Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BỐN. Mực máu

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BỐN
Mực máu

Lệ dài như chuỗi, đèn tối không hoa. Mộng-Hà tiếp được cái tin kinh hãi không ngờ ấy, đau lòng quá độ, nằm ngất người đi. Một lúc mới dần tỉnh lại, ngồi ngây người ra, thần-sắc tiêu tán, lại lấy bức thư xem lại, lòng đau quá không thể chịu được, nước mắt chan chứa, vạt áo ướt đầm; mắt lại trông vào quyển thơ, tựa như xúc cảm, biến sắc đứng dậy, cầm ngay lấy chìa vào ngọn lửa mà đốt, chỉ thoắt mắt đã thành một đống tro tàn; mối lòng phẫn uất, muốn đè nén mà có được đâu, chẳng khác như con thiêu-thân chỉ những muốn đâm đầu vào lửa.

Đốt quyển thơ xong, lại ngồi xuống ghế, giờ lâu nghĩ ngẫm, muốn làm một bức phúc-thư mà trong lòng bối rối không biết viết ra làm sao. Một sự đau đớn dữ-dội đưa đến thốt nhiên, làm cho thần-kinh đều rối loạn hết cả. Lại nghĩ Lê-nương bây giờ đau đớn bức tức chắc còn có phần hơn mình nữa, nếu không mau mà yên-ủy thì không biết lại còn diễn nối ra những tấn bi-kịch thế nào. Độc-giả các ngài! Lê-nương làm thế là nhân cơn phẫn uất nhất thời, kế đó biết chàng thấy thế tất phải đau lòng cũng tự hối là mình làm quá. Vì thế khi chàng khóc than vật-vã chính là lúc nàng ân hận băn-khoăn. Đến như chàng thì việc tự mình gây, không trách nàng mà chỉ tự-trách mình, bỗng không trao một bức thư đau ruột cho nàng, nên khiến nàng tức giận mà làm đến thế này thực không còn mặt mũi nào trông thấy mặt người tri-kỷ. Than ôi! cái tình của hai người mặn nồng là thế, khắn khít là thế, phi đến lúc chết thì không có cái hy-vọng giải-quyết xong được, nay muốn một sớm quyết tuyệt, chẳng qua chỉ tự làm tăng thêm phiền-não đó mà thôi. Mộng-Hà bấy giờ kíp muốn viết một bức thư tạ tội để vuốt giận cho nàng, nhưng lòng rối hơn tơ, ngồi mãi viết không thành một chữ. Chuông đồng-hồ chợt đã đánh « keng » một tiếng, chàng bèn bỏ thư vào phong bì, bọc tóc vào miếng mụn, để ở bên gối, rồi nhịn đau nuốt khổ đi nằm.

Sau khi đi nằm ước hai giờ đồng-hồ mà trằn trọc không sao ngủ được, chàng lại tung chăn mà ngồi lên. Bấy giờ ngọn đèn sắp tắt, chàng bước đến bên án khêu cho sáng tỏ như thường, rồi tìm một tờ giấy trắng trẻo, lại lấy ngòi bút mới chưa dùng, cắn đầu ngón tay chảy máu ra, lấy bút thấm máu mà viết lên tờ giấy. Chỗ cắn ấy ở đầu ngón tay giữa bên tả, vết thương rất sâu, máu chảy chan-chứa, mà chàng tựa như không biết đau đớn gì. Máu ra bút thấm, bút thấm tay biên, chỉ một lát đã đầy giấy lâm-ly, đều nhuộm một màu đỏ hắt. Thư thành mà máu vẫn chưa hết, bấy giờ chàng mới thấy hơi đau. Đề phong-bì xong, khoan-thai lấy nước rửa vết máu ở trên tay đi, xé miếng rẻ buộc chỗ đau lại, rồi lại mặc cả áo bước lên giường nằm, thì ánh sáng buổi sớm đã thấp-thoáng bên ngoài cửa số. Than ôi! sự lưu huyết của nam-nhi, đáng phải dùng vào chỗ có giá-trị mới phải; nay Mộng-Hà lại đem dùng vào việc ái-tình đối với nhi-nữ, chẳng cũng là quá đáng lắm ư? Tuy nhiên, trời đất là một cái lò tình, anh-hùng đều là những giống tình, máu là cái yến-tố để chế tạo ra tình, máu đổ tức là sự tác dụng thuộc về ái-tình đó. Cái công dụng của tình-si to lắm, có thể cầm, có thể thả, có thể duỗi, có thể co, nhỏ thì như sự luyến ái của gái-trai, lớn thì đến sự mất còn của thiên-hạ, dụng tuy có khác, nhưng cũng đều là phải căn cứ ở tình. Cho nên kẻ dám lưu huyết tức là người đa-tình, lưu huyết để ứng phó trong khi cái tình đã đến lúc cùng đường cạn bước. Oán-nữ si-nam, đá mòn sông cạn, không chịu biến đổi lòng trước là do cái tình ấy, vĩ-nhân chí-sĩ, liều mình vì nước, không tiếc sinh-mệnh, cũng là do cái tình ấy. Kẻ vì ái-tình nhi-nữ mà lưu huyết, tất cũng có thể vì ái-tình quốc-gia mà hưu-huyết; kẻ vì ái-tình nhi-nữ mà tiếc huyết, dễ đã mong gì kẻ ấy vì ái-tình quốc-gia mà chịu lưu huyết ư! Tình thâm như Mộng-Hà, tức là một người con trai có huyết-tính đó. Chàng coi ái-tình là sinh-mệnh thứ hai của mình, cho nên lưu huyết mà chuộc lấy. Tình đã là quý, huyết há trôi hoài. Tuy rằng quá đáng, nhưng cũng không hổ là một người đa tình ở trong thiên-hạ.

