Phi Phụng lên xe về Bạc Liêu rồi. Duy Linh lững đững lờ đờ buồn thì không đủ cớ phải buồn, mà vui cũng không biết làm sao đặng vui, chẳng khác nào người làm ruộng thấy trời hạn ruộng khô, mạ cháy lấy làm nóng nảy nên ước cho trời mưa, chừng trời mưa dọn đất nhổ mạ không kịp, tuy không dám ước trời nắng nữa song trong lòng lại phiền trách sao trời mưa nhiều.

Tối bữa ấy Duy Linh lên lầu, vặn đèn cháy sáng rồi đứng xem trước ngó sau: Bộ ván nầy là chỗ Phi Phụng hay ngồi thêu, cái ghế kia là chỗ Phi Phụng thường ngồi nói chuyện. Bộ ván còn đó, cái ghế cũng còn đây mà Phi Phụng đã đi rồi, lại đi chắc là không trở lại; ví dầu có trở lại cũng không ngồi thêu như trước, chắc nói chuyện khác, chắc mặc áo quần khác...

Duy Linh nghĩ tới đó trong lòng lạnh ngắt, bèn lật đật tắt đèn trở xuống đội nón đi chơi. Anh ta thủng thẳng đi bộ, tính đi cho khuây tình giải trí. Bắt đường nầy qua đường nọ, đi cho tới 11 giờ mỏi chân mệt xác mới trở về nhà, song trí não cũng còn lờ mờ, lòng cũng còn trìu trịu.

Mấy ngày sau cũng như ngày trước thân dật dừa[1] ở Sài Gòn còn trí phảng phất dưới Bạc Liêu. Cách chừng một tuần lễ. Duy Linh tiếp được một bức thơ, cầm coi thấy con dấu đóng tại Bạc Liêu, còn chữ đề bao là chữ Phi Phụng thì biến sắc, run tay, muốn xé liền để đọc, rồi dục dặc dường như sợ nên không dám xé. Sợ việc gì? Phi Phụng nhờ bảo hộ nuôi dưỡng ở trong nhà gần một năm; nay cô hết hồi tai nạn, cô viết thơ để tạ ơn, hoặc mời mình xuống nhà cô chơi, mình không khứng cho cô đền ơn thì thôi, mình không muốn đến nhà cô cũng được. Có việc chi quan hệ mà sợ; Duy Linh cũng có ý nghĩ như vậy; nhưng vì anh ta có ý riêng, nên nghi Phi Phụng có tỏ sự gì khác trong thơ ấy, bởi vậy cầm bức thơ lật qua lật lại, nhìn tuồng chữ coi một hồi lâu rồi lấy dao rọc bao rất kỹ lưỡng, lấy bức thơ ra tay cầm rung rung mắt xem chói lòa.

Bạc Liêu ngày 15 tháng 5 năm 19..

Anh đáng yêu mến ôi!

Hôm đó em với dì về tới Bạc Liêu đúng 3 giờ chiều. Em có viết liền cho anh hai bức thơ, nhưng rồi em không gởi bức nào hết, bởi vì bức thơ trước em viết có bảy tám hàng nói cho anh hay rằng em đã về đến nhà rồi.

Em viết rồi em đọc lại nghe kỳ quá, bởi vì gởi thơ chỉ nói mấy lời lạt lẽo như vậy thì gởi làm chi. Em xé đi, rồi em viết một bức thơ khác. Bức thơ nầy em viết thật dài. Em viết đầy 4 trương giấy cũng chưa hết chuyện. Em thấy trời đã khuya, phần ngồi xe hơi cả ngày cũng mệt mỏi, nên em ngừng ở nửa chừng tính sáng bữa sau em sẽ viết tiếp. Đến qua bữa sau, em đọc khúc đầu lại thì có nhiều chỗ em không vừa ý nên xé đi, rồi viết bức khác. Chuyến nầy em viết kỹ lưỡng, viết rồi em đọc lại trong trí bắt đầu tư lự, nên em không gởi.

Anh xét bao nhiêu đó đủ biết lòng em chẳng hề khi nào quên (chỗ nầy có gạch thêm một chữ: "ƠN" ở trên) anh.

