Những chuyện oái oăm  (1937) 
của Phan Khôi

Các bài đăng trong mục "Những chuyện oái oăm (Độc tại lâu bút ký)" trên Sông Hương, Huế, số 27 (6 Février 1937), trang 4; số 28 (20 Février 1937), trang 4; số 29 (27 Février 1937), trang 4; số 30 (13 Mars 1937), trang 4; số 31 (20 Mars 1937), trang 4; số 32 (27 Mars 1937), trang 4.

nhất danh: ĐỘC TẠI LÂU BÚT KÝ

一 名   獨   在   樓   筆   記

Một tập bút ký, chuyện tức cười, văn gọn ghẽ, đầy ý vị khôi hài và trào phúng, đã bắt đầu đăng ở số này, trang 4, thay mục Hán văn độc tu khi tạm nghỉ.

Các bạn đọc, ai có biết những chuyện giống như thế xin viết gởi cho bản báo, ngoài bì nhớ gạnh[1] chữ “nhờ chuyển giao cho Độc tại lâu chủ nhân”.

S. H.


1. ÔNG ĐỒN

Ông Nguyễn Lâm, con trai thứ của quan Phụ đạo Nguyễn Thành Y, có kể chuyện rằng:

Ba Bủng, một người nhà của quan Phụ đạo, cũng là cháu xa xa trong họ ngài, bình nhật có tánh hay bông đùa, nói ba hoa liến thoắng, nhiều lần bị quở mà cũng không chừa.

Giữa năm Thành Thái thứ ba, quan Phụ đạo nhậm chức tại Huế, Ba Bủng theo hầu. Nhưng, vì một việc vô lễ gì đó, quan Phụ đạo đã đuổi va về ở coi nhà cho ngài trong Quảng Nam.

Nhà ngài ở làng Bất Nhị, gần làng Kỳ Lam. Làng nầy lúc bấy giờ có một người đàn bà góa nhà giàu, tục kêu là mụ Chín Nhỏ, bị ăn cướp vào lấy của rồi thiêu cả người lẫn nhà.

Nhân chuyện xảy ra ấy, Ba Bủng ở trong nhà cứ lặp đi lặp lại câu nầy để đùa bỡn cùng chúng bạn: “Ăn cướp đốt mụ Chín Nhỏ, lông l. cháy khét ngòm!”. Hằng ngày va cứ nói câu ấy luôn, thành quen lỗ miệng.

Giữa lúc đó quan Phụ đạo lại có thơ về kêu Ba Bủng ra Huế.

Ra tới nơi, quan Phụ đạo đương có khách, khách là quan Văn minh điện Đại học sĩ Nguyễn Trọng Hiệp, hiện làm Phụ chánh đầu triều, Ba Bủng chưa dám chường mặt vội. Nhưng quan Phụ đạo biết có người nhà ra, nóng nghe tin trong Quảng, liền bảo ông Nguyễn Lâm đương đứng hầu cạnh ngài gọi Ba Bủng lên.

Vừa thấy mặt Ba Bủng, quan Phụ đạo hỏi:

‒ Ở trong ta có việc gì lạ không mầy?

‒ Dạ bẩm quan lớn (bấy giờ chưa có tiếng cụ lớn), không có việc gì lạ cả; chỉ có ăn cướp đốt mụ Chín Nhỏ, lông l. cháy khét ngòm!

‒ ! ? ! ?

Trước mặt quan Văn minh, ông chủ nhà thấy đầy tớ mình ăn nói như vậy thì sửng sốt. May được ông Nguyễn Trọng Hiệp người Bắc, nghe tiếng Quảng không rành cho lắm, nên xây hỏi ông Nguyễn Lâm:

‒ Chứ anh ấy nói cái gì thế cậu?

Nhanh trí khôn, ông Lâm kiếm được những tiếng từa tựa với câu nói của Ba Bủng mà trả lời:

‒ Bẩm, anh ấy nói trong Quảng có đám ăn cướp đến đánh nhà mụ Chín Nhỏ, nhờ ông đồn chạy bắt giùm.

Quan Văn minh bèn nói một câu bằng giọng than khen rằng:

‒ “Quan Tây thì người ta chăm nom việc dân như thế!”

Sau cái loạn Nghĩa Hội, quan Tây có đóng nhiều đồn ở các miền nhà quê. Vì có vậy nên khi quan Văn minh nghe nói “ông đồn” thì tưởng là chuyện có thật, ngài mới nói thế. Thực ra, lúc đó Nghĩa Hội yên đã lâu rồi, ở miệt Kỳ Lam không có đồn nữa, ông Lâm chỉ bịa ra hai chữ ấy để nói na ná với hai chữ “lông l.” của Ba Bủng đó thôi.

2. CHỌC GÁI CÓ CON

Ngày nay, xã hội ta đã hơi văn minh, con trai ra đường chọc gái không còn có cái thói bóp vú nữa. Nhưng thuở xưa, hễ chọc gái là có bóp vú. Cái tục xấu ấy từ Nam chí Bắc đâu cũng không thoát.

Ông Đỗ Như Đại, người Bắc, nổi tiếng danh sĩ một thời, đỗ Cử nhân thứ nhì khoa Giáp Ngọ, Thành Thái lục niên, là người phong tình lắm; về khoản ấy, có khi ông đã mang tiếng là vô hạnh.

Năm Ất Vị, Thành Thái thứ bảy, ông Đỗ vào Huế, thi Hội. Khi vô được trường tư, tính về chắc đậu, ông thửa một trăm đôi giày dừa tại phố Đông Ba quyết để lúc vinh quy sẽ cho các cô đầu cả Hà Nội, Bắc Ninh và Nam Định mỗi cô một đôi. Nhưng rủi ông lại hỏng.

Người ta kể chuyện hồi ông còn làm học trò, nghịch ngợm không ai bằng. Đi ngoài đường, gặp gái mà bóp vú, theo ông là chuyện rất tầm thường, không đủ kể. Ông từng bóp đến vú gái ngồi trong nhà và gái đã có con.

Một hôm cùng dăm ba bạn học đi ngang qua một cửa hàng giữa phố Hà Nội, thấy một cô đương ngồi vừa coi hàng, vừa cho con bú, các bạn thách ông làm cách nào bóp vú cô cho được. Ông Đỗ kêu không khó, rồi tức thì thi hành cái diệu kế của mình.

