Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/19
CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN
Lòng thu
Sân thu man-mác lá vàng,
Trời thu thoi-thót bóng nhàn sang nam;
Sầu thu ri-rỉ dưới màn,
Mưa thu thêm não can tràng khách thu;
Song thu heo-hắt gió lùa,
Hơi thu quạnh-quẽ, sắc thu não-nùng;
Lòng thu man-mác không cùng,
Tình thu vấn-vít trăm vòng tơ vương;
Mộng thu vơ-vất canh trường,
Trăng thu bao chiếu bóng vàng đôi ai?
Sầu thu gánh nặng hai vai,
Hờn thu chứa chất hầu vơi lại đầy.
Chao ôi! Phong-quang sáng đẹp, tiêu hồn luống để riêng ai; thời-tiết đổi thay, xúc-cảm khá thương cho kẻ! bấy giờ đã sau tết trung-thu mười bốn hôm rồi. Mộng-Hà trải sau trận phong-ba ấy, trong lòng rất là khổ-não, nghĩ hai người trải bao cay đắng, mà chỉ đủ làm trò cho đứa gian cợt-ghẹo, phẫn-uất không biết chừng nào. Kế chàng lại nghĩ: « Ta với Lê-nương cái nhiệt-độ ái-tình kể đã lên cao tột mực, song bấy nay chỉ nhờ ở mảnh tiên trao đổi để tiếp thông tình ý cùng nhau; nửa năm mưa nắng, đã gieo được khá nhiều hạt giống tương-tư, thương nhớ bao tình, mà hồ dễ biết làm sao được! Vì thế mà ta đã đòi phen toan những buồng hương lén bước, đài kính khấu đầu, để được đem mối lòng phức tạp chiền-miên mà giãi bày ở trước mặt người ngọc tâm-ái của ta, thì dù chết cũng không còn hối hận gì nữa. Song khốn vì trong ngoài chia cách, lễ phép ngăn-ngừa, nàng hẳn chẳng chịu ưng lòng, ta cũng khó bề mở miệng; mơ hình tưởng bóng, luống não lòng thôi, họp mặt cầm tay, mong gì sự ấy; mấy đời mấy kiếp tu cho đến, một cười một mỉm dễ mà mua; mắt nhìn xuông chữ gấm nghìn hàng, lệ khôn ráo khăn là nửa bức. Nay bỗng sao-dữ ở lưng trời bay xuống, kẻ gian bên kẽ nách chơi khăm; kinh sợ hãi-hùng, đôi nơi cùng hãm vào cái bước vô cùng khổ não. Song lại chính là nhờ việc ấy đưa đường dắt lối, khiến mình được cùng người ngọc suốt đêm trò-chuyện, trước kia không thể hy-vọng trong muôn một mà nay thoắt được như nguyền, cái độc-kế của kẻ gian lại thành ra giúp nên việc tốt cho mình, tuy bảo không may mà trong đó thực cũng có mấy phần may-mắn. Mộng-Hà bấy giờ mối lòng ác-cảm đối với Lý đều tiêu-tan đi hết. Lê-nương nói sự lo sau phải nên phòng giữ, ân-cần dặn đừng nên gây chuyện với Lý, Mộng-Hà nay mới rất phục là người tính việc chu-đáo mà hối mình cạn dạ nông lòng. Ngày hôm sau đến trường gặp Lý, tiếp đãi vẫn vui-vẻ như thường. Lý chợt thấy Mộng-Hà đến, sắc mặt ra chiều bối-rối. Kế thấy Mộng-Hà không nói câu gì khác thì hắn tía-tai đỏ mặt, trơ mắt cứng hàm, đó là do lương-tâm nó phát hiện ra như thế. Con người ta dù cực-giảo cực-ác, hãm hại người ta đến nước, nhưng kẻ bị hại cứ nhất-thiết làm lơ không hề giận-dữ, thì thể nào cũng phải nhụt lòng gian-ác mà sinh bụng ăn-năn. Người ta nói rằng: « Lòng chí thành có thể cảm được loài cá », Lý dẫu là đứa ngu-ngoan, nhưng đã đến nỗi như thể loài cá đâu! Lý thấy sự đối đãi chân thành của Mộng-Hà, càng tỏ ra cái vẻ sượng-sùng ngượng-nghịu. Về sau tấm lòng hiểm-ác vì Mộng-Hà cảm-hóa đi được mà biết hết lòng về việc dạy dỗ, không để ý gì đến việc khác, lại thành ra một người ôn-hòa nhã-nhặn, khác hẳn với tính-nết ngày xưa.
