Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay/Cuốn 4

NGÔ-TẤT-TỐ SOẠN

NHỮNG TRẬN ĐỔ MÁU HỒI NGƯỜI
Pháp mới sang ta đến ngày nay

Ông Phó-bảng-Long dũng tướng cửa thành Hà-nội

Có đủ hình vua Hàm-nghi hồi mới lên ngôi, và bây giờ, vua Đồng-khánh, Thành thái, Duy tân, và vua Bảo-đại cùng các yếu-nhân Pháp, Nam như: Tôn-thất-Thuyết; Nguyễn-văn-Tường, Hoàng-Diệu, Phan-thanh-Giản, Nguyễn-tri-Phương vân vân

NHẬT-NAM THƯ-QUÁN
102 Hàng Gai Hanoi, xuất-bản giữ bản-quyền

Cuốn 4
Giá 3 Xu
(1935)

Giữa giờ Mão, thấy có thư của Henri-Rivière đưa lên, trong thư đại ý hỏi vì lẽ gì mà trong thành sắp sửa binh-lính, hạn cho đến đúng 8 giờ thì binh-lính phải giải-tán, cho hết, các quan phải xuống hết đồn Thủy nghe lệnh. Nếu chậm, quân Pháp sẽ lên đánh thành.

Hoàng-diệu đi một lượt khắp các cửa thành kể với các quan lời lẽ trong bức thư ấy, và nói cho biết rằng cái giờ chiến-tranh đã sắp đến nơi, ai nấy đều phải hết sức. Khi đến Cửa Tây, Tôn-thất-bá tình-nguyện đi xuống đồn Thủy điều-đình với Henri-Rivière, làm kế hoãn binh, Hoàng-diệu bằng lòng.

Tôn-thất-bá đi rồi, Hoàng-diệu lại đi khắp mặt thành, lấy lời trung-nghĩa hiểu-dụ quân-lính và các tướng-tá, ai nấy đều cảm-động, Nhất là các quan văn-võ, người nào cũng ra bộ hăng hái, thề xin chết với thành-trì.

Đầu giờ thìn về mạn đồn Thủy, kèn trận thổi vang, một lát, Henri-Rivière kéo quân lên đến ngoài thành, chia ra nhiều toán, bổ vây quanh thành, quân ta đóng chặt cửa canh giữ.

Tức thời Henri-Rivière hô lính bắn vào cửa đông, súng nổ đùng đùng. trên thành đạn bay như mưa. Bên ta, khắp bốn cửa thành đều nổi trống-trận, các súng Thần-công đại-bác nhất-tề bắn ra, tiếng nổ vang trời động đất. Hoàng-diệu tay cầm gươm, tay cầm cờ-lịnh đi trên mặt thành đốc chiến. Mấy nơi xa xa ngoài chân thành, dân hàng phố đi xem đông như kiến cỏ.

Giữa giờ Thìn, ngoài thành, về mặt cửa đông, thấy có tiếng reo ầm-ầm, một phát thần-công trên thành bắn xuống, trúng vào một đám quân Pháp, ba tên lính Pháp vỡ đầu vỡ ngực mà chết.

Mấy trăm khẩu trên thành hết thẩy chĩa xuống mà bắn, quân Pháp chết hại rất nhiều, súng ở dưới thành bắn lên càng dữ. Hoàng-Diệu vẫn xông-pha trên thành đốc-chiến!....

Quân ta tuy đã nhiều người phải đạn, nhưng vẫn hăng-hái, súng bắn không lúc nào dứt tiếng, dưới thành khói tỏa mù-mịt, người chết ngổn-ngang.

Cuối giờ Thìn, quân ta có chiều thắng-thế.

Cửa đông mở toang, Phó-bảng-Long tay cầm đại-đao đem 50 võ-sĩ xấn-xổ đánh ra, cả toán quân Pháp đó, đều chĩa súng bắn vào.

Nhanh như cắt, dữ như cọp, Phó-bảng-Long xông thẳng vào đám quân Pháp, chém giọc, chém ngang, thanh gươm trong tay quay tít như cái chong-chóng.

Ô quan-chuởng ở Hà-nộ

Gươm đưa đến đâu, quân địch cụt đầu xả vai đến đó; 50 võ-sĩ hết thảy liều chết tiến lên, chém giết lung-tung, quân Pháp không kịp bắn súng, phải quay lưỡi-lê mà đâm, Henri-Rivière đốc một toán ở mạn cửa Bắc, xuống cứu cửa Đông.