Ông vào hàng, hỏi mua món nọ món kia. Rồi lân la làm thân với đứa bé, chừng vừa giáp tuổi tôi, đương nằm ngửa trên đùi mẹ nó. Vờ vĩnh, ông sờ sẩm đứa bé, khen nó cái tai to, cái trán rộng. Ông khéo đùa bỡn với nó đến nỗi nó nhả vú ra mà nhe răng cười với ông. Được thể, ông “hời dạ” đứa bé; nhưng nó cứ nhìn sững ông mà không dạ. Khi ấy ông mới thách nó mà rằng: “Em dạ đi! Hễ không dạ thì tôi không cho em bú nữa”. Vừa nói ông vừa đưa tay đè sát vào vú mẹ nó, lại còn nói thêm: “Nào, em có dạ không nào! Nào, em có dạ không nào!”.

Đứa bé khiếp đi, khóc oà lên. Nhưng cô hàng phải tức cười, không trách ông được.

3. ÔNG HUYỆN NÓI ĐỂU

Ông Nguyễn Văn Chất, người Huế, năm 1908 làm kinh lịch Quảng Nam. Người vốn dốt nát lại bất tài, nhưng nhờ năm ấy ở Quảng Nam có vụ “xin xâu”, ông ra sức đi bắt bớ người ta, rồi được quan trên khen là “sai phái đắc lực” và được cử đi Tri huyện Duy Xuyên, cũng trong tỉnh ấy.

Ông, da trắng, râu xanh, coi vẻ ra người đường bệ lắm, nhưng phải cái tội hay nói tục tĩu, làm ông Huyện mà mở miệng ra là đểu giả.

Một lần ông hành hạt đến làng Gia Cốc, làng có nhiều nhà hào phú, kể vào bậc nhứt trong huyện Duy Xuyên. Theo lệ, ông quan sở tại lần thứ nhất đến làng, làng có làm thịt con heo đem mừng ông tại đình. Mừng xong, người ta mang con heo về nhà ông Chánh tổng Nhuế sửa cỗ rồi mời ông đến dự.

Ông Nhuế làm Chánh tổng đương kim, nhà giàu có lắm và còn ông cụ thân sinh ngoài 80 tuổi.

Bữa tiệc có chừng 30 người, ông cụ 80 ấy và ông huyện ngồi đầu dọc. Ngoài ra đều là các ông Bá, ông Cửu, ông Tú, người tai mắt trong làng, và mấy thầy Đề, thầy Thông, thuộc viên đi theo quan Huyện.

Ăn chưa được nửa bữa, trò chuyện đương vui, bỗng ông Huyện hỏi ông cụ 80 rằng:

‒ Xin hỏi thực cụ, đến tuổi cụ bây giờ, đêm nằm còn thấy nứng c. không?

Mọi người đều sửng sốt. Ông già không đáp lại, làm như không nghe câu hỏi ấy, nhưng liền đó đứng dậy cáo lỗi, xin đi nằm, vì thình lình thấy choáng váng trong người. Còn ông Chánh tổng thì bộ mặt hằm hằm, tỏ ra ý bất bình lắm. Các khách ngồi ăn không ai còn đủ sức chống với sự chán nản, mỗi người ăn sơ sịa rồi đứng dậy, cũng không ai nói chuyện nữa.

Người ta còn thuật chuyện, một lần khác, ông Huyện đòi một người Lý trưởng làng kia đến hầu tại nha, đã ba ngày Lý trưởng mới đến. Vừa thấy mặt Lý trưởng, ông Huyện quở rằng:

‒ Đ. mẹ mầy! Cái thằng Lý trưởng làng đếch gì đó, sao tao đòi đã ba ngày mầy mới đến?

Anh Lý trưởng khép nép thưa:

‒ Bẩm quan lớn, con... Bẩm quan lớn con...

Quan Huyện nổi nóng thét lên:

‒ Đ. mẹ mầy! Con, con gì nào?...

Anh Lý trưởng tỉnh táo thưa rằng:

‒ Bẩm quan lớn, chứ gì nữa? Quan lớn đã đ. mẹ con thì con chẳng phải con của quan lớn là gì?

ĐỘC TẠI LÂU CHỦ NHÂN

(cấm lấy đăng báo khác hay nhặt in thành sách)

4. HOÀNG HÔN VÀ LÊ MINH

Ông Huyện Chất nói ở tắc trên, lại còn kém chữ nho, những đơn từ trái phiếu, ông đọc được gọi là, chứ hẳn mười phần hết chín không hiểu nghĩa.

Hồi đó vào khoảng Duy Tân năm thứ năm, thứ sáu, giấy má việc quan còn làm toàn bằng chữ Hán. Ngày kia, có một làng giải đến huyện Duy Xuyên một bọn ăn cướp. Trong đơn giải, kể đám cướp xảy ra, có câu rằng: “Hoàng hôn xuất hành, lê minh bất phản.” Nghĩa là: hồi chạng vạng ra đi, đến mờ sáng chẳng trở về. Không rõ trong đơn câu ấy nói về ai, nhưng phần chắc, nghĩa nó là như thế.

Ông Huyện xem xong, trợn mắt lên, oai vệ hỏi mấy người hương chức:

‒ Vậy thì làng bay có giải cả hai thằng ấy đến đây không?

Hương chức bỡ ngỡ không biết hai thằng nào mà thưa thì ông vội vàng truyền cho thầy Lại mục:

‒ Thầy bảo thảo trát bắt cổ thằng “Hoàng Hôn” và thằng “Lê Minh” đến cho tôi.

Cả nha đều bụm miệng cười...

Thì ra ông thấy chữ “hoàng” và chữ “lê”, tưởng là hai cái họ, rồi ông cho “hôn” và “minh” là hai cái tên nốt nên nói như thế!

Ông viết cũng không nên thân nữa. Lệ thường, các quan hay phê chữ “biện”. Chữ “biện” mà viết thảo thì coi đẹp, nhưng khó cho ông, ông không viết được, phải viết chữ "rẻ". Chữ "biện rẻ" chỉ có chữ “lực” ở giữa hai chấm hai bên, mà ông tập hoài, viết cũng không ngay.

