Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA. Thuốc tâm

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA
Thuốc tâm

Mấy tuần kẻ ốm, trăm dặm người về; tạm xếp niềm thương, hãy thăm tình bệnh. Héo-hon mặt võ, còn đâu phong-dạng ngày nào; thoi-thóp hơi tàn, xót nỗi ngọc-ngà thân ấy! Lê-Ảnh từ khi ốm đến nay, ngày cùng ấm thuốc làm duyên, đêm với ngọn đèn kết bạn, màn sầu một bức, giường lạnh nửa khoang, trong phòng duy có Bằng-lang và con Thu sắc thuốc dâng cơm, song cũng lúc đi, lúc đến không thường, không phải được suốt ngày bầu-bạn. Phòng vắng teo-teo, ngày dài giằng-giặc, một mình ê-ẩm, phong-vị những ngờ đâu như chốn dạ-đài. Rèm rủ song cài, bao phen đã vắng-ngắt giọng cười tiếng nói. Quân-Thiến về, Bằng-lang đã chạy vào báo tin cho Lê-nương biết. Một lát Quân-Thiến từ ngoài vào phòng, vén cửa màn lên trông thấy hình-trạng Lê-nương, bất-giác thất kinh, hầu không cầm được nước mắt. Liền gọi rằng: « Chị ơi! Em đã về đây! » Lê-nương mở mắt nhìn Quân-Thiến rồi thổn-thển nói: « Chị ốm nặng lắm, không ngồi dậy được, em thứ lỗi đi cho nhé ». Quân-Thiến khóc mà rằng: « Chị ơi! Chị ơi! Xa nhau vài tháng, không ngờ chị đã ốm nặng đến như thế này! Trông hình dung chị, lòng em thực đứt nát ra từng đoạn một ». Lê-nương than rằng: « Tấm thân bạc-mệnh, sớm chẳng chắc chiều, vóc liễu mình bồ, tồi-tàn dễ lắm. Tự thương bóng chiếc, phải đâu phường nghiêng nước nghiêng thành; xót lẽ thân tàn, mang lấy nợ đa sầu đa bệnh; soi gương bóng nhợt, ôm gối lòng đau, trời hỡi thấu chăng, mệnh này sao đó? Em ơi em! Người chí thân yêu của em là Lê-Ảnh, e rằng chẳng sống được với em bao lâu nữa đâu! Mệnh mỏng như tờ; sống càng nặng nợ. Dữ-kỳ mê-mê mệt-mệt, sống lấp hang sầu; sao bằng thân-thân thênh-thênh, chết về trời hận. Nghĩ đến như thế, mọi niềm tan rá, chiếc thân nhẹ lòng, suốt ngày chỉ nằm thẳng để chờ cái chết. Lòng chị không còn có một mối ham luyến gì nữa, duy chỉ còn thắc-mắc mong cô. Những lo không kịp đợi cô về, vội nhắm mắt đi, khiến cái tình chị em thân yêu nhau như cùng máu-mủ trong bấy nhiêu năm, đến lúc chết không được gặp mặt nhau một lần cuối cùng thì dẫu chết cũng còn để giận. Nay may chị ốm đương nguy, em về vừa dịp; con côi một chút, dám nhờ trông nom. Mai sau dù có bao giờ, tết nhất gặp ngày, nếu em còn nghĩ đến tình xưa thì một lưng cơm hẩm, mấy đóa hoa tươi, đơm cúng nhau ở trong vùng cỏ áy bóng tà, thế là chị đã được chịu ơn nhiều lắm! » Quân-Thiến nghe nói, gạt lệ mà rằng: « Chị đừng nên nói những câu bất tường ấy. Lạy trời muôn lạy! Em xin cầu trời phù hộ cho chị, đừng để chị buồn-rầu, đừng bắt chị đau khổ, vì chị đuổi ma-bệnh, vì chị dáng phúc-lành ». Nói xong, ngồi sệp bên giường, cúi đầu nhắm mắt, trong miệng lẩm-nhẩm làm ra bộ khấn thầm. Chợt mở mắt ra