Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI MỐT. Cầu hôn

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI MỐT
Cầu hôn

Mộng đâu huyền-hoặc, duyên khéo lạ-lùng. Mộng-Hà cùng Lê-nương đã không thể đoạn-tuyệt quan-hệ, thì Mộng-Hà cùng Quân-Thiến sẽ sinh ra một mối quan-hệ giằng-gịt. Việc hôn-nhân của hai người, Lê-nương đã hết sức chủ-trương thì Mộng-Hà cũng phải giữ cái chủ-nghĩa phục tòng. Tuy chàng trong bụng vẫn cực đoan phản-đối mặc lòng, cũng không thể không gượng vâng theo để yên-úy tấm lòng tri-kỷ. Nàng đối với chàng là chỉ có như thế, mà đối với nàng cũng chỉ có như thế. Song hai người đều tự tính kế cho mình, đều cùng tính kế cho người tương-tri của mình, mà đối với sự vui buồn sướng-khổ của một đời Quân-Thiến thì thực chưa rồi suy tính đến. Kẻ chép truyện xem cái kết-cục chung-thân của Quân-Thiến thực rất nên phàn-nàn thương-hại, vậy nay thuật đến một chương « Cầu-hôn » mà không thể không có lời trách đến hai người kia.

Mộng-Hà với Quân-Thiến vốn tuyệt-nhiên không có quan-hệ gì cả, bỗng dưng mà sao lại có việc đính-hôn! Việc ấy chủ-động là Lê-nương, bị-động là Mộng-Hà, mà hãm vào vực thẳm hang sâu, đi làm cô dâu thay cho người ta là Quân-Thiến. Trong khoảng ba người ấy lại có một người ngoài cuộc mà đứng làm kẻ mối-manh gián-tiếp, muốn vun vào cho việc hôn-nhân. Người ấy chẳng phải là Thiên-tiên Nguyệt-lão nào, chính là Tần-thạch-Si đó. Đương khi Lê-nương nghĩ ra được cái kế lấy mận thay đào ấy cho là như thế sẽ có thể giải-thoát được mối khiên-lụy cho thân mình, bảo toàn được cái hạnh-phúc cho Mộng-Hà, mà về phần Quân-Thiến thì lấy được người chồng như thế cũng là xứng-đáng. Cho nên dù Mộng-Hà không thuận, cũng định dùng thủ-đoạn cưỡng chế để mưu cho mối nhân-duyên tốt đẹp ấy được thành. Hay đâu Mộng-Hà đã ôm một cái tôn-chỉ nhất định rồi, dù chết cũng không biến-đổi. Nước nào bằng nước bể sâu, mây nào bằng được mây đầu non Vu? Đại-phàm người nào giầu về ái-tình, cái tình đã đem chú trọng vào người nào, thì không có thể lại đem san-sẻ cho người khác được nữa. Lê-nương đã được Mộng-Hà, Mộng-Hà thể nào lại còn được Quân-Thiến? Ý của Lê-nương thì nghĩ rằng nếu việc ấy thành thì ba người đều yên phận cả; không biết rằng việc ấy không thành thì hai người sẽ phải làm cập chim oan-thác, Quân-Thiến còn được làm con phượng tự-do, chứ nếu thành ra thì trong cái cõi hận trời sầu lại phải thêm ra một ghế cho Quân-Thiến nữa. Mộng-Hà rất muốn việc ấy quyết-liệt để được bảo-toàn cho Quân-Thiến, nhưng vì sợ trái-ý Lê-nương, nên không mỗi chốc dám cự-tuyệt; đã từng làm mấy câu để tỏ ý rằng: « Duyên đâu ai dắt tơ đào, trách ai ai khéo buộc vào cho ai? Hay chi liễu ép hoa nài, nghĩ duyên mà lại ngậm-ngùi cho duyên. » Lê-nương từ sau khi bị kẻ gian chêu-chọc, tâm tình tắt lạnh, mà việc đối-phó với Mộng-Hà càng thấy trong lòng nóng sốt, cơ-hồ có cái thế không thể trùng-trình. Vì vậy viết thư dục Mộng-Hà về việc hôn-nhân không biết là mấy lần nữa. Mộng-Hà không sao được, bèn phải viết thư nói « Thạch-Si chưa về, mối lái chưa có » mà đáp lại, để làm cái kế hoãn-binh. Không bao lâu mà đầu non mai nở, sớm báo tin xuân, Thạch-Si có thư gửi cho Mộng-Hà nói là tháng mười âm-lịch đã đến kỳ nghỉ, sau khi thi xong sẽ quẩy níp về quê, phòng văn họp mặt, án sách sánh vai, chẳng còn cách là bao lâu, vậy xin nhờ trạm báo tin để cố-nhân biết trước. Than ôi, Thạch-Si đã sắp về, thì cái cửa-ải khó-khăn của Mộng-Hà đã sắp đến. Thạch-Si về sớm một ngày thì việc hôn-nhân thành sớm một ngày. Vậy bức thư báo tin kia há chẳng phải là vở sổ chua tử của Quân-Thiến đó dư?

