Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề tôn giáo

Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề tôn giáo  (1955) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 26 tháng 3 năm 1955 và hết hiệu lực ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau khi nghe Tiểu Ban tôn giáo báo cáo và các đại biểu tham luận,

1/ Quốc hội nhận rằng từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, Chính phủ đã luôn luôn thi hành chính sách đảm bảo tự do tín ngưỡng, chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, kháng chiến thắng lợi.

2/ Quốc hội hoan hô lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết đấu tranh của đồng bào các tôn giáo đã hăng hái tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tín ngưỡng và đang kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bè lũ tay sai của chúng để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

3/ Quốc hội tố cáo trước đồng bào toàn quốc và trước dư luận thế giới âm mưu và hành động độc ác của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bè lũ tay sai của chúng đã lừa phỉnh, doạ nạt, cưỡng ép một số đồng bào giáo dân ở miền Bắc di cư vào miền Nam, đầy ải đồng bào vào cảnh sống thảm khốc, trái hẳn với nhân đạo và trái với hiệp định Giơ-ne-vơ.

4/ Căn cứ vào đề nghị của Chính Phủ, Quốc Hội thông qua 6 nguyên tắc sau đây về chính sách đảm bảo tự do tín ngưỡng:

1) Mọi người công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng.

Các nhà tu hành được tự do giảng đạo ở trong các cơ quan tôn giáo. Các tín đồ được tự do lễ bái. Sách báo, tài liệu về tôn giáo được xuất bản theo đúng luật lệ của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.

2) Các nhà tu hành, các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân Việt Nam. Để cho các nhà tu hành có điều kiện làm nghề tôn giáo của họ, sẽ có sự châm chước thích đáng về mặt thi hành nghĩa vụ công dân.

3) Các nhà thờ, chùa, thánh thất được tôn trọng và bảo vệ.

4) Các cơ quan giáo lý, văn hoá, xã hội, các tổ chức công thương nghiệp của các tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

5) Khi thi hành luật cải cách ruộng đất, đối với các tôn giáo sẽ có sự chiếu cố như sau:

A- Khi cải cách ruộng đất, trong số ruộng mà Chính phủ trưng thu hoặc trưng mua để chia cho nông dân, sẽ để lại cho nhà chung, nhà chùa, thánh thất một số ruộng đủ dùng vào việc thờ cúng và để dùng vào việc sinh hoạt của những người chuyên làm nghề tôn giáo. Số ruộng đó sẽ do nhân dân địa phương bình nghị và chính quyền chuẩn y.

B- Những linh mục, nhà sư, chức sắc có ruộng đất cho phát canh thu tô như địa chủ không bị vạch thành phần là địa chủ, nhưng phải thi hành đúng chính sách ruộng đất của Chính phủ.

6- Những kẻ mượn danh nghĩa hoặc vin cớ tôn giáo để phá hoại hoà binh, thống nhất, độc lập và dân chủ, phá hoại đoàn kết của nhân dân, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc khác trái pháp luật, sẽ bị trừng trị.

5/ Uỷ nhiệm Chính phủ căn cứ vào những nguyên tắc trên đây, ban hành những luật pháp thích hợp để thực hiện chính sách đảm bảo tự do tín ngưỡng./.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 26 tháng 3 năm 1955.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".