Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BẢY. Nỗi riêng

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BẢY
Nỗi riêng

Giai-nhân tuyệt thế, huyễn-mộng một trường! Lệ cạn máu khô, đem lại tấm thân trong sạch, dầu khan bức hết, rứt phăng tơ nguyệt vấn-vương. Cái chết của Lê-nương thực là thảm thương. Nhưng cái cớ đến phải chết đi Lê-nương tựa như không thể nào tự nói ra được. Người nhà cố nhiên không thể biết, ngay đến cái người sớm tối gần nhau như Quân-Thiến, sống chết theo nhau như Mộng-Hà, mà nào đã biết rõ hết đâu! Ngậm hờn nuốt tủi, khôn tỏ nguồn cơn ấy, cái chết của nàng sở-dĩ thảm là như thế. Sau khi nàng chết, cả nhà đều khóc; nhất là Quân-Thiến lăn-lộn kêu gào mà rằng: « Chị ơi, chị bỏ em mà đi thật ư? Thân em ở đời là một cái thân lênh-đênh, từ nay lấy ai là người lại yêu thương em như là chị nữa? Trời kia vô tình nỡ cướp người chị thân yêu của tôi mà đem đi, để lại một tấm thân bạc-mệnh như bông hoa trôi giạt giữa dòng, còn ai là kẻ đoái người thương, như vậy tài nào tôi không đến phải theo chị tôi mà chết nốt! Chị hỡi có hay, trong vùng cỏ áy bóng tà, đừng lo tịch-mịch, chẳng bao lâu sẽ có người theo chị mà về làm bầu-bạn ở chốn dạ-đài. » Vừa khóc vừa kêu, nước mắt rơi xuống bên chăn đã thành một cái suối nhỏ. Sức đã kiệt, tiếng đã khản mà tấm lòng đau xót vẫn không bớt được chút nào. Nàng với Lê-nương là tình em chồng chị dâu, không phải là máu mủ cùng nhau, không phải là ân nghĩa gì lắm, nay Lê-nương chết mà nàng khóc thương đến thế, dẫu đối với chị em ruột thịt cũng không thấy người được như vậy, đó là một điều mà các người bàng quan không hiểu ra sao? Nghĩ như cái nhan sắc của Lê-nương, cái tài điệu của Lê-nương, cái số mệnh của Lê-nương, nếu những người không phải tâm can là sắt là gang thì ai chẳng phải xót phải thương, phải buồn phải tiếc; huống chi ngày thường lại đoan-trang hiền-thục dún-dín như gái chưa chồng, từ-thiện như Phật Bồ-Tát, bỗng chốc cành tiên sớm héo, còn để lại chút con thơ dại, người như thế ấy thì khi mất muốn được năm mười giọt lệ của mọi người quen biết cũng chẳng khó gì. Song cảm tình có dầy mỏng thì thương xót cũng có nông sâu. Người khác khóc Lê-nương chẳng qua là mối thương thảm do ở sự xúc-cảm nhất thời, như đám mây nổi bay ở từng không, hễ bay khỏi thì không còn dấu vết gì nữa; bởi vì không cảm sâu cho nên không đau sâu vậy. Chứ như Quân-Thiến khóc Lê-nương thì khác hẳn với mọi người khác. Cái đau xót của Quân-Thiến như đâm vào lòng, như xiên vào cốt; nếu chẳng Lê-nương sống lại, đau biết bao thôi, họa là Quân-Thiến chết đi, đau may mới hết. Quân-Thiến đối với Lê-nương cớ sao lại đau xót quá thâm như vậy? Bởi vì nàng cảm về khi sống đã nhiều, cảm về lúc chết lại lắm. Người ta bảo Lê-nương vì ốm mà chết, nhưng Quân-Thiến biết Lê-nương quyết không phải chết về ốm đau. Cái cớ Lê-nương phải chết đi, Lê-nương không nói với người nhà. Lê-nương không phải chết vì ốm đau, Quân-Thiến đã biết rõ mười mà khi sống không thể hỏi Lê-nương, khi chết không thể bảo người nhà, đành để một cái khu xác đáng yêu đáng thương, phải tiêu tán đi ở trong cái bóng dáng mập-mờ nhấp-nhoáng. Cái đau khó nói căn do và cái đau thương người đã khuất, trồng-chịt hai tầng không thể rập vùi đi được. Ấy giọt lệ khóc Lê-nương của Quân-Thiến chẳng phải vì thế mà nhiều hơn mọi người khác ư?

