Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI LĂM. Xa, nhớ

CHƯƠNG THỨ MƯỜI LĂM
Xa, nhớ

Bến nam thuyền đậu, nhà bắc huyên tươi. Hạ-tuần tháng năm, Mộng-Hà dong thuyền về quê, sau một ngày, Kiếm-Thanh cũng từ Phúc-kiến về. Anh em xa cách lâu ngày, bỗng chốc một nhà xum họp, mặt mừng tay bắt, nhìn xem dong mạo ngày nào; gối tựa giường kề, kể lể nỗi niềm đất khách. Sự vui sướng của đời người còn gì hơn xa lâu mới gặp, lại còn gì hơn xương thịt lìa tan, bên trời góc bể, mà phút đâu đôi ngả cùng về. Kiếm-Thanh từ mùa thu năm ngoái xuống Phúc-kiến, xa quê đã hầu một năm chầy. Bâng-khuâng cảnh cũ, như lạ như quen, thanh-thả ngày hè, có bầu có bạn. Hai anh em bèn cùng nhau khi dong chiếc xe, khi thả con thuyền, chơi dạo gần xa, nhởn-nhơ đây đó; khi dạo gót trong hiên Hưởng-điệp, nhận tấm bia tàn; khi ngủ nhờ trong mái Hàn-sơn, nghe chuông đêm vắng; tìm vết cũ sang đồi Hồ-phụ, thăm mả người xưa; viếng hồn trung qua bến Tiền-đường, xem trào buổi tối; có lúc đề thơ vách đá, ghi dấu qua chơi; có khi vui chén lầu hoa, giải sầu kim cổ. Hai người ra thì sóng vai, về thì chung gối, có lúc thâu đêm trò-chuyện, có khi suốt buổi ngâm đề, nhà cửa xum vầy, dưới trên vui vẻ. Giầy cỏ mũ nan, cách điệu khoan nhàn thư thái, người ta trông thấy những ngỡ là lục-địa thần tiên. Hay đâu cảnh đẹp không thường, cuộc vui dễ hết; thú chơi chưa cạn, ma bệnh đã theo. Mộng-Hà là tấm thân hay ốm xưa nay, đất khách bơ-vơ, ăn ở đã không dìn giữ; quê nhà dong duổi, đi về phải chịu bôn ba. huống chi lòng riêng trăm ngẩn mười ngơ, mối đau ngầm ốm nặng ở bên lòng, chàng không thể sẻ cho Kiếm-Thanh, mà cũng không thể ngỏ cho Kiếm-Thanh biết được. Mầm bệnh gieo sâu, mọc lên không hẹn, chỉ trong vài buổi chàng đã lại làm duyên với ấm chè siêu thuốc, không thể cùng Kiếm-Thanh ngao du sơn thủy được nữa rồi.

Rợp cửa bóng tre, đầy nhà khói thuốc. Kiếm-Thanh vì Mộng-Hà ốm, cũng không còn bụng nào đi chơi đâu nữa, suốt ngày bầu bạn ở bên giường. Mộng-Hà ốm lần này thế bệnh đem đến rất mau, vừa nóng lại vừa rét, mồ-hôi ra đầm-đìa khắp trán; có lúc lại mê-man không biết gì cả, nói mê lảm-nhảm luôn-mồm. Mẹ và anh thấy thế rất lấy làm lo, kíp đi mời thầy thuốc đến xem bệnh bốc thuốc. Kiếm-Thanh cũng có biết thuốc, bèn đem ý mình bàn góp với ông lang để châm chước liệu dùng. Chữa trong hơn một tuần thì bệnh chàng bớt, nhưng lại thành ra chứng sốt rét. Người tuy đã tỉnh, nhưng cơn rét thường phát ra luôn, thân-thể mệt rời tả-mả, lúc nào cũng muốn ngủ, không thích cùng người nhà chuyện-trò gì cả. Bởi vì cái nguyên khí của chàng trước đây đã khuy tổn nhiều lắm, nay muốn khỏi bệnh, còn cần phải tốn công điều-dưỡng, không thể trong khoảng sớm tối mà đã mong chứng bệnh được lành.

