Người Chàm ở Bình Thuận

Người Chàm ở Bình Thuận  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, các số 94 (12 và 13.5.1929); số 96 (15.5.1929); số 97 (16.5.1929) và Trung lập, Sài Gòn, các số 5901 (12.7.1929) và số 5902 (13.7.1929)

Năm ngoái tôi có viết trong Đông Pháp thời báo nói về người Chàm ở Tây Ninh. Mới rồi nhân dịp đi Bình Thuận, tôi có thăm mấy xóm Chàm ở tỉnh ấy, tôi viết bài nầy[1].

Sự ngẫu nhiên khi lúc đi thăm xóm Chàm ở Bình Thuận cũng đi với một thầy giáo như khi ở Tây Ninh. Hai ông thầy giáo ấy hình như làm cái biểu tượng nhắc cho tôi nhớ rằng sự đi chơi nầy tức là sự học.

Xóm Chàm chúng tôi đi thăm đây về huyện Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận, từ ga xe hỏa Sông Lòng đi xuống phía đông đến huyện 8 cây số. Huyện Tuy Phong có ba tổng mà một tổng toàn là dân Chàm kêu là tổng Lạc Trị tức là nơi chúng tôi đã đến viếng đây.

Phải biết rằng : Hiện nay tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều nơi có người Chàm ở, nhứt là huyện Phan Lý Chàm rặt những dân họ. Họ lại còn ở xen lộn vào các làng An Nam nữa. Chỗ chúng tôi đến đây chẳng qua chỉ một tổng, - mà tiếng là một tổng chớ thật cũng chỉ có hai xóm mà thôi.

Một xóm kêu là Càng Rang ở phía tây huyện, cách chừng hơn một cây số, một xóm kêu là Châu Hoét, cũng ở phía tây huyện, cách chừng 5 cây số. Chúng tôi đi thăm mỗi xóm trong một buổi, tuy không dám cho rằng mình quan sát đã kỹ lưỡng song những điều nghe thấy sẽ viết ra đây thảy là điều đại khái của một dân tộc mà ta nên biết, ai đọc qua tưởng cũng chẳng đến nỗi mất công toi.

Cái điều ta nên chú ý thứ nhứt là trong hai xóm cùng một giống ở cách nhau chừng một khâu rựa mà tôn giáo hai đàng khác nhau. Xóm Châu Hoét theo đạo Chàm, kiêng ăn thịt bò, người ta chết thì thiêu ; xóm Càng Rang theo đạo Pni, kiêng ăn thịt heo, chết thì chôn, hai tôn giáo khác nhau đại lược là như vậy.

Bên Chàm thiêu người chết. Không, không phải là hễ chết rồi mà thiêu liền đâu. Họ để cái thây nằm trong nhà đó rồi lo làm đám, mổ trâu làm rượu đãi đằng, làng xóm cứ việc ăn uống miết cho đến chừng nào cái thây thối nát đổ dòi ra họ mới đem thiêu, nghĩa là bỏ một tháng hoặc một tháng rưỡi không chừng[2]. Thiêu ra tro rồi, mấy người ruột rà của kẻ chết lấy mỗi người một nắm đem về dấu cất, còn một ít thì gói lại đem chôn nơi bờ ruộng hoặc gửi nơi cây cao bóng mát, vái rằng : “Hồn có khôn thì bắt bớ quấy nhiễu thiên hạ để họ cúng cho mà ăn chớ rày về sau người nhà không cúng quảy nữa”. Người mình ở những nơi đó mỗi khi đi ra ngoài thì hay sợ gặp phải ma Hời, là vì cớ đó.

Còn bên Pni chôn kẻ chết cách rất lạ, nói ra ai nấy nghe phải dửng dừng dưng[3]. Bất kỳ kẻ chết là ai, khi chôn thì một vài người khỏe mạnh nắm lấy đầu tóc cái xác mà kéo xệt ra đồng. Cái huyệt đào sẵn, có vây mùng xung quanh. Năm ba ông thầy Chang là thầy tế lễ của họ, ở trong mùng làm phép tắc gì đó không biết, xong rồi thì bỏ xác xuống lấp đất lại. Trong khi ấy người nhà không có phép lại gần, nhà giàu thì có dùng 4 tấm ván dựng 4 bên cái xác[4], còn nhà nghèo thì không có ván nữa.

