NHO-GIÁO
QUYỂN II
THIÊN I
CHIẾN-QUỐC THỜI-ĐẠI
(479-220 trước Tây-lịch)
CÁC HỌC PHÁI CỦA NHO-GIÁO
Đời Xuân-thu tuy các nước Chư-hầu cường-thịnh lên, tranh nhau làm bá ở nước Tàu, nhưng nước nào có thế-lực vẫn tôn-phù nhà Chu và vẫn mượn tiếng thiên-tử mà sai khiến các nước khác. Đến đời Chiến-quốc thì nước Tàu chia ra làm bảy nước là nước Tần 秦, nước Sở 楚, nước Tề 齊, nước Yên 燕, nước Hàn 韓, nước Triệu 趙, nước Ngụy 魏. Vua những nước ấy đều xưng vương cả và không ai biết đến vua nhà Chu nữa. Sự chiến-tranh trong thời ấy lại càng kịch-liệt hơn trước và sự loạn-ly cũng đến cực-điểm vậy. Song cũng bởi thời-cục như thế, cho nên các nhà tư-tưởng mới đem phát-huy ra các học-thuyết để cứu đời, vì vậy thuở ấy Nho-giáo, Lão-giáo và Mặc-giáo đều chen vai mà thịnh-hành lên ở nước Tàu.
Nho-giáo thì từ khi Khổng-tử mất rồi, hết ba năm tang chế, các môn-đệ mỗi người đi một nơi. Người thì đi làm quan, người thì về dạy học, đem cái đạo của Ngài truyền-bá ra thiên-hạ.
Nay ta không biết đích-xác ngay từ lúc đầu Khổng-giáo chia ra làm mấy phái, vì các sách đời ấy không nói rõ. Mãi đến cuối thế-kỷ thứ ba trước Tây-lịch kỷ-nguyên, tức là hơn hai trăm năm sau Khổng-tử, Hàn-Phi mới chép ở trong thiên Học-hiến sách Hàn-Phi-tử rằng: « Tự Khổng-tử chi tử giã, hữu Tử-Trương chi nho, hữu Tử-Tư chi nho, hữu Nhan thị chi nho, hữu Mạnh thị chi nho, hữu Tất-điêu thị chi nho, hữu Trọng-Lương thị chi nho, hữu Tôn thị chi nho, hữu Nhạc-chính thị chi nho 自 孔 子 之 死 也,有 子 張 之 儒,有 子 思 之 儒,有 顏 氏 之 儒,有 孟 氏 之 儒,有 漆 雕 氏 之 儒,有 仲 良 氏 之 儒,有 孫 氏 之 儒,有 樂 正 氏 之 儒: Từ khổng-tử mất rồi, có bọn nho-học của Tử-Trương, có bọn nho-học của Tử-tư, có bọn nho-học của họ Nhan, có bọn nho-học của họ Mạnh, có bọn nho-học của họ Tất-điêu, có bọn nho-học của họ Trọng-Lương- có bọn nho-học của họ Tôn, có bọn nho-học của họ Nhạc-chính.»
Trong tám phái ấy, thì phái Tử-Tư (học-trò Tăng-tử), phái họ Mạnh (Mạnh-tử, thuộc phái Tử-Tư), phái họ Nhạc-chính (Nhạc-chính Khắc, học-trò Mạnh-tử) đều thuộc về phái Tăng-tử. Phái Tử-Trương và phái Tất-điêu Khai thì không biết rõ truyền cho những ai. Phái họ Tôn, tức là phái của Tuân-Khanh, không biết thuộc về phái nào. Còn phái họ Nhan và phái họ Trọng-Lương thì không biết là ai.