Đại-phàm người ta trong khi ái-tình đã đến mực nồng-nàn, chợt gặp cái ác-ma nó đến ngăn trở, thì cái ác-ma ấy chỉ có thể phá hoại được cái ngoại bộ của ái tình mà thôi, chứ không thể phá hoại được đến nội bộ; mà cái hiệu-lực sau cùng của nó, sẽ lại làm tăng thêm cho nhiệt-độ của ái-tình; phần sở-đắc bù vào với phần sở-thất rồi lại còn có phần thừa ra nữa. Mộng-Hà sau khi cùng Lê-nương tương kiến, chứng rõ hai bên đều là hiểu lầm cả, càng ngán lòng đời dạ thế, hiểm-hóc khôn lường, một người bạn đồng-sự rất thân, mà ai biết đem lòng phản trắc; vậy biết sinh ra đời mà gặp được người tri-kỷ, có phải là một sự dễ đâu! Trời cao lồng-lộng, đất rộng mênh-mang, trên thế-gian này, cái người thực có lòng yêu thương ta, có chăng là cha già chín suối, mẹ góa năm mươi, và người anh nghìn dặm xa-xăm, ngoài đó ra thì duy có một người đáng yêu đáng kính của ta là Lê-nương cùng ta có mối quan-hệ, dù sống chết cũng không quên được. Sau cơn khủng bố mà muôn mối tơ sầu lại càng vấn-vít, không giận chi Lý-Mỗ gian ngoan, những căm nỗi hóa-công độc-địa. Có lúc nghĩ đến đường tình hiểm hóc, chưa biết cái ma-kiếp sau này còn những thế nào nữa, mà sinh ra tâm-ý nguội lạnh, bao nhiêu sầu lự dường như đã tiêu tan đi cả, tưởng chừng như đã có thể vượt qua bể ái, rứt đứt tơ tình. Thế nhưng rồi mà lại nghĩ: Cuộc xum họp thân sau chưa chắc, mối hy vọng kiếp này còn đây, giấc mơ lẩn-quẩn chưa rõ ra sao, vội mà kết liễu ngay đi thì lòng thực không cam, tình thực khó giải. Than ôi, trời xanh cắc-cớ, khéo chêu ghẹo người ta chi lắm, đã không để không gặp nhau, lại không cho sớm gặp nhau, đã không bắt thường xa nhau, lại không cho được gần nhau, khiến cho hai tình cùng lăn-lóc mệt-mê, vĩnh viễn không sao giải quyết được. Trời ơi! Trời ơi! Hỏi không thấy nói, gọi chẳng buồn thưa! Đến nỗi nước này thật những muốn tuốt gươm mà cùng lão trời già tai-ác kia đánh nhau một trận; đánh mà không được thì dẫu cho đến chết là cùng. Lòng trời còn cay-nghiệt, lòng đời còn đảo điên, nhưng đã đến chết thì cái gì mà không liễu kết! Từ đó về sau, chàng lại thêm lên một tầng căn bệnh, ghì chặt mấy lớp lưới tình, sống không được làm cây liền cành, chết thê hóa ra chim liền cánh, khăng-khăng một mực, quyết không bao thay đổi dạ vàng.
Cảnh đẹp của bốn mùa không cùng, thú vui trong đời người có hạn. Cảnh-ngộ người ta ở đời vốn không giống nhau, cho nên mối cảm cũng không giống nhau, bậc trên thì để tâm vào những việc thiên-hạ quốc-gia, bậc dưới thì lưu ý vào những việc ăn ngon, sắc đẹp, mối cảm có sâu có nông, khác nhau xa lắm, nhưng đều không khỏi nhân theo về thời-tiết bốn mùa, mùa nào cũng có cái đẹp riêng của mùa ấy, khi thì nồng-nàn rực rỡ khi thì mộc-mạc nhạt-nhùng, nghìn sắc trăm hình mà đều có cái vẻ tuyệt-diệu, đều đủ làm vui sướng cho tai mắt người ta, thỏa-thích cho tính-tình người ta, đó là những thú hành-lạc thiên-nhiên mà tạo-hóa riêng dành cho người ta đó. Song người ta đối cảnh lại thấy có vui có sầu, có tươi có ủ, đó là vì hoặc tùy người mà trái khác, hoặc tùy lúc mà đổi thay. Đại-khái kẻ vui tươi thì ít, người sầu-ủ thì nhiều, cái thì giờ vui tươi thì ít, cái