nhìn Lê-nương mà rằng: « Thôi bệnh chị khỏi rồi! » Lê-nương thấy thế phải bật buồn cười mà rằng: « Cô điên đấy ư? làm cái trò gì thế? Hay là đi học bấy nay đã học được cái nghề bà-đồng bà-cốt đem về? » Quân-Thiến cùng Lê-nương ăn ở với nhau lâu ngày, đã biết cả tâm-tính nhau. Chuyến này Lê-nương ốm, Quân-Thiến cho là tích uất mà thành chứ không biết kỳ thực vì tình nên nỗi, Quân-Thiến đã về, bèn làm một người khán-hộ cho Lê-nương, sớm tối không dời ra một khắc. Nấu thuốc dâng thang, ân-cần hết sức; đắp chăn thay áo, săn-sóc đến điều. Ngày dài đằng-đẵng, lại cùng với người ốm, trò-chuyện gần xa, cuồn-cuộn như nước tuôn không rứt, đem những việc nghe thấy trông thấy bên ngoài mà kể-lể, hoặc cuộc vui chơi, hoặc tình nhi-nữ, hoặc việc ngày nay, hoặc chuyện ngày xưa, bao nhiêu cái hình-hình sắc-sắc mà ở trong bể óc hãy còn nhớ ghi, đều dốc hũ nghiêng bàu mà đem cống hiến ở bên tai Lê-Ảnh; trong khi nói lại chen giọng khôi-hài, pha câu bình-phẩm, mây tuôn sóng động khách du thuật chuyện ngoài biển khơi; gấm dệt hoa thêu, con hát ra trò trên sân khấu. Lê-nương nghe chuyện quên cả mệt, không biết mình đương trong lúc yếu đau. Ngoài ra lại những tình-hình ở trường học, cảnh vật ở quê người, cho đến sự bạn bè chơi vui thế nào, học-vấn tấn-ích làm sao, phàm chuyện gì đủ làm khuây-khỏa cho Lê-nương, Quân-Thiến đều không quản rát lưỡi khô môi đem mà kể-lể. Có lúc lại cất tiếng hát những khúc « Du-xuân » ngâm những bài « Vinh-hoa », giọng ngâm uyển-chuyển, tiếng hát du-dương; nàng nghe vào khoan-khoái nhẹ-nhàng, khối sầu đã dần-dần tan hết. Quân-Thiến ngày thì cùng Lê-nương chuyện-trò, đêm lại cùng Bằng-lang cùng ngủ ở bên giường bệnh, bởi Quân-Thiến khéo ru-rín cháu mà Bằng-lang cũng quấn quít cô. Cái phòng bệnh tối tăm kia từ khi có Quân-Thiến về mà thành ra như đem bóng sáng soi vào, hơi dương ấm-áp, mây sầu tiêu tan, chẳng khác như một cái nhà thương tốt vào bậc nhất trong thế-giới. Dẫu cho bệnh đến mười phân, các thầy thuốc đều bó tay cả, song được một người trông nom mà hết sức săn-sóc ân-cần như thế cũng đủ làm cho ma-bệnh phải lánh mặt, thần chết phải lùi chân. Huống-chi Lê-nương nào có phải thực là bệnh đâu, chẳng qua mối nghĩ vẩn-vương, dạ phiền trồng-chất; tơ tình nọ rứt đi không được, mạch sầu kia tuôn đến càng đầy, vì thế mà sậm-sột không yên, mệt mê thành bệnh. Nay Quân-Thiến khéo đem chuyện-trò mà vì nàng rập mối sầu phiền, khêu lòng vui-vẻ, chẳng bao lâu mà bệnh nàng mười phần đã bớt đi tám chín, cơm cháo cũng ăn được hơn trước, trong vẻ tiều-tụy đã hiện ra cái vẻ hoạt-bát tỉnh-tao, không mấy bữa mà nàng đã trở nên lành-mạnh. Vậy thì Quân-Thiến về, thực có tạo-phúc cho Lê-nương rất lớn. Tuy nhiên Quân-Thiến sở-dĩ chữa được bệnh cho Lê-nương không phải chỉ bởi thế mà thôi.

