TỰA.
Một cái nhà cổ rất đẹp, lâu ngày không ai sửa-sang, để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống. Những người xưa nay vẫn ở cái nhà ấy, ngơ-ngác không biết làm thế nào. Dẫu có muốn dựng lại, cũng không dựng được, vì người không có mà của cũng không. Vả thời thế đã xoay vần, cuộc đời biến đổi, người trong nước đang háo-hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ gì đến cái nhà cổ ấy nữa. Song cái nhà cổ ấy tự nó là một cái bảo vật vô giá, không lẽ để đổ nát đi, mà không tìm cách giữ lấy cái di-tích. Không gì nữa, thì ta cũng vẽ lấy cái bản-đồ để người đời sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp-đẽ là thế, mà sau đổ nát là thế. Ấy cái tình cảnh văn-hóa của Nho-giáo hiện thời bây giờ cũng như cái nhà cổ ấy vậy.
Việc làm quyển sách nói về Nho-giáo tức là việc vẽ lấy cái bản-đồ của Nho-giáo. Đáng lẽ là việc của những người đã sinh trưởng trong cái không-khí Nho-giáo, đã tiêm nhiễm-cái tinh-thần Nho-giáo. Nhưng khốn thay người đời lãnh-đạm, ai nấy thấy cái học cũ đã đổ thì thôi, không ai lưu ý đến nữa. Vậy nên chúng tôi vì chút lòng hoài cổ, không quản sự khó-khăn, không sợ việc to lớn, đem cái sức nh mọn mà tự nhận lấy việc làm sách này, đêm ngày tìm kiếm, nghĩ-ngợi, cố tả cho rõ cái chân tướng của Nho-giáo, để họa may có bổ ích cho sự học của người mình được chút nào chăng. Dẫu tả không được đúng cái chân tướng ấy cho lắm, nhưng cũng là một việc làm để giữ lấy di-tích về sau. Chúng tôi nghĩ như thế, cho nên phải gắng sức tạm nhận lấy cái gánh nặng, chủ-đích là để cho những kẻ hậu-học sau này, ai muốn biết cái tinh-thần của xã-hội ta khi xưa bởi đâu mà sinh ra, và cái tinh-thần ấy về sau tại làm sao mà hư hỏng đi. Tưởng đó là một điều rất mật-thiết đến việc học ngày nay. Vì rằng việc tiến-hóa của một dân-tộc không phải là chỉ cần lấy học cho biết cái biết của người mà thôi, lại cần phải biết rõ những cái của mình đã có, để đem dung-hóa cái mới với cái cũ mà gây thành ra cái tinh-thần mới, có thể thích-hợp với cái hoàn-cảnh của mình, thích-hợp với cái trình-độ và cái tâm-tính của mình. Đó là sự mong-mỏi của chúng tôi, tấm lòng thành thực cứ đinh-ninh như thế vậy.
Đã nói rằng quyển sách này tựa như cái bản-đồ vẽ cái nền Nho-giáo cũ, thì dẫu hay dở thế nào mặc lòng, cốt nhất là phải vẽ cho đúng. Vậy nếu trong sách này chúng tôi thường trích-lục những lời nguyên-văn của thánh hiền đã ghi chép trong các Kinh Truyện cùng những điều của tiên-nho lưu-truyền ở trong các sách vở, đem phiên dịch ra quốc-âm cho rõ-ràng, để làm minh chứng cho cái học-thuyết của Nho-giáo. Còn những lời nghị-luận, thì chúng tôi vẫn cố giữ cái thái-độ khách-quan mà nói, chứ không theo ý riêng mà làm mờ tối mất sự thực. Giản hoặc có điều gì không được chính đáng, ấy cũng là xuất ư ý ngoại, xin độc-giả thể tình mà dung thứ cho.
Trước khi đem xuất-bản quyển sách này, chúng tôi xin có lời cảm-tạ hai ông bạn là ông Phó-bảng Bùi Kỷ và ông Cử Trần Lê-Nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong khi khảo-cứu, thường gặp những chỗ khó hiểu, cùng nhau bàn bạc được rõ hết mọi ý nghĩa.
Làm quyển sách này, bản-ý của chúng tôi là mong bày tỏ được cái đạo của thánh hiền ra, dẫu mất bao nhiêu công phu cũng không ngại, miễn là được thỏa tấm lòng lạc-đạo thì thôi, trước sau chỉ một niềm cúc cung tận tụy về việc học. Ước-ao rằng cái công-phu này không đến nỗi bỏ uổng vậy.
Trần trọng-Kim