Dẫu thế nào mặc lòng, sau khi Khổng-tử mất rồi, Nho-giáo chia ra phái Tăng-tử, phái Tử-Hạ, phái Tử-Trương, phái Tử-Du, phái Trọng-Cung, phái Hữu-tử. phái Thương-Cồ, phái Tất-điêu Khai, kê ra như biểu sau nay:
Khổng-tử | Tăng-tử, Tử-Tư, Mạnh-tử | Nhạc-chính Khắc | ||||||
Công-tôn Sửu | ||||||||
Vạn-Chương | ||||||||
Tử-Hạ | Công-dương Cao | |||||||
Cốc-lương Xích | ||||||||
Tử-Trương | ||||||||
Tử-Du | ||||||||
Trọng-Cung | Tuân-tử | Hàn-Phi | ||||||
Lý-Tư | ||||||||
Hữu-tử | ||||||||
Thương-Cồ | ||||||||
Tất-điêu Khai |
Phái Tử-Trương. — Trong các môn-đệ Khổng-tử có Tử-Trương là người có cái thái-độ ung-dung hoằng-đại. Ông nói rằng: « Sĩ kiến nguy trí mệnh, kiến đắc tư nghĩa, tế tư kính, tang tư ái, kỳ khả dĩ hỹ 士 見 危 致 命,見 得 思 義,祭 思 敬,喪 思 哀,其 可 已 矣: Kẻ sĩ thấy nguy bỏ mình, thấy tài-lợi nghĩ đến điều nghĩa, tế nghĩ đến sự kính, tang nghĩ đến sự thương-xót, thế là khá rồi ». Luận-ngữ: Tử-Trương, XIX). Ý ông muốn điều gì cũng cốt giữ cái tinh-thần, chứ không cần phải câu-chấp những điều vụn-vặt, miễn là lúc nào bụng mình cũng thực, đức mình cũng rộng, thì việc mình làm mới hay được. Vậy nên ông nói rằng: « Chấp đức bất hoằng, tín đạo bất đốc, yên năng vi hữu, yên năng vi vô 執 德 不 弘,信 道 不 篤,焉 能 爲 有,焉 能 爲 無: Giữ đức không rộng, tin đạo không dày, sao hay là có, sao hay là không? » (Luận-ngữ: Tử-Trương, XIX). Cái học của ông rộng-rãi, bao-dung cả người hay người dở, cho nên hậu-nho cho là cao quá, không vừa tầm cho người thường theo được. Một hôm có người học-trò Tử-Hạ đến hỏi ông về việc giao-kết với người. Ông hỏi lại rằng: « Vậy thì Tử-Hạ nói thế nào? »— Người học trò trả lời rằng: « Tử-Hạ bảo: Khả giả dữ chi, kỳ bất khả giả cự chi 可 者 與 之,其 不 可 者 拒 之: giao-kết với người khá, cự tuyệt với người không khá. » — Ông nói: « Dị hồ ngô sở văn. Quân-tử tôn hiền nhi dung chúng, gia thiện nhi căng bất năng. Ngã chi đại hiền dư, ư nhân hà sở bất dung? Ngã chi bất hiền dư, nhân tương cự ngã, như chi hà kỳ cự nhân giã? 異 乎 吾 所 聞.君 子 尊 賢 而 容 眾,嘉 善 而 矜 不 能.我 之 大 賢 與,於 人 何 所 不 容?我 之 不 賢 與,人 將 拒 我,如 之 何 其 拒 人 也: Khác với cái nghe của ta. Người quân-tử tôn người hiền mà dung mọi người, khen người giỏi mà thương người không có tài. Nếu ta thật là hiền, thì ai mà chẳng dung được? Nếu ta không hiền, thì người ta cự-tuyệt ta, ta còn cự-tuyệt được ai nữa? » (Luận-ngữ: Tử-Trương, XIX). Ông có cái khí-tượng khoáng-đãng như thế, cho nên thường không hợp với những người như bọn Tăng-tử, Tử-Hạ và Tử-Du.
Tăng-tử nói rằng: « Đường đường hồ Trương giã, nan dữ tịnh vi nhân hỹ 堂 堂 乎 張 也,難 與 竝 爲 仁 矣: Trương là người có tư-cách đường đường, nhưng khó giúp người làm điều nhân vậy. » (Luận-ngữ: Tử-Trương, XIX).
Tử-Du nói rằng: « Ngô hữu Trương giã vi nan năng giã, nhiên nhi vị nhân 吾 友 張 也,爲 難 能 也,然 而 未 仁: Ta bạn với Trương là vì Trương giỏi không ai bằng, nhưng chưa phải là bậc nhân. » (Luận-ngữ: Tử-Trương, XIX).
Hai ông chê Tử-Trương chưa thật là bậc nhân, vì cái học của Tử-Trương có phần phóng-khoáng thái quá, nhưng hai ông lại tỉ-mỉ và câu-nệ những điều tiểu-tiết. Như một khi đi điếu người chết, Tăng-tử « tập cừu nhi điếu 襲 裘 而 弔: mặc áo phủ ngoài áo thường đi điếu », mà Tử-Du thì « tích cừu nhi điếu 裼 裘 而 弔: mặc áo thường đi điếu ». Tăng-tử thấy vậy chỉ Tử-Du mà bảo người ta rằng: « Gã kia tập lễ, sao lại mặc áo thường mà đi điếu ». Đến khi làm lễ khâm-liệm xong rồi. Tử Du chạy ra mặc áo phủ ngoài và thắt dây mà vào, Tăng-tử nói rằng: « Ta lầm rồi, gã kia theo đúng lễ. » (Lễ-ký Đàn-cung thượng).
Xem thế thì biết cái học của bọn Tăng-tử hay câu-nệ những điều vụn-vặt, khác với cái học khoáng-đãng tự-nhiên của Tử-Trương. Nhưng vì sau đời Chiến-quốc cái học của Tử-Trương không truyền nữa, cho nên không biết rõ cái tôn-chỉ hay dở thế nào.
