NHO-GIÁO


THIÊN I

THƯỢNG-CỔ THỜI-ĐẠI

Chính-thể nước Tàu về thời mới khai-sáng. — Nguyên lúc đầu người Tàu ở phía tây-bắc tràn xuống miền Hoàng-hà đánh đuổi người Miêu-tộc ở bản-xứ đi, rồi mỗi họ chiếm giữ lấy một chỗ, để làm khu-vực của mình. Họ nào cũng có người tộc-trưởng làm đầu, cai-quản cả người trong họ ở khu vực ấy, gọi là hậu 后, tức là ông vua một xứ nhỏ. Những xứ nhỏ ấy có đến hàng nghìn, hàng vạn, cho nên mới gọi là vạn bang 萬 邦. Các ông hậu ấy lại chọn lấy một ông hậu khác có tài, có đức, lập lên làm đế 帝 tất cả các nước, gọi là nguyên-hậu 元 后, về sau xưng là thiên-tử 天 子. Các hậu gọi là chư-hầu 諸 侯, ai ở nước nào trị nước ấy, nhưng phải phục-tòng mệnh-lệnh nguyên-hậu và hàng năm phải triều-cống.

Hậu trị một nước, hay đế trị cả thiên-hạ, đều theo cái chế-độ gia-tộc. Nhà thì có cha làm chủ, coi cả các con. Trong các con có đứa lớn đứa nhỏ: lớn là anh, nhỏ là em. Anh có quyền sai bảo em, em phải phục-tòng anh. Nước thì có vua làm chủ, có quan để coi mọi việc, giúp vua mà trị dân. Ở trong nước cùng như ở trong nhà, bao giờ cũng phải giữ tôn ti trật-tự rất nghiêm, nhưng cha phải bảo-thủ quyền-lợi của các con, vua phải bảo-thủ quyền-lợi của dân. Con thì yêu kính cha, dân thì tôn-kính vua. Đại để việc chính-trị của dân-tộc Tàu về đời thượng-cổ giản-dị và rõ-rệt như vậy.

Tin Trời và quỉ-thần. — Song việc chính-trị chỉ giữ được cái trật-tự bề ngoài mà thôi, còn như sự sống chết bất-thường, việc cát hung, họa phúc, lắm khi không biết tự đâu sẩy đến, sự làm ăn lại khó-khăn, khi lo sợ, lúc ốm đau, thường không phải là tại việc chính-trị mà sinh ra, tất là người ta đổ cho tại cái thế-lực gì ở ngoài cuộc nhân-sinh, chủ-trương những điều ấy. Bởi thế mới có sự tin quỉ, tin thần, và sự cúng tế cầu nguyện v. v. Phàm ở trong trời đất, cái gì có hình, hoặc là vận-động được, như mặt trời, mặt trăng, sao, núi, sông, sấm, chớp, gió, mưa, v. v. là người ta cho có thần cả, và cho những thần ấy đều can-thiệp đến sự sinh-hoạt của người. Đó là cái lòng tín-ngưỡng của dân-tộc nào lúc đầu cũng thế cả.

Đã có người, lại có quỉ, có thần, thì tất là có một cái thế-lực nào nữa rất to hơn, chủ-trương cả toàn-thể trong vũ-trụ. Cứ lý tự-nhiên mà suy ra: nhà có cha, nước có vua, thiên-hạ có đế, thì vũ-trụ phải có một đấng nào làm chủ. Nhưng vũ-trụ mênh-mông mà chỗ nào cũng thấy tầng trời xanh-xanh bao-bọc khắp cả mọi nơi, người ta mới nghĩ ra ông Trời. Chắc lúc đầu người Tàu cũng cho ông Trời như là một ông Nguyên-hậu ở dưới trần-gian này, vậy nên mới gọi ông Trời là Đế, hay là Thượng-đế. Thượng-đế ở trên trời cai-quản cả bách thần và vạn vật ở trong vũ-trụ, và lại là một đấng chí-nhân hay thương dân. Kinh Thi nói rằng: « Hoàng hỹ Thượng đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc 皇 矣 上 帝, 臨 下 有 赫, 監 觀 四 方, 求 民 之 莫: Đức Thượng-đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ-ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn-khổ của dân mà cứu giúp. » Vậy nên người ta bao giờ cũng phải kính và sợ Trời. Kính Trời và sợ Trời là cơ-bản đạo-đức của người Tàu.

