Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI CHÍN. Nhật-ký

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI CHÍN
Nhật-ký

Ngòi bút tôi muốn dừng ở đây, nhưng vì kết-quả chưa rõ, e không khỏi để cho duyệt-giả phàn-nàn. Vì vậy phải dầm ngòi mực thừa chép nối như sau. Hận rằng bút-lực yếu ớt, không thể được như con rồng thần múa lộn.

Tôi cùng Mộng-Hà vốn không có quen biết gì cả, việc này là nhờ được một người bạn truyền thuật cho nghe. Người ấy cùng Mộng-Hà có tình bạn hữu, không cần phải nói nữa rồi, và có thể quyết là một người đối với cuốn truyện này rất có quan-hệ. Bởi vì lịch-sử của Mộng-Hà không mấy người biết, vậy mà người ấy lại biết hết cả những điều bí-ẩn để kể với tôi thì có thể đoán chắc là người trong cuộc. Duyệt-giả thử gấp cuốn truyện lại mà nghĩ, sẽ nghĩ ra người ấy chính là Thạch-Si.

Thạch-Si vốn là người đồng học với tôi từ trước đây 6 năm. Nhà tôi ở Cầm-thủy, nhà Thạch ở Dung-hồ, sau khi thôi học thì mỗi người một phương, không còn biết rõ tung-tích của nhau nữa. Mùa đông năm Canh-tuất (1910), tôi từ Ngô-môn về quê, thấy ở trên án có một phong thư, xem ra thì là thư từ của Thạch-Si gửi đến. Ngoài phong thư lại có một gói giấy, mở xem thì là một mớ tài liệu rất tốt cho một thiên tiểu-thuyết ái-tình. Bức thư thì là lai-lịch của cuốn « Ngọc-Lê Hồn ». Nay đem những chỗ trong thư của Thạch-Si có quan-hệ với sách này mà lục ra như sau:

« ....... Hà-quân Mộng-Hà là một người thương tâm thuở xưa. Năm ngoái chưởng-giáo trường làng tôi, nhân cùng quen biết. Người ấy tính-tình phóng-đản tự-do, phong-lưu tiêu-sái, tốt về tài mà xấu về mệnh, giầu về tình mà ngặt về duyên. Tạo-hóa bất-nhân, đặt người ấy vào trong bể hận thành sầu, quằn-quại nổi chìm, chịu không biết bao nhiêu thống khổ, thật cũng đáng thương cho vậy. Nhưng cũng may rằng hào-khí của Nguyên-Long hãy còn, hùng-tâm của Tư-Mã chưa chết, thân hãm vào trong ngục tình, nhưng lại biết tự thoát ra được; tuy âu sầu phẫn-uất, nhưng cũng còn biết trân-trọng tấm thân, thì sau này tất sẽ còn là người có ích cho quốc-gia xã-hội, mỗi khi cùng tôi nói đến chuyện cũ thì lại khóc than rầu-rĩ, Nhưng rồi lại hăng-hái bảo tôi rằng: « Người ấy vì yêu tôi mà đến chết, nghĩa ra tôi cũng phải lấy một cái chết để báo lại mới phải. Nhưng nghĩ nam-nhi đường-đường tấm thân bảy-thước, nên đem mà chết về việc quốc-gia xã-hội, chứ sao nỡ coi khinh mà chết về một mối si-tình nữ-nhi. Vả người ấy khi chưa chết vẫn thường khuyên tôi đi du học để làm cái kế bay bổng sau này, nay lời vẫn bên tai, mộng đà tàn giấc, tôi sở-dĩ nhịn đau ôm giận mà sang đây, tức là theo lời nàng khuyên tôi ngày trước, tạm hoãn cái chết trong chốc lát để mong được có một dịp thành đạt thì tức cũng là đền báo tri-kỷ ở dưới suối vàng. Tôi nghe nói mà lấy làm thâm phục. Mộng-Hà vốn là một người chí-tình, biết lấy mình sai khiến tình, chứ không để cho tình sai khiến, so với những đồ phụ tình bạc hạnh, cố nhiên là xa cách một trời một vực; mà ngay so với Lương-Lâm chết vì tình, Bảo-Ngọc đi tu phật, bỏ công danh như giép nát, coi tính mệnh như lông hồng, thì tuy rằng tình có thâm, nhưng bụng dạ thì còn chật hẹp, chứ chưa biết đem cái tác dụng của ái tình mà phân biệt điều lớn nhỏ, cân nhắc điều trọng khinh. Tôi yêu Mộng-Hà, tôi phục Mộng-Hà, vì vậy tôi muốn đem cái lịch-sử của Mộng-Hà chép thành quyển sách để làm gương cho bạn thanh-niên. Song hổ vì sức kém tài hèn, e rằng làm ra chẳng kẻo khiến cho giảm giá mất một đoạn phong-lưu giai-thoại. Tôi vốn biết anh có tài khéo tả được những cái tình tứ khó tả, cho nên đem người ấy việc ấy biên chép lại để gửi cho anh. Xin anh nên lấy cái ngòi bút gấm hoa mà tả nên một thiên văn-chương phải reo phải khóc, khiến cho hết thảy giai-nhân tài-tử trong thiên-hạ phải đồng thanh mà khóc lên một hồi. Anh vốn là người đa-tình tất vui lòng vuốt giấy dầm bút để vì khách-tình tả nên truyện ấy. Cuốn sách này in ra chắc sẽ làm cho Lạc-dương giấy đắt chứ chẳng không. Tôi xin lấy giọt móc ở hoa tường-vi mà rửa tay tẩy mắt sẵn để chờ cuốn tiểu-thuyết mới này xuất thế..... »

