Nghe nói trên mấy vườn cao su người ta thường cần dùng người có học-thức để cai quản dân làm công trong sở, tuy làm việc nhiều giờ; ăn ở cực khổ, song lương bổng họ cho rộng rãi, Phụng mới đi tìm mấy ông chủ vườn cao su lớn ở trên Sài-gòn đặng năng-nỉ xin việc mà làm. Đi gần hết một buổi sớm mơi, may được gặp hai ông chủ, mà một ông thì nói trong sở có đủ người dùng, còn một ông chủ thì nói hôm tuần trước có cần dùng một người để đem lên sở trên Thủ-dầu-một, mà ngày hôm qua đã có người xin vô làm rồi.

Phụng thất vọng, nên trở về nhà thay đồ rồi nằm dài trên ghế bố, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim.

Nhà Chà-và đi phát thơ đem lại đưa một phong thơ. Phụng lấy thơ coi ngoài bao, thấy tuồng chữ của em thì biết thơ dưới nhà gởi nên trong lòng hồi-hộp, mừng được tin nhà, song không biết mẹ có gởi tiền đặng trả tiền cơm cho bà Phán Thành hay không.

Phụng đi lại bàn viết ngồi, rồi lấy dao thủng-thẳng rọc bao thơ mà rút cái thơ ra, không thấy măng-da[1], mặt biến sắc, tay run-rẩy, lòng lạnh ngắt. Chàng gượng mà coi thơ thì thấy nói như vầy:

“Cher anh Hai,

“Hôm qua má có tiếp được thơ của anh. Trong thơ anh xin má 30 đồng để trả tiền cơm cho người ta. Má biểu em viết thơ trả lời hay rằng bây giờ trong nhà không có tiền dư, nên xin anh đợi 15 tháng tới má lãnh tiền hưu-trí rồi má sẽ gởi lên cho anh.

“Anh Hai ôi, bởi nhà mình nghèo, nên anh học lỡ-dở, rồi bây giờ tấm thân trôi nổi vất-vả như vậy, em nghĩ tới phận anh, thiệt em đau lòng xót dạ biết tới chừng nào.

“Gia-đạo của mình anh đã biết rõ hết. Hồi ba còn sanh tiền, số tiền hưu-trí mỗi kỳ 3 tháng lãnh được 350 đồng, nên bề ăn xài trong nhà được rộng rãi. Từ ngày ba mất rồi, má lãnh còn có phân nửa, mỗi kỳ 3 tháng có 175 đồng, bởi vậy dùng không đủ, em phải làm bánh rồi sai bầy trẻ đi bán để kiếm lời mỗi bữa ít cắc bạc đặng phụ mà chịu tổn-phí trong nhà.

“Mùa mưa nầy cái nhà hư dột nhiều chỗ. Rồi đây còn phải lo tu-bổ cái nhà, tốn hao chừng 100 đồng mới đủ.

“Anh Hai ơi, em buồn, em lo lung lắm, song em cứ làm vui, em không lộ sắc buồn cho má biết. Ngày anh xin phép má đặng đi kiếm công việc làm, em muốn cản anh hết sức, mà em không dám cản, là vì em nghĩ em không đủ sức nuôi anh, lại anh đi học tới bên Tây, nếu bây giờ anh ở nhà thì sợ e thiên-hạ khinh-khi anh, họ chê anh học mà không dùng được. Tại như vậy đó nên em mới để cho anh đi.

“Má còn biểu nói cho anh việc nầy nữa: có thầy Bang-Biện Tịnh cậy mai nói với má xin cưới em. Thầy năm nay đã trên 40 tuổi, nhà giàu lớn, huê-lợi mỗi năm gần 30 ngàn giạ.

“Thầy đã có vợ có con, song có con gái mà thôi, nên muốn cưới em làm bé họa may em sanh con trai cho thầy. Thầy chịu cưới một ngàn đồng bạc, lại hứa cất nhà lại chắc-chắn cho má với em ở.

