Nguyên lý với hiện tượng

Nguyên lý với hiện tượng  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 9 (12. 11. 1933), trang 3-5.

Đáp ông Hải Triều bên báo ĐÔNG PHƯƠNG

Báo Đông phương ra ngày 20-10 trước đây, ông Hải Triều (?) có bài phản đối bài của tôi đăng ở số 4 luận về văn minh tinh thần và văn minh vật chất. Bài phản đối ấy đã được trích đăng trong số 7 của báo này, Tòa soạn có để mấy lời mào đầu, khen là "một bài có ý nghĩa".

Nhân tiện tôi nói luôn: Sự trích đăng như thế, các báo thường nghĩ là làm lợi cho người, làm thiệt cho mình mà không chịu làm. Nhưng, theo lẽ công bình, một tờ báo muốn đăng bài "ứng địch" của mình thì cần phải đăng cái bài "khiêu chiến" của bên địch. Làm như thế là tỏ lòng ngay thật đối với độc giả, cũng như một vụ kiện mà cả bên nguyên lẫn bên bị đều đến trước mặt quan tòa. Huống chi những bài tranh luận về triết lý như bài của chúng tôi đây mà chỉ đọc một bên, thì hầu như bên nào nói nghe cũng có lý cả; vậy thì sự đăng cả của hai bên lại còn là cần hơn.

Theo tôi, gặp ca này, tôi không có thể không đăng bài Hải Triều rồi đối với độc giả mà nói rằng ông hay bà nếu muốn biết bài của Hải Triều thế nào thì tìm số báo Đông phương ấy mà đọc. Vì tôi cần người ta đọc để phán đoán giùm cho tôi, chứ chính người ta có cần gì đâu! Vậy thì bổn phận tôi hay bổn phận tờ báo này là phải đăng bài của Hải Triều, chứ không còn tính lợi tính hại gì được nữa.

Làm một việc công bình, một việc bổn phận mình phải làm, người ta trở cho là hớ, là dại, cho nên, cực chẳng đã, tôi phải giãi bày như trên đó mấy lời.

Khen bài ấy "có ý nghĩa" chứ không khen bài ấy "có giá trị", chúng tôi thật đã cân nhắc từng chữ trong khi hạ một lời bình phẩm bài ông Hải Triều.

Bài ấy, đứng trên miếng đất của nhà duy vật mà lập luận, cắt nghĩa thật rạch ròi về cái lẽ vật chất là gốc của tinh thần, hơi văn đi từ đầu đến cuối suốt một mạch: như thế thật là một bài có ý nghĩa.

Cái bài có ý nghĩa ấy, giá phải dùng để công kích một bài nào mà cái luận điệu hướng về duy tâm, mũi nhọn bên này đối với mũi nhọn bên kia, thì hẳn là có giá trị lắm. Nhưng tiếc thay nó đã bị ông Hải Triều dùng mà công kích bài của tôi, bài chẳng hề có thuyết duy tâm lấy một chấm một nét; thành ra, cũng như đánh trận: quân tôi đóng tại Hải Phòng, ông toan đánh nhau với tôi mà lại kéo quân ông lên Sơn Tây, đạn ông bắn mất toi, tướng sĩ ông mệt le lưỡi, mà tôi thì ngồi ở Hải Phòng vuốt râu cười khúc khích ‒ làm cho bài ấy trở nên vô giá trị!

Thật vậy, bài "Bác cái thuyết văn minh vật chất và văn minh tinh thần" của tôi đăng ở số 4 báo này (xem lời cải chánh ở số 6) vốn chẳng hề có một mảy nào chịu ảnh hưởng của thuyết duy tâm cả.

Chẳng những thế thôi, bài ấy chỉ là nói về thường thức chứ không dính dáng gì với triết học, không quá bước vào đến trong phạm vi triết học, cho nên nó chẳng những không chịu ảnh hưởng của thuyết duy tâm mà lại ở hẳn ra ngoài vòng duy tâm hay duy vật nữa.