Bởi hai việc đó, có người làm bài thơ nầy chế ông mà đã truyền tụng một thời:

Trát bắt “Hoàng Hôn” đã uổng công,
“Lê Minh” thằng ấy cũng bông lông,
Lại còn chữ "biện" lôi thôi nữa,
Một chấm trên bờ, chấm dưới sông.

5. CHẾT VÌ NÓI XẤC

Ông Nguyễn Thân lúc làm Tổng đốc Bình Định, dẹp yên giặc Rựa, oai quyền lớn lắm, muốn chém ai thì chém, thế mà cũng có người dám xấc với ông.

Một viên Chánh tổng nhân có vụ kiện gì đó, đến hầu tại tỉnh. Anh ta bình nhật hay cậy mình già lý sự, có ý ngạo mạn với quan trên.

Viên Chánh tổng thường trọ trong một cái quán ngoài thành tỉnh. Một hôm quan Tổng đốc sai lính ra đòi anh ta vào hầu. Viên Chánh tổng bịt khăn lên, rồi lại bỏ khăn xuống, nói giọng đầu bò với tên lính:

‒ Anh về bẩm lại với quan lớn: đầu thân mút dậu tôi sẽ vào hầu.

Tên lính về bẩm lại y như lời viên Chánh tổng. Ông Nguyễn Thân giận lắm, nhưng làm thinh, không hở một tiếng gì.

Mấy hôm sau, một đám người trong đảng giặc Rựa khai ra rằng viên Chánh tổng ấy có dự mưu, kể ra những bằng cớ rành rành. Viên Chánh tổng liền bị lên án trảm quyết mà chém vào lúc chiều cả.

“Đầu thân mút dậu”, câu nói của viên Chánh tổng chính nghĩa là đầu giờ thân hoặc cuối giờ dậu. Nhưng còn một nghĩa xỏ xiên nữa là kêu tên ông Tổng đốc ra và bảo ông bú c... vì chữ "dậu" còn có nghĩa là cái dương vật.

Thường thường, hành hình kẻ có tội vào buổi sáng; viên Chánh tổng nầy lại bị chém buổi chiều, người ta nói, ông Nguyễn Thân có ý cho anh ta biết mình chết vì câu nói của mình.

6. Ở ẨN GIỮA KINH THÀNH

Hồi triều Đồng Khánh, cuộc Bảo hộ mới lập xong, chánh phủ Pháp ở đây đương cần những người An Nam biết chữ Tây giúp việc. Nhưng hạng người ấy bấy giờ còn hiếm lắm, phải lấy trong những người có đạo ra mới có. Ông Trương Vĩnh Ký và ông Nguyễn Văn Tạo đều là tín đồ Thiên Chúa giáo ở Nam Kỳ, nhờ đó được cử làm thông ngôn tòa Khâm theo ngạch người Pháp.

Sĩ phu thuở đó còn có một cái tâm lý chung: cho sự giúp việc người Pháp là đáng bỉ. Mà nhất là sĩ phu Nam Kỳ, đất có tiếng là trung nghĩa, cái tâm lý ấy lại càng hăng hơn.

Bởi vậy hai ông Ký và Tạo tuy làm việc ở tòa Khâm nhưng đối với ai cũng cứ tỏ ra cái thái độ bất đắc dĩ, như muốn phân bua cho thiên hạ biết mình làm như vậy là vì thời thế bắt buộc chớ không thiết gì. Ở giữa chốn đô thành, hằng ngày đi làm việc bên tòa Khâm, thế mà hai ông đều xưng mình là “ẩn sĩ”.

Đương thời có người làm hai câu thơ bằng chữ Hán để chế nhạo:

Gia Hội kiều đầu song ẩn sĩ;
Đông Ba quách ngoại kỷ thanh lâu.

Rồi có kẻ lại diễn ra nôm:

Đầu cầu Gia Hội đôi trò núp;
Ngoài cửa Đông Ba mấy mụ trùm.

“Trò núp” là dịch nghĩa đen hai chữ “ẩn sĩ”, nhưng còn có nghĩa khác nữa càng làm cho kẻ bị chế nhạo tức mình thêm: Thuở xưa, về việc đi tiêu ở thành phố Huế còn bậy bạ lắm. Sáng sớm nào người ta cũng thấy những kẻ núp ở dưới cầu Gia Hội mà phóng uế. Chữ “núp” cũng chỉ vào việc ấy; và hai ông Ký và Tạo có nhà ở gần nhau tại chỗ bên kia cầu, đối nhà ông thượng Hòe bây giờ.

ĐỘC TẠI LÂU CHỦ NHÂN

(cấm lấy đăng báo khác hay nhặt in thành sách)

7. TRỜI BÊNH

Hồi Nghĩa Hội nổi lên ở Quảng Nam, tướng tá quân gia rầm rầm rột rột ba năm trời, tiếng rằng để đánh Tây mà kỳ thực chưa thấy mặt Tây đã chạy, họa lắm mới có cuộc đường đường đối chiến. Những người có tiếng “cảm chiến” lúc bấy giờ, ở phủ Thăng Bình thì có ông Ấm Hàm (ông này năm 1908 bị đày đi Côn Lôn), ở huyện Hòa Vang thì có ông Lãnh Năng, ở phủ Điện Bàn thì có ông Trần Đỉnh, cố nhiên đánh là thua, nhưng họ còn có đánh.

Trần Đỉnh người làng Gia Cốc, đỗ Tú tài, tục kêu là Tú Thừa, làm Tán tương quân vụ trong đảng Nghĩa Hội, có đánh nhau với quân Pháp một trận tại làng mình. Trận nầy quân Pháp chỉ có năm mươi, từ Hội An kéo lên do đường thủy, đến khúc sông ngang làng Gia Cốc thì đổ bộ, theo ngõ bàu Cây Sanh vào làng ấy đánh phá. Quân Tú Thừa cự địch, bị bắn chết 21 người, trọng thương 21 người, ông Tán tương chạy trốn.