Tư tưởng về vũ-trụ. — Nhưng đó vẫn là cái quan-niệm thuộc về phần hình-thức, chưa phải là lý-tưởng của những bậc hiền-triết. Dần dần về sau những người trí-thức nghĩ-ngợi sâu-xa, mới hiểu rằng không lẽ ông Trời lại nhỏ hẹp như người ta và cũng có hình dáng như ta được, tất là một cái lý chí-linh, chí-diệu, làm chủ-tể cả muôn vật. Muôn vật sở dĩ sinh ra hay là hóa đi, đều do ở cái lý ấy chủ-trương. Vậy nên mới nói rằng: Trời là cái bản-nguyên của muôn vật.

Vũ-trụ lúc đầu là một cuộc hôn-mông mờ-mịt, không phân-biệt ra gì cả. Trong cuộc hôn-mông ấy có cái lý quang-minh, linh-diệu vô-cùng, tức là Thái-cực. Song Thái-cực là đơn-nhất, tuyệt-đối, ẩn-khuất không rõ ra, cho nên không sinh-hóa được. Muốn sinh-hóa thì phải có đôi, có tương-đối, có điều-hòa. Vậy nên Thái-cực biến-hóa thành ra âm và dương. Âm dương theo lẽ điều-hòa mà sinh ra ngũ hành là thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, để biểu-thị những cái khí-chất đã thành hình.

Ta nên hiểu rằng: cổ-nhân dùng hai chữ âm dương là để biểu-thị hai cái tương-đối, như động tĩnh, sáng tối, cứng mềm v. v. và dùng những chữ thủy, hỏa, kim, mộc, thổ là để biểu-thị những cái vật-chất có thể tương sinh tương khắc với nhau. Đại ý là để khiến người ta hiểu rằng trong trời đất phải có cái đạo điều-hòa mới sinh hóa được. Hậu thế nhiều người ngộ nhận cái ý nghĩa ấy cho âm dương và ngũ hành là cái khí nhất-định, cho nên mới thành ra nhiều sự sai lầm.

Lúc âm dương đã phân định, thì cái khí khinh thanh lên làm trời, cái khí trọng trọc xuống làm đất, ở giữa khoảng trời đất, âm dương điều-hòa với nhau mà sinh ra muôn vật, vật nào bẩm-thụ được nhiều thanh khí thì làm thần, làm thánh, vật nào bẩm-thụ được ít thì làm người thường, hay là các loài khác.

Thiên nhân tương dữ. — Tự đời thượng-cổ, người Tàu đã có cái tư-tưởng cho người ta sinh ra ai cũng bẩm-thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy tức là một phần thiên-lý. Vậy Trời với người quan-hệ nhau rất mật-thiết lắm. Bởi thế mới lấy pháp-tắc tự-nhiên của Trời làm cái mô-phạm của người và cho thiên-luân là nhân-luân, thiên-đạo là nhân-đạo. Kinh Thi nói rằng: « Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức 天 生 蒸 民,有 物 有 則,民 之 秉 彞,好 是 懿 德: Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt. » Trời sinh ra người, cho người có lòng muốn đức tốt, thì người phải lấy Trời làm gốc, phải kính Trời, sợ Trời, và phải theo cái bản-tính của Trời đã phú cho, mà ăn-ở cho hợp với đạo trời.