Quân-Thiến trông nom cho Lê-nương trong lúc yếu đau, không một lúc nào không cùng với Lê-nương chuyện-trò để vì nàng tiêu sầu giải muộn; song tâm-sự của nàng thì Quân-Thiến không biết tý gì cả, tuy khuyên-lơn hết sức, nhưng chẳng qua như gãi ngứa ngoài giầy. Một hôm Quân-Thiến bảo nàng rằng: « Chị ở ro-ró trong chốn buồng the, có biết thế-giới văn-minh bây giờ, sự kết-hôn họ cũng ở tự-do không? » Nàng nói: « Có, tôi cũng có biết. » Quân-Thiến nói: « Lối kết hôn ngày xưa thì cứ chờ ở mệnh mẹ cha, tin ở lời mối lái, chứ hai bên đều không được tự chủ; lại còn nào là vấn-danh, nào là nạp-thái, bao nhiêu những lễ-nghi phiền-phức; thế mà thường đến khi khách vãn tiệc hoa, xuân về trướng gấm, chồng vẫn chưa biết tài-mạo vợ, vợ vẫn chưa biết tính-tình chồng; đôi lứa lỡ-lầm, trọn đời hối-hận, trăng già õng-ẹo, đã từng làm hại biết bao nhiêu tài-tử giai-nhân. Ngày nay gió Âu mưa Mỹ tràn sang khắp cõi Á-đông, những người trong làng tân-học thẩy đều lấy kết-hôn tự-do làm một việc khẩn-yếu trong đời người: thử vàng chọn đá là theo ở ý riêng của trai gái đôi người, mẹ cha không phải cầm quyền, mối lái hết nghề múa mép. Bởi vậy sau lúc đã lấy nhau thì dù có tử-biệt sinh-ly, hai bên cũng không còn oán-trách gì nữa, mới đỡ có những bài ca « Chức-cẩm », câu hát « Chung-phong ». Quân-Thiến nói đến đấy, bỗng ngừng ngay lại, tự biết là mình nói lỡ lời. Nghĩ chị Lê tuy không phải gặp chồng trái duyên, nhưng thực đã nếm đủ cái thảm sinh-ly tử-biệt, ta sao nên nói những lời ấy để khêu động mạch sầu cho chị Lê ta! Hay đâu Lê-nương nghe nói lại có một mối cảm-xúc riêng, mà mối cảm ấy lại ra ngoài ý liệu của Quân-Thiến. Bấy giờ trong bể óc của nàng tựa như vớ được một vật gì, không biết ở đâu ra vui mừng khôn siết; như bỏ rơi một vật gì, không biết đi đâu mất, bực tức lạ thường. Chỉ trong chốc lát mà mọi nỗi mừng tửi vui buồn đều đem cả đến. Sau cùng thì điều thất ý phải thua điều đắc-ý, bụng dạ sởi-sang, mặt mày tươi-tỉnh, chẳng khác như đã đem gánh nặng đổ đi. Một cuộc chuyện của Quân-Thiến thành ra một tễ hồi-sinh, một thang tục-mệnh cho nàng, việc trong thiên-hạ thực không còn có gì biến-huyễn ly-kỳ hơn nữa. Than-ôi! May thay cho Lê-nương, tình cờ mà gặp được vị cứu-tinh ấy! Rủi thay cho Quân-Thiến, bỗng dưng mà vương lấy cái nợ tình kia!