Bể thẳm người về, song đông việc sẩy. Thạch-Si vốn là một người tri-kỷ thứ hai của Mộng-Hà. Bạn-bầy ba tháng, vội đã xa nhau góc bể bên trời, kẻ nam người bắc, yêu nhau như hai người, cách nhau đã nửa năm; cây xuân tưởng nhớ, trăng nóc mơ-màng, thử nghĩ dịch địa thì người ta ai là chẳng thế. Đến nay kỳ về đã định; hẹn gặp không xa, thư nhạn vừa trao, roi câu liền dóng, bóng tà cỏ áy, chợt mừng xem Nam-phố buồn về; đêm lạnh trời mưa, lại vui thấy Tây-song sáp nối; về phần Thạch-Si cố-nhiên là mừng rỡ khôn xiết, mà về phần Mộng-Hà há lại chẳng hết sức hoan-nghênh hay sao! Thế nhưng lý-tưởng với sự thực lại tuyệt đối phản trái với nhau. Mộng-Hà nghe Thạch-Si về, tinh không hề tỏ ý hoan-nghênh mà lại chỉ mong sao cho chậm trễ đừng về chi vội. Không phải là tình ý Mộng-Hà đối đãi tri-kỷ so với trước đã sinh lạt-lẽo mà không muốn cùng trông thấy mặt, chỉ vì Thạch-Si trở về sẽ có quan-hệ rất lớn cho cái người bạc-mệnh Quân-Thiến, sẽ sắp sửa có việc lấy khách ngoài bể làm người trên băng, mối duyên còn lủng-liểng bung-bêng từ đấy sẽ thành cái án sắt không ai di-dịch được.

Tôi viết đến đây biết duyệt-giả tất có điều nghi-hoặc. Nghi-hoặc rằng chẳng hay cái thái-độ của Mộng-Hà đối với việc hôn-nhân ấy thế nào, muốn hay là không muốn? Nếu muốn ra thì đôi lòng thuận nhau, toát hợp rất dễ, may băng-nhân đã tự đến, thời lương-duyên càng chóng thành, sớm vừa vịnh khúc Hảo-cầu, chiều sẽ xem hào Quy-muội, cắt đứt mối tình riêng vướng-vít, mà cùng Quân-Thiến chính thức kết hôn, há chẳng phải là việc rất tốt lắm ư? can gì phải làm cao giả cách? Nếu mà không muốn thì kết-hôn tự-do, dẫu cha mẹ cũng không thể cấm-chế được, Lê-nương là người nào mà lại dùng được cái thủ-đoạn cưỡng-bách đối với Mộng-Hà? Bằng lòng hay không là quyền ở mình, mình cứ việc cự-tuyệt phăng đi, can gì lại làm cái lối du-di, nhu-nhược, hai phải ập-ờ, đã không dời hẳn được Lê-nương, lại không rứt phăng được Quân-Thiến, họp sắt chín châu mà đúc nên một cái lầm lớn, u-tối thay là Mộng-Hà kia! Hoặc-giả chàng có cái ý-tưởng một phát tên bắn cả đôi chim, chực lừa dối con côi mẹ góa người ta, để cầu lấy cái hạnh-phúc cho một mình mình cũng chưa biết chừng. Nếu vậy thì cái nhân cách của chàng cũng đê-liệt quá. Câu ấy giá đem chất-vấn chắc chàng cũng đớ miệng không biết trả lời làm sao. Thế nhưng người ta thường nói rằng: « Kẻ trong cuộc hay mê, người ngoài vòng dễ tỉnh »; huống chi việc đó lại thuộc về ái-tình tác dụng, nó có cái ma-lực rất lớn, đủ làm cho người ta phải mất cả cái quyền tự-chủ của mình. Mộng-Hà quyến-luyến với Lê-nương không phải không biết là sự không nên, nhưng vì cái tình nó chung đúc vào không thể mà cấm chế đi được. Ngay nói như Lê-nương thì cũng có phải đâu là không như thế. Lê-nương vì không rứt được Mộng-Hà, cho nên cố muốn khuôn xếp việc hôn-nhân, Mộng-Hà vì không quên được Lê-nương, nên cũng không muốn cự tuyệt việc hôn-nhân. Chỉ vì chàng nghĩ Quân-Thiến vô tội mà bị vạ lây, vậy nên trong lòng thắc-mắc không thể yên được. Biết rõ sau khi sự thành thì cái ái-tình có một không hai, quyết không thể dời trút sang mình Quân-Thiến được, cho nên trong khi việc hôn sắp thành, chưa thành ấy, tình với tâm tranh, lo cùng mừng chọi, mà tỏ bày ra một cái thái-độ ngẫn-ngự trì-nghi. Mộng-Hà lầm-lỡ là lầm ở trước đây dùng bậy chữ tình, một lầm hai lỡ, quá chốn không về, mà thành ra cái hiện-tượng một dây một buộc. Vậy thì việc cùng Quân-Thiến kết hôn chính là một cái thủ tục cần phải qua, một cái công án không thể trốn đó rồi. Thế mà trong khi Thạch-Si đã về, lại có một sự gặp-gỡ lạ-lùng, đủ thúc dục cho việc hôn-nhân phải chóng thành, tức là đồng thời Quân-Thiến cũng ở nhà trường xin nghỉ mà rong thuyền từ Nga-hồ trở về quê vậy.