Kiếm-Thanh vốn tính hữu ái, từ sau khi Mộng-Hà ốm, hằng ngày quanh-quẩn bên giường, không dời đi đâu bước nào cả, ấm trà siêu thuốc, săn-sóc trông nom. Bà mẹ thương con, thấy Mộng-Hà thế, lo-lắng suốt ngày. Kiếm-Thanh lại tìm lời yên-ủi cho mẹ yên lòng, nói bệnh em chỉ độ mấy ngày sẽ khỏi. Kỳ thực lòng chàng cũng vẫn lo ngay-ngáy, suốt ngày săn-sóc cho kẻ đau. Một hôm nhân lúc rỗi việc thuốc-thang, chàng đến bên án lấy sách ra xem cho tiêu-khiển, tình-cờ giở đến cái níp của Mộng-Hà, vớ được mấy tờ giấy, xem mà cả kinh. Nguyên những thơ từ xướng-họa, thư-thiếp gửi trao của Mộng-Hà đối với Lê-nương, Mộng-Hà đều thu-thập bản ráp buộc thành một bó, nhất là đến những thơ từ của nàng tặng cho, chàng lại càng để ý giữ-dìn trân-trọng; nửa năm trời bao nhiêu dấu-tích, đều ở cả trong một cái níp để bên cạnh án, đinh-ninh là mình đã giấu kỹ như thế, còn ai biết đâu mà dò được mọi điều bí-mật ở trong. Kiếm-Thanh trong lúc vô-tình, biết được cái tin-tức lạ-lùng, sao khỏi lấy làm kinh-ngạc. Xem kỹ thơ từ thì nào giọng thề-bồi, nào lời gắn-bó, biết em đã vương-víu vào một mối tình-duyên. Kế lại tìm thấy mấy bức thư dài thì tâm-sự làm sao, không còn thể giấu ai được nữa. Lại lục kỹ xem thì nào thơ nào từ, nào tấm ảnh của Lê-nương đều lần lượt tìm ra hết cả, năm mầu mười vẻ, làm cho Kiếm-Thanh hoa cả mắt lên. Đọc xong rồi vừa sợ vừa mừng, mới biết người con gái này tài cao Đạo-Uẩn, mệnh-mỏng Văn-quân, cùng Mộng-Hà giao kết đã hai ba tháng; tình ý dẫu keo sơn khắn-khít, thư từ không trăng gió lả-lơi, giai-nhân hồ dễ được bao người, thực cũng đáng khen mà đáng kính. Mộng-Hà ôm giận Phàn-Xuyên, kém duyên Tư-Mã, dạ sầu một tấm, không biết đem bày tỏ cùng ai, có lẽ vì thế mà uất-tích thành ốm đó chăng? Nghĩ như thế, lại không thể không vì Mộng-Hà lo sợ. Sau đọc đến cái tin-tức sau cùng của hai người, thấy Lê-nương định đem Quân-Thiến để thay thế, lời nói thiết-tha mà cảm-động, bất-giác hớn-hở vui mừng mà nghĩ thầm rằng: « Đem lại một đời hạnh-phúc, bù cho trăm mối si-tình, việc này là việc rất hay, ta phải vì thằng em vun-vén cho thành, không để cho nó tự ý một mình, rước não cưu hờn mà cam chịu suốt đời ở vậy. » Bấy giờ Mộng-Hà bệnh đã hơi bớt, nhưng chưa dậy được, trằn-trọc trên giường, rất là buồn-bã, hằng ngày thích cùng với Kiếm-Thanh chuyện-trò. Kiếm-Thanh nhân thừa cơ hỏi rằng: « Em ở Dung-hồ, chắc hẳn có cái duyên dan-díu thế nào, nếu không thì sao lại ra vẻ buồn-rầu lắm thế? » Mộng-Hà nói: « Không! » Giọng nói có ý lúng-túng, vẻ mặt có ý thẹn-thùng, trả lời được một tiếng liền đã nói lảng sang chuyện khác. Kiếm-Thanh cười mà rằng: « Em đừng nên giấu, anh đã biết rõ cả rồi. Nếu không thì cớ chi lại có bức ảnh nọ? » Mộng-Hà nghe nói, biết việc bí-mật của mình đã bị anh mình biết hết cả, tức lắm. Sau nghĩ: anh mình vốn không phải là người thiên-hạ, vậy dù đem thực tình nói chuyện cũng chẳng làm sao; bèn đem cái lịch-sử giao-thiệp với Lê-nương, đầu đuôi kể-lể cho Kiếm-Thanh nghe hết. Lúc nói, vừa nói vừa ra ý ngậm-ngùi chua xót, sau cùng đến phải sa nước mắt ròng-ròng.