Theo tôn giáo nên sự chôn cất kiêng kỵ của hai xóm có khác nhau mà thôi, song có việc gì thì họ cũng vãng lai với nhau, không phải có thù ghét gì và sự sanh hoạt của hai bên thì y như nhau cả.

Xã hội của họ lấy đàn bà làm chủ vị. Đàn bà đi cưới đàn ông và đứng kế tự cho cha mẹ đã qua đời. Con cái thì theo họ mẹ. Tuy vậy việc làng việc nước thì lại đàn ông ra làm, có gặp mấy người chánh tổng, phó tổng, lý trưởng thì thấy đều là đàn ông cả.

Có hạng người gọi là thầy Chang tức là hạng người đỡ đầu của dân Chàm cũng như các cố trong đạo Thiên Chúa vậy. Thầy Chang thông thạo sách vở, biết coi ngày giờ, giữ việc cúng cấp để bảo hộ dân sự. Ai có đau ốm thì rước thầy Chang đến cúng cho, không biết uống thuốc là gì. Thầy Chang có bậc cao bậc thấp, lấy cái đãy đựng trầu thuốc làm dấu hiệu : thầy nào lớn thì mới được đựng trầu trong đãy, còn thầy nhỏ thì chỉ được gói bằng một thứ khăn riêng. Hạng thầy nầy thường là cha truyền con nối chớ ít khi dạy cho người ngoài[5].

Bất kỳ con nít, kẻ lớn, người Chàm đều nói được 2 thứ tiếng. Khi họ nói với nhau thì nói tiếng Chàm, còn khi nói với người mình thì dùng tiếng An Nam. Thấy vậy rồi chúng tôi hiểu rằng hễ dân nào đã bị dân khác cai trị lâu rồi thì buộc phải biết nói tiếng của kẻ cai trị mình, vì có vậy mới biết cái bổn phận làm tôi...

Họ nói rằng tiếng Chàm không giàu bằng tiếng Nam, bây giờ có nhiều lời họ phải dùng tiếng ta thì nói mới trôi. Tôi thấy trong khi nói chuyện họ biết dùng chữ “tịch” khi họ nói thầy Chang nào chết thì nói “thầy ấy tịch” như ta dùng chỉ về ông sư nào chết vậy.

Nguyên ngày trước người Nam ta đến chiếm ở đất Chàm [rồi kêu họ] là người thổ[6]. Thổ, cũng như người Pháp đến ở xứ ta rồi kêu là Indigène[7]; còn người Chàm họ kêu người mình là người Huế. Có điều rất lạ là họ chừ lại thích xưng mình là Thổ hơn là Chàm. Thầy giáo nói mình ở đây lâu đã nhận ra rằng khi nào mình kêu họ là người thổ thì họ cũng kêu lại bằng người Huế, như vậy họ cho là lịch sự, còn mình kêu họ bằng Chàm thì họ có ý bất bình mà kêu mình lại bằng An Nam. Song nghĩ lại trong An Nam ta cũng có ít nhiều người như vậy : đối với người Pháp họ lại thích xưng mình là Indigène.

Chúng tôi nói chuyện với mấy người chức việc làng, thấy họ có ý phục tùng triều đình Huế lắm, một điều họ xung đức lịnh Hoàng đế. Đối với người Pháp ở đây họ kêu là Nhà nước. Người Pháp đối với xứ nầy quan hệ ra sao, chừng như họ không rõ cho lắm thì phải. Họ kính sợ đằng Nhà nước cũng như kính sợ đằng Huế vì họ cho hai đằng đều là khôn khéo giỏi giang hơn họ và có quyền trên họ.