Đầy trời mây thảm, khắp đất lệ sầu. Người nhà bấy giờ đều đã gượng cầm nước mắt để lo tính về đường hậu sự. Quân-Thiến thì vật-vã khóc than, trông đã mất cả máu mặt. Bằng-lang thì lăn lộn ở bên mình Lê-nương mà kêu khóc rậy trời! Thôi-ông cũng tầm-tã đôi hàng, ướt đầm hai bên tay áo. Trong một nhà chỉ nghe tiếng khóc nổi xôi, chỉ thấy sóng lệ trào-trạt, thực là một cái cảnh-tượng thảm cực trong đời người ta. Lúc lâu, Quân-Thiến thôi khóc, đứng dậy tắm rửa cho Lê-nương, vừa cởi áo ra, trước ngực lộ ngay một vật, giống như phong thư vậy. Thư này là Lê-nương viết trong khi ốm, định để lại cho Quân-Thiến. Quân-Thiến bấy giờ cũng không rỗi mở ra xem vội liền cầm bỏ vào trong túi. Tắm rửa cho Lê-nương xong, lại mặc quần áo vào, rồi mời thầy pháp đến trì-tụng. Bởi tục người phương Nam hễ nhà nào có người chết tất mời thầy pháp đến chỉ dẫn đường lối minh-ty, cũng như người phương Tây đón mời mục-sự. Thầy pháp đến, người nhà lại khóc. Quan-khâm đã đủ, bèn làm lẽ đại-liệm, tiếng khóc càng xôi nổi lên. Lúc đạy nắp quan, Quân-Thiến toan những nhảy vào trong quan để cùng chết với Lê-nương, người nhà phải xúm vào lôi kéo ra ngoài. Vừa làm lễ yên-vị xong thì trời sáng bạch, chợt nghe thấy tiếng pháo đùng-đùng kinh động bên tai, bấy giờ người nhà như ở trong mộng mới tỉnh ra, sịch nghĩ ra hôm nay đã là ngày Nguyên-đán. Thương thay mệnh bạc, ba chín niên hoa, tết đến ba mươi, hồn về chín suối, không được dốn-dắn năm mười giờ nữa để trót qua cái đêm tàn! Người cùng năm đều qua, hận cùng năm đều mới. Nghìn cửa muôn nhà, cảnh xuân rực-rỡ, bùa đào đổi mới, đỏ chóe một mầu, duy nhà họ Thôi thì trước cửa cao nêu một ngọn phướn tang phất-phới gió bay, cửa nhà hưu-quạnh, cảnh-sắc não-nùng. âu cũng là một cái hiện-tượng quái gở trong buổi tân-xuân vậy.

Hồn hương đã xa, tấm thương khôn vợi. Đêm hôm ấy người nhà đều đi ngủ cả, Quân-Thiến còn ngồi một mình vò-võ ở trong màn. Đèn mờ một ngọn, soi trước linh-sàng, xót mất thương còn, cảm sầu vô hạn. Nhân giở bức thư để lại của Lê-nương ra, nuốt lệ mà đọc. Thư rằng:

« Chị có một việc ẩn-bí, không thể đem nói được với em. Song việc ấy đối với việc chung thân của em có quan-hệ nhiều. Nếu không đem nói với em thì thật là phụ em vô cùng mà tội chị không còn có thể trốn đâu cho được. Nay chị sắp chết, không thể không đem cái việc chứa-chất đã lâu không tiết ra được ở trong lòng, mà nghiêng bầu giốc hũ kể cho em nghe, để chuộc cái tội lỗi của chị trong lúc sống. Song vì việc khí nhơ-nhớp, không tiện mở miệng nói ra được, vì vậy muốn nói mà phải im đi mấy lần. Bệnh chị đã nặng, tự biết chẳng còn sống được bao lâu, mà việc ấy có phải giấu giếm được mãi đâu, đã không thể cùng em nói chuyện bằng miệng, vậy chị phải cùng em nói chuyện bằng bút, chị cầm bút lần này là một lần cuối cùng trong cái đời chị, đến nay chị thực rất hối, sao lúc bé lại đi học lấy năm ba chữ làm gì! Vừa viết được mấy dòng, tay chị đã đờ mắt chị đã hoa, đầu chị đã nặng trầm-trầm, lòng chị đã cá nhảy lao-nhao, lệ chị đã châu tuôn tầm-tã. Trời ơi!

« Trước khi chưa nói, chị muốn xin với em một điều. Số là lời nói của chị khó mà lọt được vào tai em, em sắp xem đến dưới này, sẽ phải biến sắc cau mày, mà mất hết cả tấm lòng yêu thương đến chị. Em sẽ khinh chị giận chị mà bảo rằng: chết là phải lắm! chết còn khí muộn! Chị không thể cấm được em cho không giận chị, em mà giận chị, lòng chị rất vui, em giận chị càng nhiều tức là yêu chị càng lắm. Chị chẳng ra gì đã không được chịu tấm lòng yêu của em lâu dài, cũng không dám mong em lại yêu chị nữa. Những cái tội nghiệt của chị, may ra sau khi đã chết, nhân em ghét giận mà hoặc có tiêu giảm đi được ít nào. Vì thế chị rất mong rằng em sẽ giận chị.