“Bữa hổm má có hỏi ý em, má nói như em chịu thì má gả. Em nghĩ nhà mình nghèo, bây giờ chỗ giàu có sang-trọng có ai thèm cưới em đâu. Nếu em ưng thầy Bang-Biện Tịnh, thì bây giờ em giúp-đỡ trong nhà mình được, mà có lẽ ngày sau thân em cũng được sung-sướng. Ngặt vì em là con ông Phủ, mà đi làm bé người ta thì xấu hổ quá, xấu hổ cho thân em, mà cũng xấu hổ cho tông-môn nữa. Tại như vậy đó nên em lưỡng-lự, em xin má cho em suy nghĩ ít ngày.

“Ba mất rồi, anh là lớn, anh phải chỉ đường cho em biết mà đi. Vậy nên em xin anh suy-nghĩ, rồi cho em biết coi em có nên ưng làm bé thầy Bang-Biện Tịnh hay không.

“Việc nầy không gắp gì. Anh suy nghĩ rồi tháng sau má lãnh tiền hưu trí rồi em đem tiền lên cho anh, chừng ấy anh sẽ trả lời với em cũng được. Hễ anh chịu thì em chịu, còn như anh không bằng lòng thì em thôi.

“Để gặp nhau rồi em sẽ nói chuyện dài, bây giờ em kính chúc cho anh được vạn sự như ý”

Loan

Bái thơ

Phụng đọc thơ dứt rồi, thì vừa giận, vừa tức, vừa tủi, vừa buồn, nên cặp mắt đỏ au, ngực nhảy thình-thịch. Chàng xếp thơ bỏ vào túi rồi đi qua đi lại mà suy-nghĩ trót một giờ đồng-hồ.

Đến 11 giờ rưỡi, chàng khóa cửa đi lại nhà ông Phán Thành mà ăn cơm. Chừng ăn cơm rồi, chàng đợi thầy Giao đi về, chàng mới nói với bà Phán:

- Thưa bà, bữa hổm cháu hứa với bà trong ít bữa bà già cháu gởi tiền lên rồi cháu sẽ trả tiền cơm cho bà. Bữa nay cháu có được thơ dưới nhà gởi lên nói 15 tây tháng tới, nghĩ là 20 ngày nữa, bà già cháu lãnh tiền hưu-trí rồi mới gởi cho cháu được. Cháu nói lỡ lời bây giờ thất ước với bà, thiệt cháu có lỗi nhiều quá.

- Hôm trước cậu nói trong vài ngày sẽ có tiền, tôi năn nỉ xin bà Lợi huỡn lại cho tôi 5 ngày. Bây giờ nói với bà tới 15 tây tháng tới chắc bà cằn-nhằn dữ lắm.

- Xin bà đừng phiền, tại cháu không tiền, chớ không phải cháu có mà không muốn trả cho bà. Số bạc bà vay của bà Lợi xin để cháu chịu tiền lời cho.

- Câu không có tiền thì tôi phải nói với bà Lợi để lại một tháng nữa rồi tôi sẽ trả chớ biết làm sao.

- Cháu làm cho bà phải nhọc lòng hết sức. Bà là người ơn của cháu, nấu cơm cho cháu ăn, mà cháu cù nhầy không trả tiền coi kỳ cục quá. Tại gặp hồi khốn đốn, nên mới lỗi với bà như vậy. Xin bà thương giùm thân phận của cháu, đừng phiền cháu tội nghiệp.

- Không, tôi không có phiền cậu đâu. Tôi với ông Phán thấy tánh nết của cậu thì thương cậu lung lắm chớ. Nếu vợ chồng tôi dư dã như người ta thì nuôi cơm cậu cũng được, ngặt vì vợ chồng tôi cũng nghèo nên mới hỏi tiền cơm đó đặng mua gạo, đi chợ, mà nấu cho cậu ăn.

- Cháu xin bà đừng nghi-ngờ gì hết, thế nào cháu cũng trả cho bà.

- Không, tôi không có nghi điều chi đâu.