Tôi đọc thư của Thạch-Si, lại xem cái lịch-sử của Mộng-Hà đo Thạch-Si thuật ra, thấy Thạch-Si khen ngợi chí-khí của Mộng-Hà hết sức. Nhưng tôi thì có lấy làm ngờ. Nghĩ như cái tình của Lê-nương đãi Mộng-Hà thiết đến như thế; Mộng-Hà trước thì khêu tình người ta, sau thì làm chết người ta, trước đã việt phận mà làm hại Lê-nương, sau lấy hư danh mà làm lầm Quân-Thiến, đến nỗi phải hương tan ngọc nát, Bá-nhân chết bởi tay mình; như vậy thì Mộng-Hà đáng lẽ phải theo dấu Hàn-Bằng hóa bướm khi xưa, lấy một cái chết mà báo đền tri-kỷ, thì cũng không mất là một tay kiện tướng cảm tử ở trong cõi ái-tình. Nay lại trộm sống ở nhân-gian, náu vết ở hải ngoại, giả thác lời nói, chầy-chuội nợ tình, đó thực là đồ vô-lại, chứ sao được gọi là tình-chủng. Tôi vì nghĩ thế mà lấy làm khinh bỉ, bèn không muốn theo lời Thạch-Si. Vả trong thư Thạch-Si chỉ thuật đến khi Lê-nương chết mà cái kết-quả của Quân-Thiến thì còn khuyết không thấy nói đến, tuy đóa hoa lênh-đênh trôi giạt, vận mệnh cũng chẳng khó suy lường, nhưng toàn thư đã là một tập bảo lục, nếu lại có một chỗ nào đoán phỏng mà nói ra thì cũng đủ che lấp mất cái chân-tướng; hoặc lại bỏ lửng mà không nói đến thì e không được thành một viên ngọc bích hoàn-toàn. Vì những cớ ấy mà tôi không muốn hoài phí bút mực chép một thiên tình-sử rời-rạc linh-tinh, e thêm mối hoặc cho người xem và tiếng cười cho kẻ biết. Gác để lâu ngày, sau dần quên nhãng. Xông pha gió bụi, rong-ruổi đông tây, từ đó cũng ít lúc ngồi nhàn để theo đuổi về nghề-nghiệp chát bôi, án viết đã bụi đầy mấy tấc. Năm sau giặc giã nổi lên, chí-sĩ danh-nhân đều bỏ nghề văn-chương mà sô nhau đi đánh giặc. Có người bạn tôi là Hoàng-Mỗ kể chuyện với tôi rằng: Khi giặc đã lui rồi, anh ấy đi qua chỗ chiến trường thấy một người gia dáng học-trò bị tên bắn nằm lăn ra đấy, trông thấy anh ta nhận biết là người đồng hạt, bèn đưa gửi anh ta một gói gì không biết để đem về đưa cho nhà, rồi nằm trơ mà chết. Rồi sau có người khiêm liệm mai táng ở đấy. Anh ta lại lấy được một quyển sách ở túi áo chàng đem về.