Phái Tử-Hạ.— Sau khi các môn-đệ của Khổng-tử ở nước Lỗ giải tán đi các nơi, Tử-Hạ về dạy học ở phía Tây-hà, tức là ở vùng tỉnh Hà-nam bây giờ. Vua nước Ngụy là Văn-hầu (423-387) tôn ông làm thầy và đặt quan bác-sỹ để học các kinh. Nho-giáo thành ra quốc giáo khởi đầu từ đó.
Học-trò Tử-Hạ là bọn Công-dương Cao 公 羊 高, Cốc-lương Xích 穀 梁 赤 chuyên-trị kinh Xuân-thu.
Phái Tử-Hạ chú trọng về văn-chương và lễ-nghi, và lại có quân-chủ bảo-hộ, có quan bác-sỹ coi giữ các kinh. Cho nên về sau càng ngày càng phát đạt lên. Hết đời Chiến-quốc, qua đời Tần, đời Hán, đời Đường, Nho-giáo tuy có châm-chước với các phái khác, nhưng thường là do phái này mà thịnh hành ở đời vậy.
Phái Tăng-tử. — Khổng-tử mất rồi, Tăng-tử nối chân mở trường dạy học ở nước Lỗ. Ông học rộng và thành-thực, chắc-chắn hơn cả, cho nên người đời sau cho học-phái của ông là chính truyền.
Cái học của ông chú-trọng về đường đạo-đức, nhưng cái tôn-chỉ đã hơi khác cái đạo của Khổng-tử. Khổng-tử chủ lấy nhân làm cốt, dùng hiếu đễ, lễ nhạc, để gây thành đạo nhân; mà bọn Tăng-tử thì lấy hiếu làm gốc cho các đức-tính khác. Những người đồng ý với ông như Hữu-tử nói rằng: « Hiếu-đễ giã giả, kỳ vi nhân chi bản dư 孝 弟 也 者,其 爲 仁 之 本 與: Hiếu đễ làm cái gốc cho đạo nhân. » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Xem thế thì biết đạo của Khổng-tử ngay từ lúc đầu đã biến thiên đi rồi. Tăng-tử rất chú ý về sự giảng đạo hiếu. Ông nói rằng: « Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng: 孝 有 三:大 孝 尊 親,其 次 弗 辱,其 下 能 養: Hiếu có ba bậc: Bậc đại-hiếu là làm tôn-trọng cha mẹ, bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ, bậc dưới cùng là có thể nuôi được cha mẹ. » (Lễ-ký: Tế-nghĩa). Làm tôn-trọng cha mẹ, là phải « tiên ý, thừa chí, dụ phụ mẫu ư đạo 先 意,乘 志,誘 父 母 於 道: hiểu trước cái ý của cha mẹ, vâng theo cái chí của cha mẹ, để đem cha mẹ đi theo đạo phải » (Tế nghĩa), hay là « lập thân hành đạo, dương danh ư hậu-thế, dĩ hiển phụ mẫu 立 身 行 道,揚 名 於 後 世,以 顯 父 母: gây dựng thân mình đem thi-hành cái đạo ra, rõ tiếng về đời sau, để cho vinh-hiển cha mẹ.» (Hiếu kinh). Không làm nhục đến cha mẹ là phải giữ cái danh-giá của mình cho trọn-vẹn. Ông nói rằng: « Thân giã giả, phụ mẫu chi di thể giã. Hành phú mẫu chi di thể, cảm bất kính hồ? Cư xử bất trang, phi hiếu giã; sự quân bất trung, phi hiếu giã; lị quan bất kính, phi hiếu giã; bằng hữu bất tín, phi hiếu giã: chiến trận vô dũng, phi hiếu giã. Ngũ giả bất toại, tai cập ư thân cảm bất kính hồ? 身 也 者,父 母 之 遺 體 也.行 父 母 之 遺 體,敢 不 敬 乎?居 處 不 莊,非 孝 也;事 君 不 忠,非 孝 也;涖 官 不 敬,非 孝 也;朋 友 不 信,非 孝 也;戰 陣 無 勇,非 孝 也;五 者 不 遂,災 及 於 親,敢 不 敬 乎: Thân là cái di-thể của cha mẹ. Đem cái di-thể của cha mẹ mà làm công nọ việc kia, dám nào không kính hay sao? Cư-xử không nghiêm, không phải là hiếu; thờ vua không trung, không phải là hiếu; làm quan không kính, không phải là hiếu; bầu bạn không tin, không phải là hiếu; đi trận-mạc không mạnh-bạo. không phải là hiếu. Năm điều ấy không thành, thiệt hại đến cha mẹ, dám nào không kính hay sao? » (Tế-nghĩa) Kính cái di-thể của cha mẹ là phải giữ cái thân mình cho trong sạch và không hư hỏng, như lời ông đã dạy học trò: « Phụ mẫu toàn nhi sinh chi, tử toàn nhi qui chi, khả vị hiếu hỹ. Bất khuy kỳ thể, bất nhục kỳ thân, khả vị toàn hỹ 父 母 全 而 生 之,子 全 而 歸 之,可 謂 孝 矣.