Những chữ có họ với nhau

Những chữ có họ với nhau  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 1 (1 Août 1936), trang 3, mục "Quốc văn nghiên cứu".

Có nhiều người sợ cho chữ quốc ngữ sẽ không thành ra được thứ văn tự tinh thâm cao diệu, vì nó chỉ là những cái dấu ghi lấy tiếng nói, chứ trong cái dấu ấy không có ý nghĩa gì. Chẳng những thế thôi, có người lại còn sợ rằng tiếng nói lâu đời phải thay đổi, rồi cái dấu ấy không khéo cũng sẽ thành ra vô dụng nữa.

Chữ Hán tạo thành bởi sáu luật (lục thư), như tượng hình, hội ý, hài thanh v.v... mà mỗi chữ đều có ý nghĩa, nên bốn ngàn năm nay Hán tự tuy đã biến ra nhiều thể mà cái tinh thần của nó vẫn cứ còn. Chữ Pháp cũng có tự nguyên của nó, lại nhờ sự tương sanh mà chữ nầy có tương quan với chữ khác, thành thử nó duy hệ với nhau mà đứng vững được.

Tiếng Việt Nam ta có hơi cheo leo một chút. Như chữ "cha" gọi người đẻ ra mình ấy, chỉ là hợp ch với a mà thành ra thôi, chẳng có tựa vào cái gốc nào chắc chắn hay có dính dấp với chữ nào khác hết. Vậy nếu một mai cái người đẻ ra mình ấy ta không gọi bằng "cha" nữa mà gọi bằng "pa" thì chữ "cha" còn đợi gì mà chẳng tiêu diệt đi ư?

Thế thì người nào sợ như đã nói trên kia cũng phải, sự sợ ấy không đến như người nước Khỷ đời xưa đã lo trời sập.

Sợ thì phải làm thế nào, chứ chỉ ngồi mà chớp gáy suông, vô ích. Cái chức vụ chúng ta bây giờ là phải nghiên cứu tiếng mẹ đẻ, tìm thấy những cái phép tắc tự nhiên trong nó mà chỉ ra cho người ta biết. Bao giờ những phép tắc ấy có đủ thì chữ ta cũng sẽ thành lập một cách vững chãi và trở nên một thứ văn tự hoàn toàn.

Bất kỳ thứ tiếng nào, sự sanh trưởng của nó là bởi tự nhiên chứ không phải bởi nhân tạo. Cho đến như Hán tự, tiếng rằng tạo thành bởi sáu luật, kỳ thực là sau khi đã có chữ rồi người ta mới lập ra sáu luật để quy những chữ vào, chứ không phải lập sáu luật trước rồi mới do theo đó mà tạo những chữ. Chữ Pháp cũng vậy, có chữ trước rồi mới có mẹo luật sau.

Chữ quốc ngữ của ta tuy là những cái dấu ghi tiếng nói thật đó nhưng sự sanh trưởng của nó cũng không phải là không theo phép tắc tự nhiên. Vậy hễ ta gia công nghiên cứu được đến chừng nào, thì ta sẽ tìm thấy những phép tắc ấy được đến chừng nấy.

Trong tiếng Pháp có những chữ sanh ra cùng một gốc, như có họ với nhau gọi là "Famille des mots", thì trong tiếng Việt Nam ta cũng tự nhiên mà có những chữ như thế. Trong bài nghiên cứu nầy, tôi thử cử ra mấy chục chữ về loại ấy mà tôi đã tìm được. Xin độc giả biết cho rằng những chữ ấy vốn có trong tiếng ta, bị tôi tìm thấy mà chỉ ra, chứ không phải tôi theo tiếng Pháp mà bắt ép chúng một cách khiên cưỡng hay xuyên tạc vậy.

1/ Chữ miệng là cái miệng, sanh ra: 1. miếng, môi miếng ở kề miệng; 2. miếng, nước miếng là nước từ trong miệng chảy ra; 3. miếng, một miếng đồ ăn vừa bỏ vào miệng. (Chữ nầy giống hệt như chữ Pháp bởi bouche sanh ra bouchée).