Ngày hôm sau, Lê-nương được thư, kinh sợ tái người, nhìn ra toàn những vết máu tươi lốm-đốm! Hà-lang! Hà-lang! Sao lại tự khổ như thế dư! Lê-nương bấy giờ vừa sợ vừa đau, tay run lên, sắc xám đi, mắt hoa lên, trong lòng tựa như có muôn ngọn gai đâm, không thể một khắc nào chịu nổi. Bèn ngậm lệ đọc lời thư rằng:

« Than ôi! Chị tuyệt tôi ư? Chị nỡ tuyệt tôi ư? Tôi còn biết nói thế nào? mà tôi lại sao nên không nói! Tôi không nói thì tấm lòng của tôi không bao giờ tỏ, mối phẫn của chị không bao giờ tan. Chị hiểu lầm ý tôi mà muốn cùng tôi quyết tuyệt, tôi sao được không vạch tỏ tâm tích rồi sau hãy cùng chị tuyệt. Tâm tích đã tỏ, tôi biết chị cũng không còn dong nạp tôi nữa. Thư trước nói khi quá kích, tôi đã biết rồi nhưng bấy giờ tôi cảm về một sự kích-thích rất mạnh, tấm lòng oán phẫn, trừ chị ra thì còn biết cáo tố cùng ai? Tôi không biết rằng ra chị đã chịu nỗi kích-thích cũng như thế rồi, thành ra bức thư của tôi lại càng thêm đau lòng cho chị. Tôi có lỗi lắm! Tôi có lỗi lắm! Thế là tôi đã tuyệt chị trước, lại còn trách gì chị muốn tuyệt tôi dư? Tuy-nhiên, đó là sự vô-tình của tôi chứ thực tôi không có bụng nào tuyệt chị. Tôi không phải là gỗ đá, há lại không biết chị đã vì tôi mà khổ lòng nhọc chí ư? Tôi cảm chị thực đã đến nơi cực-điểm. Chị ơi, chị vốn là người yêu tôi, thương tôi. Chị không yêu tôi, còn ai yêu tôi? Chị không thương tôi, còn ai thương tôi? Nay chị muốn tuyệt tôi, tức là chị giết chết tôi đó, chị nỡ thế ư? Chị đã muốn tôi chết, tôi sao được không chết; nhưng tôi muốn thờ chị mà chết, chứ không muốn tuyệt chị mà chết, Tôi dẫu chết nhưng mong rằng chị vẫn thương tôi. Lời tôi có thế, hận tôi còn dài. Cắn ngón chảy máu, viết nên thư này. Mấy lời hấp-hối, kính xin soi xét.

« Trống canh tư đêm 11 tháng mười một năm Kỷ-dậu (1909), Mộng-Hà cắn máu viết ».

Nàng xem xong lòng đau như cắt, khóc đứt tiếng đi, sự hãi hùng chua xót lúc bấy giờ, cũng giống như khi chàng tiếp được bức thư của nàng vậy. Bể tình bỗng dưng nổi cơn sóng gió, làm cho đã phải tốn biết bao nhiêu giọt lệ sầu. Kỳ thực hai người đều vì cớ hiểu lầm mà nên, muốn được thỏa lòng bức tức một thời, nên phải chịu nỗi thương đau vô hạn, tự mình tác nghiệt, còn trách chi ai! Người ta sống vì tình sẽ chết vì tình, lưới tình chằng chịt, càng gỡ càng vào, nếu dễ-dàng rứt được nhau ra, thì can gì phải đợi đến ngày nay nữa! Mộng-Hà đã nói: « Muốn giải quyết xong điều khó tính, trừ phi thân đến chết thì thôi », câu ấy thật là đúng lắm thay. Còn chưa đến buổi vùi hương, đừng vội mong khi thoát nợ, chẳng liệu mà nói năng phải thể thêm mua lấy phiền não vào mình, tự khổ mà thôi, không ích chi vậy. Lê-nương sau khi được thư, thoắt đổi tấm lòng oán phẫn ra tấm lòng xót thương, nghĩ chàng là tấm thân bảy thước đường-đường, mà vì một người con gái, phải làm cái việc quá tình như thế, viết thư tạ lỗi, cắn ngón quên đau, vậy thì tội ta chẳng cũng là to lớn lắm ư! Nay không còn có cách gì, chỉ có cách lấy lời ôn-tồn mà yên-ủy cho chàng thôi vậy.