Nỗi buồn đầy dạ, lời ngọt bên tai; ruột đứt đòi cơn, lòng sinh một kế. Nàng nghe lời Quân-Thiến nói, chợt nghĩ ra được cái kế đem cành tiếp cây, lấy đào thay mận, mượn thân Quân-Thiến để đối phó với Mộng-Hà. Lấy như cái niên mạo, cái học-vấn, cái chí-khí của Quân-Thiến, đối với Mộng-Hà thật là một lứa đôi tốt đẹp thiên-nhiên. Ta yêu Quân-Thiến cũng chẳng khác gì Mộng-Hà, nay vì hai người chắp mối duyên lành chính là nên lắm. Mộng-Hà được Quân-Thiến đã đủ đền bù, Quân-Thiến được Mộng-Hà, cũng là xứng đáng, mà ta ở giữa thì được thoát thân nhẹ nợ, tơ duyên chắp nối, thực không còn kế gì hay hơn. Nàng nghĩ ra được kế ấy rồi, bệnh như mất hết, lòng những mừng thầm, sự mừng rõ lộ ra nét mặt. Lúc ấy Quân-Thiến ngồi bên, đương sợ câu nói của mình làm cho nàng động mối thương tâm, chú mắt nhìn vào nét mặt nàng để xét xem vui tẻ thế nào, bỗng thấy nàng mủm-mỉm miệng cười, tựa như trong lòng có sự vui-vẻ gì, không hiểu nàng nghĩ ngẫm làm sao, cảm xúc thế nào, mà lại đổi sầu làm tươi chóng thế. Lê-nương nghĩ-ngẫm hồi lâu, bụng tuy thích nhưng miệng khó nói ra; Quân-Thiến cũng ngồi im không nói câu nào, bốn mắt nhìn nhau đều im phăng-phắc. Nàng nhìn Quân-Thiến một lúc, vẻ cười chợt thấy thu dần lại, tựa như ý rất là thất-vọng. Bởi nàng chợt nghĩ đến Quân-Thiến xưa nay vốn tính kiêu-kỳ, khó người vừa ý, cùng Mộng-Hà chưa từng có chuyện-trò giao-thiệp, lại đương mê lòng về cái thuyết tự-do; đi học ngoài đã một năm nay, quen biết tất nhiều, biết đâu là chẳng đã kén được một người lang-quân vừa ý; nay nếu ta lại ra tình nài ép, sâm phạm đến quyền tự-do của nó, tất nó không thuận, thành ra ta chỉ uổng-phí tâm-cơ mà thôi. Đến như về bên Mộng-Hà cũng là khó thay! Đọc mảnh tiên thề, đủ biết chàng lòng son đau-đớn, dạ sắt đinh-ninh, đã thành cái thế cưỡi hùm khó xuống, mấy độ khuyên lớn, đều là vô hiệu, lòng bền tựa sắt, hờn nặng tầy non, tình đã chuyên mà chí đã quyết. Nay ta bỗng muốn cưỡng chàng cầu hôn với Quân-Thiến; chàng tất bảo: một lời đã nói, trọn đời khôn thay, nếu đã là tri-kỷ của nhau, không nên đem những chuyện đó làm phiền nhau nữa. Vậy thì ta lại biết nói với chàng ra làm sao? Như vậy thì việc ấy đối với hai bên đều là khó-khăn, không phải đợi khi đã phát ra, mới biết là phải đến vỡ rách. Nàng nghĩ như thế, trong thoắt chốc đã lại sầu đè cuối mắt, giận ép đầu mày, bao nhiêu hy-vọng vừa rồi, phút đã thành chiêm-bao hết thẩy. Kế đó nàng lại tự nghĩ rằng: « Non cùng nước hết, chỉ còn có một đường sống ấy mà thôi. Mưu sự ở người, thành sự ở trời, âu là ta cứ đem hết sức mình mà làm đã. May ra mà thành thì ba người đều được yên phận, chẳng may mà không thành thì Mộng-Hà đành vậy thì đành, Quân-Thiến lấy ai thì lấy, lòng ta họa mấy đỡ bứt-rứt được một đôi phần ».