- Cám ơn bà. Cháu xin tỏ thiệt với bà một điều nầy nữa: cháu lên Sài-gòn ở kiếm việc mà làm đây là vì nhà cháu nghèo. Bà già cháu không có huê lợi gì hết, chỉ có số tiền hưu trí mỗi tháng lãnh không đầy 60 đồng bạc. Đã hai tháng rồi cháu kiếm không được việc làm. Nếu cháu ăn cơm với bà hoài, tự nhiên phải xin tiền nhà mà trả, làm như vậy thì bà già cháu còn tiền đâu mà xài cho đủ. Vậy cháu xin bà kể từ ngày nay cháu không lại ăn cơm nữa. Số tiền cơm hai tháng rồi, hễ 15 tây tháng tới bà già cháu gởi lên, thì cháu trả cho bà liền.

- Cậu không ăn cơm ở đây nữa rồi cậu ăn ở đâu?

- Thưa không hại gì. Cháu mua bánh mì ăn sơ sài mỗi bữa cũng được.

- Ý! Ăn như vậy chịu sao nổi. Ăn thất thường lâu ngày phải mang bịnh chớ phải chơi đâu.

- Thưa được.

- Mà tôi coi thế cậu không có tiền, cậu lấy gì mua bánh mì mà ăn?

- Cháu còn được ít cắc, chừng nào hết cháu sẽ mượn tiền của anh Trinh cháu xài.

- Tôi muốn cậu lại nhà tôi ăn cơm hoài. Chừng nào cậu có tiền rồi cậu sẽ trả, đừng ngại chi hết.

- Bà thương cháu nên bà biểu như vậy, song cháu phải biết xét phận cháu, đâu dám làm như vậy.

- Tôi thấy thân phận của cậu tôi chịu không được. Tôi nghèo, thiệt tức quá! … Tôi biểu cậu ăn cơm như thường, đừng ái ngại chi hết; tuy nghèo song vợ chồng tôi có lẽ nuôi cậu được mà.

- Thưa, cháu đâu dám làm nhọc lòng ông bà. Kể từ chiều nay, cháu xin bà đừng chờ cháu ăn cơm nữa.

Phụng rưng rưng nước mắt, liền đứng dậy từ bà Phán mà về. Bà Phán ngó theo, bà cảm động, nên cũng chảy nước mắt.

Bữa chiều ấy, Phụng đóng cửa lại mà ở trong nhà cứ đi qua đi lại từ trước ra sau, chớ không phải nằm mà nghỉ. Có lúc chàng ứa nước mắt, sắc mặt coi hầm hầm.

Đến tối, chàng khóa cửa bước ra ngoài đường đi thơ-thẩn, gặp một đứa nhỏ bán bánh mì, chàng mua một ổ ba xu, rồi thủng-thẳng đi xuống mé sông ngồi trên bực thạch mà ăn; ngó trời, ngó nước im lìm, ngó xe, ngó người náo-nức, mà chắc tại trong trí chàng đương bối-rối, nên không để ý đến vật chi hết. Có lẽ ăn bánh mì rồi khát nước, nên lối 8 giờ chàng bươn-bả trở về nhà. Chàng mở cửa vặn đèn, uống một hơi tới hai ly nước lạnh; rồi ngồi lại bàn viết lấy giấy mà viết. Viết tới 3 giờ khuya, chàng mới chịu đóng cửa tắt đèn đi ngủ.

Sáng bữa sau, gần tới 7 giờ, Phụng mới thức dậy. Vì bữa chiều hôm qua ăn không no, lại đêm ấy ngồi lâu viết nhiều, nên sắc diện của chàng coi nhầu nhè mệt nhọc lắm.

Chàng ngồi lại bàn viết mà đọc mấy trương giấy chàng viết hồi hôm, có khi ngừng mà suy nghĩ, có khi cầm cây viết mà sửa chữ.

Lốt 8 giờ, Trinh theo xe lửa Nha-trang về tới, bước vô nhà, anh em mừng nhau, rồi Trinh ngó Phụng mà hỏi:

- Bữa nay sao mỏa coi sắc mặt toa mệt dữ vậy?

- Mỏa khỏe như thương, có mệt đâu.