Tờ mây đi lại, bận rộn Bằng-lang. Mộng-Hà lại được thư Lê-nương, trong lòng rất là yên-ủy. Nghĩ thầm may có mấy giọt máu đào ấy mà chuộc về được tấm lòng nàng, từ đây sẽ không dám nhiều lời cho thêm chuyện nữa. Cuối thư của nàng còn có một bài thơ tứ-tuyệt, ký-giả quên mất hai câu dưới, chỉ nhớ được hai câu trên rằng:

Huyết thư thường ở cổ em này.
Đốt uống còn lưu một mảnh đây.

Mộng-Hà cũng làm hai bài thơ để đáp lại rằng:

I — Vương vấn dây tình những tự phen,
      Ma sầu quỷ bệnh ấy là duyên;
      Tơ xanh xén cắt trao bên án,
      Lệ đỏ hòa tran rủ dưới đèn;
      Nước cạn bầu đồng[1] lòng chẳng vợi,
      Mộng tàn gối ngọc dạ như điên;
      Gió mưa trận trận chêu ai đó.
      Tri-kỷ lầu cao cách một miền;

II — Phong-ba bể ái biết đâu lường,
       Việc tốt nào hay lắm ngửa-ngang.
       Mối hận trăm năm còn chứa-chất,
       Con côi một chút phải đa-mang;
       Tài nhiều luống để tai vương-vít,
       Mệnh mỏng mong gì phúc nở-nang;
       Tháng chạy ngày qua cơn chớp nhoáng,
       Lênh-đênh thân-thế nghĩ thêm càng...?

Ngày hôm sau Lê-nương lại viết thư hẹn Mộng-Hà lại chơi. Mộng-Hà theo lời. Lần này là lần thứ hai mà hai người được họp mặt nhau. Khi họp mặt lần trước, nàng đã có nói việc ngày nay chỉ có thể một lần, chứ không có thể hai lần, nay cớ vì sao chợt lại có sự hẹn hò ấy? Bởi vì nàng bất-đắc-dĩ lắm, muốn lại được một phen gặp mặt để giãi bày gan ruột, cởi bỏ nghi ngờ. Hai bên chỉ vì hiểu lầm nhau mà một người thì chém đứt tơ-tình, một người thì rạch tung máu nóng, diễn ra những tấn kịch thảm-thiết ly-kỳ; cái tình-tứ khúc-chiết chiền-miền, không phải ngòi bút tờ giấy có thể giãi bày ra muôn một. Chim xanh tệ quá, vẫn hay quen thói ngoa truyền, vầng đỏ lận rồi, âu phải hẹn kỳ hảo hội, Hai người gặp nhau, chuyện trò nhiều lắm, nhưng chẳng qua cũng như lần trước, hai bên đều lấy lời ôn-tồn mà hòa giải, vậy cũng không cần phải thuật lại thêm thừa. Duy bấy giờ Mộng-Hà có làm 6 bài thơ, vậy xin lục ra sau này:

I. — Tờ-mờ lối hẻm bước loanh-quanh,
       Mỗi bước đè sương mỗi giật mình;
       Tý-tách đồng-hồ đêm sắp nửa,
       Trăng tàn một mảnh bóng chênh-chênh.

II. — Hành-lang quanh-quất dẫy tường bao,
        Lối cũ lần đi bước thấp cao;
        Bước đến bên thềm nhìn nhận lại,
        Ngại-ngần chưa dám đẩy song vào.

III. — Ngày ngày cất bút nhọc hồn thơ,
         Tâm sự này đây tỏ rõ chưa?
         Trước mắt rầy xin thương xót lấy,
         Gặp nhau chưa biết lại bao giờ.

IV. — Tang hải bàn chi cuộc chuyển-vần,
          Nguyện xin kiếp kiếp được tương-thân;
          Nguồn đào giữ kín mầu xuân sắc,
          Đừng để hoa bay lạc xuống trần.

V. — Oan-nghiệt tiền-sinh những thế nào?
         Sinh ra cái kiếp lệ tuôn rào;
         Gặp nhau buổi trước sao không sớm,
         Một cuộc cờ tàn thu nhặt sao?

VI. — Cầm tay thề dắt xuống hoàng-tuyền,
          Đến chết theo nhau mới thỏa nguyền;
          Quỷ bệnh ma sầu năng quấy nhiễu,
          Sống còn thôi cũng chẳng bao miên.

  1. Bầu đồng là đồng hồ.