Sau khi quân Pháp kéo đi, ông Trần Đỉnh trở về chiêu tập những lính bại trận và tế các tướng sĩ tử trận một diên. Trong vùng đó có ông Tú Quỳ, bạn của ông Tú Thừa, hay nôm, được cậy làm bài văn tế. Ông Quỳ làm bài văn tế hay lắm, trong có câu nầy:

“Đồng Gia Cốc đánh chơi một trận, tử hâm mốt thương cùng hâm mốt, nợ quân vương đền đặng bấy nhiêu người. Bàu Cây Sanh kéo thẳng hai tua, đi năm mươi về chẵn năm mươi, trách trời đất cớ sao bênh vị nó!”

Câu văn đầy ý trào phúng rất cay nghiệt, truyền tụng cho đến bây giờ, tiếc không ai nhớ được cả bài.

8. LÀM VUA

Ông Nguyễn Hiển Dĩnh, người Quảng Nam, làm quan đến Tuần vũ về hưu, người ta quen kêu là ông Tuần Dĩnh, mới qua đời chừng mươi năm nay. Ông bình sinh có tánh ngang tàng phóng đãng, tuy quan lớn mà không ưa làm ra quan dạng. Cả đời ông ham hát bội, và hát hay, một mình đóng được các vai: khi kép, khi đầu, khi lão, vai nào cũng xuất sắc.

Thuở Duy Tân, ông Dĩnh làm Tuần vũ Khánh Hòa, nhân bắn con mèo của ông Công sứ, bị cự, ông đối phó lại một cách kịch liệt, liền bị triệt về.

Về đến Huế, ông Dĩnh vào hầu ông Trương Như Cương, bấy giờ đứng đầu triều. Ông Trương trách rằng:

‒ Sao ngài lại làm gì quá vậy?

‒ Tôi phải giữ thể diện chứ. ‒ Ông Dĩnh trả lời.

‒ Ngài phải biết, làm quan đời bây giờ có khi phải đừng kể thể diện thì mới làm được.

Nghe vậy, ông Dỉnh thong thả đáp:

‒ Bẩm quan lớn, đã biết vậy, nhưng có hề chi đâu, tôi bị triệt về chứ tôi cũng vẫn làm quan mãi, có khi lại làm đến vua nữa kia!

Thấy nói trắng trợn như vậy, ông Trương không trách nữa mà bắt qua chuyện khác. Ông vẫn biết ông Dĩnh hay hát bội, cho nên khi nghe nói “làm vua” ấy, ông đã hiểu là vua gì rồi.

9. TIỆC NƯỚC HOA

Hồi nước mới bị bảo hộ, các quan ta chưa quen thuộc với người Pháp, lại thêm thấy thế họ mạnh, nhiều người sợ sệt quá, đến nỗi trong khi vãng lai, giao tế, cứ cuống cuồng lên, không biết xử thế nào là phải.

Vào đầu triều Thành Thái, ông Trương Quang Đản làm Phụ chánh. Một hôm, bên tòa Khâm có thiết tiệc, mời ông cùng các ông Phụ chánh khác sang dự. Ông Trương năm ấy gần bảy mươi tuổi, người đã yếu, đương mắc chứng đau bụng, hoạt đường đại tiện. Đáng lẽ thì từ chối, nhưng ông nghe người ta nói theo phép tây, mời ăn mà từ chối là trái phép lịch sự, nên ông không dám từ.

Giữa bữa tiệc, bụng ông nổi lên sôi sùng sục; nín không được, ông ỉa chảy đầy quần, tung tóe ra trên ghế và rây xuống đến gạch hoa. Bấy giờ ông vừa thẹn vừa sợ, mặt xanh xám, tay chân đờ ra, làm như bất tỉnh nhân sự. Lính hầu vực ông lên xe, chở về bên thành.

Việc biến ấy xảy ra, các quan Tây xen ven đứng cả dậy. Một dịp ồn ào chộn rộn: người lảng ra hàng hiên, kẻ chạy lên lầu. Sau khi dọn dẹp bữa tiệc sang trọng rồi, người ta thụt nước vào rửa cả căn phòng. Và kế đó, ở nhà hàng Morin có bao nhiêu nước hoa, người ta mua chở về từng xe, bơm lấy bơm để, làm căn phòng đáng lẽ là thúi mà trở nên thơm nực.

Bấy giờ ở Kinh thành, chuyện bị giấu kín khét nước. Những kẻ tọc mạch xấm xi xấm xải cùng nhau, và bụm miệng mà cười. Họ đồn ra rằng ông Trương đã phải bồi thường bữa tiệc ấy đâu ba bốn trăm đồng bạc.

Nhưng, theo lời ông Diệp Văn Cương, lúc đó làm thông ngôn tòa Khâm, về thuật chuyện lại cho người ta nghe ở Sài Gòn thì quả không có sự bồi thường ấy. Ông Diệp còn cho chúng ta biết một cái kết thúc nho nhỏ sau việc ấy thế nào. Ông nói:

“Sáng hôm sau, ông Trương Quang Đản liền qua tòa Khâm, và ra mắt quan Khâm để xin lỗi và cũng để làm giã lã việc tối hôm qua. Nói với ông Trương một cách rất đắc thể, quan Khâm rằng: “Quan lớn lấy làm ngại về phần ngài cũng phải. Nhưng lỗi là tại người đầu bếp chúng tôi. Nó không nghĩ đến quan lớn tuổi tác cao, tì vị yếu, nó đưa những thức ăn quá mát vào, làm cho ngài tháo dạ. Chính tôi phải xin lỗi cùng quan lớn!”.

Thế mà ông Trương thật thà quá, ông trả lời rằng: “Bẩm quan lớn, không sao đâu, chỉ một chút tối hôm qua thế rồi thôi, sáng nay tôi đã lại như thường rồi.” Câu trả lời dại dột quá, tôi ‒ ông Diệp Văn Cương tự xưng ‒ phải bỏ đi mà thay bằng câu khác”.

10. THẾ NÀO CŨNG ĐÁNH

Một ông quan tên là Tế, người dòng Tôn Thất, về triều Duy Tân, làm thủ hiến một tỉnh Đàng trong.

Ông có thói quen kiêng tên nghiêm lắm. Mới tựu lỵ một nơi nào, là trước hết niêm yết các tên húy của nhà mình cho nha thuộc lính tráng biết mà cữ. Ai phạm đến những tên huý của tiên nhân ông hay của ông là bị quở ngay, có khi bị đòn cũng nên.