- Hứ! Toa nói dấu mỏa! Toa lấy kiếng soi mặt của toa mà coi có phải mệt hay không rồi toa mới hết chối. Chắc là hai bữa rày toa ở nhà, toa buồn râu không ăn không ngủ, nên toa mệt chớ gì.

Phụng không trả lời, bỏ đi ra cửa mà đứng. Trinh vô trong buồng thay đổi quần áo, rửa mặt gỡ đầu rồi ra nằm trên bộ ván gõ mà nghỉ lưng. Thấy Phụng trở vô, Trinh liền nói: “Mỏa đã kiếm đủ cớ mà khuyên giải toa, mà toa cứ buồn râu hoài, mỏa không biết làm sao nói nữa. Buồn làm chi không biết! Đứng làm người, nhứt là đương lúc thanh niên, mình phải có cái hăng-hái, phải có cái óc cứng cỏi mà tranh đấu với đời, hễ tranh đấu thì tự nhiên có thắng hoặc bại. Nếu may mà có thắng thì mình chẳng nên kiêu căng mãn ý rồi ngừng lại, phải thừa thắng mà đi tới nữa, đi hoài, đừng thôi. Còn như rủi thất bại, thì mình phải hồi tâm định trí mà xem xét lại coi tại cớ nào mình thất bại, rồi sắp đặt phương-pháp khác để tranh đấu nữa, chớ đừng thấy thất bại ngã lòng thối chí, phải phấn chấn mà tranh đấu hoài, tranh đấu luôn luôn cho tới đắc thắng mới được”.

Phụng ngồi lặng thinh một hồi rồi thở dài đáp:

- Toa luận nghe phải lắm, ngặt vì mỏa quen tánh đa cảm nên hễ gặp việc trắc-trở thì buồn bực chịu không được.

- Toa biết đời nầy là đời khôn sống hống thác. Nếu muốn sống thì phải tập cho có cái óc thiệt hành, chớ không nên có cái óc đa cảm. Toa phải nghe lời mỏa mà sửa tánh ý toa lại.

- Mỗi người đều có tánh riêng, dễ gì mà sửa cho được toa. Huống chi đường tương lai của mỏa coi mịt mù, mà việc nhà của mỏa càng ngày càng bối rối thêm hoài, làm sao mà mỏa vui-vẻ cứng cỏi như toa được.

- Mỏa đã có nói: toa cứ bền chí thì sớm muộn gì rồi cũng có công việc làm. Hồi ở bên Tây về, mỏa cũng như toa bây giờ vậy. Mỏa kiếm sáu bảy tháng trường mới có chỗ làm. Toa mới thất nghiệp có vài tháng mà thối chí nỗi gì. Còn việc nhà của toa tại sao mà bối rối, toa nói cho mỏa nghe thử coi.

- Việc riêng của mỏa, khó nói rõ ra cho được.

- Hứ! Hai đứa mình là bạn thiết, thương nhau cũng như ruột thịt. Việc của toa là việc của mỏa, tại sao toa nghi kỵ, không muốn nói cho mỏa biết? Toa có việc mà toa dấu mỏa, té ra toa cho mỏa không đáng làm người bạn thiết của toa hay sao?

- Mỏa biết toa thương mỏa lắm cũng như mỏa thương toa vậy, có lẽ nào mỏa nghi kỵ.

- Nếu không nghi kỵ, thì có việc gì buồn phải nói thiệt cho mỏa hiểu mỏa mới khuyên giải toa được chớ.

- Toa vẫn biết tuy ông già mỏa hồi trước làm quan, song đến ngày hưu-trí không có dư đồng tiền nào hết.

- Làm quan thanh liêm nhơn đức thì dư tiền sao được. Ấy là sự kết quả của thái-độ người xưa, có lạ gì đâu.