Nhà cửa của em cùng là tài vật đều còn y nguyên như cũ, duy có mấy người gia dịch của ba với má em hồi trước không còn người nào hết, hai người coi nhà em về gặp đây là người của Tú Cẩm (em kêu Tú Cẩm quen miệng nên đến nay cũng còn viết tên đó vậy, xin anh đọc Lý Văn Khoan ) mướn. Nội buổi chiều em về đó, em trình án cho làng và kêu mấy người cũ ở lại, họ thấy em họ mừng nhưng họ khóc, làm cho em động lòng vô cùng.

Hôm qua mấy chủ hóa đất và mấy người quen ở dưới Cái Cùng có lên thăm em. Ở trong chợ họ ra thăm cũng đông, ai cũng mừng giùm em, vì sự nghiệp đã mất rồi nay còn lấy được. Có một điều em khó chịu lắm, là có người em không biết mặt và cũng không biết tên, họ đến mừng em, em bợ ngợ quá tạ ơn không hết lời, nên sợ họ về rồi họ nói là em làm tẻ[2].

Hồi chiều nầy thấy trời thanh bạch em với dì ngồi xe hơi đi vô chợ mua đồ. Em có gặp vợ chồng cô ba Huê, cô thấy em cô mừng quýnh. Em có nói chuyện cô ba Huê cho anh nghe hồi trước, anh còn nhớ hay không? Cô là con gái nhỏ của ông Đốc Phủ Phong ở trong Chợ Đuổi, năm ngoái em ở dạy cô học thêu đó.

Còn chồng của cô là Bá Kỉnh, con quan Phủ Thiện, ở dưới nầy, có lẽ anh biết chớ. Không hiểu vì cớ nào hồi trước ở dạy thêu coi ý cô ba Huê không thương em còn bây giờ cô gặp em cô lại mừng rỡ quá, chắc là tại cô nghe em bây giờ đòi được gia tài, ở nhà tốt có ruộng nhiều, chớ không hèn hạ như xưa nữa, nên cô đổi ý chớ gì. Nhân tình càng nghĩ càng nực cười. Tuy vậy mà em không giận làm gì. Bây giờ em khỏi nạn rồi, em hờn giận người ta làm chi, phải hay không anh?

Dì về dưới nầy ở với em hổm nay em coi ý dì vui lòng chớ không buồn. Còn phận em, thì em cũng nhờ dì, chớ không thì em chắc cũng không vui được. Nếu anh ở dưới nầy nữa, thì em chỉ còn thương nhớ ba với má em thôi chớ không buồn việc chi khác.

Xin anh xét lại những lời em đã cạn tỏ với anh hôm trước. Nếu anh liệu được xin anh trả lời cho em biết đặng em mừng lắm.

Ít hàng sơ lược, kính chúc anh bình an khương kiện.

"Em rất kính mến"

Phi Phụng

Duy Linh đọc đi đọc lại hai ba lần rồi ngồi suy nghĩ, không hiểu trong mấy bức thơ trước Phi Phụng nói chuyện gì lại ái ngại nên xé đi, không chịu gởi. Có phải là cô muốn tỏ cho mình biết rằng cô cũng có tình với mình, như mình có tình với cô vậy, nhưng rồi cô hổ thẹn nên không dám hở môi đó chăng? Chắc là vậy? Chớ nếu nói chuyện nào khác, thì có chi cho cô ái ngại đến nỗi không dám nói.

Duy Linh nghĩ tới đó thì trong bụng mừng thầm, nếu cô đã có ý tưởng như vậy không sớm thì muộn chắc cô sẽ tỏ ra, vậy mình chờ thử coi cô liệu làm sao, không nên vội lắm. Tuy mừng thầm song anh ta cũng có chỗ hổ thầm, chẳng khác nào như gương nga vừa tỏ lại có làn mây mỏng giăng ngang, hễ nghĩ mình kết tóc với cô thì vui mừng và rồi nhớ tới cô giàu sang còn mình thì nghèo hèn thì ái ngại.