Ông Hải Triều thoạt trông qua hai cái danh từ tinh thần và vật chất, nhận cho là một vấn đề triết học, nên ông vội mang những cái lợi khí của mấy ông tướng duy vật ra để phá đổ thành lũy duy tâm. Ví đã biết rằng nhiều khi nói đến tinh thần vật chất mà chẳng hề can liên với triết học chút nào, dù có chủ trương rằng tinh thần sinh ra vật chất mà không phải là thuyết duy tâm, thì điên chi ông ấy lại đem thuyết duy vật ra mà phản đối!

Thật đấy, ông Hải Triều ghi lấy: Tôi chịu tôi chủ trương rằng tinh thần sinh ra vật chất, nhưng tôi không chịu tôi đã theo thuyết duy tâm. Tôi dù có cái chủ trương ấy ông cũng không được nắm lấy đó mà bảo tôi là thuộc về phái duy tâm.

Nghe nói thế, chắc ông Hải Triều phải sửng sốt, phải lấy làm quái lạ vô cùng! Tôi xin bảo thật ông: Nếu vậy là tại ông biết còn hẹp quá; cái học của ông chưa chín.

Xưa có người mới đi xem hát bội lần đầu, đến chừng về nhà, mắt nhìn ra đâu cũng thấy hát bội, tay chân cử động cũng hệt như hát bội, ban đêm nằm ngủ cũng nói mơ những câu hát bội. Người ấy giống ông Hải Triều hay ông Hải Triều giống người ấy thì không biết; chỉ biết ông Hải Triều, tôi đồ cho ông, mới bước đến cửa triết học lần đầu thì phải, nên mê tít nó đi, rồi gặp cái gì cũng giở triết học ra. Chẳng vậy thì sao người ta nói tinh thần vật chất mà ông cũng kéo sang duy tâm duy vật? người ta nói tinh thần sinh ra vật chất mà ông cũng dám cho rằng "chưa thoát cái quan niệm duy tâm?"

Thôi, đừng nói cái giọng ấy mãi mà cay ông Hải Triều. Ta hãy cùng nhau quay về vấn đề nguyên lý với hiện tượng.

*

* *

Chỉ một đứa trẻ con mà hỏi tại làm sao có nó ra, thì ai nấy sẽ trả lời rằng tại cha mẹ nó giao nhau mà có nó; nhưng đến hỏi tại làm sao cha mẹ nó giao nhau lại có nó, và hỏi dần dần lên nữa, thì thật khó mà trả lời; hoặc trả lời được cũng vị tất người này đồng với người kia. Ấy là tại cớ gì? Tại câu hỏi trên là thuộc về hiện tượng: cái điều trình bày trước mắt chúng ta, chúng ta có thể nhận thấy cho đúng và nói ra cho đúng được; còn câu hỏi dưới là thuộc về nguyên lý: cái điều chúng ta không thấy, vả trên nguyên lý lại còn có nguyên lý nữa, không biết bao giờ cho cùng, mỗi người có thể lấy theo sự mình hiểu mà cắt nghĩa, cho nên cũng không đồng nhau.

Thường thức và khoa học để giải thích về các hiện tượng, còn triết học để giải thích về nguyên lý. Những điều thuộc về thường thức hoặc khoa học, hễ giải thích đúng rồi thì không ai cãi được; nó có cái chân lý tuyệt đối, vì nó là hiện tượng, dù có điều chúng ta không thấy được cũng có thể thí nghiệm được. Đến như những điều thuộc về triết học, giải thích không biết thế nào là đúng; nó có cái chân lý tương đối, vì nó là nguyên lý, không thí nghiệm được, mỗi người chỉ giải thích tuỳ theo sự hiểu của mình.

Hai với hai là bốn; một phần dưỡng khí với hai phần khinh khí hợp làm nước; xưa nay không có ai cãi về hai điều đó hết, là bởi nó thuộc về hiện tượng, ở trong phạm vi thường thức và khoa học. Nhưng đến nhất nguyên (monisme) hay nhị nguyên (dualisme), duy tâm hay duy vật, thì người ta cãi nhau từ bao giờ đến bây giờ cũng còn chưa hết cãi, là bởi nó thuộc về nguyên lý, ở trong phạm vi triết học.