Rồi Hoàng-Mỗ lấy quyển sách nhỏ đưa cho tôi. Tôi mở xem chưa được nửa mà trong bụng hình như có sực nghĩ ra điều gì. Số là nửa trên quyển sách đều những thơ , do của người chết ấy cùng với một người con gái đa-tình xướng họa, đề là « Tuyết-hồng lệ-thảo ». Thơ từ của hai người rất là ai diệm, khiến người đọc luống phải tiêu hồn. Nhưng tôi xem hình như những thơ mà mình đã có được đọc qua, trong óc tôi tựa như hãy còn văng-vẳng cái vận thừa của những bài này, không biết là mình đã từng đọc ở đâu, nghĩ mãi vẫn không ra được. Sau bỗng hoảng-nhiên nhớ đến trong thư của Thạch-Si hình như có những bài ấy, nhân kiểm ở trong đống giấy bỏ rối, tìm ra được tập giấy của Thạch-Si gửi cho khi trước, giở xem thì thấy những bài thơ trong ấy đúng như những bài ở trong quyển sách con. Ôi! lạ thay! Người chết ấy há chẳng phải chính là Hà-Mộng-Hà du!

Thư trước của Thạch-Si đã thuật rõ câu chuyện, nay quyển sách nhỏ này lại thấy trong lòng, vậy thì người chết ấy há chẳng phải Mộng-Hà thì còn là ai nữa! Mộng-Hà chết rồi! Trước đây tôi sở-dĩ bất mãn với Mộng-Hà là vì nghĩ chàng thiếu một cái chết với Lê-nương. Ai hay một cái chết, Mộng-Hà không phải lấy làm khó gì, nhưng chết chỉ vì thế, Mộng-Hà lấy làm không muốn. Chàng đã từng nói chờ được có một dịp lập công danh tức cũng là đến báo tri-kỷ, lập chí thực là cao-minh mà dụng tâm thực là kiên-nhẫn thay! Ta vì không biết Mộng-Hà, cho nên lấy thường tình mà suy đoán Mộng-Hà, bảo chàng là kẻ phụ-tình là đồ tiếc chết. Hay đâu cái người ta lấy làm bất mãn ở trước một năm, mà thoắt đã là một tay anh-hùng vô danh trong đội nghĩa-sư ở sau một năm. Ta lầm thật! Nay mới biết Mộng-Hà chính thực là một người trượng-phu lỗi-lạc, Lê-nương càng không phải một kẻ nhi-nữ tầm-thường. Không tình nhi-nữ, không phải là một bậc chân-anh-hùng; có khi anh-hùng, ấy là một trang hảo-nhi-nữ. Lê-nương sau khi mới gặp Mộng-Hà liền hết sức khuyên chàng đi đu học. Nàng vốn rất yêu Mộng-Hà, không nỡ để chàng là một người chí-sĩ chung-cùng ở trong thiên-hạ, tâm sự sáng sủa là dường nào! kiến-thức cao rộng là dường nào! ruột mềm cốt cứng, hai bề gồm đủ. Mộng-Hà không theo được lời nàng khi nàng còn sống, nên phải theo lời sau khi nàng chết, tạm nhịn một cái chết mà rồi thành được khí của mình. Trong vòng một năm ấy nằm gai nếm mật, khi nọ chưa thành, chắc cũng nghĩ cái chết là một sự khó. Nghĩ như vì tình mà chết với vì nước mà chết cái chết khinh trọng khác nhau biết là dường nào. Ví nếu Mộng-Hà ngày trước vội chết theo Lê-nương, làm một anh Hàn-Bằng thứ hai, chẳng qua mênh mang bể hận, thêm một cái hồn ma man máy trời tình, để một câu chuyện thảm mà thôi, vốn không phải cái cách Mộng-Hà đền báo Lê-nương, cũng không phải cái điều Lê-nương mong mỏi Mộng-Hà như thế. Thiên-hạ duy có người khí tình mới có thể nhất thời tạm nhãng tình đi. Mộng-Hà không chết ở cái ngày vùi hương, không phải là tiếc chết đâu, không chết là để yên-úy Lê-nương đó. Rồi mà chàng chết về sự chinh-chiến mà cũng vẫn là chết vì tình. Mộng-Hà có một cái chết ấy, khả dĩ làm chơn mềm cho ngòi bút khô của tôi vậy. Tuy nhiên, chim bay về rừng, đều có chỗ đậu, mà cái người bạc-mệnh kia là Quân-Thiến, vẫn chưa biết trôi rạt đến bước thế nào. Vậy nay sao nỡ lại bỏ qua mà không nói đến.