Trên thành tiếng nổ càng kịch-liệt, trong thành ngoài thành, tiếng reo và tiếng vỗ tay vang một góc trời.

Giao-chiến đến hết giờ Mùi, quân Pháp đã thấy núng thế.

Bỗng ở cửa Tây, lửa cháy đùng-đùng, tiếng kêu inh-ỏi, rồi thì cửa thành mở tung, đại-đội quân Pháp kéo ồ vào. Mấy tay võ-sĩ tất-tả đến báo Hoàng-diệu:

— Thủ-hạ của quan Án-sát làm nội-ứng cho bên địch, họ đã mở cửa cho quân địch tiến vào!

Giữa lúc đó, quân Pháp ở mặt cửa Nam, cửa Bắc đổ cả đến mặt cửa Tây, tấp-nập kéo vào trong thành. Xông đến đốt-phá kho thuốc và các dinh-trại, quân ta chống-cự không kịp. Một lát, trong thành lửa cháy rực trời, than do bay khắp các phố, quân Ta với quân Pháp vẫn còn đánh nhau lộn bậy.

Hoàng-diệu đem mấy võ-sĩ xuống thành, chạy thẳng đến nhà hội-đồng, thì ra các quan cũng đã nấp cả ở đấy, chỉ thiếu Tôn-thất-Bá! Cất giọng khảng-khái và hùng-dũng, Hoàng-diệu bảo với các quan:

— Giờ chết đã đến nơi rồi. Chúng ta phải lấy cái chết mà đền ơn nhà nước.

Các quan đều hăng-hái:

— Thành đã mất rồi, Chẳng chết thì sống làm gì nữa!

Tuy rằng nói vậy, nhưng ai nấy vẫn còn trù-trừ, Hoàng-Diệu thúc-dục:

— Có chết thì chết ngay đi, sống một lúc nữa sẽ bị nhục, mà không chết được.

Trần-bình-Tri cung-kính và nói:

Xin mời cụ lớn đi trước, anh em chúng tôi theo sau.

Hoàng-Diệu cau mặt và thét thật lớn:

— Ai chết thì chết, ai không muốn chết cứ sống, có phải là miếng ăn uống mà còn ấp-tốn!

Rứt lời, Hoàng-Diệu đùng-đùng chạy ra sau nhà, trèo lên cây táo, thắt cổ!

Độ vài khắc. Quân Pháp đã vào đầy cả trong thành, xông-xáo khắp mọi nơi, lùng bắt các quan, một mặt họ đi đốt phá kho-tàng. Lục-soát các nơi, cướp lấy tiền-bạc.

Henri-Rivière một mặt đốc quân lùng bắt các quan, một

Bậc rồng đá của lầu Kính-thiên trong thành Thăng-Long

Đi qua năm cửa động lòng thơ,
Rồng đá bây giờ gọi biếng thưa!....

(Thơ « hoài-cổ » của Bà-huyện Thanh-quan)

mặt sai người tìm Tôn-thất-Bá.

Nhưng Tôn-thất-Bá nào có đi đâu mà phải tìm? ông ta hiện ở Đồn-thủy, trong trại quân của Henri-Rivière.

Số là từ đêm mồng 7, sau khi tan cuộc hội-nghị ở nhà hội-đồng, trở về nhà riêng, quan án « la ngọc cành vàng » biết rằng quân mình không thể địch nổi quân Phú-lãng-sa, đánh nhau chắc phải nguy-hiểm; vả lại chính mình đã phạm cái tội ngủ gật trong nhà hội-đồng, nếu đến tai vua, cũng khó sống mà ở được. Vì vậy, khi ra cửa thành, ngài mới sai người lẻn xuống Đồn-thủy, xin làm nội-ứng cho quân Phú-lãng-sa, hẹn rằng hễ thấy cửa Tây lửa cháy, cứ việc kéo quân mà vào, trong thành có người mở cửa, không Phải đánh trác gì cả. Hôm sau, Tôn-thất-Bá muốn tránh cho khỏi cái vạ « Tên bay, đạn lạc » trong khi v thnh ngài mới giả cách xin ra ngoài thành để đi điều-đình với Henri-Rivière. Hoàng-Diệu không biết quan Án mưu-phản, nên mới nhận lời cho đi. Chẳng ngờ Tôn-thất-Bá vừa buông thang trên mặt xuống và vừa trèo ra khỏi thành, thì quân Pháp đã bắn ầm ầm vào thành. Rồi đến khi hai bên giao-chiến dữ-dội thì thủ-hạ của vị Tôn-thất ấy ở mặt cửa Tây, liền đốt kho thuốc súng lam hiệu. mở toang cửa thành đón quân Phú-lãng-sa vào, còn ông Tôn-thất thì đã ở yên dưới Đồn-thủy, chờ xem cuộc thất-thủ của Hà-thành!