thì giờ sầu-ủ thì nhiều. Cảnh vật bốn mùa nồng-nã với nhạt-nhùng đối nhau là mùa xuân và mùa thu, người ta đối cảnh thường nhân cảnh-vật đổi thay mà sinh ra cái hiện-tượng đổi thay của tâm-lý. Song ở con mắt kẻ vô sầu xem ra thì tuy thu-sắc bơ-sờ không bằng được xuân-quang sáng đẹp, song non xanh mây biếc, sương trắng hoa vàng, xúc-cảm vào trong con mắt lại thấy có riêng một cái vẻ đáng yêu, chứ vị-tất ai ai cũng trông mầu cỏ úa mà đau lòng, đứng trước gió may mà gạt lệ Còn về kẻ thương tâm xem ra thì trời lành cảnh đẹp, vẫn thấy tê buồn, điếm quạnh đêm sương, càng nhiều khổ não. Đất khách chiếc thân trơ-trọi, trời thu một vẻ hoang-lương, lấy một người ngổn-ngang tâm sự như Mộng-Hà, gặp cái thời-tiết ủ-ê, lại càng thêm trăm mối tơ sầu, gỡ ra không được. Ngẩng đầu thấy mặt trời thảm-đạm, liếc mắt trông trăm vẻ tiêu-điều, chàng là người nào mà chẳng phải đau lòng não ruột được sao. Mỗi khi xong việc bài vở nhà trường, lại đi ra sau nhà tán bộ, thì thấy mây tan núi quạnh, bóng xế cỏ vàng, đồng rộng không người, gió may buốt thịt, một bức tranh bơ-sờ nhợt-nhạt, trạm vào mắt như xiên ngang ruột, cảm vào lòng tưởng chết nửa người. Lại thêm bên khe nước chảy, có mấy cây tàn liễu cành khô lá úa, gió lay phơ-phất ở dưới bóng tà-dương; trên cành điểm vào mấy con quạ đen, xào-xạc đua kêu, tựa như là dục-dã những ai người lữ-thứ! Đất lọ phải Bạch-môn, người cứ gì Trương-Tự, nhân thời gợi cảm, thấy vật đau lòng, xót phận thương thân, ai người tránh khỏi; đa-tình như Mộng-Hà mà bảo không phải vỗ vào gốc cây mà phàn-nàn than khóc được sao!
Trời lạnh dương chìm, một mình thơ-thẩn, kẻ chăn trâu, người kiếm củi, đều đã tuyệt-tích ở trên cánh đồng xa, chỉ còn con cắt đói muốn xuống còn bay quanh, con thỏ đồng thấy người mà chạy trốn; nước khe róc-rách, tựa như vì kẻ thương tâm mà kêu nỗi bất-bình; sắc núi trông lên, thảm-đạm như chết, mây sầu trùng điệp, phủ kín một mầu. Tình trạng bấy giờ chẳng khác như mình đã lạc vào giữa bãi sa-mạc mông-mênh, bốn bề hiu-quạnh, một mình bơ-vơ, làm cho mắt phải hoa mà hồn phải khiếp. Mênh-mang cõi lớn, rộng-rãi vô ngần, nhỏ mọn chiếc thân, trơ-vơ đứng đó. Phương trời ngút mắt, trông ngóng về đâu? Một mảnh lòng thu, bút nào vẽ được! Bèn đón ngọn gió mà gạt lệ, ngâm vần thơ để gửi lòng. Thơ rằng:
I — Bông hoa phơ-phất đầu cành,
Khá thương con bướm liệng quanh bên ngoài;
Tìm hoa, hoa rụng hương phai,
Kinh sương ngại gió rã-rời cánh bay.
II — Nhạn hồng tan-tác chia bay,
Đỗ-quyên khắc-khoải đêm ngày kêu thương;
Não người thay lúc thu sang,
Bi thu giọt lệ nhuốm tràng áo xanh.
III — Năm ba cò trắng bên sông,
Sương gieo mặt nước lạnh-lùng hơi thu;
Hoa sen tan-tác mặt hồ,
Đoạn-trường-hoa ấy, là phù-dung-hoa.
IV — Hắt-hiu trận gió kinh người,
Rừng phong thu đã nhuộm mùi quan san;
Một mình trăm mối bàn-hoàn,
Sầu xưa hận mới muôn vàn thương tâm.
V — Gió cây trút lá ào-ào,
Tuyệt mù khôn tỏ lối vào Thiên-thai;
Chung quanh cũng nước non người,
Giận duyên ngang ngửa, thương đời bơ-vơ.
VI — Hoa gương trăng nước mơ-màng,
Đường kia nỗi nọ ngổn-ngang trăm bề;
Đầy ngàn hoa liễu lê-thê,
Phong-quang từ đấy thuộc về tay ai?