Tôi đương muốn tìm cho biết cái kết-quả của Quân-Thiến mà chưa biết hỏi han vào đâu được. Cái tin chết của Mộng-Hà tôi vì tình cờ mà được biết. Chẳng hay Quân-Thiến đã theo hai người về chín suối hay hãy còn lay-lứt ở nhân-gian? Không những duyệt-giả mịt-mờ không biết mà thôi, chính ký-giả lúc này cũng vẫn mịt-mờ không biết tăm hơi gì cả. Ký-giả bèn muốn lên trời biếc tìm bà Nguyệt-Lão, nhờ xem quyển sổ nhân-duyên, lại xuống suối vàng hỏi cụ Diêm-La, mượn ngó tờ biên sinh tử. Đương lúc loanh-quanh nghĩ ngợi thì quyển sách nhỏ ấy tựa như bảo tôi rằng: « Tin tức người ấy cứ tìm ở trong này sẽ biết, lọ là phải tìm đâu xa. » Tôi bèn xem đến cuối quyển sách nhỏ này thì thấy có một đoạn biên ghi rất lạ.

Đoạn biên ghi lạ lùng ấy, trên đề tháng ngày, dưới kể sự thực, nhưng đầu cuối đều không rõ, trông vào khiến người ù-tịt không biết là của ai. Nhưng nhìn kỹ xem thì có mấy chữ chiếu thẳng vào trong rèm mắt của tôi, là chữ « Mộng-Hà », chữ « Lê-nương », tôi bèn sực nghĩ ngay ra thở dài mà rằng: « Ôi! Quân-Thiến chết thật rồi! » Đây chẳng phải là một vở nhật-ký trong khi ốm của nàng đó dư! Vở nhật-ký này lời nói thảm thê khiến người không thể đọc hết được. Tôi cũng không rồi xem kỹ, chỉ xem ngày tháng thì khởi từ ngày mồng 5 tháng sáu năm Canh-tuất mà đến ngày 14 thì ngừng. Bắt đầu của vở nhật-ký thì nói về khi Quân-Thiến mới đau, cuối cùng của vở nhật-ký thì nói về khi Quân-Thiến gần chết. Mà vở nhật-ký ấy ở tay Mộng-Hà giữ, vậy chắc sau khi Quân-Thiến chết, Mộng-Hà có lại đến chốn ấy mà thu nhặt hương rơi phấn vãi. Điều đó tuy là tôi đoán phỏng mà thôi, nhưng so với sự thực thì chắc là cũng đúng. Song cái tình-hình trong khi Quân-Thiến thế nào? trạng-huống sau khi Quân-Thiến chết làm sao? Ký-giả chưa được biết tường thì hạ bút làm sao cho được! Vậy xin đem vở nhật-ký ấy giới-thiệu với các ngài duyệt-giả nên chăng?

« Ngày mồng 5 tháng sáu.— Từ sau khi chị Lê chết, ta thường hốt hoảng tựa như mất cái gì. Ta xót chị Lê. Ta xót chị Lê vì ta mà chết. Ta không chết thì không lấy gì tạ lại được với chị Lê. Nay quả đã ốm đó. Sự ốm này ta cũng không biết vì sao mà ốm. Nhưng người ta ít ai không ốm mà chết được. Ta đã cầu chết, sao được mà không ốm dư? Ta đã ốm, thì cách chết chẳng bao xa nữa. Nhưng sau khi ta chết, người sau hoặc không biết cái cớ ta chết mà lại ngờ ra lẽ gì chăng. Vì vậy bắt đầu từ nay, hằng ngày ta cố gắng mà biên nhật-ký. Thành tro, đuốc sáp còn tuôn lệ; đến chết, tằm xuân mới hết tơ. Cái nghiên vuông vuông nọ, cái bút dòn-dọn này, từ nay sẽ làm bạn với ta trong khi sớm tối.