Lúc ấy, nghe thấy tiếng súng đã thưa, vị quan Tôn-thất đoán chắc quân Phú-lãng-sa hạ được thành rồi. Một lát, thấy có một toán lính Pháp xuống đón, vị quan Tôn-thất mừng rỡ, ngài bèn mũ-áo chỉnh-tề, theo bọn lính đó lên thành. Henri-Rivière bảo, ngài hãy tạm ngồi đó chờ khi bắt đủ các quan sẽ cùng bàn định.

Toán lính đi lùng mấy ông kia, họ đã tầm-nã khắp các dinh-trại và nhiều nơi hẻo-lảnh, kín-đáo, không thấy một người nào hết, gia-quyến của các ông ấy cũng đã trốn ra ngoài thành từ khi sắp-sửa giao-chiến, không bắt được ai.

Cuối giờ Tuất, quân ta những kẻ sống-xót, đều chạy ra hết ngoài thành. Henri-Rivière cắt lính canh-gác bốn mặt, tự mình đóng quân trong hành-cung và gọi Tôn-thất-Bá đến đó bàn việc.

Nhân có công làm nội-ứng, Tôn-thất-Bá nằn-nì xin với Henri-Rivière cho mình làm chức Hà-Ninh tổng-đốc thay chân Hoàng-diệu!

Nhưng Henri-Rivière cũng hiểu quan-chế An-nam đương ở chức Án-sát mà nhẩy ngay lên ngôi Tổng-đốc,

M. Henri Rivère đánh thàn hà-nộ

vượt nhiều bực quá, e rằng lòng dân không phục, mới cho Tôn-thất-Bá quyền-lĩnh chức tổng-đốc Hà-nội, đóng tại dinh tổng-đốc, dùng ấn tổng-đốc mà thi-hành mọi việc.

Luôn đêm ấy Tôn-thất-bá sai các nhà thơ thảo nhiều yết-thị, rán khắp các nơi, và truyền những bách-hộ, thiên-hộ phải sai Xá đi rao trong phố, cho dân biết rằng trong thành hiện đã yên-ổn, quan tổng-đốc mới đã nhận chức, nhân-dân cứ việc làm ăn không lo-sợ gì. Rồi ngài tự-thảo tờ biểu dâng vua. Đại ý nói việc thất-thủ Hà-nội, hoàn-toàn là lỗi tại Hoàng-diệu. Bởi tại Hoàng-diệu vụng-đường giao-thiệp, cho nên mới có sự đó! Nay « quí-quan » tuy đã hạ thành Hà-nội, nhưng vẫn không muốn chiếm-giữ, và định giao lại trả ta. Vì « quí-quan » cố ép, mình phải quyền chức Tổng-đốc Hà-nội cho yên công việc, xin nhà vua mau mau cử người ra thay. Thảo xong, Tôn-thất-Bá giao cho lính-trạm lập tức truyển đệ vào kinh.

Sáng sớm hôm sau, quan quyền tổng-đốc hạ-lệnh, cho các thiên-hộ, bách-hộ, trưởng-phố đều phải đem phu vào thành dọn-dẹp.

Quang-cảnh trong thành bữa nay khác hẳn với mấy bữa trước.

Tiếng súng tuy im, hơi thuốc vẫn còn khét lẹt!

Dưới những đoạn thành sứt-lở, vôi tan gạch vỡ tùng-tành.

Các kho thuốc, các trại lính đã thành những bãi tro tàn, những khúc sà, cột, dường, kèo cháy dở, ngọn lửa vẫn bốc lên nghi-ngút.

Mấy trồi cổ-thụ nơi chân thành bị lửa chàm vào, đều thành ra sắc vàng sám!

Cạnh những đám tro tàn, trên những đống gạch vỡ

Quân Pháp đã vào thành

Tôn-thất-Bá làm phản đốt kho thuốc súng, thay cờ Ba-sắc và mở cửa thành cho quân Pháp ùa vào.

xác người cái xấp, cái ngửa, cái ngang, cái giọc, chồng chất lên nhau!

Những vũng máu đào trên mặt đất, đông lại thành những miếng tiết tím-bầm, ruồi đậu, nhặng bâu, kín mít!