Chuyện vãn bên giường, lệ đầm mặt gối. Kiếm-Thanh thấy Mộng-Hà vừa nói vừa khóc, cũng phải lấy làm thương cảm, nhân tìm lời yên-ủi rằng: « Mộng tốt thường mau tỉnh, tình sâu để nặng hờn. Thiên-hạ nhiều những việc thương tâm, nhân sinh thiếu gì phen thất ý. Từ xưa đến nay một chữ tình đã làm hại khổ biết bao nhiêu hào-kiệt anh-hùng, vương-tôn công-tử; đường tình nguy hiểm, sạo nên liều-lĩnh mà đi vào. Như em lấy một tấm thân đa bệnh, cùng với cái sức rất mạnh của tình ái đánh nhau, cơ tất bại hẳn là chắc lắm. Huống chi hoa lê bạc-mệnh, sớm dạn đông phong; hạt đậu đa tình, riêng sinh nam-thổ; nàng đã quyết lòng trần rũ sạch, em sao còn giấc mộng mê-man; trời cao bể rộng, ơn nọ chưa đền, gió hẹn trăng hò, để điều tai tiếng; vô vị còn gì hơn nữa? đáng thương kể biết chừng nào! Anh không phải cố nói những câu ngang trở, để tự đặt mình vào hạng vô tình đâu. Bởi vì đã xem từng ở thế-gian này, bao những kẻ say đắm về tình, đến khi kết quả chẳng ra gì, rồi lại đem lòng hối hận. Ba sinh thoắt đã tàn giấc mộng, trăm năm còn để lại trò cười, sẩy chân mang giận nghìn đời, ngoảnh đầu đã sắp ra người cửu-nguyên; lợi hại rành-rành, sao nên chẳng giữ mình thân trọng. Anh thường vẫn mình lại hỏi mình, học-vấn văn-chương, cái gì cũng kém thua em cả, nhưng duy về đường tình ái, thì vẫn giữ mình được một cách vững-vàng. Trong vài năm nay gặp gỡ người đẹp không phải là không nhiều; thế nhưng mắt trông mà lòng lại quên đi, trước gặp mà sau liền nhãng bỏ. Như em người vốn đa tình, lòng thường dễ cảm, gặp nhau chưa mấy, đã kết nên một dải đồng-tâm! Nên biết trèo non cao buông được tay ra, phải sẵn có lòng cương-nghị; trông bể khổ quay ngay đầu lại, mới là đáng mặt thông-minh. Em ơi em! Hoa xuân rụng hết, than thở muộn rồi, giấc mộng tỉnh ra, phàn-nàn chi nữa! Lúc này gỡ thoát được cũng chưa là muộn, mong em nên tỉnh ngộ mau mau. Huống chi cái kế nàng đã tính cho em thật cũng là đến nghĩa đến tình, giải đồng tạm cởi, kiếp này đã lỗi thì thôi, bạn ngọc tìm cho, duyên ấy vừa xinh lắm đấy. Kế hay như thế, em chớ mê-man không tỉnh, cam bỏ thân vì một mối si-tình. Năm nay em cũng đã ngoài hai mươi tuổi đầu rồi nhà ta họ suy người hiếm, anh em chẳng được mấy lăm người, hồn cha hẳn những muốn đông đàn, lòng mẹ cũng thường mong bế cháu. Việc ấy nếu mà thành được thì một là vui dạ từ-thân, hai là hả lòng tri-kỷ, ba nữa là anh chị cũng được vì em mà vui vẻ vô cùng. Một việc làm mà được ba điều hay, sao em còn ngần-ngự trù-trừ gì nữa ». Kiếm-Thanh vừa nói vừa chú mắt nhìn vào Mộng-Hà để đợi trả lời. Mộng-Hà chỉ lẩm-nhẩm gật đầu, im lặng không nói làm sao cả.

Bóng nắng hun người, hơi nồng rát mặt. Bệnh Mộng-Hà do nóng âm mà thành sốt rét, tuy cũng có bớt, nhưng sốt rét vốn là một cái chứng dai-dẳng khó trừ. Đương mùa khí-hậu nồng-nàn, người ta cởi bỏ áo, quạt luôn tay, cũng còn thấy bức sốt khốn thay; huống chi lại chăn trùm nệm quấn, giường bệnh kêu rên, có gió không dám ngồi, có nước không dám uống, thì nỗi khổ biết bao mà nói! May được sốt cứ cách một ngày mới lên một trận, lúc không sốt có thể gượng ngồi trở dậy cho đỡ ê mình. Tựa gối buồn tanh, lại sinh ra nghĩ vẩn nghĩ vơ, chàng bèn làm bốn bài thơ tám câu gửi cho Lê-nương để nàng được biết qua cận-trạng. Thơ rằng:

I — Cách biệt quan san mấy độ mà,
      Đôi lòng ta đã biết cho ta;
      Ôm hờn trước gối tuôn dòng lệ,
      Tưởng mặt bên lầu ngắm thức hoa;
      Mê-mẩn hồn uyên cơn bóng lẻ,
      Bơ-vơ phách bướm dặm đường xa;
      Trước song lăn-lóc trên giường bệnh,
      Trăm mối tơ sầu gỡ chẳng ra.