Trong sổ uyên-nương, chua lầm tên họ; trên lầu tích-tử, vẫn sẵn chiếu ngồi. Một việc rất khẩn yếu ở trong đời người, đến lúc đã sắp sửa diễn ra mà kẻ làm vai chính còn ù tịt chưa được biết gì, thực cũng là đáng thương cho vậy. Bấy giờ cái người trong bụng bối rối không biết tính sao, mình xử vào cái bước nghìn khó vạn khó, duy có một mình Mộng-Hà. Lê-nương được tin Thạch-Si đã về, mừng rằng việc ấy sẽ chóng thành, kết liễu cho mình được một mối tâm sự, ân-cần viết thư dặn Mộng-Hà đợi Thạch-Si về thì nhờ ngay sang chơi nói chuyện cầu hôn, chắc việc ấy thể nào cũng xong được đấy. Lê-nương vốn không biết cái trạng-thái bối-rối lo nghĩ của Mộng-Hà lúc ấy, lại viết một bức thư vô tình ấy để dục Mộng-Hà. Mộng-Hà xem thư chỉ những ôm bụng chau mày, quên ăn bỏ ngủ, không còn biết nói làm sao nữa. Vậy mà cái người cách xa nghìn dặm là Kiếm-Thanh, nhạn bắc hồng nam, tin tức đã lâu vặng bặt, bấy giờ bỗng cũng thơ ngư đưa đến, trong thơ trừ việc hỏi thăm mạnh khỏe, lại nói khôi-hài về việc hôn-nhân, lời rất mật thiết, đoạn cuối bảo nếu việc thành thì kíp viết thư báo tin mừng cho biết, kẻo lòng đương thắc-mắc chờ mong. Ôi lạ thay! Thạch-Si về mà Quân-Thiến cũng về, thư của Lê-nương vừa đến mà thư của Kiếm-Thanh cũng đến, đồng thời họp lại, tựa như các mặt đều đã cùng ước hẹn với nhau. Mộng-Hà ở trong chỗ bốn mặt bao vây, chịu sự áp bách nặng nề, hầu không có chỗ mà dong thân được nữa. Mênh-mang bốn cõi, chao ôi trời đất hẹp-hòi thay!

Thạch-Si ngay sau hôm về nhà, liền sang nhà trường thăm Mộng-Hà, bạn thân cách biệt lâu năm, nay được gặp nhau, mừng-mừng rỡ-rỡ. Thạch-Si trước hết hỏi Mộng-Hà về cái tình-hình sau khi tương-biệt, Mộng-Hà nhất-nhất trả lời. Rồi Thạch-Si lại kể những sự đi du học cho nghe. Nhưng Mộng-Hà thì vì trong lòng còn vướng-víu nỗi riêng, nghe nói chỉ bàng-hoàng như giấc chiêm-bao, một cuộc chuyện khảng-khái lâm-ly mà thành ra như thể nước xô đầu vịt, Khi trước góc bể bên trời, biệt ly đôi ngả, tấm lòng tưởng nhớ, ai khác gì ai. Một sớm một nhà hội họp, kề vế bày lòng, kể lể về những chuyện sau lúc biệt ly thì tưởng cái hứng vị sẽ mặn nồng đầm-ấm dường nào, cớ sao lại lạt-lẽo hững-hờ như thế!