Mùi tanh của máu chết hợp với mùi khét của thuốc súng, thành một thứ hơi rất lạ, ai ngửi thấy cũng phải buồn-nôn.

Khiêng xác chết, khuân gạch vỡ, quét dọn những đống tro-than... mấy trăm dân phu cắm đầu cắm cổ từ sáng sớm đến non trưa, quanh thành vẫn còn bề-bộn.

Khoảng giữa giờ mão, một bọn dọn đến sau nhà hội-đồng, trông lên cây táo, thấy có người treo lủng-lẳng. Bấy giờ mới biết Hoàng-diệu thắt cổ tự-tận, tức thì bọn đó vào trình Henri-Rivière.

Đại-tá cũng cảm-động cái khí-tiết của vị lão-thần An-nam, liền chạy ra coi, rồi sai hạ xuống đem đặt trong nhà hội-đồng.

Tương-truyền: lúc đưa thi-thể Hoàng-diệu ở trên cây xuống thấy ở vạt áo có bài biểu chữ toàn bằng máu, Người ta nói rằng: Trước khi tự-tử, Hoàng-diệu đứng dưới gốc táo cắn thủng ngón tay lấy máu mà viết ra. Bài đó chép lại dài độ hai tờ giấy bản, đại-để tác-giả dãi-tỏ với vua Tự-đức những nỗi khổ-tâm của mình trong bấy nhiêu năm, và vái tạ cái tội không giữ được thành Hà-nội. Lời-lẽ thật thống-thiết lâm-ly, những câu « tứ lục » đối nhau rất chỉnh rõ ra khẩu-khí Hoàng-diệu. Nhưng không giám chắc có thực là của Hoàng-diệu, hay tự người nào đặt ra. Vì rằng chữ viết bằng ngón tay, khổ nó chắc phải lớn, như vậy, số chữ trong hai tờ giấy bản viết vào một cái vạt áo, khó mà đủ chỗ. Hiện nay những nhà Nho già, nhiều người còn thuộc, tiếc rằng vì lẽ riêng không thể dịch cả vào đây.

Trong khi còn sống, Hoàng-diệu là bực công-minh, rất được lòng dân, nhất là dân trong thành phố Hà-nội. Vì vậy, nghe tin ông ấy tự-tận, khắp cả trong phố ai cũng thương tiếc ngậm-ngùi. Bấy giờ mấy người can-đảm và có nghĩa-khí mới đứng đầu cho một bọn năm, sáu chục người, kéo vào trong thành xin quan Tổng-đốc mới và Đại-tá Henri-Rivière cho đem thi-thể quan Tổng-đốc cũ ra ngoài an-táng.

Tôn-thất-bá không muốn để cho danh-giá Hoàng-diệu tăng lên, cũng định không nghe lời dân. Nhưng Đại-tá Henri-Rivière vừa phục cái khí-tiết của Hoàng-diệu, vừa muốn mua chuộc lòng dân, thấy dân xin phép thì nhận lời luôn. Tôn-thất-bá cũng phải cắn răng mà nín!

Sau khi được phép mai-táng vị trung-thần của Hà-thành, bọn dân thành phố chia ra nhiều toán, kẻ thì sắm-sửa quan-tài và đồ khâm-liệm, đem vào trong nhà hội-đồng, khâm-liệm thi-thể Hoàng-diệu, đặt vào quan tài, rồi lập bàn thờ tại đó; người thì đi khắp từng nhà quyên tiền quyên bạc mua sắm các đồ hàng-tương.

Cái chết oanh-liệt của quan Tổng-đốc Hà-ninh như dục-giã lòng hào-hiệp của dân Hà nội, nghe tin có việc đi quyên, hàng phố thi nhau mà cúng.

Giữa nơi thành-quách tồi-tàn, cỏ-cây đầm vết máu, đám tang vô-chủ bỗng thành một cuộc linh-đình!

Hàng phố bàn nhau, định đưa quan-tài Hoàng-diệu xuống chôn ở dinh Đốc-học.

Trong lúc ấy vẫn chưa ai thấy mấy ông tuần-phủ, bố-chính, Đề-đốc, lĩnh-binh ở đâu.

Sợ nhớ đến sáng ngày mồng 8, khi sắp giao-chiến sẻ chén rượu đổ trên mặt thành, những ông này còn cùng Hoàng-Diệu thề cùng sống thác. Bây giờ Hoàng-Diệu đã chết, các ông chắc không muối mặt mà sống cho đành. Người ta bảo nhau dỡ những đống xác chết chưa kịp chôn, dưới những đống tường chưa kịp dọn, coi có thấy ông nào hay không.