Một viên bát phẩm lính, khi đi hầu ông dự một đám tang, tình cờ nói hai tiếng “tế ngu” mà bị ông đánh cho mười roi. Trong khi đánh, ông đe đi đe lại: “Mầy còn nói tao ngu hết?”.

Viên bát phẩm ấy có tài cỡi ngựa. Một hôm, có lái ngựa đem ngựa đến bán, ông bảo anh ta cỡi thử. Cỡi xong, ông hỏi:

‒ Nó kiệu ra sao?

‒ Bẩm kiệu êm lắm.

‒ Nó tế ra sao?

‒ Bẩm... ‒ Viên bát phẩm tính nói nhưng nhớ sực lại ngừng, bèn nói một cách tránh ghé ‒ Bẩm nó “quan lớn” cũng êm.

Lần nầy, ông cũng lại đánh cho mười roi, bảo sao không nói “tới” mà lại dùng chữ “quan lớn” thay vào là vô phép.

Viên bát phẩm đứng dậy đi ra, vừa phủi đít vừa nói: “Kiêng cũng đánh, không kiêng cũng đánh, thế nào cũng đánh, mới làm thế nào!”.

11. LẠY TƯỚNG TÀU

Ông Trương Quang Đản, con trai ông Trương Đăng Quế, người Quảng Ngãi, đỗ tú tài, tập ấm làm đến đàng quan. Hồi cuối triều Tự Đức, Bắc Kỳ có nhiều giặc cỏ nổi lên, ông dâng sớ xin đi ra Bắc đánh giặc. Vua Dực Tôn ban khen là người có khí khái và cho đi.

Ông Trương ở Bắc làm quan càng ngày càng lớn, sau lên đến chức Tham tán quân vụ đại thần; kể các quan văn cầm quân ở Bắc lúc bấy giờ, ông Hoàng Tá Viêm đứng nhất rồi đến ông, không còn có ai hơn nữa.

Nghe cái tên người và chức quan, ra tuồng oai vọng lắm; thế mà, theo lời một ông cử già ở Bắc nói, ông Đản là người rất khiếp nhược.

Lúc đó nước ta cầu viện bên Tàu, vua nhà Thanh có sai Phùng Tử Tài làm đề đốc cùng các tướng khác kéo quân qua đóng tại Lạng Sơn. Lần thứ nhất ông Trương Quang Đản đi hội kiến với Phùng Tử Tài.

Ông dàn ra một đạo quân ước năm trăm, khí giới hẳn hoi, ngồi trên kiệu ngọc lộ, gióng trống mở cờ, từ Tuyên Quang kéo sang thành Lạng.

Các tỳ tướng đi theo, ai cũng tưởng chủ tướng mình sẽ hội kiến với viên đại tướng ngoại quốc một cách oai lắm. Không ngờ, tới nơi, ông Trương thay đồ nhung phục đương mặc trong mình, vận áo rộng xanh quần điều vào, sụp xuống lạy Phùng Tử Tài trước khi nói chuyện. Từ đó các tướng lãnh ở dưới quyền ông không còn kiêng nể ông như trước nữa.

Nghe lời ông cử không lấy gì làm chắc. Sau đọc thi tập Cúc viên là thi tập của ông Trương Quang Đản, thấy việc ấy có chứng cứ rõ ràng. Trong đó có bài thi tứ tuyệt, đề là:

“Ra mắt Thanh súy Phùng đề đốc xong, về làm thơ nầy đưa cho các liêu tá trong quân”. Thi rằng:

Úy thiên đại nghĩa cổ kim đồng,
Nhĩ nhật hà phường bái hạ phong!
Tự quý phi phu yêu dục chiết,
Bắc song cao ngọa tưởng Đào công.

Không cần phải dịch ra làm gì. Đại ý là nó đáng lạy thì phải lạy, và lạy rồi cũng lấy làm xấu hổ.

ĐỘC TẠI LÂU CHỦ NHÂN

(cấm lấy đăng báo khác hay nhặt in thành sách)

12. LÀM KHỈ ĐẦU CẦU

Ông Đốc phủ Phương, lúc đã về hưu rồi, danh tiếng vẫn còn lừng lẫy, cho đến ở Trung Kỳ cũng có nhiều người nghe biết. Thành Thái năm thứ mười, ông Võ Doãn Tuân làm Tổng đốc Khánh Hoà, ông Đốc phủ Phương có ở Sài Gòn ra Khánh Hòa một chuyến, nói đi chơi và săn voi nhân thể.

Ông Võ vốn người Nam Trung, đối với một vị danh nhân lại là người hàng xứ nên ông đón rước quan Đốc phủ rất long trọng. Có trát tỉnh sức trước cho các viên phủ huyện đến tỉnh để chào mừng quan Đốc phủ.

Bấy giờ các ông phủ huyện còn là người khoa giáp. Họ nghe tiếng Đốc phủ Phương thì đồ là một bậc quan lớn lão thành đạo mạo, như các ông Nguyễn Trọng Hiệp, Vương Duy Trinh chẳng hạn. Không ngờ khi đón ông ở dưới tàu thủy lên, thấy là một người mặc đồ tây, dắt theo một bầy chó, ai nấy đều thất vọng.

Thế còn chưa mấy. Giữa bữa tiệc quan Tổng đốc đãi, chuyện trò cùng nhau, quan Đốc phủ nói rằng:

“Cái đời tôi thế nầy cũng đã thỏa mãn lắm rồi. Sau khi chết tôi chẳng thiết về Tây phương làm chi nữa. Tôi chỉ xin đức Diêm Vương cho làm con khỉ ngồi đầu cầu để khi mấy con mẹ đi chợ về ngồi đái thì dòm... cho thích mà thôi!...”.

Các quan An Nam thời ấy hầu hết là người đứng đắn, nghe câu nói đùa thô bỉ như thế, thảy đều kinh ngạc.

13. VĂN CU LI

Có nhiều người biết bài phú “Danh sơn lương ngọc” là một bài văn vào hạng những bài văn đầu tiên đánh thức người mình trong cuộc trừ cựu cách tân.