Nhà người Chàm ở đây đều là nhà trệt cả, chớ không có nhà sàn như ở Tây Ninh. Nhà họ làm thấp quá, có nhiều cái đi vô phải cúi đầu luôn, đến chỗ chính giữa nhà mới đứng thẳng lưng được. Trong nhà không có ván giường bàn ghế chi hết, chỉ có vài cái sạp bằng tre để ngủ, còn ăn thì ngồi dưới đất. Có mấy nhà chánh tổng, phó tổng thì thấy bằng nhà ngói, ở trong có đủ bàn ghế, tủ, ván ngựa như ta, chỉ duy dơ bẩn quá thể và không có thứ lớp, khi chúng tôi đến, dừng đợi ngoài cửa độ mười phút cho họ quét dọn xong rồi mới vô được.

Trong hai xóm, Châu Hoét giàu hơn. Họ giữ nghề làm ruộng, nhiều nhà có những đống rơm to. Còn xóm Càng Rang thì nghèo cả, cả xóm đều ăn vay. Họ vay của người Nam mình mà vay nặng lỡi lắm, nhiều nhà tan nát vì mắc nợ, song chẳng có pháp luật nào binh vực cho họ về sự ấy hết.

Về cái công nghệ thường dùng, người Chàm ở đây chẳng hề làm được một cái gì hết. Từ nghề thợ rèn thợ mộc cho tới tứ ban vạn sự, họ nhứt giai bất biết. Cài sàng, cái dừng[8], cái chày, cối tay, cối đâm, họ đều phải mua của An Nam mà dùng. Những áo vải to mặc trong nhà thì đàn bà họ may lấy, ngó vụng về túm tíu chẳng ra sao ; còn tới những áo hàng lụa, thì họ chịu dốt không may được, phải thuê thợ ta. Trong hai xóm nầy có mấy nhà An Nam ở xen vào, tức là nhà thợ rèn và thợ may vậy.

Chúng tôi hỏi cho cùng tột thì họ chỉ còn biết một nghề dệt mà thôi. Chúng tôi có tìm đến chỗ họ dệt để coi. Đừng nghe nói dệt mà tưởng rằng có khung cửi và đồ lề rộn ràng như ta. Họ làm đơn sơ lắm, chỉ một cái ống tre làm trục cuốn canh và vài thanh tre chằng chịt với nhau, giàng ra một xó dưới đất rồi ngồi mà dệt. Cũng có go có khổ, và cái thoi thì làm bằng ống nứa. Một lần họ mắc cửu chỉ dệt ra vải dài được hai thước tây mà thôi, vừa làm đủ cái chăn vấn của họ hay là may đủ cái áo cụt. Song những vải dệt ra đó cốt dùng để liệm cho người chết, chớ không dùng cho kẻ sống. Họ lại có dệt thứ khăn bề khổ chừng hơn một tấc tây, có xen lộn các màu và bắt bông, nửa tơ nửa vải, thứ nầy để riêng làm khăn cho thầy Chang.

Xóm Càng Rang ở gần biển. Họ nói với chúng tôi rằng xưa kia ông cha ở xóm họ làm nghề đánh cá, song bây giờ nghề ấy về trong tay người Huế hết. Thật vậy, chúng tôi có đi xem một xóm của làng Long Hưng là làng sở tại huyện Tuy Phong, xóm ấy ở sát bên biển, có được mấy trăm chiếc ghe chài, mỗi buổi chiều, ghe về người ta gánh cá ở bờ biển thật là đông, song đều là An Nam cả, chẳng có một người Chàm nào lộn vào hết.

Nội một sự làm ăn đó, nói theo phép kinh tế học đời nay, người Chàm rồi cũng đến tiêu diệt. Bởi vì một vạn thứ chi họ cũng mua của người ngoài mà họ không bán ra cho ai được một thứ chi, thì bảo làm sao tiền của chẳng mỗi ngày một tiêu mòn rồi nghèo nàn cho đến chết !