« Ngày mồng 6. — Tự-do! Tự-do! Hỡi cái tự-do mà ta vẫn sùng bái kia! Người phương Tây thường nói: « Không tự-do thà rằng chết ». Ta đây chính là kẻ thực hành cái câu nói ấy đó. Còn nhớ bây giờ năm ngoái ta đương là một người học-trò ở trường nữ-học Nga-hồ, cùng các chị em đồng học sau khi xong việc học rồi lại dắt tay nhau vào trường thể-thao, làm những trò du-hý, sởi-sang sung-sướng biết dường nào! Có lúc lại ngồi mà trò-chuyện với nhau, giận về nỗi gia-đình bắt buộc, nên trong lòng vẫn không hả. Vậy mà thấm-thoắt chưa bao, cái việc rất không tự-do ở thế gian đã khoác vào thân ta phải chịu. Một đóa hoa tự-do tốt tươi vừa nở, vội sa vào cái kiếp sóng dạt bèo trôi. Vui sướng nào đâu? Hy-vọng nào đâu? Từ đó thân ta đã thành tượng gỗ, lòng ta đã hóa tro tàn, trong trường học Nga-hồ, tuyệt tích không còn thấy có ta nữa. Đến nay nghĩ lại, ví nếu hồi ấy việc hôn-nhân của ta mà không thành, thì bây giờ ta đã tốt-nghiệp ở trường ấy rồi, rồi ta hoặc lại đi du học, hoặc đi làm chưởng-giáo, bể rộng trời cao, chỗ nào mà không đủ cho ta thỏa chí tung bay, can gì ta phải đến uất-ức mà chết! Lại nghĩ ví ta trước đây đừng đi học hành gì cả, thì ta cứ ù-ỳ trong cõi hắc-ám, không biết tự-do là vật gì, những điều ngang trái đưa đến, ta lại yên chí cho là thường, vậy thì cũng can gì ta phải đến uất-ức mà chết! Nay thì việc lỡ thế rồi, biết làm sao được, xót thương thân thế, ngán-ngẩm niên-hoa, chắp tay đành vái lạy cõi người, nhắm mắt đợi đưa về đất quỷ. Rất đáng đau-đớn là cái người làm lỡ đời ta, lại là người rất yêu-thương ta là chị Lê. Mà chị sở-dĩ làm như thế lại có rất nhiều những cái nhân-quả ly-kỳ, cái tâm-tình ủy-khúc. Kết-cục chị đến vì ta mà phải chết, như vậy thì phỏng ta biết đâu mà kịp liệu nữa không? Trời ơi, trời ơi!! Chị chết thực là chí thảm, ta còn dám oán trách nữa sao! Ta chẳng những không dám oán chị mà vả cũng không dám oán Mộng-Hà. Mộng-Hà chẳng qua cũng là vì tình nó giầy đạp, mà không thể tự-chủ được mình; chị Lê chết, chưa biết là chàng đã thương xót đến thế nào vậy! Phiền-não có tìm ai, ai tự tìm phiền-não, Ôi! tu là cỗi phúc, tình là dây oan!

« Ngày mồng 7.— Ta ốm đến hôm nay đã là 5 ngày. Ta ốm về bệnh gì? Bệnh không có tên. Mà mình gầy hom-hem tựa như quỷ đói. Những người ốm lâu cũng không mấy ai có cái hình trạng như thế. Ta tự biết mình là không còn sống được nữa rồi. Sáng hôm nay gượng dậy đứng tựa cửa sổ, hút thở lấy cái không-khí mới, trong ngực tựa như thấy nở-nang dễ chịu. Song mình yếu không đứng lâu được, lảo-lướt tựa như cây liễu ở trước gió, lại phải vội bước lên giường nằm. Đưa mắt trông ra bốn bề, thì trên đài gương bụi đã phủ đầy; vì từ trước khi ta chưa ốm, cũng đã lâu không nhìn gương mà tô-điểm dung-nhan. Cái dung-nhan ngày nay không biết là đã tiều-tụy đến thế nào, e rằng đã không thể cùng được với cái hoa vàng ngoài rèm mà so bì gầy béo nữa. Mỹ-nhân hay yêu gương là yêu vì cái bóng của mình. Ta đây không phải mỹ-nhân, vả là người đã sắp chết rồi, vậy gương ấy không còn là vật yêu của ta. Ta cũng không muốn lại trông thấy bóng của ta, khiến ta lại động mối thương tâm mà lòng ta càng thêm đau xót.