Năm 1905, Thành Thái thứ mười tám, ở Bình Định có kỳ hạch tấn ích, rèn tập học trò để năm sau đi thi. Bấy giờ ông Hồ Trung Lượng, người Quảng Nam, làm Đốc học ở đó, ra đề: bài thi “Chí thành thông thánh” và bài phú “Danh sơn lương ngọc”. Khi thu quyển, có một quyển đề tên là Đào Mộng Giác, bài làm ở trong cả hai đều không theo sách mà chỉ nói ròng về thời sự khuyên người ta bỏ lối học khoa cử. Ông Đốc học sợ, không dám chấm, niêm cái quyển lại mà tư lên tỉnh. Các quan tỉnh cho là một việc quan trọng lắm, lại niêm mà tư về bộ.

Sau người ta biết ra cái quyển ấy là của các ông Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, đều là tay đại khoa ở Quảng Nam, cùng làm trong khi đi vào đàng trong mà ghé qua Bình Định. Bài thi và bài phú đó truyền tụng một thời, có ảnh hưởng giữa sĩ phu chẳng nhỏ.

Người ta biết việc ấy, nhưng trước kia còn có một việc giống như vậy mà còn thú hơn, người ta ít biết. Vì nó phát ra ở Huế, nơi Viện Cơ mật, dễ bị bưng bít hơn.

Một ông làm Viên ngoại Cơ mật thuở Đồng Khánh, kể chuyện lại:

Năm đó Đồng Khánh nhị niên, nước mới bị bảo hộ và sang năm có khoa hương Mậu Tý. Trường Quốc Tử Giám, bấy giờ còn đóng tại gần chùa Thiên Mụ, mở một kỳ hạch cho cả học trò hạt Thừa Thiên. Giữa ngày hạch, sau giờ thu quyển, luận canh một, các quan ở đó phát mã thượng một cái bì về do bộ Lễ chuyển trình viện Cơ mật, như là có việc gì trọng đại và khẩn cấp lắm.

Các quan Cơ mật đương đêm tức thì nhóm lại ở viện, đòi ông Viên ngoại ấy vào, mở bì ra.

Nó là một cái quyển, tên gì thì ông Viên ngoại quên đi, chỉ nhớ ở trong viết một bài ca rằng:

Cu li quân hề, cu li thần,
Cu li quân hề, cu li dân.
Cu li tú tài hề, cu li cử nhân.
Cu li trường quan hề, cu li văn,
Cu li hề, cu li.
Phi lu hề, Phi lu.

Thấy thế, các quan Cơ mật, ông thì tức cười, ông thì nổi giận, nhưng có một điều khó nghĩ là không biết nên tư tòa Khâm và tâu Hoàng thượng hay là nên dìm đi. Về sau, ông Nguyễn Trọng Hiệp tỏ vẻ cương quyết, bảo nên dìm. Nhưng các quan đều dặn ông Viên ngoại phải giữ bí mật, không được tiết lộ ra. Sau mười lăm năm, ông ấy mới nói cho người ta biết.

14. THƠ LỤT BÊN TÂY

Thơ lụt ở xứ ta có nhiều bài truyền tụng. Nhưng bài chép dưới nầy có vẻ đặc biệt, vì nó nói về lụt bên Tây.

Trước Âu chiến, độ vào năm 1911-1912 gì đó, ở Paris có lụt lớn, mà năm ấy ở ta đây thì đại hạn. Lúc bấy giờ có lưu truyền một bài thơ, không biết ai làm.

Thơ như vầy:

Đông Dương đại hạn nắng như thiêu,
Nghe nói Pha-lê nước lụt nhiều.
Tàu chiến tàu binh chìm tới đất,
Quan năm quan sáu nổi như bèo.
Còn ông giám quốc ngồi mà khóc,
Mấy chú cường lân đứng cạnh reo.
Đến nước chúng ông mà phá hại,
Chừ trời hại lại, chớ nên kêu.

Người An Nam nào đã làm bài thơ ấy tỏ ra có bụng xấu xa mà lại nhỏ nhen nữa. Tuy vậy, bài thơ đó nó đại biểu cho một cái tâm lý thông thường mà các người Pháp cũng nên biết.

15. NHÂN TÂM DUY NGUY

Vào năm 1904-1905, khoảng đó, xứ ta mới có xe ô-tô lần thứ nhất. Ở Huế, chỉ đức Thành Thái có một cái, còn chưa ai có cả.

Vua Thành Thái, người thông minh lại có tánh tọc mạch, nên khi sắm được thứ xe mới lạ nầy, ngài cỡi luôn, mà tự cầm máy lấy, thường cho xe chạy mau như chớp.

Bấy giờ, ông Nguyễn Hữu Đãng, người Quảng Ngãi, làm Thủ tướng, thấy vậy, hiệp đình thần dâng sớ can vua, đại khái nói cỡi thứ xe ấy là nguy hiểm.

Xem xong vua phê sau tờ sớ: “Nhân tâm duy nguy, thử xa phi nguy”. Nghĩa là: Lòng người mới là nguy hiểm, chứ xe này không nguy hiểm.

Có người biết chuyện nói: Lời phê ấy của vua móc đến ruột gan mấy ông đình thần dâng sớ bấy giờ, họ lấy làm rất khó chịu. Vì trong đám họ, có kẻ hay dòm hành những việc vua làm để sang mét với các quan Bảo hộ. Vua nói “nhân tâm duy nguy” là chỉ vào cái tâm của những hạng người ấy.

ĐỘC TẠI LÂU CHỦ NHÂN

(cấm lấy đăng báo khác hay nhặt in thành sách)

16. KHÓC MẸ

Năm 1908, ở Quảng Nam, dân nổi lên “xin xâu”. Tại Hội An, chung quanh tòa Sứ, mỗi ngày có hàng vạn người đến chờ chực kêu nài. Còn các miền nhà quê, nhiều nơi có cuộc tụ họp của quần chúng, hoặc để tuyên truyền thúc giục kẻ khác đi xin như mình; hoặc để ra tay trừng trị mấy người phản động.

Liền đó, các quan tỉnh và tòa mời các thân hào trong tỉnh đến, nhờ họ chia nhau đi ra khuyến dụ dân, kêu bằng “hiểu trấp”.