Cách ít ngày Duy Linh lại tiếp được một bức thơ của Phi Phụng nữa. Trong thơ nầy cô thuật chuyện đi Cái Cùng viếng thăm phần mộ cha mẹ, thấy mồ mả cô chạnh nhớ nghĩa mẹ ơn cha, nên giọt lệ tràn trề lai láng cầm lòng không đậu. Cô xét phận cô ngày nay được hưởng giàu sang bao nhiêu, cô càng thương nhớ cha mẹ bấy nhiêu, cô lại nói cô sánh thân cô không bằng kẻ nghèo hèn mà có đủ song thân. Sau cùng cô trách Duy Linh sao không viết thơ cho cô và cũng xin Duy Linh hãy về Bạc Liêu ở nữa.

Duy Linh muốn trả lời lên giấy trắng mực đen song cầm viết chấm mực rồi trong lòng ngần ngại hoài. Có nhiều chuyện nói lắm nhưng không biết nói chuyện chi hết, bởi vậy ngồi chống bút một hồi rồi dẹp không chịu viết.

Từ đó về sau hễ cách chừng năm bảy ngày thì tiếp được một bức thơ của Phi Phụng. Trong bức thơ nào cô cũng buộc phải trả lời và cũng khuyên phải thu xếp về Bạc Liêu ở, song anh ta không trả lời, và cũng không tính về Bạc Liêu.

Tuy trong thơ càng ngày lời nói càng thân thiết ý tứ càng mến yêu, nhưng mà thân thiết chớ không lộ tình, mến yêu chớ không thất kính, Duy Linh hễ động tình thì có hơi phiền Phi Phụng song hễ nhớ nghĩa thì kính trọng cô vô cùng, bởi vậy anh ta không dám bày lời cứ ôm lòng buồn cam chịu.

Cách chừng ba tháng Phi Phụng viết thơ cho Duy Linh hay rằng vợ của Tú tài Lâm Thủ Hiệp sanh được đứa con trai, rủi mang bịnh bỏ mình, rồi cách ít ngày đứa con cũng chết nữa. Ngày trước Thủ Hiệp bội ước đi cưới vợ khác, hễ cô nhớ tới sự ấy cô lấy làm đau đớn, nhưng trong thơ cô thuật chuyện vợ con của Thủ Hiệp chết chớ chẳng có một lời nào ngạo báng hay oán trách, cô nói tự nhiên cũng như báo tin một người lân cận nào chết vậy thôi. Duy Linh đọc thơ rồi, không hiểu ý cô còn thương tưởng Thủ Hiệp hay không, song biết chắc cô không còn giận.

Bữa nọ Duy Linh lại nhận được một lá thơ cô nói rằng cô đau, nhưng viết thơ có năm sáu hàng nên không biết đau nặng hay đau nhẹ. Trót ba tuần lễ Duy Linh không tiếp được thơ nữa; anh ta nghĩ Phi Phụng mắc bịnh nặng, viết thơ không được, nên trong lòng bứt rứt khó chịu muốn về Bạc Liêu thăm liền. Tuy vậy vẫn còn ái ngại không quyết đi, nên tính viết thơ hỏi thăm, coi như còn đau thì đi, bằng khỏi rồi thì thôi.

Duy Linh viết thơ rồi, chưa đầy một tuần lễ thì tiếp được thơ của Phi Phụng:

Bạc Liêu, ngày 28 tháng 8 năm 19..

Anh đáng yêu mến ôi!

Anh tuy đáng yêu mến, song có thiệt cũng có chỗ đáng giận hờn. Lòng em yêu anh mến anh, chẳng biết lời chi đặng tỏ cho hết được, chẳng hiểu vì cớ nào anh chẳng thương em mà coi ý lại ghét em. Em năn nỉ với anh đã cạn lời. Anh đã không chịu về Bạc Liêu để ở cho gần em, lại cũng không thèm viết thơ hỏi thăm em nữa. Anh thử xét coi có phải anh ghét em hay không chớ?

Mà thôi! Dầu anh ghét em nên không chịu về Bạc Liêu ở, không thèm trả lời cho em, hai điều ấy chẳng hề gì; thậm chí em đau em gởi thơ cho anh hay anh cũng không thèm về thăm nữa, điều ấy mới thiệt là tệ! May là em mạnh được đây nên mới trả lời cho anh, chớ nếu em chết hôm trước chắc không thể nào thấy mặc anh được.