« Ngày mồng 8 — Đêm qua ta hơi cảm lạnh, mà bệnh tiến-bộ càng chóng quá, sốt rét sốt nóng nổi lên rất dữ, mê-man không còn biết gì. Buổi chiều cơn sốt bớt đi, người mới tỉnh-táo. Cha già sai mời thầy thuốc đến xem bệnh bốc thuốc, người nhà nấu thuốc xong đưa lên, ta nhân lúc vắng đổ đi mà không uống. Đêm được ngủ yên, không đến nỗi khổ.

« Ngày mồng 9 — Buổi sớm vừa sốt rét vừa sốt nóng, đầu nặng trầm-trầm, mồ-hôi như tắm. Ta nhớ chị Lê quá! Chị Lê khéo ốm, chưa phải nếm nhiều cái huống-vị đau-đớn, liền đã thoát ly cõi bệnh, nhắm mắt qua đời. Nay ta muốn chết, lại phải trải qua mọi nỗi thống khổ trong khi ốm; một cái chết mà cũng có những cái giai-cấp cần phải đi qua như thế ư? Cái chết ta có sợ gì đâu, nhưng những nỗi thống khổ trong khi ốm ngày tệ một ngày, ta thực không có năng lực mà chịu nổi. Chị ơi, hồn chị khôn thiêng xin xét lòng em và giúp sức cho linh-hồn của em cùng đánh nhau với cái khu xác.

« Ngày mồng 10 — Thương thay đứa trẻ mồ-côi không có mẹ này! Người ta ai không có cha mẹ? cha mẹ ai không yêu con cái? Song tấm lòng của mẹ yêu con thường thường là mặn-mà hơn cha. Chả may người mẹ yêu ta bỏ ta mà đi đã bảy năm rồi! Vò-võ chiếc thân, nương nhờ anh chị. Không ngờ trời hại nhà ta, anh ta lại giữa đường mất sớm. Trước kia anh ta yêu ta thực không khác gì mẹ ta. Mẹ ta mất đi thì yêu ta có cha có anh và có chị. Anh ta lại mất thì người yêu ta đã vắng ngắt còn chẳng bao lăm. Không ngờ lòng trời ác-nghiệt, còn định cướp cho kỳ hết cả những người yêu ta, làm cho ta ở trên thế-gian, không còn có cái sinh-thú gì nữa. Không bao lâu mà một người chị dâu thân yêu ta như chị em ruột, ở với nhau đã mấy năm trời, cũng lại theo mẹ theo anh ta về nơi chín suối, mà vui cuộc đoàn-viên. Ngày nay ta ốm nằm đây, trước mắt không còn có ai là người yên-úy cho ta; trong cái phòng sâu hỏm tối mò, hầu đến một ngày không có ai qua lại. Ví nếu mẹ và anh chị ta trong ba người ấy còn được một người ở lại thì cảnh ta đâu đến phải hưu-quạnh thế này! Ta ở vào cái cảnh vạn phần khó kham, dù muốn không chết cũng không thể nào được. Mà ta nghĩ đến mẹ mất của ta, ta lại nghĩ đến cha còn của ta. Cha ta già rồi, trong mười năm nay, tang ma nối tiếp, nhà cửa quạnh-hưu, lòng già đã bao phen khổ não. Nếu ta mà lại chết thì tiến ngọt dâng bùi, quạt nồng đắp lạnh, việc thần-hôn trông cạy vào ai? Giò đuốc lập-lòe, tình-cảnh ấy thực không nỡ nói. Ta nghĩ đến như thế mà ta lại mong cho bệnh ta không đến nỗi chết, để ta được thờ phụng cha ta cho trọn tuổi già. Thế nhưng thân hình héo-hắt, sớm chẳng chắc chiều, thì sự mong ước ấy chắc gì thỏa được! Thương thay cha ta tuổi già, còn chút con gái lại sắp phải đem chôn bỏ nốt! Xin cha cũng lượng tình tha-thứ, vì sức con không thể tranh lại được với mệnh của con.