Một ông cử nhân đỗ thuở Đồng Khánh, bấy lâu ở nhà dạy học, không hề can thiệp đến việc đời, nay được mời, nếu từ chối thì sợ bị tình nghi, nên ông cũng miễn cưỡng vâng lịnh các quan.

Nhân mẹ mới mất, ông Cử mặc một bộ đồ tang bằng vải đen, râu ria đạo mạo, ngồi chiếc võng trần đi khắp các làng. Một đêm, ông trú tại nhà Lý trưởng làng kia. Thình lình có đoàn dân đến bao vây bốn phía nhà, rồi kéo nhau vào trước mặt ông, định nói với ông đừng đi hiểu trấp nữa. Nhưng họ chưa kịp mở miệng, ông thấy đông người quá, sợ khiếp đi, vùng khóc oà lên.

Trong đám đông có người đứng ra hỏi: ‒ Thưa thầy, việc gì mà thầy khóc?

Lau nước mắt, ông Cử đáp:

‒ Xin anh em hãy tin tôi nói thật! Vì mẹ tôi mới mất, tôi nhớ mẹ tôi quá.

Nhờ cái cử chỉ và câu trả lời ngớ ngẩn, đoàn dân ai nấy tức cười, không để ý đến ông nữa mà kéo nhau đi nơi khác.

17. VĂN TẾ CHẾT ĐUỐI

Cũng trong vụ “xin xâu” năm 1908 ở Quảng Nam, tại phủ Điện Bàn, tám ngàn dân tới bắt hiếp ông Phủ đi xin hộ, đi tới sông Thanh Hà, bị lính tập cản đường giải tán, hết ba người trong bọn ngã xuống sông mà chết, liền đó có truyền bài văn tế.

Số là một ngày hạ tuần tháng hai An Nam năm ấy, hồi tám giờ sáng, một đoàn dân tám ngàn người kéo đến phủ, mời ông phủ Trần Văn Thống đi với họ xuống tòa Sứ xin xâu giùm. Không làm sao từ chối được, ông Phủ phải đi. Nhưng, lúc lên xe, ông còn dùng dằng, thì một người trong bọn là Thông Côn (sau bị đày Lao Bảo) nhổ một gốc cây ở sân khẻ vào đầu gối ông mấy cái, rồi giục cho xe chạy.

Đoàn dân ngây ngô không biết, chớ ông Phủ đã cho tin xuống tòa Sứ lấy lính lên rồi, và họ sẽ lên sau. Xe ông Phủ đi trước, tám ngàn người kéo theo, đi tới sông Thanh Hà, thì gặp lính tập, cầm đầu do một viên quan.

Một nửa lính hộ vệ ông Phủ trở về phủ, còn một nửa ở lại đó, bắn súng chỉ thiên, dọa giải tán đoàn dân.

Chỗ thì chật mà người ta thì đông, tranh nhau để chạy, nên hết ba người ngã xuống sông mà chết. Quần chúng tan đi lúc đó, nhưng đến hôm sau thì họ nhóm lại ở bến sông, mở cuộc truy điệu cho ba người. Ngoài những câu liễn đối, có bài văn tế nầy truyền tụng:

Than ôi! nước còn lênh đênh, dân khó ngoi ngóc.
Đã thuế nặng nề, lại quan tham độc.
Chó ăn cả lông, cây đào tận gốc.
Không tiền mua khăn nên đầu ông trọc.
Không tiền mua vải, nên áo ông cộc;
Xin thuế ít nhiều, kêu tình khổ nhục.
Một dạ vững bền, tám ngàn chen chúc.
Không ngờ sảy chân, chẳng vớ được cọc.
Thôi thà thác trong còn hơn sống đục.
Hồn ông đi đâu? Xiêm La? Băng Cốc?
Nhật Bản, Hoành Tân, Ấn Độ, Thiên Trúc?
Lớn hóa làm tàu bay, nhỏ hóa làm súng lục,
Phới phới trên từng mây, để chờ cơn báo phục!
Nay có rượu cặn một bầu, văn nôm một khúc,
Tế ông một diên, vì dân đau khóc!

18. THIÊN DÂN

Lần bắt hiếp viên tri phủ ấy, xe thì cái xe nhà của ông Phủ, nhưng hồi đó lính trốn đi hết, không có người kéo, một người dân trong đám đông phải lãnh phần kéo xe.

Người ấy trạc bốn mươi tuổi, cao dềnh dàng và to xương hóc, như một tay lực sĩ. Trời nắng nực, kéo xe đi một đỗi, anh ta thấy bức, bèn cởi áo ra: lông ngực đen thui, từ cổ xuống đến rốn.

Trong vụ nầy, ông Phủ căm nhất là Thông Côn, người khẻ gốc cây lên đầu gối ông và anh kéo xe nầy.

Về sau, trong những người dân bị bắt, ông Phủ được phép bắt họ cởi áo ra để nhìn người nào có lông ngực, thì quả nhiên nhìn được anh ấy, tên là Tuý, dân phủ Thăng Bình.

Quan Án hỏi:

‒ Mầy là dân phủ Thăng, sao lại ra phủ Điện mà làm việc trái phép?

Túy trả lời:

‒ Bẩm quan lớn: con là thiên dân (dân của trời), hà luận phủ nào!

Túy bị án đồ ba năm.

19. LỲ ĐÒN

Trong vụ “xin xâu” ấy, quần chúng bắt nhau tuân những kỷ luật rất nghiêm. Một trong đó là: hễ bị bắt, bị tra, không được khai ở làng nào mà chỉ khai là dân Quảng Nam, hoặc là dân một miền nào.

Một người bị bắt ở Hội An trong mấy ngày đầu tiên. Bị ông Quản Thái là quản lính tập đánh dữ lắm, chỉ có khai ở làng nào thì được tha đòn mà người ấy vẫn không khai, cứ nói là “dân Bến Ván”.

Roi mây bằng ngón cẳng cái, lực lượng ông Quản Thái đánh cho đến ba chục roi, rồi hỏi: “Ở làng nào? Khai ra!”. Vậy mà cũng cứ: “Con là dân Bến Ván!”.

Máu ra đỏ cả quần, cũng cứ “dân Bến Ván!”.