Thôi anh thương hay là ghét em cũng cam lòng, còn phận em đây không thể nào ghét anh được, nếu em ghét anh thì em biết thương ai?

Vậy em phải trả lời cho anh rõ, kẻo anh trông đợi.

Hôm nọ em nhức đầu nóng lạnh tưởng cảm phong sương nên đau sơ sài một vài bữa rồi hết, chẳng dè bịnh càng ngày càng thêm nặng, làm cho dì sợ quá phải vào rước ông lương y Khởi ở tại nhà thương ra coi mạch điều trị bịnh em. Anh biết ông lương y Khởi hay không? Ổng học trường thuốc Hà Nội mới thi đậu hai năm nay. Ổng còn nhỏ, tướng mạo nghiêm chỉnh, văn nói mềm mỏng, hễ mở miệng thì cười. Ông nói với dì rằng ông mới 26 tuổi chưa có vợ con, gốc ở Vĩnh Long. Em nhờ ổng hết lòng điều trị em, mỗi ngày tuần mạch hai lần, lần nào cũng dặn dò kỹ lưỡng, nên bịnh em mới giảm được, em vừa mạnh thì tính viết thơ cho anh hay; mà chưa kịp viết, kế tiếp được thơ của anh, nên lật đật trả lời cho anh khỏi mong đợi.

Thiệt em nhờ ông thầy thuốc Khởi, chớ nếu gặp thầy khác sợ không xong. Tuy hôm nay em mạnh rồi ăn ngon ngủ được song mỗi ngày ổng có viết thơ lên Sài Gòn mua thuốc bổ giùm cho em uống. Ổng tử tế quá, nếu anh gặp ổng chắc anh cũng yêu liền.

Vài hàng sơ lược kính dâng anh đôi chữ bình an, em không muốn làm trái ý anh, nên em không dám khuyên anh về ở Bạc Liêu gần em, hoặc viếng thăm em nữa.

"Em rất kính mến"

Phi Phụng

Duy Linh đọc thơ rồi trong lòng bâng khuâng, tuy không nghi cho Phi Phụng có tình với ông lương y Khởi, song muốn biết coi vì cớ nào cô lại ngợi khen ông vậy. Anh ta lấy giấy mực ra, tính viết thơ dọ ý cô, chừng cầm bút sửa soạn viết, thì trong lòng ái ngại, nên không nói tới việc lương y Khởi, chỉ cáo lỗi và mừng cho cô lành bịnh.

Cách chẳng bao lâu Duy Linh tiếp được thơ của Phi Phụng nữa. Anh ta thường tiếp được thơ hoài nên không mừng rỡ cho lắm; nhưng thấy thơ thì trong ý tưởng Phi Phụng trả lời lại bức thơ của mình, nên không lật đật xé đọc, để thơ trên bàn cứ lo lấy hàng đặng bán. Chừng vắng khách rồi anh ta mới xé thơ ra coi thì thấy Phi Phụng nói rằng ông Còm-mi Đảnh đổi về Bạc Liêu có đến thăm cô, ông lương y Khởi cậy mai mối nói cô. Mà tú tài Thủ Hiệp, nay vợ chết rồi cũng gấm ghé muốn chắp tơ xưa vầy duyên cũ, làm cho cô bối rối không biết liệu lẽ nào, một đằng thì quyến luyến, một đằng thì cố công trị bịnh cho cô rất ân cần, còn một đằng thì có lời di ngôn của cha để rồi, bởi vậy cô hỏi Duy Linh định cho cô phải ưng nơi nào.