Cái tư-tưởng đặc-biệt của người Tàu là cho thiên-đạo và nhân-sự quan-hệ với nhau. Trời là cái công-lý tự-nhiên lưu-hành khắp cả mọi nơi. Vậy kính Trời và sợ Trời là phải giữ mình lúc nào cũng kính-cẩn, lúc ngồi im lặng một mình cũng như lúc làm công kia việc nọ, bao giờ cũng phải theo thiên-lý mà hành-động: làm việc gì hợp với lẽ trời là phải, là hay, nghịch với lẽ trời là trái, là dở. Trời với người liên-lạc với nhau mật-thiết như thế, thì tất có thể tương cảm tương ứng được. Vậy nên người Tàu hay dùng bốc phệ, nghĩa là hay bói mai rùa và bói cổ thi. Thiên Hồng-phạm trong kinh Thư nói rằng: « Nhữ tắc hữu đại nghi, mưu cập nãi tâm, mưu cập khanh sĩ, mưu cập thứ nhân, mưu cập bốc phệ 汝 則 有 大 疑,謀 及 乃 心,謀 及 卿 士,謀 及 庶 人,謀 及卜 筮: Ngươi (vua) có điều ngờ lớn, thì tự trong bụng suy nghĩ cho kỹ, rồi bàn với khanh sĩ, hỏi những thứ nhân, hỏi bốc phệ. » Trước hết mình phải xét kỹ, rồi mới bàn với người, nếu còn hồ-nghi nữa, thì sau cùng mới dùng bốc phệ. Dùng bốc phệ là hỏi quỉ thần để biết sự cát hung Quỉ thần là âm dương bất trắc, mà nhân-sự thì cũng không ra ngoài được cái lẽ điều-hòa của âm dương và ngũ hành, cho nên ta có thể lấy âm dương và ngũ hành mà đoán được việc lành, việc dữ. Bởi thế, khi có việc quân, việc nước, hay việc tế-tự, là các vua chúa đều phải bói rồi mới dám quyết. Thành thử bốc phệ bao giờ cũng có cái địa-vị rất hệ-trọng trong sự hành-vi của người ta. Vua chúa đời xưa đều phải đặt quan Thái-bốc để giữ việc bói toán.

Tôn-giáo. — Trời là lý nhưng là cái lý linh diệu vô cùng làm chủ-tể cả muôn-vật, và ở chỗ nào cũng có, cho nên người ta phải kính Trời và sợ Trời. Vì có lòng kính sợ ấy, mới đặt ra lễ nghi rất tôn-nghiêm để tế Trời và tế quỉ thần. Nhưng Trời là chí-tôn, thì chỉ có thiên-tử là người đã chịu mệnh Trời mà trị muôn dân, mới được quyền thay muôn dân để tế Trời và quỉ thần, còn chư-hầu thì ai ở phương nào tế thần phương ấy, các quan và kẻ sĩ thì tế tổ tiên trong nhà. Sự tế-tự ấy nói rõ-ràng ở trong sách Lễ-ký, thiên Khúc-lễ-hạ: « Thiên-tử tế thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự; chư-hầu phương tự, tế ngũ tự; đại-phu tế ngũ tự; sĩ tế kỳ tiên 天 子 祭 天 地,祭 四 方,祭 山 川,祭 五 祀;諸 侯 方 祀,祭 祀;大 夫 祭 五 祀;士 祭 其 先: Thiên-tử tế trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự; chư-hầu tế phương mình ở, tế ngũ tự; quan đại-phu tế ngũ-tự; kẻ sĩ tế tổ-tiên. » Ngũ tự là tế thần cửa, ngõ, giếng, bếp, và ở giữa nhà.

Xem vậy thì biết rằng người đời xưa lấy việc tế-tự làm quan-trọng lắm, mà trong sự tế-tự của người Tàu có cái đặc-sắc là việc thờ-cúng tổ-tiên. Sách Lễ-ký nói rằng: « Vạn vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ 萬 物 本 乎 天,人 本 乎 祖: Muôn vật gốc ở Trời, người gốc ở tổ ». Ngoài việc thờ Trời ra, thì việc thờ tổ-tiên là trọng hơn cả. Trời thì chỉ có Thiên-tử mới được tế mà thôi, còn tổ-tiên thì từ vua quan cho chí nhân dân, ai cũng phải thờ. Sự thờ-cúng ấy do sự tin rằng lúc người ta chết rồi, cái thể-phách tan nát đi, nhưng cái tinh-anh hãy còn, thành ra quỉ. Quỉ cũng thiêng-liêng như thần, có thể can-thiệp đến việc người và phù-hộ cho con cháu. Nhất là những người lúc sinh thời có tài, có đức, đã làm vua làm chúa, thì lúc chết lên ở trên trời. Kinh Thi nói rằng: « Tam hậu tại thiên 三 后 在 天: Ba vua ở trên trời ». Ba vua là nói Vương-Quí, Văn-vương và Vũ-vương, tức là ba ông tổ nhà Chu. Lại có chỗ nói rằng: « Văn-vương trắc giáng tại đế tả hữu 文 王 陟 降 在 帝 左 右: Vua Văn-vương lên xuống ở bên tả bên hữu Thượng-đế ».

