà Minh.

Ông bàn mưu định kế giúp vua Thái-tổ và hết lòng khuyên vua tưởng-lệ việc học, cho nên đời sau cho ông là có công lớn với Nho-giáo.

Tống Liêm, — Tống Liêm 宋 濓, tự là Cảnh-liêm 景 濂 (1309-1373) người đất Phố-giang, tỉnh Chiết-giang. Cái học của ông rất thuần chính. Vua nhà Nguyên cho làm Hàn-lâm-viện biên-tu, nhưng vì có mẹ già, cho nên ông không nhận, rồi vào ở núi Long-môn làm sách. Vua Thái-tổ dấy lên, đón về làm chức Giang-nam đề-học dạy thái-tử học các kinh. Năm Hồng-võ thứ hai (1369) ông được chiếu cử làm bộ sử nhà Nguyên, rồi được bổ chức Hàn-lâm-viện học-sĩ. Ông chuyên nghề dạy học, nhất cử nhất động đều theo lễ-phép để theo cho đúng đạo. Công nghiệp của ông tuy không bằng Lưu Cơ, nhưng có công về việc định lễ nhạc.

Phương Hiếu-nhụ.— Phương Hiếu-nhụ 方 孝 孺, tự là Hi-trực 希 直 (1358-1403). người huyện Ninh-hải, tỉnh Chiết-giang, theo học Tống Liêm. Ông không chuộng văn nghệ, thường lấy việc làm cho sáng vương-đạo, và khiến nước được thái-bình làm chức-vụ của mình. Đến đời vua Huệ-đế (1399-1402) làm chức thị-giảng học-sĩ. Khi Yên-vương dấy binh tranh ngôi, Phương Hiếu-nhụ thảo hết các tờ chiếu tờ hịch để lấy binh cần-vương chống với Yên-vương. Sau Yên-vương lấy được Nam-kinh, Hiếu-nhụ bị bắt, Yên-vương bảo thảo tờ chiếu lên ngôi, Hiếu-Nhụ ném bút đi và khóc mà nói rằng: «Chết thì chết, tờ chiếu không thảo được.» Yên-vương giận đem giết đi.

Phương Hiếu-nhụ có chí khí hơn người, mỗi khi đặt ra bài văn nào, thì thiên-hạ tranh nhau truyền tụng. Đức hạnh của ông đủ tỏ ra là một nhà chân-nho, lấy tiết nghĩa làm gương cho đời.

Tào Đoan. — Tào Đoan 曹 端 tự là Chính-phu 正 夫, hiệu là Nguyệt-xuyên 月 川 (1376-1434), người đất Thằng-trì, tỉnh Hà-nam. Ông đỗ hương-thí đời Vĩnh-lạc, rồi vào thi đình đỗ phó-bảng, bổ đi làm quan học-chính ở Hoắc-châu, thuộc Sơn-tây.

Tính ông ghét những sự mê tín, cho nên những thuyết luân-hồi, họa phúc, hoặc phong thủy, vu nghiễn, cùng là xem ngày tốt tháng lành v. v. là ông không tin gì cả. Ông lấy những việc nhân-luân nhật dụng, làm thành quyển sách gọi là: Dạ-hành-chúc 夜 行 燭, ý nói người ta ở trong lưu tục như người đi đêm, phải lấy quyển sách ấy làm bó đuốc để soi cho sáng.

Cái học của ông không do có thầy truyền, tự ông suy nghĩ lấy mà hiểu rõ cái ý của tạo-hóa. Ông cho trong thiên-hạ không có một vật gì ở ngoài cái tính. Cái lý Thái-cực là tâm, vậy cái động tĩnh của tâm là âm dương, nhật dụng thù tạc là sự biến và hợp của ngũ hành. Ông lấy việc thờ cái tâm làm con đường vào đạo. Cho nên nói rằng: « Sự sự đô ư tâm thượng tố công-phu, thị nhập Khổng môn để đại lộ 事 事 都 於 心 上 做 工 夫,是 入 孔 門 底 大 路: Cái công-phu làm mọi việc đều ở cái tâm mà ra ấy là con đường lớn vào cửa Khổng. »

Ông là người mở ra cái mối tâm-học ở đời nhà Minh, về sau những nhà-tâm học như Trần Hiến-chương, Trạm Nhược-thủy và Vương Thủ-nhân đều chịu cái ảnh-hưởng ấy cả,

Đại-để, bọn Tống Liêm, Phương Hiếu-nhụ và Tào Đoan đều là người gây thành cái tiên thanh cho những học-phái ở thời-kỳ thứ hai vậy.