Hai người đóng cửa trò-chuyện hồi lâu. Thạch-Si hào-hứng nổi lên, nói chuyện vui cười mãi ngồi quên bẵng hết cả thì giờ. Mộng-Hà thì chỉ ngồi như phỗng đất như tượng-gỗ đó thôi, nghe nói chẳng đáp phải trái, hoặc hỏi han câu gì, chỉ dạ dạ vâng vâng qua lượt. Thạch-Si đương lúc cao-đàm hùng-luận, cũng không rồi để ý xét nét, mãi rồi sau mới nhận biết ra. Nghĩ thầm chàng vốn người vui tính xưa nay, thường khi gặp mặt, vồn-vã chuyện-trò, hình-tích đã phơi bày ra hết. Ngày nay cách biệt bao lâu mới gặp, đáng lẽ hai người đều tỏ lộ mười phân vui vẻ, để đền bù mấy tháng khát-khao. Vậy mà cớ sao Mộng-Hà lại đổi hẳn thái-độ ngày vưa, người thì miệng nói tay trỏ, dật hứng tung bay, người thì mặt ủ mày chau, thần tình tẻ ngắt, trong lúc ứng-tiếp, đều như gượng cả, tuyệt không có cái vẻ hoạt-bát chút nào. Chắc là trong bụng có một việc đại nghi-nan gì, thần-kinh đã mất hiệu dụng rồi nên mới hiện ra cái vẻ nghĩ-ngợi ưu-sầu như thế. Thạch-Si bấy giờ nhìn kỹ cái sắc mặt Mộng-Hà, thầm đoán cái tâm-lý Mộng-Hà, trong bụng sinh ra một mối nghi-ngờ, không thể hiểu ra, bèn định tìm lời để dò hỏi. Mộng-Hà thấy Thạch-Si đương nói mà bỗng dừng lại, hai mắt lóng-lánh nhìn mình không chớp, tựa như đã biết ý Thạch-Si, bèn gượng ra bộ vui cười để che lấp đi. Thạch-Si càng ngờ, không thể im được, bèn đứng lên hỏi Mộng-Hà rằng: « Xét trong thần-thái của anh tựa như có điều gì lo nghĩ thì phải. Vậy anh có thể cho tôi biết được không? » Mộng-Hà nghe nói càng lộ ra cái vẻ luống-cuống, phải tìm lời mà nói giả thác. Trạch-Si cười mà rằng: « Anh còn giấu tôi làm chi thế! Tôi dẫu không sáng suốt được như Sư-Khoáng, nghe tiếng đàn ca mà hiểu biết lòng người, nhưng cái nhan-sắc thảm-đạm của anh, cái ý-hứng buồn tẻ của anh, chẳng khác như nó đã làm đại-biểu cho tâm-lý của anh rồi vậy. Chúng mình là bạn thân với nhau thì vui buồn phải cùng chung nhau mới phải, vậy anh cứ nên nói rõ tâm-sự cho tôi biết, nếu có việc gì hoài-nghi không quyết mà tôi có thể giúp được thì tôi sẽ xin đem hết sức vì anh. » Mộng-Hà thở dài mà rằng: « Cảm tấm lòng anh, tôi nghĩ càng thêm hổ-thẹn. Việc này vốn không phải định giấu anh mãi, chỉ vì nó khí tối-tăm, không dễ cất miệng nói ra, nên còn phải rụt-rè bưng-bít đó thôi. Hay đâu cái thần-thái của tôi đã bị đôi con mắt sáng chiếu vào mà thấu suốt được rồi, vậy tôi đâu còn dám dối người tri-kỷ! Song việc này không thể nói ra với người ngoài được, vậy tôi xin cùng anh ước hẹn, lời nói ra từ miệng tôi, lọt vào tai anh, tôi không giấu anh, anh cũng không nên không vì tôi giấu kín. Nếu không thì tôi thà bồ-hòn ngậm đắng, chứ không muốn đem cái danh-dự quý báu của người khác mà đổi lấy cái hạnh-phúc riêng hưởng cho thân mình. » Thạch-Si hơi bẳn mà rằng: « Anh cho tôi là con người phản ác thế nào? Tôi quyết vì anh mà giữ cái nghĩa-vụ bí-mật ấy. Nếu không tin thì tôi xin thề. » Mộng-Hà tạ rằng. « Việc đó vì có quan-hệ to, vậy tôi không thể không trịnh trọng như thế. Chứ không phải có ngờ gì anh. Xin anh thứ cho. » Trạch-Si nói: « Thế thì nên nói mau cho tôi nghe. » Mộng-Hà đến bấy giờ có cái thế tên sẵn trên cung, không thể không bắn, bèn đem một khúc đoạn-trường mà nỉ-non thánh-thót rót vào tai Thạch-Si, về sau đến vừa nói vừa chứa-chan nước mắt. Thạch-Si nghe chuyện cũng phải ngậm-ngùi vô hạn, phàn-nàn bảo đó thực là một việc bi-hận ở nhân-gian.