Những vua chúa chết rồi lên ở trên trời, cho nên trong khi tế-tự, nhà vua đem tổ-tiên vào cúng tế với Trời. Sách Lễ-ký nói rằng: « Giao tự Hậu-Tắc dĩ phối thiên, tôn tự Văn-vương ư Minh-đường dĩ phối Thượng-đế 郊 祀 后 稷 以 配 天,宗 祀 文 王 於 明 堂 以 配 上 帝: Tế Giao thì tế Hậu-Tắc để phối hưởng với Trời. Tế tôn-miếu thì tế Văn-vương ở nhà Minh-đường để phối hưởng với Thượng-đế. » Vì lẽ rằng người ta đã bẩm-thụ cái lý khí của Trời, thì khi chết rồi, ai giữ được cái lý khí ấy tinh-thuần, thì lại được lên trời, mà giữ quyền làm chủ-tể muôn vật. Bởi vậy người Tàu tin rằng những bậc thánh-quân, hiền-tướng, khi chết rồi lên trời cũng có thế-lực gần ngang như Trời.

Việc thờ Trời, thờ quỉ thần và tổ-tiên, tuy là phân-biệt, nhưng kỳ thực cũng là theo một lý cả, và chính là một cái tôn-giáo đặc-biệt của những dân-tộc theo văn-minh Tàu ở Á-đông. Tôn-giáo ấy ở trong nhà thì có người tộc-trưởng làm chủ việc tế-tự tổ-tiên, ở trong nước thì có vua làm chủ việc tế-tự Trời và quỉ thần, cứ lưu-truyền mãi từ đời thượng cổ đến nay, vẫn không biến đổi đi chút nào.

Trọng việc thực-tế. — Người Tàu khởi đầu ở phía bắc sông Hoàng-hà, khí-hậu lạnh-lẽo, sự làm-ăn khó-nhọc, cho nên những tư-tưởng đều chú cả về cuộc thực-tế. Việc gì cũng lấy nhân sự làm cốt. Đã trọng sự thực-tế thì tất phải trọng sự kinh-nghiệm. Phàm điều gì tổ-tiên đã thi-hành ra mà đã có hiệu-quả, thì con cháu cứ đời đời noi theo, bởi thế cho nên thành ra cái tính thủ-cựu. Bao nhiêu những lệ-luật của đế vương đời trước đã đặt ra, là đều lấy làm khuôn phép cho đời sau.

Cứ theo sử Tàu thì lúc đầu có mấy ông vua rất có công mở-mang cho dân-tộc Tàu, trước hết là vua Phục-hi (4480 - 4365 trước Tây-lịch kỷ-nguyên) vạch ra tám quẻ để thông cái đức của thần-minh và để bày rõ cái tình của muôn vật, đặt ra thư khế để thay cái tục lấy dây thắt nút, và định ra lệ giá thú. Vua Thần-nông (3220 - 3080) dạy dân giồng ngũ cốc. Vua Hoàng-đế (2697 - 2597) chế ra áo mũ, sai quan đặt văn-tự, định can chi, làm lịch, dùng toán số. Vua Nghiêu (2357 - 2257) sai họ Hi, họ Hòa xem sự chuyển-vần của mặt trời, mặt trăng và tinh thần để dạy dân biết lúc nghỉ, lúc làm, mùa cấy, mùa gặt. Thời bấy giờ có ông Thuấn giúp vua Nghiêu đi tuần thú bốn phương, tiếp-kiến những hậu các nước, sửa đổi ngày tháng và bốn mùa cho đúng, định âm-nhạc, phép đo, phép lường, phép cân, cho nhất-luật đâu đâu cũng dùng như nhau cả. Vua Nghiêu mất, vua Thuấn (2256 - 2208) lên nối ngôi, đặt ra quan-chế và dùng những người tài giỏi như bọn ông Vũ, ông Tiết, ông Cao-Dao, ông Ích, ông Khí v. v. để coi mọi việc. Vua Vũ (2205-2197) thay vua Thuấn đặt ra cửu trù, để định rõ các mối luân-thường và chính-trị. Lại có những vua có đạo đức làm những điều nhân-chính như vua Thang (1783-1754), vua Văn-vương (1186-1135) và vua Vũ-vương (1134-1116).