2/ Chữ mồm là gồm cả các bộ phận cái miệng, sanh ra: 1. mõm, là cái mồm của loài thú, như cái mõm chó; 2. mớm, là lấy cái mồm này sún cho cái mồm kia, như bú mớm; 3. móm, là cái mồm đã biến hình đi (déformé), như móm miệng.

(Xa ra một tý nó còn sanh ra: 1. chữ mấm, là lấy hai môi của cái mồm mà hiệp lại và cử động; 2. chữ mếu máo, là cái mồm tạm biến hình trong lúc có sự đau thương hoặc van lơn.)

3/ Chữ người là con người ta, sanh ra: 1. ngươi, con ngươi ta thấy trong con mắt; 2. ngươi, đại danh từ dùng để kêu con người mà địa vị thấp kém hơn mình; 3. ngài, đại danh từ dùng để kêu con người mà địa vị cao hơn mình.

(Lại bởi chữ ngài ấy sanh ra chữ ngai, là cái vị trí mà con người rất cao ngồi lên.)

4/ Chữ nam là phương nam, sanh ra nồm, là gió từ phương đông nam thổi lại.

5/ Chữ bắc là phương bắc, sanh ra bấc, là gió từ phương bắc thổi lại.

6/ Chữ mông là gồm cả các bộ phận cái bàn tọa (đít), sanh ra mổng, chỉ về hai bên bàn tọa.

7/ Chữ cấn chỉ những cái gì lừng đừng trong một chất lỏng, sanh ra cặn, chỉ những cái lừng đừng ấy đã đọng lại dưới đáy.

8/ Chữ miền chỉ về một địa phương nào, sanh ra miệt, cũng gần như nghĩa ấy.

9/ Chữ manh, chỉ một phần của vật gì đã bị chia xé ra, nhưng nói riêng về những vật như vải, giấy, chiếu, sanh ra mảnh, cũng một nghĩa ấy mà nói về những vật như đồ sành, đồ gốm.

10/ Chữ văn, hình dung vật gì có nhiều sắc xen nhau mà coi đẹp mắt, như văn vẻ, sanh ra vằn, lại hình dung vật gì có nhiều sắc xen nhau mà coi bẩn mắt, như vằn vện.

11/ Chữ mộng chỉ cái mầm ở hột giống mới nứt ra, sanh ra mống, chỉ về sự sắp sửa nứt ra của cái mộng ấy.

12/ Chữ mặn hình dung vật gì có nhiều chất muối, sanh ra mẳn, nghĩa là ít mặn, như nói: hơi mẳn mẳn.

13/ Chữ ngọt hình dung vật gì có nhiều chất đường, sanh ra ngót, nghĩa là ít ngọt, như nói: nấu ngót.

14/ Chữ mách, chỉ nghĩa đem chuyện người nầy nói với người khác, sanh ra mạch, nói: thằng mạch, đứa mạch, tức là người điểm chỉ.

15/ Chữ mong là trông mong, sanh ra mọng, nghĩa là mong cái sự không đáng mong, như nói: chỉ ngồi mọng hão; lại khi mong như thế mà không được, cũng nói: mất mọng, hú mọng.

16/ Chữ đứng chỉ nghĩa người hoặc vật ở yên một chỗ, sanh ra: 1. đưng, nghĩa là vật gì không sanh dục như đứng yên; 2. đựng, nghĩa là vật gì bị cầm lại một chỗ.

17/ Chữ ngồi là người ta ngồi, sanh ra ngôi, là cái chỗ người ta ngồi.

18/ Chữ mòn chỉ vật gì mỗi ngày một hao tổn đi, sanh ra: 1. mỏn, nghĩa là ít, kém, thiếu, vì mòn dần đi nên mới như vậy; 2. mọn, nghĩa là nhỏ, ít, vì đã mòn.