不 虧 其 體,不 辱 其 身,可 謂 全 矣: Cha mẹ sinh con ra trọn-vẹn, con trọn-vẹn mà đem về, khá gọi là hiếu. Không hư-hỏng thân-thể, không nhục thân danh, khá gọi là trọn-vẹn vậy.» (Tế-nghĩa). Lấy hai cái lẽ tôn thân và phất nhục mà hiểu nghĩa chữ hiếu, thì cũng có phần cao-minh, vì có ý khuyến-khích người ta cố-gắng học-tập cho hay hơn tốt hơn, để xứng cái công-đức cha mẹ. Nhưng hậu-thế lại nệ về chữ « toàn nhi sinh, toàn nhi qui » mà hiểu ra cách giữ cái tóc, cái móng chân, móng tay, nghĩa là chỉ hiểu cách thô-thiển về đường giữ thân-thể, thành ra nhút-nhát nhu-nhược không ra thể-cách con người trượng-phu nữa. Về phần cao-minh mà còn hiểu lầm như thế, huống chi người đời lại chú ý về việc nuôi mà thôi, rồi bày ra những trò trẻ con như lắm truyện trong «Nhị-thập-tứ-hiếu» thì lại càng vô-lý lắm nữa.
Đạo hiếu vốn là cái nền luân-lý rất tốt, nhưng vì người đời quá thiên về đường thiển-cận làm thành ra mất cả ý-nghĩa cao xa đi, ấy cũng là một điều đáng tiếc cho Nho-giáo vậy. Tuy cái học của phái Tăng-tử không được đúng như tôn-chỉ của Khổng-tử cho lắm, nhưng phái ấy có cái công rất lớn với Nho-giáo là đã giữ được những lời giảng-dụ của Khổng-tử, chép ra ở sách Luận-ngữ và lại làm ra sách Đại-học và sách Trung-dung để bày tỏ cái chủ-đích sự học và những lẽ uyên-áo của Khổng-giáo. Hậu-thế nhờ có mấy quyển sách ấy mà biết rõ cái đạo của thánh-nhân. Cái công ấy khá đáng cho phái ấy là chính truyền vậy.
Luận-ngữ 論 語. — Phái Tăng-tử cùng với các môn-đệ góp nhặt những lời giảng-dụ của Khổng-tử xếp thành sách Luận-ngữ, để truyền về sau. Sách này hình như môn-đệ Khổng-tử ai nhớ được điều gì thì chép ra, rồi góp lại mà thành, cho nên không có thứ-tự gì cả. Có chỗ là bọn đồng-môn với Tăng-tử chép ra, có chỗ lại là bọn học-trò của Tăng-tử và Hữu-tử chép thêm vào. Cũng vì thế cho nên các đệ-tử của Khổng-tử đều để chữ tử 子 lên trên tên tự, như: Tử-Lộ, Tử-Trương, Tử-Du, Tử-Hạ, Tử-Cống v. v., duy chỉ có Tăng-tử và Hữu-tử thì để chữ tử xuống dưới tên họ, là để tỏ cách tôn-kính vậy.
Trong sách ấy, cùng một chữ nhân, chữ hiếu, chữ chính mà mỗi nơi nói một khác, là vì cách lập-giáo của Khổng-tử cứ tùy tư-cách, hoặc tùy cái sở đắc, sở thất, của từng người mà dạy bảo, cho nên cái nghĩa không đồng. Tuy hình-thức thì không có trật-tự phân-minh, nhưng văn-từ thì thật rõ, thật đúng, ý-tứ rất sáng, rất gọn, mà câu nào cũng hàm-súc, ung dung, đích-đáng là lời của thánh-nhân vậy. Nay ta nhờ có sách ấy mới biết rõ cái học-thuyết của Khổng-tử và mới hiểu cái vi ý của Ngài về các sự-lý. Thật là quyển sách rất quí của Nho-giáo. Song học giả phải lập chí học mà suy nghĩ cho kỹ, thì mới biết là hay, và sự học đạo của thánh hiền mới có ích lợi. Trình Y-xuyên đời Tống nói rằng: « Có người đọc xong sách Luận-ngữ rồi sau không thấy gì cả, có người đọc xong rồi sau thích một vài câu, có người đọc xong rồi sau lấy làm thích lắm, có người đọc xong rồi thích đến nỗi múa tay múa chân lên mà không biết ». Ông lại nói rằng: « Ai đọc xong sách Luận-ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc, thì người ấy chưa hiểu đọc sách vậy ».