Rồi Thạch-Si than rằng: « Cái thanh tài của Lê phu-nhân, đã lâu tôi vẫn biết tiếng; anh mới tác khách một năm mà đã lấy văn tự kết nên được, một mối kỳ-duyên như thế há chẳng khiến người ta phải thèm-thuồng ghen-tỵ với anh ư? Hoa rơi có ý, nước chảy vô tình, Tư-mã Văn-quân, đều không chí muốn, mà một đoạn tình-si đến nỗi dan-díu không cởi ra được như thế! Vần thơ đi lại, giọt lệ đầy vơi, trăng gió Dung-hồ, hầu đã bị một đôi tài-tử giai-nhân chiếm hết với nhau; tuy là hận-sự mà thực cũng là diễm-sự vậy. Anh thề ở góa trọn đời, vốn là một việc quá tình không nên như thế. Muốn được yên-úy lòng tri-kỷ, đừng nên từ-chối việc hôn-nhân. Quân-Thiến cũng không phải là người cân-quắc tầm-thường, can gì anh phải cố chấp quá! Đôi hoa cùng đẹp, muôn hận đều tan. Muốn cho khách tình đều được nên bạn lứa với nhau, đó vốn là cái bụng của tôi; vậy việc mối-lái tôi xin sẵn lòng giúp được. » Kế lại mỉm cười mà rằng: « Chuyến này tôi giúp anh toát-hợp duyên ấy, tôi thì chịu sự khó nhọc mà anh được hưởng sự sung-sướng, vậy sau khi việc thành, anh định lấy gì để đền ơn băng-nhân? Đó là việc thiết-kỷ của tôi, cần phải giao hẹn với anh trước. » Mộng-Hà cũng mỉm cười không nói. Thạch-Si chợt đứng dậy mà rằng: « Bây giờ tôi nên tới hầu Thôi-lão để nói việc cầu hôn cho anh, chiều hôm nay anh sẽ chờ nghe tin tốt. Đối với việc ấy tôi lại nóng-nẩy hơn anh kia đấy, chả cũng đáng buồn cười lắm ư? » Nói xong, cười ầm lên mà đi ra cửa. Mộng-Hà gọi lại bảo hãy thong-thả đi đâu mà vội, song Thạch-Si cứ tung-tăng đi.

Thạch-Si lúc ấy đến ngay nhà họ Thôi, lấy lễ cháu mà yết kiến Thôi-lão. Hàn huyên vừa cạn, Thôi-lão bèn hỏi Thạch-Si đến chơi hay có việc gì. Thạch-Si cung kính mà nói rằng: « Cháu đến đây định để làm mối cho nữ công-tử. » Thôi-lão nói: « Hiền-điệt định làm mối tiểu-nữ cho ai thế? » Thạch-Si nói là Mộng-Hà và hỏi chẳng hay người ấy có được xứng ngôi đông-sàng không, » Thôi-lão mừng mà rằng: « Mộng-Hà cùng tôi vốn có họ xa, nay lại trọ học ở nhà tôi; người ấy tuổi xanh học rộng, tôi vẫn lấy làm trọng đã lâu, được người con rể như thế thì nhà tôi cũng thêm rạng vẻ. Nay hiền-điệt đã có bụng tốt tác-hợp việc ấy, lão-phu đâu dám chẳng vâng lời. Song tiểu-nữ tính vốn ương gàn, trước đây có mấy đám giạm hỏi, nó cũng đều nhất định từ chối. Từ khi đi học ở nhà trường đến nay, say mê cái thuyết kết-hôn tự-do. Lão-phu cũng không muốn tự lấy ý riêng của mình mà làm lỡ đến cái đại-cục trọn đời của nó. Cơ duyên may-mắn, hôm qua nó cũng mới ở nhà trường xin nghỉ về nhà, vậy để lão-phu hãy hỏi ý nó xem, thế nào đến ngày mai sẽ xin phúc đáp ». Thạch-Si không tiện nói thêm gì nữa, bèn cáo từ trở về, đoán chừng việc này mười phần đã có thể chắc được bảy tám. Quân-Thiến là người nữ-học-sinh, có đủ những trí-thức mới, thì tất có cái tuệ-nhỡn biết người; như Mộng-Hà kia nếu lại còn chửa bằng lòng thì phỏng còn tìm đâu cho được người lang-quân như ý?