Duy Linh đọc rồi biến sắc, cặp mắt chói lòa, không thể ngồi được, nên cầm bức thơ đi thẳng lên lầu nằm. Anh ta đọc đi đọc lại hai ba lần, càng đọc càng tủi phận mình, càng giận Phi Phụng, tủi là tủi phận vô duyên ôm tình riêng mà không tỏ đặng, còn giận là giận Phi Phụng vô tình, người rất thương mến cô là mình đây sao không chiếu cố, lại lưu tâm chi với lương y Khởi thấy cô nhiều của nên uốn lưỡi cầu thân, tơ tưởng chi Tú Tài Thủ Hiệp là đứa bội bạc, trước thấy cô hết sự nghiệp thì ngoảnh mặt đi cưới vợ khác, nay thấy cô lấy gia tài lại được không biết hổ ngươi, lại còn gấm ghé muốn chắp mối tơ xưa, muốn xe sợi chỉ cũ. Anh ta tức tửi phiền trách một hồi rồi hổ thầm. Phi Phụng đối với mình là tình anh em, tuy không phải ruột thịt, song từ nhỏ chí lớn đã gần gũi nhau thân thiết nhau như con một nhà, mình lén gây mối tình riêng, cái quấy đó sao mình không biết hổ, lại đi trách cô vô ích.

Duy Linh nghĩ tới đó liền ngồi dậy viết thơ trả lời, khuyên Phi Phụng phải chọn người trọng nghĩa khinh tài mà trao thân gởi phận và thế nào cũng đừng ưng Thủ Hiệp, vì nó là đứa bội bạc, trước kia không tốt, ngày sau ắt cũng chẳng tốt gì. Anh ta gởi thơ đi rồi nghĩ những lời mình tỏ trong thơ là lời chánh đáng bởi vậy anh ta không ăn năn mà cũng không buồn rầu nữa, quyết lo buôn bán đặng quên hết lỗi cũ quấy xưa. Ban đêm anh ta làm sổ hoặc viết thơ mua hàng, ban ngày cứ lo phụ với người ở buôn bán hoặc dọn dẹp trong tiệm, bởi vậy mệt mỏi, hễ tối nằm ngủ liền không lăn lộn như xưa nữa, mà nếu đêm nào nhớ tới việc cũ thì lật đật lấy sách ra đọc cho khuây lần, không dám tơ tưởng Phi Phụng.

Anh ta lập thân như vậy được vài tuần, lòng thường thơ thới trí thường bình yên, nên có ý mừng thầm, tưởng là khối u tình đã được phá rồi, nào dè bữa nọ lại tiếp được thơ của Phi Phụng.

Bạc Liêu, ngày 20 tháng 9 năm 19..

Anh đáng yêu mến ôi!

Ở đời thường thấy một đốm lửa nhỏ cháy được nhà to, lại cũng thường thấy một viên thuốc hay đủ cứu được người bịnh ngặt.

Bức thơ của anh viết cho em hôm nọ thiệt vắn tắt, em đếm có 16 hàng thôi. Trong ấy lại có 10 chữ: "Muốn lấy chồng phải lựa người trọng nghĩa khinh tài" 10 chữ ấy đọc nghe chẳng có chi mầu nhiệm, nhưng xét cho kỹ nó mạnh cũng như đốm lửa nhỏ cháy nhà to, nó quí cũng như viên thuốc hay cứu bịnh ngặt.

Anh ôi! Em đọc bức thơ của anh rồi em bàng hoàng ăn ngủ không được, vì vậy nên em chậm trả lời. Có lẽ hổm nay ở trển anh tưởng em đã nhứt định ưng ông Còm-mi Đảnh, hoặc ông lương y Khởi hoặc ông Tú Tài Thủ Hiệp rồi, và khi được thơ nầy chắc anh tưởng em báo tin cho anh hay. Phải vậy không? Chưa, em chưa lấy chồng, vì đọc bức thơ của anh, nên em không ưng nơi nào hết.