19/ Chữ phân nghĩa là chia, sanh ra: 1. phần, vì chia ra nên mới có từng phần; 2. phận, cũng do sự chia từng phần mà ra: như nói: chức phận, tức là phần việc mình phải làm; phước phận, tức là phần phước mình được hưởng.

20/ Chữ ngược, nghĩa là từ dưới trở lên trên, sanh là ngước, tức là ngảnh cổ mà ngó ngược lên vậy.

21/ Chữ ngậm chỉ nghĩa hai môi miếng hiệp lại, trong khi ấy thì người ta không nói được, nên sanh ra: 1. ngầm, nghĩa là làm thinh không nói; 2. ngẫm, trong lúc không nói thì hay ngẫm nghĩ.

22/ Chữ ngột, nghĩa là nghẹt hơi khó chịu trong lúc ở vào chỗ nào mà không khí không đủ, sanh ra ngốt, là cái tình trạng người ta trong khi bị ngột hơi, như nói ngốt người.

23/ Chữ mang là mình mang lấy một vật gì, sanh ra máng, là đem vật gì bắt một vật khác phải mang lấy, như nói: máng áo trên giá.

24/ Chữ nhiều, nghĩa nó đối với ít, sanh ra nhiêu: nói bao nhiêu, nghĩa là cái số nhiều ấy đến chừng nào; nói bấy nhiêu, nghĩa là cái số nhiều ấy có chừng nấy.

25/ Chữ dài, nghĩa nó đối với ngắn, sanh ra dai: nói bao dai, nghĩa là dài chừng nào; nói bây dai, nghĩa là dài chừng nấy.

26/ Chữ quắn hình dung cái lông sợi tóc cong quắp lại, sanh ra: 1. quăn là quắn hơi hơi; 2. quặn, như nói quặn thắt, là ruột vì đau mà gò lại; 3. quằn, như nói quằn quại, là cử động một cách khó khăn trong lúc bị co quắp.

27/ Chữ xế, chỉ mặt trời đã sa xuống, sanh ra: 1. xề, như lợn xề, con heo có cái bụng sa xuống; 2. xệ; vật gì đã biến hình đi và sa xuống.

28/ Trong những chữ số cũng có mấy chữ tương sanh, bởi sự tương sanh ấy mà nghĩa nó có đại đồng tiểu dị. Như:

- Một sanh ra mốt; mốt, dùng trong khi đứng đầu các hàng chục từ hai chục trở lên: hai mươi mốt, ba mươi mốt, chín mươi mốt;

- Hai sanh ra vài; vài là số hai mà không nhất định; - Năm sanh ra dăm; dăm là số năm mà không nhất định.

- Mười sanh ra mươi; mươi là số mười mà không nhất định.

- Vạn sanh ra vàn; vàn là số vạn mà không nhất định.

Không nhất định, vì nói vài, có thể là hai hay ba cũng được; nói dăm, có thể là năm hay sáu cũng được; nói mươi, có thể là mười hay mười một cũng được; nói vàn như muôn vàn hay man vàn, nghĩa là hàng vạn, chứ không ắt là mười ngàn. Bởi vậy trong khi dùng những chữ vài, dăm, mươi ấy người ta thường kèm theo những chữ ước chừng, phỏng độ v.v...

Trên đó tôi cử ra mấy chục chữ có họ với nhau để cho thấy tiếng Việt Nam ta không phải là không có phép tắc, ý nghĩa, chỉ tại mình chưa tìm ra đó thôi. Ai có thì giờ rảnh và chịu gia tâm một chút thì cũng tìm ra như tôi được.

Tiếng ta, sau khi đã tìm ra được nguyên tắc về gốc chữ, về sự chữ nầy sanh ra chữ kia, về công dụng từng chữ, về cách đặt câu cho đủ cả thì tất sẽ thành ra một thứ tiếng có văn pháp mà hoàn toàn thành lập vậy. Phải làm như thế mới được, chứ cứ gào nhau "bồi đắp quốc văn" suông là vô ích.

PHAN KHÔI