Lúc Thạch-Si đến nhà cụ Thôi, do một thằng nhỏ ra đón dẫn vào, con Thu trông thấy liền chạy vào nói với Lê-nương rằng: « Có khách! Có khách! Đầu lốc-ngốc, đi giầy lộp-cộp, vào thăm ông nhà! Vào sân rồi! Lên nhà rồi! Quái lạ không biết là người nào? Mà đến làm gì thế chả biết! » Con Thu hốt-hoảng báo tin như thế là vì nó thấy Thạch-Si đầu bỏ bím, mình cải trang ăn vận khác thường, cho nên không biết là ai mà phải lấy làm kinh-dị, Lê-nương mắng mà rằng: « Con nỡm con, việc gì đến mày mà thất-thố như thế! Chạy ra ngoài vườn trông xem hoa mai đã nở chưa, đừng ở đấy liền-thoắng lên gì! » Con Thu vâng rồi ra.

Vết xe rêu mọc những ngày, qua thăm ướm hỏi hôm nay khách nào? Lê-nương thầm đoán trong lòng, đã quyết chắc người khách đến chơi hẳn là Thạch-Si chứ không còn ai nữa; mà Thạch-Si đến chỉ là vì việc mối vợ cho Mộng-Hà chứ không còn việc gì nữa. Sở-dĩ đuổi con Thu ra là vì nàng định bắt chước Sái phu-nhân núp trong bình-phong để trộm nghe tin-tức đó thôi. Trong khi cụ Thôi và Thạch-Si trò-chuyện với nhau, sóng tiếng đều lọt cả vào tai nàng, không hề sót một lời nào cả. Đến lúc khách ra, nàng lại về phòng, chợt cụ Thôi vào gọi ra mà bảo rằng: « Ta có việc này cần bàn với con: ta đã già rồi, đời Đặng-Du đã chẳng còn bao, dạ Hướng-Bình vẫn chưa được hả, Quân-Thiến đã trưởng-thành như thế, đường thất-gia vẫn hãy chung-chiêng, nó đã nhiều lần trái ý ta, há có lẽ nó định suốt đời ở vậy! Nay ta đã vì nó tìm được chồng ngoan, băng-nhân vừa đến nhà xong, ta đã nhận lời rồi đó. Vậy con nên vì ta cố khuyên dỗ nó, bảo nó đừng nên ngang trái nữa mà làm cho phiền lòng cha già ». Lê-nương giả vờ không biết mà rằng: « Thưa cha, trước cha vẫn nói tất được Mộng-Hà thì mới xứng đáng là chồng Quân-cô, nay sao lại bỏ người ấy mà kén vị đông-sàng khác nào thế? » Cụ Thôi nói: « Thì vẫn chính là Mộng-Hà chứ ai! Mắt lão tuy hoa, nhưng thực hãy còn đủ cái sức biết người; như chàng Mộng-Hà thực là một chàng thiếu-niên hiếm có thời nay đấy. Nửa năm gần-gặn, ta thường vẫn để ý vào chàng, nay chàng tự nhờ mối lái đến cầu hôn, ta lẽ nào lại chẳng bằng lòng mà để lỡ mất cái mối duyên tốt ấy! » Lê-nương nói: « Quân-Thiến được sánh với Mộng-Hà thì thật là tốt đôi đẹp lứa; huống lại có cha chủ-trương, có con khuyên dụ, thì chắc thể nào Quân-cô cũng bằng lòng. Vậy con xin đến báo tin mừng ngay với Quân-cô mới được ». Nói rồi liền phủi áo mỉm cười đi vàò.