Đại-học 大 學. — Sách này với sách Trung-dung khi xưa vốn là hai thiên chép ở trong sách Lễ-ký. Đến đời Tống, các nho-gia mới đem in riêng ra để cùng với sách Luận-ngữ và sách Mạnh-tử làm bốn sách gọi là Tứ-thư.
Cứ theo ý-kiến của các nhà nho-học xưa nay, thì thiên Đại-học là của Tăng-tử giải-diễn mấy lời của Khổng-tử truyền lại. Khổng-tử nói rằng: « Đại-học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí-thiện. Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ.
Cổ chi dục minh minh đức ư thiên-hạ giả, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân dục tu kỳ thân giã, tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật.
Vật cách nhi hậu tri chí; tri chí nhi hậu ý thành; ý thành nhi hậu tâm chính; tâm chính nhi hậu thân tu; thân tu nhi hậu gia tề; gia tề nhi hậu quốc trị; quốc trị nhi hậu thiên-hạ bình.
Tự thiên-tử dĩ chí ư thứ-nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Kỳ bản loạn nhi mạt trị giả, phủ hỹ; kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu giã.
大 學 之 道,在 明 明 德,在 親 民,在 止 於 至 善.知 止 而 後 有 定,定 而 後 能 靜,靜 而 後 能 安,安 而 後 能 慮,慮 而 後 能 得.物 有 本 末,事 有 終 始,知 所 先 後,則 近 道 矣.
古 之 欲 明 明 德 於 天 下 者,先 治 其 國;欲 治 其 國 者,先 齊 其 家;欲 齊 其 家 者,先 修 其 身;欲 修 其 身 者,先 正 其 心;欲 正 其 心 者,先 誠 其 意,欲 誠 其 意 者,先 致 其 知.致 知 在 格 物.
物 格 而 後 知 至;知 至 而 後 意 誠;意 誠 而 後 心 正;心 正 而 後 身 修;身 修 而 後 家 齊;家 齊 而 後 國 治;國 治 而 後 天 下 平.
自 天 子 以 至 於 庶 人,壹 是 皆 以 修 身 爲 本.其 本 亂 而 末 治 者,否 矣;其 所 厚 者 薄,而 其 所 薄 者 厚,未 之 有 也.
Cái đạo của bậc đại-học là ở sự làm cho sáng cái đức sáng, ở sự thân yêu người, ở sự đến chí-thiện mới thôi. Có biết đến cùng thì sau mới có định, định thì sau mới có thể tĩnh, tĩnh thì sau mới có thể yên, yên thì sau mới có thể tư-lự tinh-tường, tư-lự tinh-tường thì sau mới có thể được cái hay cái phải. Vật có gốc ngọn, sự có cuối có đầu, biết rõ trước sau thì gần đạo vậy.
Đời xưa người muốn làm sáng cái đức sáng ở thiên-hạ, thì trước phải trị nước mình; người muốn trị nước mình, thì trước phải tề nhà mình; người muốn tề nhà mình, thì trước phải sửa thân mình; người muốn sửa thân mình, thì trước phải chính cái tâm của mình; người muốn chính cái tâm của mình, thì trước phải làm cho tinh-thành cái ý của mình, người muốn làm cho tinh-thành cái ý của mình, thì trước phải biết đến chỗ cùng-cực. Biết đến chỗ cùng-cực là ở sự suốt tới chỗ uyên-thâm của sự vật.
Suốt tới chỗ uyên-thâm của sự-vật, thì sau mới biết đến chỗ cùng-cực; biết đến chỗ cùng-cực, thì sau cái ý mới tinh-thành; cái ý đã tinh-thành, thì sau cái tâm mới chính; cái tâm đã chính, thì sau cái thân mới tu; cái thân đã tu, thì sau nhà mới tề; nhà đã tề, thì sau nước mới trị; nước đã trị thì sau thiên-hạ mới bình.
Từ đấng thiên-tử cho đến kẻ thứ-nhân, ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc. Cái gốc loạn mà cái ngọn trị thì chưa có vậy; cái gốc mình đáng hậu mà bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà hậu, là chưa có bao giờ ».
Tăng-tử đem những lời trong kinh Thư và kinh Thi mà diễn thêm cho rõ cái ý của Khổng-tử vừa nói ở trên để dạy học-trò. Sau khi ông mất rồi, học-trò ông mới chép ra thành mười chương nữa. Trong mười chương ấy thì bốn chương đầu nói tóm ba cái cương-lĩnh là minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, còn sáu chương sau nói kỹ tám điều-mục là cách vật, trí tri thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chương thứ năm thích rõ nghĩa sự cách vật và trí tri, song chương ấy về sau mất mất, người ta đem cái ý của Trình-tử đời nhà Tống mà bổ thêm vào. Chương thứ sáu nói sự giữ cái ý của mình cho thành.