« Việc này, đối với chị thật là cái ô-điểm một đời, cũng là cái nghiệt duyên kiếp trước; chị tuy đến chết, cũng không hối-hận chút nào. Sở-dĩ phải đem việc này mà kể với em là vì chị lấy cái ý riêng của mình mà cướp cái tự-do của em, cưỡng em vào cái bước khó kham, đó thật là cái chỗ chị phụ em đó. Đến nay nghĩ lại thực lấy làm bứt-dứt vô cùng. Song đương lúc ban đầu thì chị làm thế chẳng qua cũng chỉ vì yêu em, không ngờ vì yêu em mà lại thành ra phụ em, đó là điều mà chị thực không kịp liệu. Chị nay xin lấy một cái chết để đền lại em và chuộc tội của chị, chị chết thì cái hạnh-phúc của em sẽ được bảo toàn. Em ơi, một chút lòng này, may ra hoặc được em kiến lượng cho chăng.

« Chị viết đến đây, lòng chị rất là đau đớn, không thể thành chữ được nữa, phải ném bút nằm phục xuống gối lúc lâu mới lại ngóc dậy viết nối. Chị chết đã chỉ trong sớm tối, không nhân lúc này mà đem hết tâm sự bày tỏ cho em biết thì sao kịp được, cho nên phải gượng bệnh mà viết; khi em xem thư cũng nên lượng biết là chị khổ thế nào. Em ơi, chị vốn cầu chết chứ không phải là ốm, vậy mà người nhà lại còn cứ đem thuốc thang để làm khổ chị, tựa-hồ như cho là cái khổ chị chịu hãy còn chưa đủ, chị không thể nói, nhưng trong lòng thực lại càng đau khổ vô cùng. Em thấy chị ốm, chăm nom hết sức, ngày đêm không dời ra lúc nào, chị thực rất cảm tấm lòng của em, mà thẹn mình không có phúc để được hưởng thụ cái thâm tình ấy. Chị muốn nói chuyện với em mà chưa dám nói, lòng chị đau khổ càng đến cực-điểm. Chị vì muốn báo đền em lại thành ra lụy em, tội của chị hầu nhân thế mà càng thêm nặng. Trước mắt đầy những sự khổ não như thế, thân chị lại càng không thể hoãn chết được ngày nào nữa, mà bức thư này lại càng không thể không nhân trước lúc chưa chết mà nhịn đau gượng viết, rồi sẽ nhắm mắt để chờ giờ.

« Chị tuổi chưa bao, chẳng may góa sớm, phòng không chiếc bóng, rũ sạch lòng trần, một mối tơ tình, sớm đã theo ngọn gió mà tan-tành đứt hết. Hồng-nhan bạc-mệnh, vẫn thế xưa nay, chi cũng chẳng hề oán trách gì. Hay đâu trời xanh độc-địa, chòng ghẹo người ta không những thế mà thôi, lại còn do phương diện khác mà trổ ra những ngón giầy vò, bức bách đến cúng, kỳ cho phải chết rồi mới hả. Tình chị đã như tro lạnh, mà hắn hết sức khêu gợi, làm cho lại nhen, lòng chị đã như giếng khô, mà hắn hết sức khua khuấy, làm cho lại sóng. Sở-dĩ như thế là muốn khiến cho chị sống làm cái thân gái góa, chết làm con quỷ thác oan, trời kia thật cũng độc-địa thay! Từ khi chị sinh ra đời, cái lưới tình trăm tầng nghìn đợt, chằng chịt díu-dăng ấy, ra mà lại vào đã hai lần. Lần trước may được thoát ra, nhưng mà khi thoát ra, đến lúc mắc vào lại càng sâu. Từ khi mắc vào, càng quấn càng chặt, không còn có cái hy-vọng gỡ ra được nữa. Đến nay thân chị đã không được tự-chủ, đành chỉ mặc cho ma tình nó giầy đạp mà thôi. Chị tự lầm chăng? hay người ta làm lầm chị chăng? chị cũng mang-nhiên không biết. Song vô-luận tự lầm hay bị lầm cũng cùng là một cái lầm cả, cùng là một cái cớ làm cho chị phải đoản mệnh cả. Nay đã sống không còn mấy, chết sắp đến nơi, thì ông trời già nhẫn tâm nọ và cái ma-tình vạn ác kia, mục-đích đã được đạt rồi, chắc hẳn sẽ vỗ tay mà reo mừng đấy. Song như chị đây kiếp xưa tội gì, kiếp này lỗi gì mà trong cõi minh-minh nỡ nào xử đãi một cách thảm khốc như thế ru!