Chúng ta thấy những cái tháp cùng các di tích của Chiêm Thành ở các tỉnh phía nam Trung Kỳ thì đủ biết công nghệ của họ ngày xưa khéo léo là dường nào. Trải qua một cuộc biển dâu, làm cho họ ngày nay trở nên dốt nát hèn vụng như thế, thật là một sự không ai tưởng tới. Đáng ghê thay là cái họa vong quốc ! Đáng thảm thay là cái dân mất nước.

Lời tục thường nói : Con cá lớn nuốt con cá nhỏ, con cá nhỏ lại nuốt con tép. Ấy là luật tạo hóa chăng ? Ấy là đạo trời chăng ? Người Nam ta ăn hiếp người Chàm về đường chánh trị và về đường kinh tế, từ trước hai ba thế kỷ cho đến ngày nay, rồi ta lại chôn mình vào trong bụng con cá lớn ! Nghĩ cho cùng rồi thấy cuộc đời chẳng ra trò gì cả, hết thảy đều là hung ác, đều là bạo ngược, đừng có làm bộ đem những câu bác ái, nhân đạo mà lòe nhau làm chi !

Tôi thấy cái trình độ sanh hoạt và tri thức của người Chàm rồi tôi đoán rằng họ sẽ bị diệt chủng chớ không tài nào khỏi được, chẳng qua một chầy một kíp mà thôi. Tôi nghĩ rằng bây giờ dầu có cái quyền nào mạnh lớn và cái ơn nào rộng rãi bồng đỡ họ lên và nâng niu lấy họ, là họ cũng không có thể trồi đầu được, vì họ như không muốn sống và cũng không biết cách sống ở thế kỷ nầy.

An Nam ta dầu thủ cựu cho mấy đi nữa cũng không theo kịp cái gót người Chàm. Họ giữ gìn các lề lối của tổ tiên họ một cách rất kính cẩn, đố ai làm cho họ “duy tân” hay là “cải lương” một chút nào được.

Đàn bà con gái Chàm không biết khiêng hay là gánh như ta. Họ chỉ đội trên đầu và bưng xách nơi tay mà thôi. Con gái đi lấy nước thế nào ? Chúng nó đem cái vò ra sông, vục nước vào rồi đội trên đầu mà về. Có tài thay là cái vò nước lớn tướng đội trên đầu mà không chao không đổ ! Mắt chúng tôi thấy có người đàn ông đội cả hai thớt cối xay trên đầu ! Hoặc giả họ hành hạ cái óc như vậy cho nên nó càng ngày càng đần đi cũng phải. Chúng tôi có giảng cho mấy người nghe về sự khôn ngoan của người ta là ở nơi óc, và khuyên họ rày về sau phải tập khiêng gánh, đừng đội đầu nữa. Song họ đáp rằng : Cái tục đội là tục ông bà đằng Thổ chúng tôi mấy trăm đời nay không bỏ được, nếu bỏ đi thì sanh ra đau ốm, ở không yên, làm ăn không nổi. Nghe vậy chúng tôi phải bật cười không nín được. Song nghĩ cũng chẳng có gì mà lạ, cái giọng ấy cũng tức là cái giọng “bảo tồn quốc túy” của mấy ông đại ái quốc An Nam mình chớ có gì đâu !

Chúng tôi có hỏi thầy phó tổng ở xóm Châu Hoét tại làm sao mấy thầy biết cất nhà ngói mà ở theo như đằng Huế, còn những nhà giàu kia không bắt chước theo lại cứ ở trong nhà thấp thỏi bầy hầy như vậy ? Thầy ấy đáp rằng : “Cách làm nhà của chúng tôi đã có phép tổ truyền nhứt định, cây cột cao mấy thước, lòng căn rộng mấy thước, cái đòn đông chừng nào, cái kèo chừng nào, phải y theo rập cũ của ông bà truyền lại, không sai. Như anh em tôi đây vì có làm việc quan nên phải cất một cái nhà ngói nầy để có chỗ tiếp rước quan khách, còn những người kia tuy giàu mặc lòng đâu dám bỏ tục ông bà. Song tôi đây dầu có cái nhà nầy, cũng phải có một cái theo kiểu xưa để làm như nhà thờ vậy”. Thầy phó nói như vậy rồi mở cửa một bên dẫn chúng tôi đi coi cái nhà tổ của thầy, thì quả nhiên cũng ũm thũm như các cái kia.