Nói rúl lại, cái chủ đích sự học của người ta là đem cái đức sáng của Trời phú cho, mà sửa mình cho hoàn-toàn, rồi mới trị được người. Muốn sửa mình thì phải chính tâm, thành ý và trí tri. Đã trí tri là cách vật. Khi đã trí tri và cách vật, thì ý thành, tâm chính, tức là sửa được thân. Thân đã sửa được, thì có thể tề được gia, trị được quốc, bình được thiên-hạ. Vậy trước sau phải lấy sự sửa mình làm gốc. Sửa mình để trị nước và bình thiên-hạ. Thành thử cái học của Nho-giáo rất quan-hệ đến việc tiến-hóa của quốc-gia và xã-hội.
Đại-để sách Đại-học cốt có bấy nhiêu mà thôi. Cách lập-ngôn thì theo lối cổ, thường hay nói lắp đi lắp lại, nhưng rất có thống-hệ, văn-lý tiếp-tục, ý-nghĩa tinh-mật, thật là một sách thời cổ rất có giá-trị.
Trung-dung 中 庸. — Tăng-tử mất, truyền cái học lại cho học-trò là Khổng-Cấp 孔 伋, tự là Tư 思, cháu đích tôn Khổng-tử. Tử-Tư nối nghiệp dạy học-trò, đem cái phần uyên-áo của Khổng-giáo mà nói rõ ở thiên Trung-dung
Sách Hán-thư chép rằng sách của Tử-Tư có 23 thiên, nhưng sau chỉ có thiên Trung-dung truyền ở đời. Thiên này trước chép ở trong sách Lễ-ký cũng như thiên Đại-học, mãi đến đời nhà Tống mới in riêng ra thành sách.
Sách Trung-dung nói cái chủ-nghĩa chấp-trung của thánh hiền đời xưa và thuật lại cái ý-chỉ của Khổng-tử. Trước hết nói cái bản-nguyên của đạo là tự Trời mà ra, không thể thay đổi đi được, và cái thực-thể của đạo ấy có đủ cả ở mình, không thể xa lìa ra được. Thứ nói cái cốt-yếu tồn, dưỡng, tỉnh, sát. Sau nói cái cùng-cực của thánh, thần, công, hóa. Ai muốn học những điều ấy, thì tìm lấy trong mình mình mà tự hiểu lấy, để bỏ những điều thiên-tư của những sự ngoại-dụ, mà sung-khoáng cái thiện bản-nhiên của Trời phú cho.
Tử-Tư dẫn những lời của Khổng-tử đã giảng về đạo trung-dung. Ngài nói rằng: « Trung hòa là cái tính tình tự nhiên của trời đất, mà trung-dung là cái đức-hạnh của người ta. Trung là giữa, không lệch về bên nào, dung là thường, nghĩa là dùng đạo trung làm đạo thường. Đạo trung dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không mấy người chịu theo. Khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vậy. Chỉ có thánh-nhân mới theo được mà thôi, vì theo đạo ấy cốt phải có ba cái đạt-đức là trí, nhân và dũng. Trí là để biết rõ các sự-lý, nhân là để hiểu điều lành mà làm, dũng lạ để có cái khí cường-kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng. Ba cái đạt-đức ấy là ba cái cửa vào đạo, cho nên nói rằng « Hiếu học cận hồ trí, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng 好 學 近 乎 智,力 行 近 乎 仁,知 恥 近 乎 勇: Thích học là đã gần có trí, cố sức mà làm là đã gần có nhân, biết thẹn là đã gần có dũng. » Có ba điều ấy thì mới sửa được mình, trị được người và trị được thiên-hạ và quốc-gia.