Ấm chè siêu thuốc làm duyên, buồng thu kẻ ốm; chiếu lạnh giường đơn kết bạn, quán khách ai buồn. Mộng-Hà từ hôm nhà trường nghỉ hè, nóng nẩy mong về mà chỉ vì Lê-nương ốm nên phải trùng-trình lại đã hơn tuần-lễ. Chiếc bóng màn không, trăm vòng tơ rối; quê cũ tìm về trong mộng, mây nước mịt-mù; tin sương dò hỏi khi buồn, tăm hơi vắng-ngắt; đầy sân cỏ mọc, ngày dài thêm gợi mối thương tâm; trước án đèn khêu, đêm vắng những chờ tin báo hỷ! tình buồn khôn tả, ruột nát như tươm; Lý-hậu-Chủ có câu: « Ban sớm chiều hôm thường đem nước mắt rửa mặt », thực đã đúng với tình cảnh chàng khi ấy. Nguyên vì từ khi Lê-nương ốm mình võ không dời trên đệm gấm, tay run chưa nhắc đến ngòi hoa, nẻo đi về đã rứt lối chim xanh, câu ngâm vịnh đã cạn dòng lá thắm. Chàng từ sau khi viết thư thăm hỏi về bữa nàng mới ốm, ngày nào cũng hỏi Bằng-lang về tin bệnh của nàng. Song trẻ thơ ngây dại biết gì, nói năng bập-bỗng thất thường, bệnh nàng nặng nhẹ làm sao khó lòng biết đích. Muốn đến tận nơi mà thăm cho đích thật, song buồng điều khóa kín, có cánh khôn bay; giở lại tờ mây, lấm-chấm hãy còn hoen ngấn lệ; nhìn vào ảnh ngọc, võ-vàng như mới đổi dong-nhan; hôm sầu sớm tủi, ăn chẳng biết mùi; khắc vợi canh tàn, ngủ không yên giấc, lưng Thẩm-Ước gầy còn một chét, tóc Phan-An sầu bạc nửa đầu. Lòng chàng trong mấy hôm nay, thực đã vì nàng mà đứt ra đòi đoạn. Chàng biết bệnh nàng không có thể chốc lát mà mong khỏi được, hoặc cứ thế mà rồi đến hương tan ngọc nát cũng chưa biết chừng, vậy mà không có một phương-kế gì để cứu chữa cho nàng, đành chỉ những than dài thở ngắn. Sau nghe Quân-Thiến đã về, nàng đã được một người thân-thiết săn-sóc sớm hôm, chàng cũng lấy làm mừng trong dạ. Nghĩ nàng chẳng qua vì nỗi lo buồn nghĩ-ngợi mà thành bệnh, nay được một người lui tới chăm nom, ra vào khuyên giải, phá cơn sầu muộn, giẹp nỗi cảm thương, thì may ra nhân thế mà hoa héo lại tươi, gương mờ lại tỏ; như vậy thì may-mắn cho nàng đã vậy, lại còn may cho mình biết bao! Chàng đối với Quân-Thiến tuy chưa từng có cảm-tình gì, nhưng bấy giờ không khỏi có ý mong-mỏi Quân-Thiến đem bụng giúp vì; nếu mà nàng nạn khỏi tai qua, thì Quân-Thiến đối với nàng thực là ơn nặng tái sinh, mà mình đây cũng được gián-tiếp chịu ơn nhiều lắm. May sao trời thương đất độ, cầu được ước nên, Quân-Thiến về chửa được mấy ngày mà Lê-nương đã dời xa cõi chết, Mộng-Hà đã ra khỏi thành sầu, Quân-Thiến với Mộng-Hà đã ngầm-ngấm kết nên một sợi dây tình cảm. Việc kỳ chuyện lạ, âu cũng là tuyệt không họa có ở trong trường tình ái xưa nay.