- Từ ngày ông già mỏa mất rồi, thì bà già mỏa hưởng tiền hưu-trí được phân nửa thôi, không đủ tiền chi dụng trong nhà có đâu nuôi mỏa ở bên Tây mà học nữa cho được, bởi vậy mỏa còn có một năm nữa thì thi lấy bằng kỹ-sư mà mỏa phảì bỏ học mà trở về Mỏa thấy nhà ngheo, mỏa mới lên đây tính kiếm việc mà làm, dầu không giúp đỡ cho bà già mỏa được thì cũng khỏi tốn hao cho bà già mỏa. Nào dè ở đây đã 2 tháng rồi mà không làm được việc gì hết, phải nhờ cậy toa, lại cũng phải nhờ cậy dưới nhà nữa.

- Toa có nhờ mỏa chút gì đâu? Toa ở đây cũng như toa ở coi nhà giùm cho mỏa; nếu không có toa thì mỏa cũng phải trả tiền phố vậy.

- Toa đừng cãi, để mỏa nói hết cho toa nghe. Việc mỏa mới thuật đó là một cớ làm cho mỏa phải buồn rồi. Mà bà già mỏa vì nhà nghèo, muốn giải nguy, nên tính gả con em gái mỏa làm bé một người giàu đặng lấy tiền mà nuôi sự sống cho cả gia đình, bà già với em mỏa làm như vậy thì mỏa chịu sao nổi, mà toa biểu mỏa đừng buồn.

Phụng nói tới đó thì cảm động, chảy nước mắt, không nói được nữa.

Trinh châu mày mà hỏi:

- Ai nói với toa sự bà Phủ muốn gả em toa làm bé nhà giàu?

- Em mỏa gởi thơ cho mỏa hay.

- Ạ! Thơ đâu? Toa đưa cho mỏa coi một chút được hay không? Có lý nào bà Phủ nỡ tính việc kỳ-cục như vậy. Mỏa không thể tin.

Phụng sơ tâm muốn nói đại khái việc nhà cho Trinh nghe mà thôi, chớ không chịu nói rõ, mà bị Trinh nói xóc, lại đương hồi uất-ức, trí không còn dè-dặt nữa nên vội-vã kéo hộc tủ bàn viết lấy phong thơ của cô Loan mà đưa cho Trinh.

Trinh ngồi đọc hết rồi trả thơ lại và nói:

- Mỏa trách toa lung lắm, vì toa không thiệt tình với mỏa. Hai tháng nay toa ăn cơm của bà Phán, toa không có tiền mà trả, sao toa không nói cho mỏa hay? Toa không có tiền, sao mấy lần moa đưa tiền toa lại không chịu lấy?

- Toa cho mỏa ở đậu trong nhà, mà mỏa còn lấy tiền của toa mà xài nữa, thì khó coi quá, mỏa lấy sao được.

- Toa khờ quá! Liêm sỉ! Liêm sỉ! Làm anh em với nhau, mỏa có tiền dư, còn toa không có, thì mỏa cho toa dùng, có gì đâu mà ái ngại? Đối vơi moa thì toa, giữ liêm sỉ, rồi toa day qua buồn, làm lo cho bà Phủ với em toa, thái độ như vậy đúng lắm hay sao? Á! Chú quân-tử nầy quê mùa quá! Thôi, tiền cơm đó để mỏa tính với bà Phán, toa khỏi lo. Toa cứ lại đó ăn cơm, mỏa đủ sức bao cho toa luôn luôn.

- Trưa hôm qua mỏa đã có nói dứt với bà Phán mỏa không ăn cơm nhà bả nữa.

- Tại sao vậy?

- Mỏa chưa có việc làm, ăn cơm tiền đâu mà trả.

- Nếu toa không ăn cơm nhà bà Phán, rồi toa ăn ở đâu? Toa ăn chỗ khác lại khỏi trả tiền hay sao?

- Mỏa mua bánh mì ăn bậy bạ, miễn no bụng thì thôi.

- Ồ! Toa điên hay sao? Ăn bánh mì trừ cơm sao được?

- Sao không được? Vậy chớ hồi ở bên Tây cơm đâu mình ăn?

- Ăn bánh mì cũng phải có thịt cá, rau cải kèm vô mới bổ tỳ vị mà sống được chớ.

- Thì mỏa mua thịt mà ăn. Trong xứ mình đồ ăn rẻ, mỗi bữa ăn tốn chừng một cắc bạc thì đủ no đủ bổ.