Đời sau lấy những phép-tắc và chế-độ của những bậc ấy làm chuẩn-tắc cho sự học-vấn, luân-lý và chính-trị, tức là cái mối đầu cái học của Nho-giáo vậy.

Chúc và sử. — Nguyên vì có cái quan-niệm cho việc gì cũng phải theo thiên-đạo và tôn-sùng tổ-tiên, nên chi các vua chúa đời xưa đặt ra quan Chúc 祝 và quan Sử 史. Quan Chúc coi thiên-sự, quan Sử coi nhân-sự, Quan Chúc có hai chức-vụ. Một là coi việc cầu-nguyện cho nhân-dân được phúc lành, hoặc khi vua đi đánh giặc, thì phải coi việc tế-lễ, để cầu được thắng-trận. Hai là coi việc lịch, tức là xem tượng trời mà đem ứng-dụng ra nhân-sự, như là định bốn mùa và tháng ngày cho đúng, để dân biết thời tiết mà làm-ăn, xem sao trên trời và việc bốc phệ để đoán việc cát hung. Mãi đến cuối đời nhà Chu, quan Chúc vẫn giữ chức-vụ cố-vấn của nhà vua. Hễ trong nước có việc gì quan-trọng là vua phải hỏi quan Chúc rồi mới quyết-định được. Các quan Chúc thường cũng dùng pháp thuật như bọn vu-nghiễn. Khi vua đi điếu-phúng chỗ nào, thì có quan Chúc đi trước, Sách Chu-Lễ nói rằng: « Vương điếu tắc dữ Chúc tiền 王 弔 則 與 祝 前: Vua đi điếu thì có quan Chúc đi trước ».

Quan Sử coi việc nhân-sự, ghi chép những công việc của các đế vương đời trước, cốt để lưu-truyền những điều của tổ-tôn đã đặt ra. Đời nhà Chu có quan đại-sử, tiểu-sử, tả-sử, hữu-sử, nội-sử, ngoại-sử. Những sách như kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Nhạc, đều do sử-quan làm ra. Về sau Lão-tử làm quan Trụ-hạ-sử, Khổng-tử thì đi đến kinh-đô nhà Chu để xem sử-ký. Hai ông tị-tổ Đạo-giáo và Nho-giáo đều phải khảo-cứu sử-học mà lập ra học-thuyết của mình. Xem thế thì rõ sử là nguồn gốc các mối học-thuật của nước Tàu vậy.

Chúc và Sử là hai cái chức-vụ hệ-trọng, phi người đã kinh-nghiệm lắm, không làm được, cho nên ai đã giữ hai chức-vụ ấy đều được cha truyền con nối để coi những việc ấy. Chúc-quan thì lấy việc trời mà suy ra việc người, sử-quan thì xét việc đời xưa mà làm việc đời nay. Về sau những học-thuật như lịch-tượng (thiên-văn), lịch-số (âm-dương), chiêm-nghiệm (phương-sĩ) thì phát ra bởi chúc-quan. Đạo-gia và Nho-gia thì phát ra bởi sử-quan. Các mối học-thuyết của Tàu đều căn-bản ở chúc-quan và sử-quan cả.