Em nghĩ lại khi cha mẹ còn song toàn, ruộng đất minh mông, cửa nhà đồ sộ, nào là con Tri Phủ, nào là con Hội Đồng, nào là con Bá Hộ, nao nức tranh nhau lại cầu hôn. Đến khi cha mẹ khuất rồi, tấm thân em phiêu bạc, sự nghiệp em tan tành, bọn ấy đều ngoảnh mặt xây lưng, thậm chí ông Còm-Mi Đảnh nói rằng yêu tài sắc mến nết na, mà ổng thấy em nghèo nên muốn kết bạn vui cho qua ngày chớ không dám tính chắp tơ xe tóc,

Nay em nhờ có dì với anh thâu lại giùm sự nghiệp cho em rồi, đầu nầy cậy mai mối cưới đầu nọ nhắm duyên cũ nghĩa xưa. Em nghĩ tới nhân tình em bắt bực mình. Thiên hạ thiệt là xảo trá: Ngoài miệng họ nói cưới vợ song trong lòng họ tính cưới ruộng cưới nhà. Em mà có tính lấy chồng là tính gởi thân bồ liễu cho đấng trượng phu, cũng như dây cát đeo cội tùng[3] ngỏ mong chờ khi giông gió. Nếu chồng không biết trọng nhân nghĩa, cứ kể ruộng tốt nhà cao cửa rộng, thì thà em ở vậy trọn đời còn vui hơn là thất thân cho bọn ấy.

Em xét trong đời nầy chẳng ai thương em cho bằng anh. Anh thương em chẳng vì tiền, dầu em nghèo hèn anh lại càng thương em nhiều hơn nữa. Vả lại em với anh thương nhau từ khi còn để chỏm, chớ không phải mới quen biết một đôi ngày. Vậy em chẳng cần phải nói gần nói xa làm chi, em xin tỏ thật với anh nếu em đặng kết tóc trăm năm với anh thì em mới vừa lòng, chớ thiên hạ dầu họ có giàu sang cho mấy đi nữa em cũng không thèm kể.

Em viết tới đây em chẳng hổ chi hết, em càng tỏ thiệt với anh lòng em càng thơ thái vui mừng. Vậy anh chớ phụ lòng em. Em đã suy nghĩ kỹ lưỡng rồi, đôi ta vầy duyên cùng nhau chẳng lỗi chi hết. Đôi ta tuy thân thích nhưng không phải là bà con, vậy thì chẳng có chi trở ngại. Còn lời di chúc của ba em ngày trước thì Thủ Hiệp đã bội ước rồi, nên em chẳng cần phải thủ tiết. Đã vậy chú thím hồi trước với ba em là anh em bạn thân thiết. Nay cả hai bên mất rồi, con ở lại kết đôi cùng nhau, tình càng nặng, nghĩa càng nồng, ấy là sự tốt chớ không phải sự xấu. Mà người đời nay họ bị bạc tiền che mắt nên có biết đâu là xấu đâu là tốt. Dầu họ chê em cũng không màng miễn đôi ta hiệp nghĩa phỉ tình thì thôi, sá chi tiếng người ngoài dèm siểm.

Thơ ngắn tình dài, nói không cạn ý. Xin anh mau mau về Bạc Liêu đặng em tỏ hết tâm sự cho anh nghe. Em đứng đợi ngồi trông xin anh đừng chậm trễ.

"Em rất yêu kính"

Phi Phụng

"T.B.- Em đọc thơ cho dì nghe thì dì rất vui mừng, chẳng ngăn trở chi hết"

Phi Phụng

Duy Linh đọc qua một lần trong lòng rối loạn, dường như không hiểu ý Phi Phụng muốn tỏ việc gì, nên đọc đi đọc lại hai ba lần, xét từng chữ, nghiệm từ câu, ngồi mồ hôi nhỏ giọt. Chừng anh ta hiểu rõ ràng rồi, lại chống tay suy nghĩ.

Mấy tháng trước Phi Phụng tỏ đủ mọi việc nhưng không tỏ tình thì anh ta buồn rầu phiển trách. Nay anh ta không có lòng trông mong mơ tưởng duyên nợ nữa, thình lình cô lại bàn đến việc kết tóc se tơ, làm cho anh ta buồn thì không phải buồn, song trong lòng ngần ngại, chưa xét coi lời cô phân đó phải quấy lẽ nào, nên cũng không vui đặng.