Nhưng mà không, bao nhiêu kẻ chết đều là những tay võ-sĩ lính-tráng ty-tiểu, dân-phu hèn-mọn, không lẫn có ông quan nào![1]

Hỏi mãi, hỏi mãi, người ta mới biết trong khi nhốn-nháo, hai quan tuần-phủ, bố-chính đã lẩn vào đám loạn-quân trốn ra ngoài thành, hiện đã có kẻ trông thấy. Duy còn quan đề-đốc thì vẫn tuyệt không tung-tích.

« Ông này khảng-khái hơn hai ông kia, chắc ngài Phải chết, chớ không chịu sống »! Nghĩ vậy, hàng-phố cố sức cắt người đi tìm xác quan Đề-đốc, để đem vào Dinh Đốc-học hợp-táng với quan tổng-đốc Hà-ninh.

Ke rằng ngài nhảy xuống hồ, người rằng ngài đâm xuống giếng, hồ cũng mò, giếng cũng tội, vẫn chưa thấy gì.

Thì ra quan Đề-đốc cũng như hai quan tuần-phủ, bố-chính, muốn chết mà không chết được, cho nên cũng đành phải trốn.

Ngô-khoai đã rõ, hàng phố mới định giờ làm lễ an-táng Hoàng-Diệu.

Sớm mồng 10, khoảng đầu giờ Dần, trời chưa sáng rõ, trong nhà hội-đồng, ba hồi trống cái vừa dứt, tiếp luôn đến ba hồi chiêng, dân-phu ăn-bận đồ tang, đã đem bộ đòn bát-cống, mấy chiếc hương-án, long-đình và các nghi-trượng, rước quan-tài Hoàng-diệu đi ra cửa đông.

Trên trời, bóng mây sầm tối, hơi sương mờ-mịt, ngọn cây đều ủ-rũ la-đà!

Đám tang từ-từ tự trong cổng thành tiến ra.

Ngọn cờ không gió, lướt-thướt rủ dưới chùm mao!

Mấy hàng dùi đồng bát-bửu siêu-sẹo ngả-nghiêng, coi như ý ngơ-ngác.

Tiếng chiêng rền-rĩ, khoan-thai điểm với tiếng trống thình-thình.

Dịp sáo khi nhặt khi thưa, sen với dịp kèn lúc chìm lúc bổng, cái giọng não-nùng ai-oán, dục thêm nỗi buồn-rầu!

Hoa cỏ bên đường, dường như có vẻ bẽ-bàng, tiếc ông chủ đáng yêu của nó.

Tuy không có môn-sinh, đệ-tử, hay là họ-hàng, ruột thịt của người qua đời, nhưng người đi đưa rất đông, đám tang kéo dài suốt mấy phố!

Đúng giữa giờ Mão, người ta đã rước linh-cữu Hoàng-Diệu đến dinh Đốc-học (tức là khu đất chỗ dẫy pho tên quan Cựu kiến-trúc kỹ-sư Lagisqué bây giờ.)

Vài tuần tế-viếng, một nấm đất vàng, cái ông hôm xưa hai tay hai gươm, hò-hét trên mặt thành, hôm nay đã hóa ra người thiên cổ!

Bấy giờ vì kính-trọng cái chết của Tổng-đốc họ Hoàng các quan nhiều ông có câu đối phúng, nghe như triều-đình cũng có một câu.

Soạn giả chỉ nhớ vài câu, lược dịch ra đây:

« Bạn ta không chết đâu, bốn bể chín châu dồn nggĩa-khái;
« Đất này chạnh nhớ tới, mười năm hai lượt khóc anh-hùng[2]

Hai câu này nguyên Hán-văn của ông Bùi-dị như vầy:

« Bất tử cố-nhân, tứ hải cựu châu văn nghĩa-khái;
« Hữu hoài ngô-thổ, thập niên lưỡng-độ khấp anh-hùng »

« Ông không chịu sốg liều, chẳng thẹn mười năm người nghĩa-liệt.
« Tôi những dài than thở, sao đây sáu tỉnh góc giang-son,[3]

Hai câu này nguyên Hán văn của ông Nguyễn-chính như vầy:

« Quân năng bất cẩu sinh, ưng vô-quý thập niên tiền nghĩa liệt,
« Ngã diệc trường thán tức: như chi-hà lục châu thử giang-sơn ».