Tiếng ngâm não-nùng, ma rừng muốn rú, lưng trời chiếc nhạn, cũng giùng-giằng không dám vội qua. Chiều trời sắp tối, cảnh tượng càng buồn, không tiện đứng lâu, chàng bèn quay về viện sách. Song chàng cũng không vào phòng vội, còn thẫn-thờ đứng trước sân hoa. Bấy giờ một vành trăng mới, đã lên ngọn cây, trong sân hai gốc tân-di và lê-hoa còn trơ mấy cái lá úa cành khô, sờ-sạc dưới trăng, tựa như thể cùng nhau than khóc. Chàng trông về bên hòn núi giả thì lại thấy mồ hoang cỏ áy, bia cũ rêu mờ, dưới đất hồn hoa, bao giờ mới tỉnh? Lòng chàng đến bấy giờ bất-giác muôn phần chua xót, giọt lệ tràn mý mắt tuôn ra, liền đến bên mồ, khóc than rền-rĩ. Nguyên từ sau khi chàng chôn hoa, chẳng khác như mở một cái cảnh-giới đoạn-trường ở đó, mỗi gặp lúc nỗi lòng uất-ức thì lại thường đến đó bàn-hoàn than khóc, đem muôn hộc lệ trong mà tưới dội vào một nấm hoa tàn. Chàng lại thường khấn rằng: « Hồn hoa có linh thì rồi đây trên mả nên mọc ra một thứ kỳ-hoa để phát tiết cái khí uất-ức khôn tiêu đi được ». Than ôi! Chàng thật là si-tình lắm thay!
Viết đến đây, kẻ chép truyện lại xin thuật đến Lê-nương, Cái thần-kinh của người đàn bà so với đàn ông thường yếu-ớt hơn, không thể chịu nổi được những sự khích-thích mạnh dữ. Lê-Ảnh là một người đàn bà vóc huệ mình lan, là một người gái góa tiết sương nết bách, đóng cửa phòng đông, nằm giường gác tây, ý gió tình trăng, sớm đã như bóng nước hoa sung tiêu-tan hết thẩy. Tự thương mệnh-bạc, dám tiếc xuân-xanh! Ông bố đã già, sớm hôm thờ phụng, chút con còn bé, trách-nhiệm chăn nuôi, biết bao công việc trong nhà, đều cạy ở một tay cáng-đáng. Chiếc thân nhi-nữ chèo-chống một tay cái môn-đình đã xiêu-giẹo, cái nông-nỗi gian-nan khốn-khổ, chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Nào ngờ đâu mối duyên quái-ác đem đến tự-nhiên, làm cho một mảnh lòng xuân đã như nắm tro tàn lại còn bén lửa. Rồi mà nghìn nỗi âu-sầu, muôn phần sợ-hãi, đều kế tiếp phát sinh ra mãi, nay lại gặp một cái khích-thích lớn-lao này nữa, mưa rào gió rập, trận trận vùi người, bể óc xôn-xao, cờ lòng lảo-lướt, thật là những nỗi mà từ thủơ sinh ra chưa từng phải kinh-lịch bao giờ. Chao ôi! thân thế đã xót vì long-đong, danh-tiết lại đau vì tai-tiếng, trong lòng sống chết không biết quyết bề nào. Muốn sống thì mấy trùng nghiệt-chướng, đè ép khôn kham, muốn chết thì một chút thơ ngây, trơ-vơ chẳng nỡ. Nàng đem việc trước nỗi sau, suy lường tính toán, mà lòng son một mảnh đã chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau. Đương khi nàng viết thư gọi chàng, lăm-lăm định cùng chàng quyết tuyệt phen này, đến lúc nghe chàng nói rõ căn nguyên thì ra chàng đãi mình vẫn một bụng chí-thành, chứ không có điều gì đáng trách; tấm lòng oán-giận lại đều ném cả ra ngoài chín lần mây. Rồi đó buồng the vắng-vẻ, thần trí mê-man, một mối lòng muốn vứt bỏ đi, một mối lòng lại vương-vít lấy, tơ-tình càng gợi mà càng rối, lượng sầu càng lắc lại càng đầy. Đương khi Mộng-Hà trước gió thở-than là lúc Lê-nương trong phòng ủ-rũ. Đối với thu-sắc đầy sân, không một cái gì là không đủ làm cho cái cảnh đau lòng đứt ruột, rèm thưa không cuốn, hơi lạnh vẫn lùa, giọt lệ ngắn dài, hoa đèn mờ tỏ. Liền cầm bút đề bài thơ rằng:
Hơi may heo-hắt thổi,
Quạt lượt ngẩn-ngơ cầm;
Rờ-rạc hoa vàng nở,
Bơ-phờ bướm trắng thăm;
Trời cao trăng lộng-lộng,
Phòng tối khách đăm-đăm;
Dưới ngọn đèn xanh ngắt,
Mưa rơi giọt lệ thầm.