« Ngày 11 — Thầy thuốc lại đến. Ta cảm lòng cha già bèn cũng uống thuốc ít nhiều, nhưng tuyệt không công hiệu gì cả. Cha già biết ta bệnh cấp, sai người trông nom luôn; ngài lại thường lấy tay sờ vào trán ta để xem nóng lạnh thế nào, sắc mặt rất có vẻ lo sợ. Ta trông thấy cha ta như thế, lòng ta càng đau.

« Ngày 12 — Ngày hôm nay ta không thể gượng dậy được nữa. Trong lúc mê-mệt động nhắm mắt lại là trông thấy chị Lê; có lẽ vì tưởng nhớ khiến nên hoặc tinh thành kết nên như thế chăng? Mù-mịt suối vàng hình như chị ta đợi ta đã lâu rồi đó. Kỳ về của ta đã chẳng còn cách bao xa nữa, ta rất mong Mộng-Hà đến để ta tỏ bày chung-khúc thì ta mới nhắm mắt được yên. Ta cùng chàng tuy không phải vợ chồng về đàng tinh-thần, nhưng đã là vợ chồng về đàng danh-nghĩa. Ta bất tình không yêu chàng, mà chàng cũng vị tất đã yêu ta, nhưng ta biết tấm lòng của chàng chưa từng không thương ta tiếc ta. Ta nay mong chàng đến, nhưng chàng biết đâu ta ốm mà đến; dù chàng có biết ta ốm, nhưng chắc chàng cũng lờ đi mà chẳng đến chi. Ta chẳng bao lâu sẽ chết, sau khi ta chết, không biết chàng sẽ phát sinh một mối cảm-tình thế nào, ta đã không kịp biết. Nhưng ta lấy ý mà đoán thì chắc chàng cũng không thừa nước mắt mà khóc một người vợ chưa cưới làm gì. Ta bất-đắc-dĩ bỏ chàng mà đi, chàng biết tin thì cũng nên lượng cho ta, là ta vì tấm tình đối với chị dâu mà phải chết vậy.

« Ngày 13. — Ta ốm vào dịp nắng lớn mà cũng biết là khí-hậu nóng nực. Ta vốn sợ nóng, vậy mà nay nằm đắp một cái chăn lớn vẫn hiềm còn lạnh, tay sờ lên ngực, chỉ thấy có một đường hơi âm-ấm, nghĩ mình đã thành một con tằm nằm cứng ở trong chiếc kén rồi. Thầy thuốc lại thăm, thăm xong, mặt có vẻ khó, trù-trừ một lúc mới viết thành một cái đơn, thì-thào bảo bọn thị-tỳ không biết là bảo gì, nhưng có thể quyết không phải là những lời tốt. Ngày hôm nay cha già ngồi luôn bên mình ta, gạt lệ bảo ta rằng: « Con đã thất sắc lắm rồi! Vì sao mà bệnh đến nỗi thế? » Ta không nói gì. Nước mắt từ bên gối ròng-ròng chảy ra, thấm ướt cả áo của cha già ta. Đau đớn thay lòng ta, thực không thể nào bày tỏ ra với cha ta được.

« Ngày 14 — Ta ốm nặng lắm, một giọt nước cũng không uống được vào miệng, chân tay tê dại, dần thấy mất cả tri-giác, cổ họng khô ráo, không nói được ra tiếng, đờm lên hơi nghẹn, tiếng thở khò-khè, tựa như có người chẹn cổ ta, nỗi khổ thật không sao siết nói. Cha già đã vì ta viết thư cho Mộng-Hà. Ta rất mong Mộng-Hà đến mà mãi không thấy đến; nay ta đã không kịp đợi nữa. Ta đến chết mà không được gặp mặt chồng ta một lát, ta chết phỏng nhắm mắt được sao! Sau khi ta chết, chồng ta tất đến, cuốn nhật-ký của ta sẽ lọt vào mắt chồng ta. Mong chồng ta giữ ngọc gìn vàng chứ đừng nên thương ta chi lắm. Ta viết đến đây đã không vạch thành chữ được nữa, ta sẽ không bao giờ có dịp cầm bút nữa, từ đây về sau. »