Nghị định số 22/2018/NĐ-CP/Chương III

Chương III
QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 29. Quyền của người biểu diễn

1. Quyền sao chép trực tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản sao khác từ bản ghi âm, ghi hình đó.

2. Quyền sao chép gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản sao khác không từ bản ghi âm, ghi hình đó như việc sao chép từ chương trình phát sóng, mạng thông tin điện tử, viễn thông và các hình thức tương tự khác.

3. Quyền truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc phổ biến cuộc biểu diễn chưa được định hình đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào ngoài phát sóng.

Điều 30. Trích dẫn hợp lý cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng

1. Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật sở hữu trí tuệ là việc sử dụng các trích đoạn nhằm mục đích thuần túy đưa tin.

2. Việc trích dẫn hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin;

b) Phần trích dẫn từ cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn.

Điều 31. Bản sao tạm thời

Bản sao tạm thời quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 của Luật sở hữu trí tuệ là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức.

Điều 32. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình

1. Sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức phát sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đó để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, môi trường kỹ thuật số.

2. Sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng; chuyển chương trình trong môi trường kỹ thuật số lên sóng.

3. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng.

4. Việc hưởng tiền thù lao của người biểu diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ tùy thuộc vào thoả thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi thực hiện chương trình ghi âm, ghi hình.

Điều 33. Sử dụng chương trình phát sóng

1. Chủ sở hữu chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật sở hữu trí tuệ là tổ chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để phát sóng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật sở hữu trí tuệ để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu chương trình phát sóng.