Đau ốm mà chỉ nhờ thầy Chang cúng cho thì chắc lành bịnh được không ? Chúng tôi có đem câu ấy hỏi họ. Cứ như họ trả lời thì sự ấy không lấy gì làm chắc. Có khi cúng rồi thấy bịnh lành, cũng có khi cúng rồi bịnh càng ngày càng nặng, cho đến chết. Có người vì thấy đau quá mà cũng không khỏi thì trộm lịnh đi uống thuốc đằng Huế, song uống mà có lành bịnh đi nữa cũng là giấu đi không dám cho thầy Chang biết, và phải nói rằng ấy là nhờ cúng mà được khỏe mạnh.

Ở miền đó trời nắng quanh năm và hằng ngày có gió lớn, nên mặt đất khô khan và nhiều bụi. Vì cớ ấy phần nhiều người Chàm bị toét mắt hay là mù. Thầy giáo có giảng phép vệ sinh về con mắt cho họ nghe, bảo đừng ngồi la lết dưới đất và đừng cho trẻ con vọc đất. Song họ đanh tiếng nói rằng : Đui hay không, là nhờ ở ông bà, chớ chúng tôi có quyền gì !

Khi vào một nhà kia, thấy một đứa bé độ năm sáu tháng đương nằm khóc khan tiếng và đến nỗi lồi rốn ra mà mẹ nó cứ ngồi yên chẻ lạt, chúng tôi hỏi làm sao không dỗ em ? Mẹ nọ trả lời : Nó khóc phỉ sức rồi nó nín. Chúng tôi nói : “Nó lồi rốn ra như vậy là tại nó khóc quá, phải coi chừng”. Song người mẹ vô tình kia cứ nguội lạnh như không mà nói rằng : Nó lồi ra nó lại thụt vào !

Bởi người Chàm sống trong sự mê tín, thủ cựu, chỉ thích “bảo tồn quốc túy” mà không biết bắt chước theo lối văn minh thời nay như vậy, cho nên dòng giống họ cũng ngày càng mòn. Cứ như lời thầy phó tổng nói cùng chúng tôi thì bẩy năm về trước đây, số dân tráng tổng Lạc Trị đến ba trăm rưởi mà bây giờ còn chừng hơn ba trăm. Về xóm Càng Rang, người lý trưởng đương kim cũng khai rằng số dân tráng xóm ấy mười năm trên được một trăm mà bây giờ còn bẩy chục. Cái sự tiêu hao ấy chính mắt họ trông thấy, họ há lại không biết sao, song coi tuồng như họ không lấy gì làm lo làm sợ. Ông hương chủ xóm Càng Rang có nói với chúng tôi một cách tự nhiên rằng : Năm trước, quan Công sứ Bình Thuận có nói vào tai chúng tôi : “Người Chàm bay tao kỳ cho hai mươi năm nữa thì chết tiệt hết !”.

Đã vậy mà cái lòng ái quốc của họ coi lại như tuồng nguội lạnh nữa. Chúng tôi có hỏi một cách nửa bỡn nửa thiệt mà rằng : bây giờ người đằng Thổ các ông muốn lấy lại nước mình chăng ? Ông hương chủ trên kia trả lời : “Có làm chi. Xưa kia chúng tôi ở với vua Tân (vua Chàm), nay vua Tân mất nghiệp rồi thì đã có đức lịnh hoàng đế An Nam, có về với ai chúng tôi cũng là làm dân cả”.