II — Trời già ghen ghét mối duyên lành,
       Mang nặng vì nhau một khối tình;
       Non nước những đau lòng viễn-biệt,
       Lửa hương đành đợi kiếp lai-sinh;
       Thành sầu giam lỏng thân vô-tội,
       Giường bệnh nằm trơ xác hữu-tình;
       Miễn được thề xưa ghi sắt đá,
       Cũng đành thân thế kiếp linh-đinh.

III — Cuốn bức rèm thưa phẩy bụi giường,
        Ong về trước cửa thoảng mùi hương;
        Xuân đi luống để lòng thơ cạn,
        Hè đến khêu cho mối hận trường;
        Khói thuốc hun xông tình dậy lửa,
        Mây sầu bao phủ tóc pha sương;
        Trước thềm nhặt lá ngô-đồng rụng,
        Giận nỗi không thơ gửi bạn vàng.

IV — Xuân sang xuân đã lại qua rồi,
         Ríu-rít ngoài rèm én gọi ai?
         Lá thắm dòng nông tin chẳng đến,
         Áo xanh lệ cũ ngấn chưa phai;
         Lưới tình cá bởi tham mà mắc,
         Bể hận mình bao tát được vơi?
         Man-mác lòng riêng trăm mối cảm,
         Non xanh cây biếc bóng tà soi.

Thơ làm xong, viết vào giấy, gắn phong-bì cẩn-thận, trân-trọng đưa cho Kiếm-Thanh nhờ đem bỏ thùng. Tơ sầu vấn-vít, so cùng ngày hạ dài ghê, xương bệnh kheo khư, thoắt đã gió thu vừa thổi. Chàng khốn-đốn đến hơn một tháng, mà vẫn không có cách gì khu-trừ được con ma sốt-rét, chẳng bao lâu mà thư trả lời của Lê-nương cùng thư đón mời của trường học đã đều tiếp tục gửi đến nơi. Bởi vì bấy giờ đã là lúc gió vàng rụng lá, sương ngọc reo thu, cách mấy kỳ khai trường không còn mấy nữa. Chàng sau khi được thư, bụng nhớ ý-trung-nhân, muốn những đi cho đúng hẹn; khốn nỗi ma bệnh hãy còn quấn-quít, tựa như không nỡ rứt tình dời bỏ chàng ra. Người nhà đều ngăn chàng đừng nên vội đi. Bà mẹ bảo rằng: « Bệnh con còn như thế, sao đã nên vội đi giầu-giãi gió sương! Hãy nên điều-dưỡng ít lâu cho khỏi hẳn đi, rồi sẽ sang trường cũng chưa muộn. Bằng không thì đến viết thư từ-chức, hoặc tiến-cử người khác thay mình là cùng chứ đã làm sao! » Chàng không sao được, bèn phải viết thư cho nhà trường, nói mình đương ốm hãy xin thong thả mấy ngày thuốc-men cho khỏi sẽ xuống thuyền sang ngay để làm lễ khai trường. Bấy giờ chàng tuy còn nằm só ở nhà, mà kỳ thực thì đã hồn ruổi đường mây, mộng quanh trướng gấm. Một hôm có người bà con đến hỏi thăm, nhân mách một thứ thuốc bột hiệu « Gà vàng », chữa sốt-rét rất là thần-hiệu; duy sức nó mạnh, vị nó đắng, nên người bệnh thường không dám dùng. Chàng mừng mà rằng: « Tôi bây giờ chỉ mong khỏi bệnh, còn có ngại gì. » Bèn theo lời bảo đi mua thứ thuốc ấy, thì quả-nhiên kiến-hiệu, uống có hai liều mà bệnh đã mất hết, nóng rét không thấy phát, ăn uống đã như thường. Duy tinh-thần vẫn chưa lại được như xưa, nhưng chàng thì cho là đã được mười phần lành mạnh. Người nhà thấy thế đều bảo: « Thuốc đắng đã tật », lời cổ-nhân nói thật không sai; bèn chọn ngày sắm-sửa hành-trang để chàng lên đường, Kiếm-Thanh thấy Mộng-Hà khỏi ốm, cũng được yên lòng, liền định cũng cùng ngày túi đàn cập sách cất gánh đi xa. Bấy giờ là vào thượng-tuần tháng bảy năm Kỷ-dậu. Anh em xương thịt, nào được bao người, thế mà nay hợp mai tan, dễ ai đoán biết. Non năm cách trở, cám cảnh sâm thương; già tháng xum vầy, mặn tình đào lý; không ngờ lại bị con ma bệnh xông vào quấy-quắc, làm cho cuộc vui không trọn, đó là Mộng-Hà không may chăng? hay Kiếm-Thanh không may chăng? Không bao lâu mà một hơi còi gió, đôi cánh buồm thu, dòng nước vô-tình đã đưa-đẩy mỗi người đi mỗi ngả.