Nguyên lý với hiện tượng là thế. Tôi xin ông Hải Triều nhớ lấy điều đó đi. Xong rồi, tôi mới nói rằng cái bài nói về văn minh vật chất và văn minh tinh thần hôm trước của tôi, toàn nói về hiện tượng, không hề đả động đến nguyên lý, thì ông không nên kéo nó vào vấn đề triết học.

Bài ấy, giá gặp một nhà triết học thì người ta cho là thường lắm, có ai thừa công mà phản đối làm chi. Mà cho đến gặp một nhà triết học duy vật đặc đi nữa, người ta cũng không phản đối, bởi vì nó chỉ nói về hiện tượng thôi, có dính dấp gì với vấn đề tâm và vật đâu, có phải là chủ trương thuyết duy tâm đâu mà phản đối? Ông Hải Triều đã phản đối là vì ông ấy đã nhận lầm hiện tượng làm nguyên lý vậy.

*

* *

Tôi lấy lẽ gì nói được rằng bài ấy của tôi chỉ nói toàn về hiện tượng? Câu hỏi ấy có hơi ngơ ngẩn một chút: nói toàn về hiện tượng thì bảo nó nói toàn về hiện tượng, chứ hà tất phải hỏi "lấy lẽ gì"? Nhưng ông Hải Triều đã đến hiểu lầm thì tôi cũng nên cắt nghĩa ra cho rõ ràng hơn.

Theo nhiều câu trong bài của tôi thì quả có ý là tinh thần sanh ra vật chất thật, tinh thần là gốc mà vật chất là ngọn thật, nhưng cái đó là tôi nói về hiện tượng chứ không nói về nguyên lý; vì trong bài ấy tôi không hề tìm đến nguyên lý, tôi không mò lên đến bản thể, tôi không đuổi theo đến chỗ căn bản của sự sống loài người.

Chỗ này không có ví dụ thì khó mà nói cho đạt ý lắm. Tôi xin mượn cái ví dụ của ông Hải Triều mà suy diễn thêm ra.

Ông Hải Triều nói: "… Không nói đâu xa, cứ xét tinh thần là do bộ óc mà phát ra, bộ óc là một cái hình thể vật chất. Nếu ta đổi bộ óc ấy đi thì tinh thần cũng đổi theo. Xem như một người đương có một cái tinh thần bình tĩnh là vì cái bộ óc đương bình tĩnh; nếu cũng người ấy ta cho uống vài cốc rượu mạnh, cái thần kinh hệ bị đốt nóng lên, tất cái tinh thần người ấy cũng hóa ra kỳ quái điên cuồng…"

Tinh thần người ta bởi đâu mà có? Theo như trên đó thì bởi bộ óc. Mà bộ óc là vật chất, cho nên nói vật chất sinh ra tinh thần. Đó là ông Hải Triều giải thích về nguyên lý, vì ông tìm đến chỗ tinh thần của người ta là bởi bộ óc.

Còn tôi, tôi chỉ nói về hiện tượng. Nghĩa là những điều ông nói đó, tôi chừa ra, không nói; mà chỉ nói những sự hiện ra sau khi bộ óc được bình tĩnh hay sau khi bộ óc ấy đã vì uống rượu mạnh mà thần kinh hệ bị đốt nóng lên. Trước khi ấy, có can hệ gì vào cái bài của tôi đâu mà tôi nói; duy có sau khi ấy mới có hiện ra thế này, hiện ra thế kia, mới có những cái gọi bằng hiện tượng, ấy tôi chính đã nói về những cái ấy.

Tôi  chẳng biết ông Hải Triều trong khi bộ óc ông bình tĩnh thì có phải là ông làm việc được hẳn hoi đâu ra đó không? Còn trong khi vì uống rượu mạnh mà bộ óc ông bị đốt nóng lên thì có phải là ông không làm việc được hay là làm được mà làm điên làm cuồng không? Tôi đố ông Hải Triều chạy đi đâu cho thoát! Ông phải nói: "Phải! khi bộ óc tôi bình tĩnh, tức nhiên tinh thần tôi cũng được bình tĩnh, thì tôi làm việc đâu ra đó; còn khi bộ óc tôi bị đốt nóng, tức nhiên tinh thần tôi cũng bị đốt nóng, thì tôi làm việc không được mà đến phát điên phát cuồng".