« Đầu đuôi việc này lắm đoạn cực kỳ biến huyễn, bây giờ chị cũng không thể mà thuật kỹ được, sau này em hỏi Mộng-Hà thì sẽ biết tường. Nay cái điều muốn nói với em, là một tấm khổ tâm của chị vốn chưa từng có phụ chi em. Việc hôn-nhân của em, sở-dĩ chị hết sức vun-vén cho thành, là vì muốn mưu giải thoát cho mình, cũng là muốn để an bài cho em. Sau khi việc thành, em vì mất quyền tự-do, buồn rầu không vui, lòng chị đã lấy làm lo sợ; sau thấy Mộng-Hà lại thề chết không chịu đem tấm tình trao sang người khác, lòng chị lại càng lo sợ nữa. Bởi vì nghĩ mình đã tự lầm mình, rất không nên khiến em lại vì mình mà phải mất hạnh-phúc. Việc đã ra thế, chị nghĩ muốn bảo toàn cái hạnh-phúc cho em thì tất trước hết phải làm thế nào cho Mộng-Hà tuyệt mối lòng quyến-luyến với mình, nhân thế mà chị quyết một chí liều mình đi vậy. Dời cành tiếp chánh, trước tưởng là cái kế lưỡng đắc, ai ngờ đâu phải đến nông nỗi nước này. Mọi lẽ trên này tức là cái cớ làm cho chị phải chết; song may chị cũng không có việc gì mờ tối mà không thể đem ra nói chuyện cùng em. Ngẫu-nhiên vướng phải si-tình, phút bỗng sa vào thảm kiếp. Một cái chết này không phải là chết về tình mà là chết để báo đền em, và để tạ với người quá-cố. Cái chí của chị muốn chết đã lâu, đến ngày nay mới được như nguyện. Chị chết mà nợ cũ có thể trả sạch, tơ tình có thể rứt phăng, lại có thể đem cái duyên ngộ một đời của mình để làm một cái mẫu chung là một người hồng-nhan bạc-mệnh thứ nhất ở trong thiên-hạ từ xưa đến nay, vậy thì còn nên tiếc cái sinh mệnh của mình chi nữa. Em xem đó mà nên biết rõ cái cớ chết của chị, đừng nên cho chị là một người thảm-tử mà nên cho chị là một người lạc-tử, như vậy sẽ không nên thương chị, tiếc chị, mà lại nên mừng cho chị là đã sớm thoát ra khỏi vòng bể khổ mênh-mông. Chị em ta xưa nay vốn rất yêu nhau, cái tình chị dâu em chồng, trong mười năm nay, thân yêu nhau thực đã hơn chị em ruột. Buồng lan bầu-bạn, gác nguyệt xum vầy, em không mẹ, chị không chồng, cùng phường vất-vả, cũng kiếp long-đong, em không nỡ dời chị mà đi, chị sao nỡ bỏ em mà trốn? Thế nhưng thiên-hạ không có bữa tiệc nào không phải tan, không có ván cờ nào không phải xếp, chị đã hóa chiếc nhàn lạc bọn, em sắp thành cặp én bay đôi, xuân lan thu cúc, sớm muộn không cùng, gốc cỗi cành non, tươi khô có khác, cảnh vui của chị, đã qua đi theo với niên-hoa, cảnh vui của em, còn dài mãi theo cùng phúc-phận, vậy thì chị với em không thể ở chung được với nhau mãi, cũng là bởi mệnh và bởi thế khiến nên. Song trước đây chị vẫn tưởng cùng em chỉ không thể ở lâu với nhau mà thôi, nay không ngờ lại không thể đứng đôi với nhau được nữa. Nay chị cùng em vĩnh biệt vậy. Vì nếu chị cứ nhịn hổ trộm sống, khiến cho cái hạnh-phúc của em nhân thế mà phải giảm kém thì chị sống nào có vui gì? e rằng lại khổ hơn là chết đi nữa. Bởi vì cái hạnh-phúc của em sau này hoàn-toàn hay không hoàn-toàn, thực là do ở sự sống chết của chị mà đoán định. Chị sống mà em khổ, thì chị sống còn có lạc-thú gì nữa, chẳng thà chị chết mà em đẹp phận, chị cũng được gỡ xong một mối tình-si. Chị nói đến đây là hết rồi, chỉ còn có một lời yêu cầu với em: Chị chẳng may vì mệnh nó hại, vì tình nó lầm, lòng dẫu tối-tăm, mình nguyên trong sạch. Nay lấy một cái chết để bảo toàn cho cái hạnh-phúc một đời của em. Mong em lượng tấm khổ tâm này mà vì chị bảo-toàn cho cái danh-dự sau khi đã chết. Đến như gia-đình hãy còn nhiều việc, thịt xương tình nặng, em tất sẽ phải thay chị mà cáng-đáng lấy, không cần chị phải nói nhiều lời ».