Sau đó, Ba-giai có làm một bài lục-bát gọi là Hà-thành chính-khí-ca,» kỷ-thuật sơ qua về việc Hà-nội thất-thủ, và một bài thơ chế quan Đề-đốc Lê-trinh.

Bài ca không tiện chép ra đây, còn bài thơ thì có tám câu như sau:

« Nhắc cân Thái-lĩnh với hồng-mao,
« Chí-khí quan Đề khẳng-khái sao!
« Thắt cổ trên cây tay vịn thấp,
« Trẫm mình xuống diếng cổ vươn cao.
« Sờ lưng thuốc độc rơi đâu mất,
« Lấy hốt làm gươm thích chẳng vào,
« Tứ bất tử[4] rồi ngơ-ngẩn mãi,
« Hỏi thăm quan bố chạy đằng nào?

Cách đó ít lâu, dân Hà-nội trọng cái nghĩa-khí của ông Nguyễn-chi-phương và ông Hoàng-diệu, mới lập miếu ở làng Văn-tân, phía dưới đường Hàng lọng, thờ hai ông đó và ông quan Vũ, gọi là miếu Trung-liệt, cũng gọi là miếu Tam-trung, đến hồi ông Nguyễn-hữu-độ lập ngôi sinh-từ ở đấy, làng Văn-tân bị đổi làm phố Sinh-từ, miếu Trung-liệt cũng phải rời xuống gò Đống-đa. Bấy giờ người ta mới bỏ ông quan Vũ đi mà thờ thêm hai ông Đoàn-thượng và Trương-quốc-dụng vào đó. (Hai ông này vì đánh nhau với giặc Tầu mà chết).

Ba chục năm qua, các nơi thờ-cúng trang-nghiêm, trên gò Đống-đa, nay đã thành một chỗ vắng tanh, rá lạnh.

Đám cây cằn-cội bẽ-bàng soi nắng sớm mây chiều.

Mấy bức tường gạch nứt, vôi long, phủ bằng lớp rêu xanh mốc trắng, như muốn phô những giấu mưa dầu nắng rãi, khiến cho người ta theo đó mà tính số tháng ngày.

Bức tam quan gẫy cột lở nền, vò-vọ ngồi trên sườn gỗ, như cùng muốn những khách qua đường than-thở cuộc bể dâu biến-cải.

Đền Tam-trung ngày nay thờ 5 vị trung-thần nên gọi:
« Trung-Liệt-Miếu) » ở Ấp Thái-hà

Núi Thái lông hồng đọ với nhau,
Nước đau nào quản đến thân đau.
Một nền chính-khí trơ mưa gió,
Ba khối hồng-tâm chọi bể dâu!
Nợ với giang-sơn đành phải trả,
Người mà sà-thỏ kể vào đâu!
Lòng trung chỉ có lòng trung biết,
Lý-Thái ngày xưa khóc Võ-hầu!

Còn nữa rất hay. Kỳ số 5 sẽ có:

Trận đánh thành Nam-định v.v.

Có hình các ông Francis Garnier, Văn-miếu Hà-nội, con trai ông N. H.Bổn, cột cờ thành Nam-định v.v. Đón mua ngay kẻo hết. Ban khắp cáo hàng sách các tỉnh.


p p. Nhat-nam Ha-noi

  1. Ông Phó-bảng-Long, ông Cử-thiện và những võ-sĩ đã can-đảm sông vào lửa đạn, sau khi biết rằng: T. t. Bá nội-công rất là phẫn-uất, đã toan cùng nhau liều chết, song nghĩ như vậy cũng vô-ích. Bèn về mở trường dạy võ. Những ông Nguyễn-Khuyến v.v. giờ là học-trò cụ Bảng. Cụ Bảng còn 3 người con trai: các ông, Lân, Mai hiện làm ở nhà Địa-Ốc N.H và ông chủ hiệu mũ Đại-thành. Ông Liên con cụ Cử-Thiện làm cai thơ-lại mới chết 5 năm nay
  2. Chữ anh-hùng chỉ vào ông Hoàng-diệu và ông Nguyễn-chi-phương, vì trước đó 10 năm, ông Nguyễn-chi-phương cũng vì mất thành Hà nội, nhịn đói mà chết. (sẽ thuật sau)
  3. Chỉ vào 6 tỉnh Nam-kỳ. Vì tác giả là người trong Nam cho nên mới...
  4. Tự-tử bốn lần không chết.