Ủa hay! Thế thì chẳng phải tinh thần sinh[1] ra vật chất là gì? Khi bộ óc ông Hải Triều bình tĩnh, tinh thần ông đầy đủ và khoan khoái, ông mới ngồi mà viết được một bài báo in những hai trương giấy mà có ý nghĩa; nhưng đến khi bộ óc ông ấy vì uống rượu mạnh mà bị đốt nóng, tinh thần ông tán loạn, hẳn ông không viết được bài báo ấy, hoặc viết được mà nói điên nói cuồng; chẳng những thế, hoặc ông lại còn đổ khùng ra mà đập vỡ đồ đạc trên bàn ông, và đụng ai đánh nấy nữa kia.

Thế thì tinh thần sanh[1] ra vật chất đó chứ! Có điều nó là hiện tượng chứ không phải  nguyên lý.

Nói về hiện tượng thì dù cho nhà chân chánh duy vật cũng nói được tinh thần sinh ra vật chất, chứ có phải là không nói được đâu. Bao giờ nói về nguyên lý mà nói như thế thì nhà duy vật mới đứng ra mà phản đối.

Thế thì đủ biết cái bài của tôi không sai lầm gì cả, dù cho đến cái phương pháp tôi dùng mà biện giải cũng không sai lầm. Tôi nói người Tây phương vì tinh thần mạnh mẽ cho nên có cái văn minh trình độ cao, người Đông phương vì tinh thần yếu đuối cho nên có cái văn minh trình độ thấp, thì cũng như tôi nói ông Hải Triều khi tinh thần binh tĩnh thì viết bài được, mà khi tinh thần ông tán loạn thì ông phát điên, đập đồ và đánh người, thế thôi, chứ gì đâu mà bảo là sai với lầm? Cho đi rằng tôi là một nhà học giả duy vật mà tôi nói thế cũng không trái với chủ nghĩa kia mà.

Nói thêm chút nữa cho ông Hải Triều càng rõ hơn: Tôi không thiên trọng về tinh thần như ông tưởng. Có điều khi nói về hiện tượng, tôi thấy cái tinh thần ở trước, vật chất ở sau thì tôi nói tinh thần ở trước, vật chất ở sau đó thôi.

*

* *

Ông Hải Triều có điều rất ngang, là ông ấy làm như bắt tôi phải theo ông mà duy vật. Hay! Duy tâm hay duy vật mặc người ta, miễn khi giải thích nguyên lý nói chảy thì thôi, chứ "duy" gì mà làm gì! Huống chi đây là khi không phải giải thích nguyên lý, chỉ giải thích qua loa về hiện tượng, thì có cần "duy" gì mà làm gì!

Tôi hướng về duy vật hay duy tâm, cái đó chỉ đọc tôi thì đủ biết; tôi chẳng khi nào chưng mình ra là một nhà triết học mà hòng bắt tôi cung khai. Ông Hải Triều còn bảo tôi là nhà duy vật "chưa thật thoát", thì tôi cũng không cãi nữa; rất đỗi khi tôi nói về hiện tượng mà ông còn kéo sang nguyên lý được thay, thế còn mong gì ông biết tôi khi tôi "thoát" cùng "chẳng thoát"!

Trong bài ông Hải Triều có nhắc đến chuyện tôi nhận lỗi với bà Nguyễn Thị Chính năm trên, hình như ông có ý khuyên tôi lần này cũng nên nhận lỗi với ông nữa. Nhưng, tôi xin chịu, điều đó tôi không làm vừa lòng ông được: Bà Chính kéo quân giao chiến với tôi, tôi đánh thua thì tôi chạy và xin hàng; còn ông, quân tôi đóng ở Hải Phòng, ông nhè đánh trên Sơn Tây, có ngứa gì tôi đâu mà tôi nhúc nhích?

Chỉ nhè chỗ gốc là chỗ nguyên lý với hiện tượng mà biện luận, cái bài ông Hải Triều cũng đã bị đánh đổ tất cả rồi, cho nên còn bao nhiêu những sự lý lặt vặt nữa trong bài của ông, tôi chẳng nói đến làm chi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. a ă Lưu ý: Phan Khôi dùng cả dạng “sinh” và dạng “sanh” trong cùng một bài viết.