Ban đầu Duy Linh muốn đi riết về Bạc Liêu đặng tỏ hết nỗi thảm sầu tương tư của mình ôm ấp mấy năm nay cho Phi Phụng nghe rồi định ngày làm lễ cưới cho mau, đặng khỏi mỏi lòng hoài vọng. Đã muốn như vậy nhưng rồi lòng ái ngại, nhớ đến sự cô giàu sang còn mình nghèo hèn thì do dự dường như ai ngăn cản nói việc đó không nên làm. Anh ta bối rối không biết liệu lẽ nào, ngồi không kham, còn đứng cũng không yên tâm, liền lấy nón kêu xe kéo biểu chạy vô vườn bách thú.

Trời đã chiều. Mặt trời ngã về hướng Tây, bị ngọn cây che khuất nên mấy đường trong vườn bách thú mát mẻ nhờ không có mưa nên đường nào cũng khô ráo.

Duy Linh tới hầm gấu, xuống xe lửa trả tiền rồi đi đi lại lại mé sông Thị Nghè, Thấy dựa mé sông có một cái băng trống anh ta mới tới hóng mát, tính giải trí cho thong thả rồi tối về nhà sẽ liệu định việc Phi Phụng. Ý muốn giải trí lại nhớ sự ấy hoài, làm cho anh ta không muốn suy nghĩ nhưng cũng không được.

Anh ta thầm nghĩ bây giờ mình kết duyên với Phi Phụng thì được rồi. Mà mình có đủ tài đủ lực làm cho cô sang trọng vui vẻ trọn đời chăng? Mình cưới cổ, thiên hạ có dị nghị điều chi hay chăng? Bây giờ cổ chán đời nên tính kết duyên với mình, chừng cô nhiễm thế tục, thấy kẻ khác cao sang hơn mình cổ có ăn năn hay không? Xưa ái tình của mình đối với cổ thì u ẩn nhưng cao thượng luôn luôn. Nếu ngày sau có tiếng thiên hạ chê cười, hoặc cổ sanh lòng hối hận, thì cái tình ấy hóa ra nhơ nhuốc biết bao.

Duy Linh nghĩ tới đó thì trong lòng hồi hộp, nửa muốn bước tới, nửa tính thối lui, bởi vậy ngồi đến tối cũng chưa nhứt định, anh ta thấy có một cái xe kéo đi kiếm mối nghểu nghến, bèn kêu lại rồi leo lên về. Đi dọc đường anh ta nghĩ thầm rằng thà mình trốn xứ khác cho khuất mặt Phi Phụng, đặng giữ cái tình cao thượng hoài, còn hơn là cưới cô mà ái ngại như vầy, rủi cho ngày sau cô ăn năn hoặc mình không thể làm cho cô cao sang thì cái tốt của mình trở ra tình xầu uổng lắm.

Duy Linh bước vào tiệm đồng hồ liền gõ 7 giờ. Anh ta thấy mâm cơm dã dọn sẵn trên bàn, song không tính ăn, cứ đi thẳng lên lầu. Anh ta vừa mới đặt lưng nằm trên ghế bố, bỗng nghe tiếng thằng Cử: “Thầy mới lên lầu, để tôi lên lầu kêu thầy” rồi lại nghe tiếng Phi Phụng: ”Thôi! Thôi để tôi đi thẳng lên trên”.

Duy Linh cả mình đều mọc óc, ngực nhảy thình thịch, tai kêu lùng bùng, vừa muốn ngồi dậy kế thấy Phi Phụng bước lên, nàng mặc áo lụa trắng, làm cho anh ta ngó sững như thấy cô lúc chiêm bao, cứ ngồi ngó cô không vui mừng mà cũng không lay động.

Phi Phụng vừa bước lên vừa cười:

- Anh có được thơ của em hay chưa?

Rồi đi lần lại đứng ngay trước mặt Duy Linh.

Duy Linh cuối đầu, lặng thinh rưng rưng nước mắt. Phi Phụng thấy tình cảm như vậy biết Duy Linh đã được thơ rồi; lại thấy Duy Linh rơi lụy cô cũng cảm xúc trong lòng nên kéo ghế ngồi một bên mà khóc không nói chi hết. Hai người khóc một hồi lâu Phi Phụng mới thỏ thẻ nói:

- Em gởi thơ đi rồi, em đợi trông anh, ăn ngủ không được, nên vội vàng lên đây hỏi coi anh liệu định lẽ nào?