- Toa điên thiệt mà!... Thôi việc đó để lát nữa rồi sẽ đàm luận lại. Bây giờ mỏa hỏi toa vậy chớ em toa hỏi ý kiến của toa đó mà toa đã trả lời rồi hay hay chưa?

- Chưa.

- Toa phải trả lời liền và trong thơ toa phải dặn cô Loan, chừng bà Phủ lãnh tiền hưu-trí rồí, cô đừng có gởi hoặc đem lên cho toa làm chi. Mà cô Loan hỏi toa như vậy, toa tính trả lời thế nào đâu, toa nói cho mỏa nghe thử coi.

- Để cho em mỏa hủy cái xuân xanh của nó và chịu nhục-nhã trọn đời đặng cứu gia đình, làm như vậy mỏa không thế chịu được. Mỏa sẽ nhiệt liệt ngăn cãn sự ấy.

Trinh ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nói:

- Sanh hoạt là một vấn đề. Cô Loan ưng làm vợ bé Bang-Biện Tịnh ấy là một cách giải quyết của vấn đề. Theo ý mỏa, nếu cô Loan vui lòng ưng thuận, thì có lợi chớ không có hại.

- Về danh-dự mà toa luận lợi hại như buôn bán vậy sao được.

- Mỏa luận theo cái tôn chỉ thực-hành chớ. Đời nầy thiên-hạ kể gì danh-dự. Hễ có tiền nhiều thì cao sang. Phải tranh đấu làm cho có tiền nhiều thì mới có danh dự.

Phụng đứng dậy đi qua đi lại một hồi rồi ngó ngay Trinh mà nói:

- Mấy lời toa nói, mỏa nghĩ phải lắm. Nhưng mà thà mỏa gả em mỏa cho một tên nông-phu, chớ mỏa không nỡ để làm vợ bé một người giàu.

- Câu chuyện toa nói sao mâu thuẫn quá! Toa đã cho lời luận của mỏa là phải, mà sao toa lại không chịu cho em toa làm vợ bé của người giàu?

- Vì em của mỏa là con của một ông Phủ, nên thà nghèo sạch chớ không nên giàu mà dơ.

- Toa bị cảm nhiễm giáo-dục xưa đã sâu quá, không thế nào đổi cáỉ óc của toa được.

- Không! Mỏa sẽ đổi cho toa coi mà, song mỏa đổi cho mỏa chớ không chịu cho em mỏa đổi.

- Toa làm thế nào đổi cái óc của toa?

- Để mỏa suy nghĩ ít bữa rồi mỏa sẽ trả lới câu hỏi đó.

- Nếu toa bỏ được cái óc đa-cảm của toa đó thì mỏa mừng lắm vậy.

- Mỏa sẽ gắng sức.

Hai người đàm luận tới 11 giờ, Trinh biểu Phụng thay đồ rồi dắt nhau ra nhà hàng ăn cơm tây.

Chiều bữa sau, Trinh sửa soạn đi làm việc. Chàng để 20 đồng bạc trên bàn nói với Phụng:

- Toa cất tiền đây đặng ở nhà ăn cơm.

- Không, không, toa khỏi lo cho mỏa.

- Toa không ăn cơm tháng nhà ông Phán nữa, mà lại không có tiền: ở nhà toa lấy gì ăn cơm, mà biểu mỏa đừng lo?

- Mỏa kiếm ăn bậy bạ được.

- Toa đừng có cãi với mỏa mà. Kiếm ăn bậy bạ là nghĩa gì?

Trinh bỏ 20 đồng bạc trên bàn mà đi. Chừng ra tới cửa, chàng day lại nói vói:

- Toa nhớ viết thơ dặn dưới nhà đừng gởi bạc lên. Mỏa đã trả tiền cơm cho bà Phán rồi.

- Toa trả rồi hay sao?

- Rồi.

Phụng lắc đầu, Trinh đi tuốt.

   




Chú thích

  1. (Tiếng Pháp: mandat) = bưu phiếu