Đại để những tư-tưởng và công-việc của các đế vương, như bát-quái của vua Phục-hi, cửu-trù của vua Hạ Vũ là lấy làm gốc lý-học; điển-hình chế-độ của vua Nghiêu vua Thuấn cùng những điển, mô, huấn, cáo, của các thánh-quân hiền-tướng đều lấy làm nền luân-lý và chính-trị. Những người học-giả đời trước phải biết rõ những điều ấy, thì mới ra ứng-dụng ở trong xã-hội được.

Vu-nghiễn — Người đời thượng-cổ vẫn nhân cái đạo của các đế vương đời trước làm chính đạo, nhưng thường là con nhà quí-phái, hoặc là số ít người có thiên-tư đặc-biệt mới học được mà thôi, còn nhân-chúng thì phải làm-ăn khó nhọc, phục-dịch việc vua việc quan, lắm điều khổ-sở. Khi trong nước có ông vua nhân-từ, tiết-kiệm, thì dân được yên cư lạc nghiệp, nếu phải ông vua hoang chơi xa-xỉ, hoặc hay sinh sự chiến-tranh, thì dân-gian bị nhiều điều hà-khốc. Phàm người đời đã bị cực-khổ mà lại học-hành không có, việc hay dở không biết thế nào, tất là phải chìm đắm vào những điều mê-hoặc, và tin những việc quái lạ. Bọn vu-nghiễn 巫 覡 tức là bọn đồng cốt, thầy cúng thầy pháp v. v. lấy điều cát hung họa phúc, dùng những phương-thuật huyền-hoặc mà đánh lừa những người ngu dại, đem chuyện thần thánh ma quỉ mà dọa nạt người thường, để làm nghề kiếm ăn. Ở nước Tàu về đời thượng-cổ, bọn vu-nghiễn có thế-lực rất mạnh, thậm chí nhà nào cũng thờ quỉ, thờ thần. Cổ-thư nói rằng: « Dân thần tạp nhụ, gia vi vu sử 民 神 雜 揉,家 爲 巫 史: Dân với thần lẫn-lộn, nhà nào nhà ấy cũng có vu-sử. » Nhà vua thấy thế mới sai quan định rõ việc thần và việc người, để ngăn cấm bọn vu-nghiễn làm mê-hoặc lòng người. Thiên Lữ-hình trong kinh Thi nói rằng: « Mạnh Trọng, Lê, tuyệt địa thiên thông, võng hữu giáng cách 命 重 黎,絕 地 天 通,罔 有 降 格: Vua sai họ Trọng, họ Lê, định điển-lễ rõ-ràng, để phân-biệt việc người với việc thần, không cho người ta nói bậy là thế nào thần cũng giáng, hay dùng cách không chính-đáng mà cũng cảm cách được đến thần. » Đế vương đời trước cho là dân mê-tín những sự yêu-quái, là vì không hiểu rõ cái chính-lý của trời đất, không phân-biệt điều thiện điều ác, cứ hay tìm mối họa phúc ở chỗ mơ-màng mù-mịt. Vậy nên mới định rõ việc thờ cúng, để chính lòng người và làm cho rõ đạo thường.

Tuy vậy lòng người vẫn bị những vật-dục làm mờ tối đi, thành ra thế-lực của bọn vu-nghiễn càng ngày càng mạnh. Về sau vua phải đặt: « Tư-vu chưởng quần vu chi chính lệnh, 司 巫 掌 羣 巫 之 政 令: Quan Tư-vu cai-quản và sai khiến bọn vu-nhân. » (Chu-lễ: Tư-vu). Xem thế thì biết rằng đạo của thánh hiền tuy là công chính, nhưng vẫn không có thế-lực bằng cái thuật của bọn vu-nghiễn. Vì đạo của thánh hiền chỉ riêng cho những người đi học, mà thuật của bọn vu-nghiễn thì lan khắp ra cả bàn dân thiên hạ.