Đạo ấy là đạo của người quân-tử, dùng ra thì rất rộng, mà cái bản-thể thì rất tinh-vi. Đem thi-thố ra thì ai cũng có thể biết được, làm được, mà biết cho đến cùng, làm cho đến hết, thì dẫu bậc thánh-nhân cũng không biết và làm hết được. Đạo ấy bao-quát cả cái lớn vô cùng và cái nhỏ vô cùng. « Ngữ-đại, thiên-hạ mạc năng tái yên; ngữ tiểu, thiên-hạ mạc năng phá yên 語 大,天 下 莫 能 載 焉,語 小,天 下 莫 能 破 焉: Nói cái lớn, thì cả thiên-hạ không thể chở được; nói cái nhỏ, thì cả thiên-hạ không thể phân-phá ra được. »
Tử-Tư lại dẫn lời của Khổng-tử nói về chữ thành 誠: « Thành là đạo Trời, học cho đến bậc thành là đạo người. Cái tính của Trời phú cho người là tự nó thành và minh, mà cách dạy người là làm cho minh cái thành. Đã thành là minh, đã minh là thành. » Ông theo cái ý-kiến ấy mà giải rõ nghĩa đạo Trời và đạo người. Đạo Trời là đạo vô thượng, cho nên mới nói rằng: « Thành giả tự thành giã, nhi đạo tự đạo giã 誠 者 自 成 也,而 道 自 道 也: Thành là tự thành-tựu lấy mình, mà đạo là tự đạo-đạt lấy mình. » Thành là cái thể của Trời, đạo là cái dụng của Trời. Vạn vật nhờ có cái thành mới sinh hóa ra được : « Thành giả vật chi chung thủy, bất thành vô vật 誠 者 物 之 終 始,不 誠 無 物: Thành là trước sau của muôn vật, không có thành thì không có sự vật gì cả. » Vậy nên người quân-tử lấy đạo thành làm quí. Thành là không những tự thành-tựu lấy mình mà thôi, lại thành-tựu cho vạn vật nữa. Thành được mình là nhân, thành được vật là trí. Vậy thành là cái đức của tính và là cái đạo hợp cả trong lẫn ngoài.
Cái đức của chí-thành là cứ biến động và hóa dục mãi không nghỉ, tức là bao-hàm cả cái ý du-cửu 悠 久 và du-viễn 悠 遠. Đã du-cửu thì không có lúc nào là không có, và đã du-viễn thì không có chỗ nào là không khắp. Bởi vậy cho nên mới nói; « Không đâu là không có Trời. »
Trời đã ở khắp mọi nơi, thì không đâu là hư là giả, nghĩa là đâu đâu cũng có sinh hóa, có sự vật, chứ không chỗ nào trống không và không chân-thực; mà đã lúc nào cũng có, thì không gián-đoạn, nghĩa là sự sinh hóa không bao giờ đứt khúc. Du-cửu thuộc về phần trong, du-viễn thuộc về phần ngoài. Phần trong, mà có mãi, thì phần ngoài chứng-nghiệm ra rất rộng, rất xa. Du-viễn thì vô-cùng, du cửu thì vô-cương, cho nên cái tích-lực quảng-bác mà thâm-hậu; đã quảng-bác, thâm-hậu thì cái phát-lực cao đại mà quang minh. Vậy đạo Trời là du-cửu, du-viễn, bác-hậu, cao-minh. Bác-hậu để chở vật, cao-minh để che vật, du-cửu để thành vật: « Bác-hậu sở dĩ tái vật giã, cao-minh sở dĩ phú vật giã, du-cửu sở dĩ thành vật giã 博 厚 所 以 載 物 也,高 明 所 以 覆 物 也,悠 久 所 以 成 物 也. » Bởi thế cho nên « Bất hiện nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành 不 見 而 章,不 動 而 變,無 爲 而 成: Không hiện ra mà rõ, không động mà biến, không làm gì mà thành. »
Đạo Trời như thế, đạo người phải thế nào? Đạo người là phải cố gắng hết sức để cho đến bậc chí-thành. Phải học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, nghĩ-ngợi cho sâu, biện-biệt điều phải trái cho rõ, và dốc lòng làm điều thiện cho đến cùng. Hễ ai làm được như thế thì rồi ngu thành ra sáng, yếu thành ra mạnh, tức là dần dần lên đến bậc chí-thành. Ở trong thiên-hạ duy chỉ có bậc chí-thành tức là bậc thánh, thì mới biết rõ cái tính của Trời; biết rõ cái tính của Trời, thì biết được rõ cái tính của người; biết rõ cái tính của người, thì biết được rõ cái tính của vạn vật; biết rõ cái tính của vạn vật, thì khả dĩ giúp được sự hóa dục của trời đất và có công ngang với trời đất vậy. Còn bậc thứ là bậc hiền giả, thì phải học-tập mất nhiều công-phu, mới đến được bậc chí-thành.
