Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề sửa đổi Hiến pháp
Sau khi nghe và thảo luận báo cáo của Ban thường trực Quốc hội về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, báo cáo của Tiểu ban nghiên cứu vấn đề sửa đổi Hiến pháp,
Nhận định rằng:
1- Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã ghi những thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng tháng Tám, đánh dấu một giai đoạn lịch sử vinh quang của dân tộc ta trên con đường cách mạng chống đế quốc và phong kiến.
Hiến pháp 1946 xây dựng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là một bản hiến pháp tiến bộ, của một chế độ dân chủ thật sự. Tuy vì tình thế kháng chiến, hiến pháp chưa được ban hành, nhưng trong thực tế nó đã được dùng làm cơ sở cho các chính sách và luật pháp của Chính phủ từ đầu kháng chiến tới nay. Chính phủ ta đã luôn luôn tôn trọng và phát triển tinh thần cách mạng của bản hiến pháp.
2- Tuy nhiên, qua tám năm kháng chiến và hơn hai năm kiến thiết hoà bình, xã hội ta đã có những biến chuyển quan trọng, cách mạng đã tiến những bước lớn : ở miền Bắc, nhân dân ta đã được giải phóng hoàn toàn khỏi ách đế quốc; cải cách ruộng đất về căn bản đã hoàn thành; chúng ta đang xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội.
Do sự phát triển của chế độ ta như thế, bản hiến pháp thông qua năm 1946 ngày nay cần được sửa đổi và bổ sung để phản ánh đúng thực tế xã hội ta hiện nay, ghi lấy những thắng lợi mới và nêu rõ hướng tiến lên của cách mạng, để trở nên cơ sở vững chắc hơn cho công cuộc kiến thiết củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Vì những lý do trên đây, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
QUYẾT NGHỊ :
1- Theo đề nghị của Ban thường trực Quốc hội, tán thành việc sửa đổi hiến pháp do Quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946.
2- Cử Ban sửa đổi hiến pháp phụ trách việc nghiên cứu và dự thảo đề án sửa đổi hiến pháp. Đề án sửa đổi hiến pháp của Ban sẽ đem trình bày trước Quốc hội trong một khoá họp sau.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".