Nho. — Đời xưa người ta đi học đạo của thánh hiền gọi là nho 儒 tức là người đã học biết suốt được lẽ trời đất và người, để dạy bảo người ta ăn-ở cho phải đạo luân-thường. Nho là bởi chữ nhân 人 đứng bên chữ nhu 需 mà thành ra. Nhân là người, nhu là cần-dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần-dùng đến để giúp cho nhân-quần xã-hội biết đường mà ăn-ở và hành-động cho hợp lẽ trời. Chữ nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi, đợi người ta cần đến, sẽ đem cái tài trí của mình ra mà giúp việc đời. Phàm những người học nho-thuật thường là những người chuyên về mặt thực-tế hơn mặt lý-tưởng. Bởi vậy tự xưa đến nay, những người nho-học đều là người chực ra cáng-đáng việc đời, để làm ích quốc lợi dân, chứ không phải là người yếm-thế, chỉ vụ lấy sự vui thú trong vòng tư-tưởng. Có biết rõ cái ý nghĩa ấy, thì về sau mới hiểu tại làm sao Khổng-tử cứ phải chu-du thiên-hạ để cầu ra xuất chính. Ngài là người theo đạo Nho, bao nhiêu cái tư-tưởng và sự học tập của Ngài là chủ về nhân-sự, cốt đem thực-hành ra ở xã-hội, làm ích lợi cho nhân-quần. Cái mục-đích ấy chính là cái mục-đích của những người nho-học tự đời thượng-cổ cho đến ngày nay. Cũng bởi lẽ ấy cho nên thầy Tử-Lộ nói rằng: « Bất sĩ vô nghĩa.... Quân-tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã 不 仕 無 義.... 君 子 之 仕 也,行 其 義 也: Không ra làm quan là vô nghĩa.... Người quân-tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy. » (Luận-ngữ: Vi-tử, XVIII).

Trước đời Xuân-thu thì những người nho-học gọi là 士 thuộc quyền quan Tư-đồ. Những người sĩ do quan Tư-đồ chọn lấy cho đi du-học văn-chương và lục nghệ là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, để dùng làm quan coi việc nước. Bởi vậy sách Hán-thư-nghệ-văn-chí nói rằng: Nho-giáo do ở quan Tư-đồ mà ra. Từ cuối đời Xuân-thu trở đi, Khổng-tử đem phát-huy cái học-thuyết của Nho-gia và định rõ những điều như là:

1. Nói về cuộc biến-hóa của vũ-trụ, quan-hệ đến vận-mệnh của nhân-loại.

2. Nói về các mối luân-thường đạo-lý ở trong xã-hội.

3. Nói về các lễ nghi trong việc tế-tự trời đất, quỉ thần.

Những điều ấy thành ra cái thế-lực rất to, có ảnh-hưởng đến sự tư-tưởng và sự hành-động của cả nhân chúng trong xã-hội. Bởi vì những điều ấy chính là điều cốt yếu của một tôn-giáo, cho nên từ Khổng-tử trở đi, mới gọi cái học của Nho-gia là Nho-giáo, và mới tôn Khổng-tử là tị-tổ của Nho-giáo vậy.

Đại-khái chính-trị, phong-tục, học-thuật, tư-tưởng của người Tàu về đời thượng-cổ nói tóm lại là thế. Người Tàu sớm biết nghề canh-nông, cho nên mới lấy việc làm lịch làm quan-trọng. Phần thì để cho dân biết thời tiết mà làm-ăn, phần thì để sai khiến dân làm công kia việc nọ cho phải thời, khỏi ngăn trở sự cày cấy. Bởi vậy người đời cổ hay xem xét thiên-sự. Song người Tàu vốn có tính chuộng sự thực-tế, xem việc Trời là chủ-đích để làm việc người. Vì thế cho nên bao nhiêu những học-thuyết và tư-tưởng đều chủ vào đạo-đức luân-lý cả. Chỉ hiềm một nỗi là đạo ấy không phổ-thông, thành ra dân gian vẫn đắm-đuối ở những điều huyền-hoặc của bọn vu-nghiễn. Đến đời Xuân-thu, nhà Chu đã suy-nhược, thiên-hạ rối-loạn, cái trật-tự cũ đổ nát cả. Bấy giờ các học-thuyết hưng-khởi lên, thành ra mới có một thời-đại rất thịnh về đường học-thuật và tư-tưởng vậy.