Tử-Tư tin cái đạo chí-thành linh-diệu như thần, cho nên ông nói rằng: « Đạo chí-thành có thể biết trước được mọi việc. Nước nhà sắp hưng-thịnh, tất có điềm lành, nước nhà sắp mất, tất có điềm dữ, những điềm ấy hiện ra ở cỏ thi, mai rùa, hoặc động ở chân tay. Khi có họa phúc sắp đến, thì điều lành cũng biết trước, điều dữ cũng biết trước. » Đạo của bậc thánh-nhân cao-diệu như thế, cho nên ông mới tán-thán rằng: « Đại tai thánh-nhân chi đạo! Dương dương hồ, phát dục vạn vật, tuấn cực ư thiên! 大 哉 聖 人 之 道!洋 洋 乎,發 育 萬 物,峻 極 於 天!: Đạo của thánh-nhân lớn vậy thay! Rộng-rãi mênh-mông, sinh nuôi muôn vật, cao sánh với trời! » Người quân-tử học đạo ấy, xét từ cái nhỏ đến cái lớn, suy từ cái mảy đến cái rõ, ở ngôi trên không kiêu, làm người dưới không trái, nước trị thì lời nói có thể hưng-khởi được điều hay, nước loạn thì ngồi im có thể dung được thân. Động có thể đời đời làm đạo cho thiên-hạ, hành-vi có thể đời đời làm khuôn-phép cho thiên-hạ, nói năng có thể đời đời làm mực-thước cho thiên-hạ, người ở xa trông mong, người ở gần không bao giờ chán.
Trong bốn chương sau cùng: XXX, XXXI, XXXII, XXXIII, Tử-Tư nói cái đạo của Khổng-tử cao xa sâu dầy như trời đất, sáng rõ nhu mặt trời, mặt trăng. Ông kết-luận rằng: « Duy chỉ có bậc chí-thành mới thông-minh tuệ-trí, đủ soi xét được cả thiên-hạ; khoan dụ, ôn nhu, đủ bao-dung thiên-hạ; phát cường, cương-nghị đủ quyết đoán việc trong thiên-hạ; trai trang, trung-chính, đủ làm cho thiên-hạ kính-trọng; văn lý mật sát, đủ biện-biệt mọi việc trong thiên-hạ. Bao giờ cũng rộng-rãi sâu-xa và cứ tùy thời mà phát-hiện ra. Duy chỉ có bậc chí-thành mới kinh-luân được cái mối lớn của thiên-hạ, lập được cái gốc lớn của thiên-hạ, biết được sự hóa dục của thiên-hạ, mà không phải nương tựa vào gì cả. Cái nhân của bậc ấy rất thuần-túy, cái lượng của bậc ấy rất sâu rộng, cái trí của bậc ấy to lớn như trời. Những người ấy nếu vốn không phải là bậc thông minh, thánh trí, đạt được cái đức của Trời, thì còn có ai là người biết được nữa!
Ông dẫn những lời trong kinh Thi để chứng rõ cái đức của người quân-tử cốt ở cái tinh-thần vô-hình. Cái tinh-thần ấy có thế-lực rất mạnh, khiến mình không động mà người ta kính, không nói mà người ta tin, không thưởng mà dân nức lòng làm điều lành, không giận mà dân sợ hơn búa rìu. Ông lại dẫn lời của Khổng-tử để chứng rõ cái đạo của Ngài chú-trọng ở phần tinh-thần. Ngài nói rằng: « Thanh sắc chi ư dĩ hóa dân, mạt giã. Thi viết: Đức do như mao. Mao do hữu luân, thượng thiên chi tái, vô thanh, vô khứu, chí hỹ! 聲 色 之 於 以 化 民,末 也.詩 曰:德 輶 如 毛.毛 猶 有 倫,上 天 之 載,無 聲 無 臭,至 矣: Dùng tiếng nói to, cái sắc mặt nghiêm mà hóa dân, là thuật kém hơn cả. Kinh Thi nói rằng: Cái đức của người trên nhẹ như cái lông mao. Cái lông mao còn có ví với vật khác có sức nặng, chứ việc sinh hóa tài bồi của Trời là không có tiếng, không có hơi. Đạo ấy mới thật là rất mực vậy! »
Sách Trung-dung nói cái đạo của thánh-nhân căn-bản ở Trời, rồi giải-diễn ra hết mọi lẽ, khiến người ta phải giữ mình cho kính-cẩn trong khi hành-động và khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự nhân nghĩa, để khiến cho cả thiên-hạ được bình-trị, và lại tán-dương cái công-hiệu linh-diệu của đạo ấy cho đến chỗ tinh-thần vô thanh, vô sắc, mới thôi. Thật là một quyển sách triết-lý rất cao, tưởng các sách đời cổ truyền lại chưa có sách nào bàn đến cái lý-học siêu-việt như thế.
Giá hậu-thế cứ theo cái ý-nghĩa trong sách Trung-dung mà bồi-bổ và khoáng-trương cái phần thuần-lý triết-học ra, thì có lẽ Nho-giáo thành ra một môn triết-học uyên-áo vô cùng. Nhưng vì cái tính-cách người Tàu quá thiên về đường thực-tế, các học giả thường chỉ chuyên trị những việc chính-trị và những sự thực-hành luân-lý, cho nên cái học của Nho-giáo càng ngày càng thấp xuống. Ấy cũng là một điều đáng tiếc cho sự học ở phương Đông ta vậy.