Sự tra tấn ấy làm ra nơi cửa đồn, trước mặt quần chúng, vì khi đó còn chưa bị giải tán bằng báng súng và roi mây. Trong đám đông, nhiều người thấy vậy lấy làm tội nghiệp, bảo người ấy cứ khai thiệt làng mình đi, anh em không trách móc gì đâu, đừng để bị đòn quá rủi đến chết.

Thế mà cũng cứ là không! Nằm sấp dưới đất, ngửng đầu lên nghe mấy lời khuyên giải đó, người ấy nói rằng:

‒ Sao lúc nãy anh em không nhắc tôi đi? Để đến bây giờ bị đòn đau quá, tôi quên mất cả làng, chỉ còn nhớ là “dân Bến Ván”!

Bến Ván là một miền ở phía Nam Tam Kỳ, về tỉnh Quảng Nam. Người ấy tên là gì, tôi quên.

ĐỘC TẠI LÂU CHỦ NHÂN

(cấm lấy đăng báo khác hay nhặt in thành sách)

20. MỘT BÓ SỚ

Đức Dực Tôn không có con, các bà vợ của ngài không ai hề đẻ lần nào cả; người ta thấy vậy, hay vậy, chẳng hiểu tại làm sao. Thuở trước nhiều người bảo rằng tại vua giết chết cả nhà ông Hồng Bảo, làm ông ấy tuyệt tự, cho nên trời trả báo.

Triều Thành Thái, ở Huế có ông ngự y già, làm y sanh thuở Tự Đức, nói mình rõ căn do việc ấy, kể chuyện rằng:

“Vua không có con là tại cái dương vật của ngài, chặng giữa, có một cái lỗ. Khi giao hiệp với đàn bà, tinh không ra ở quy đầu, mà ra ở lỗ ấy, nên không xạ đến tử cung mà không đậu thai được. Thuở đó các ngự y đông lắm. Hầu hết ông ngự y nào cũng có dâng một phương thuốc để chữa sự khuyết hãm ấy cho vua, nhưng thảy đều vô hiệu”.

Ta có thể tin lời ông ngự y ấy là đúng. Vì cũng thuở Thành Thái, có ông làm Thừa chỉ nội các, tuyên bố một điều tương tợ. Ông ấy nói:

“Tại trên gác Đông các có chứa không biết bao nhiêu là những tấu sớ cũ. Trong đó có một bó toàn là sớ của các quan tâu riêng về việc điều trị bệnh kín cho vua Dực Tôn. Nực cười nhất có ông bảo nên lấy sơn mà hàn gắn cái lỗ đó; lại có ông xin hoàng thượng chú ý khi giao hiệp với các bà, hễ thấy tinh hầu ra thì lấy ngón tay bịt cái lỗ đi”.

21. QUAN BỊ TÂY ĐÁNH

Từ hồi có Bảo hộ về sau, người Nam ta bị người Pháp đánh cũng nhiều; nhưng kể riêng về các quan thì biết được hai ông.

Hồi đầu triều Thành Thái, ông Nguyễn Xương làm Tri phủ Điện Bàn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Một hôm, có ông quan Tây vào phủ, nói chuyện sức bắt dân phu làm sao đó, ông Phủ đối đáp không vừa ý, bị ông quan Tây ấy bắt nằm xuống, đánh cho ba chục.

Việc ấy sau phát giác ra, ông Nguyễn Xương bị triệt về, vì cớ “bất xứng chức”.

Đến triều Khải Định, ông Lê Chí Hàm làm Tri huyện Cam Lộ, thuộc tỉnh Quảng Trị, bị một viên lục lộ người Pháp đè xuống đánh, ông Lê bèn đem ấn trả cho tỉnh, không chịu làm nữa. Tuần vũ Quảng Trị bấy giờ là ông Trần Văn Thống, đã chẳng bênh ông huyện thì chớ, lại còn tư về bộ trị tội thêm, lấy cớ ông huyện “thiện lý chức dịch”. Bộ tâu lên, đức Khải Định phê: “Trần Văn Thống sở hành đa khuy quốc thể”. Rồi phái ông Ưng Định, Tham tri bộ Hình, ra điều tra việc ấy. Kết quả ông Trần bị giáng tứ cấp ly, nhưng lại “phụng chỉ gia ân đái nguyên hàm hồi quan hưu trí”.  

22. QUAN TỈNH ĐÁNH NHAU

Ông Trần Văn Thống trước khi làm Tuần vũ Quảng Trị có làm Tuần vũ Hà Tĩnh, vì đánh nhau với ông Bố chánh Nguyễn Văn Đàm, nên mới đổi đi.

Số là, có một vụ kiện điền thổ, tỉnh xử xong, bên được kiện đem tạ ông Tuần hai chục đồng. Theo lời người ta nói thì vì có sự nói năng từ trước làm sao đó. Biết được câu chuyện, ông Bố lấy làm tức lắm, vì nghĩ điền thổ là việc chuyên trách về mình mà mình lại không được ăn. Một buổi hiệp nghị tại dinh Tuần, hai ông nói chuyện với nhau đụng đến việc ấy, rồi ông Bố mắng ông Tuần ăn tiền của dân. Ông Tuần nhột và tức, đứng dậy xách ghế phang ông Bố. Ông Bố xách ghế đánh lại. Thành ra một trận ẩu đả lung tung. Lính chạy qua bẩm ông Án. Ông Án chạy đi báo ông Sứ tới nơi hòa giải, hai vị quan tỉnh mới buông nhau ra.

Ông Tôn Thất Trạm bấy giờ làm Tổng đốc Nghệ An, được phái đi xử vụ nầy. Kết quả, cho rằng trong nước An Nam, xử kiện xong mà đi tạ, là sự thường, không lỗi gì cả; chỉ hai ông quan đồng thành mà đã có hiềm khích với nhau thì nên cho mỗi ông đi một nơi. Thế rồi ông Trần Văn Thống đổi đi Tuần vũ Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Đàm đi Bố chánh Phú Yên.   

ĐỘC TẠI LÂU CHỦ NHÂN

(cấm lấy đăng báo khác hay nhặt in thành sách)

   




Chú thích

  1. Gạnh: thêm; viết gạnh: viết thêm một bên (H.T. Paulus Của: sđd.)