Chúng tôi có mách cho họ rằng có một tua người Chàm ngày xưa chạy giặc vô ở tại Tây Ninh bây giờ vẫn còn sanh cơ lập nghiệp tại đó, rồi hỏi họ có biết đến không và có hay qua lại thăm viếng nhau không ? Một người trong đám họ nói rằng : “Có nghe ông bà truyền lại như vậy song vì đường sá xa xuôi, đất nước lạ lùng, vả ai làm ăn ở đâu yên ở đó thì thôi, nên chẳng qua lại viếng thăm làm chi cho thêm chuyện !”

Tuy vậy, lấy những lời đó để làm chứng rằng người Chàm không có lòng thương nước thương nòi thì cũng khí oan cho họ. Nói người ta phải rờ lại sau ót mình...

Nghe đến câu chuyện dưới nầy thì lại thấy ra họ cũng còn đau đớn một vài phần.

Cũng ông hương chủ trên kia nói rằng : “Thuở nay tổng Lạc Trị chúng tôi vốn thuộc về huyện Phan Lý Chàm có quan huyện người Chàm cai trị. Mới hồi đức vua Khải Định đây, quan huyện ấy dâng công ngoài Bộ (Bộ đây là chỉ Triều đình Huế) rồi đem bán đứng chúng tôi nên tổng chúng tôi ngày nay mới thuộc về huyện Tuy Phong. Ở với quan An Nam cũng chẳng hề gì, song làm sao cho bằng ở với quan Chàm chúng tôi là dễ chịu” [.....]

Chúng tôi đi dạo trong hai xóm, vào hết thảy là sáu nhà, nói chuyện với độ chừng hai chục người. Một nhà ở xóm Càng Rang có pha nước trà tàu đãi chúng tôi, song không uống được vì chè mốc, bình trà dơ và nước hôi khói. Ở xóm Châu Hoét chúng tôi vào nhà thầy chánh tổng, thầy đi vắng, có vợ và em trai ra tiếp. Họ mở một chai rượu chát vang trắng đãi chúng tôi, chúng tôi phải uống một chút lấy lòng.

Vào nhà phó tổng chúng tôi ngồi nói chuyện khá lâu. Đến lúc từ lui, thầy phó đem ra hai đồng bạc để trên khay trầu mà nói rằng : Không mấy khi “các quan” đến chơi, tôi xin dâng lễ mọn gọi là.

Chúng tôi từ chối không nhận. Nhứt là về phần tôi, tôi bỡ ngỡ lắm, muốn tỏ cho thầy phó biết chúng tôi không phải quan và hỏi thầy sao lại trửng[9] bằng tiền bạc. Nhưng thầy giáo biết ý, nói riêng với tôi rằng : Chẳng có gì mà lạ, họ kêu mình bằng “quan” cũng như mình kêu Tây bằng “quý quan”, bất kỳ là người Tây nào [....].

   




Chú thích

  1. Chính do 2 câu mở đầu, Lại Nguyên Ân suy luận rằng bài bút ký điền dã này là của tác giả Phan Khôi (bài trước ký C.D. ; mà tất cả các bài viết, bài dịch, kể cả Nam âm thi thoại, đăng Đông Pháp thời báo, Phan Khôi đều ký C.D.). Bài này đăng 3 kỳ trên Thần chung, không ký tên tác giả, sau đó đăng 2 kỳ trên báo Trung lập, cuối bài ký Th. Ch., có thể là nghi việc báo Trung lập đăng lại bài của báo Thần chung
  2. Bản đăng báo Trung lập chỗ này là “... trong mùng”
  3. Bản đăng báo Trung lập, chỗ này là : “... ai nấy nghe phải sửng sốt”
  4. Bản đăng báo Trung lập, chỗ này là : “4 bên vách xác”
  5. Bản đăng báo Trung lập : “chớ không phải là người ngoài”
  6. Chỗ này 2 bản đăng báo Thần chungTrung lập có lẽ đều in thiếu, ở đây Lại Nguyên Ân thêm 3 từ trong ngoặc vuông cho rõ ý
  7. Indigène (tiếng Pháp) : bản xứ, người bản xứ
  8. Cái dừng : có lẽ là cái dần
  9. Trửng : đùa bỡn (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)