Duy Linh lắc đầu:

- Phận qua nghèo hèn, lại tài sơ trí thiển, qua sợ không đủ sức làm cho em được cao sang sung sướng trọn đời…

Phi Phụng cặp mắt ướt rượt nhưng không lau, vừa nghe mấy lời liền chận hỏi:

- Cao sang làm gì? Tài hay trí cả ích chi? Lấy tình sâu nghĩa trọng thương nhau cũng đủ rồi. Hay là anh thấy em bây giờ giàu nên anh đâm ngại? Nếu thiệt tại gia tài của em làm cho anh sanh hiềm nghi thì em làm tờ giao hết cho dì, rồi đôi ta lam lủ làm ăn, đặng anh khỏi nghi kỵ nữa.

Mấy lời hữu tình ấy làm cho Duy Linh cảm động, không thể nào ngăn tình lại được nên ngó Phi Phụng nước mắt rưng rưng chảy. Hai người nhìn nhau khấp khởi trong lòng, tuy không nói ra lời, song mắt ngó nhau cũng đủ biết nghĩa tình sâu rộng, tâm đầy ý hiệp.

Hai người mảng lo ngó nhìn ái mộ, không hay bà Lưu Mỹ Lệ lên thang lầu. Bà lên tới, thấy hai người đương khóc, bà hiểu ý đã thuận nhau rồi, nhưng bà lại hỏi cắc cớ:

- Sao? Hai con nói chuyện riêng rồi hay chưa? Dì đã biểu trẻ ở mua thêm đồ ăn rồi, thôi hai con xuống ăn cơm cho dì ăn, kẻo dì đói bụng quá.

Duy Linh không dè cô Lưu Mỹ Lệ đi với Phi Phụng bởi vậy vừa thấy bà thì anh ta chưng hửng, lật đật đứng dậy chào hỏi mời ngồi lăng xăng. Bà không chịu ngồi, cứ biểu xuống ăn cơm rồi sẽ nói chuyện.

Lúc ăn cơm Phi Phụng nói nói cười cười, coi bộ vui lòng phỉ chí lắm. Duy Linh cứ ngó cô, mắt dợn sóng tình, lòng xao biển ái. Mỹ Lệ ngồi giữa thấy trai hiền gái đẹp, xứng đôi vừa lứa, bà cũng hớn hở mừng thầm.

Đêm ấy ba người bàn tính với nhau, định dắt nhau hết về Bạc Liêu rồi sẽ chọn ngày làm lễ cưới. Phi Phụng cười mơn hỏi:

- Thưa dì, không biết hai con ở chung một nhà cho đến ngày cưới có đặng hay không dì há?

Duy Linh đã không tính trốn tránh Phi Phụng, giờ nghe Phi Phụng hỏi như vậy lại rước đáp rằng:

- Qua xuống ở chơi với em, chừng ngày gần cưới qua về Sài Gòn sắm lễ vật theo phép rồi cậy chú thím qua trong Cầu Kho đi với qua xuống cũng được.

Phi Phụng gật đầu, miệng chúm chím cười.

Sáng bữa sau xe hơi đem đậu ngay trước cửa tiệm. Ba người lên xe về Bạc Liêu. Phi Phụng với Mỹ Lệ ngồi sau còn Duy Linh ngồi trước với sốp phơ. Phi Phụng kêu thằng Cử lại dặn:

- Em ở nhà ráng coi tiệm cho tử tế, nghe không em.

Duy Linh ngó ngoái lại thấy Phi Phụng cũng ngó mình. Hai người cười với nhau, trong khi ấy sốp phơ đạp ga, xe hơi vút chạy, kèn bóp te te...

Sài Gòn, 1925

   




Chú thích

  1. Dật dờ
  2. Lạnh lùng, làm phách
  3. Cát đằng 葛藤: loại dây mọc từng bụi, tùng 松: cây thông, chỉ người có khí tiết. Dây cát đeo cội tùng: kẻ yếu duối nương nhờ sự che chở của người khỏe mạnh, vững về tinh thần: Cát đằng dựa bóng tùng quân