III

Trị binh

Vũ-hầu hỏi rằng: Đạo dùng binh nên làm gì trước? Khởi thưa rằng: Trước phải rõ 4 nhẹ 2 nặng 1 tin. Hỏi: Thế là thế nào? Thưa rằng: Khiến cho đất coi ngựa làm nhẹ, ngựa coi xe làm nhẹ, xe coi người làm nhẹ, người coi chiến làm nhẹ. Biết rõ chỗ hiểm chỗ dễ thì đất coi ngựa làm nhẹ, rơm cỏ đúng bữa thì ngựa coi xe làm nhẹ, dầu mỡ có thừa thì xe coi người làm nhẹ, gươm sắc giáp bền thì người coi chiến làm nhẹ. Tiến có thưởng nặng, lui có phạt nặng. Làm giữ điều tin. Có đủ bấy nhiêu thì là chủ yếu của sự thắng.

Vũ-hầu hỏi rằng: Binh lấy gì làm thắng? Khởi thưa rằng: Lấy trị làm thắng. Lại hỏi rằng: Không lấy số đông à? Thưa rằng: Nếu pháp lệnh không minh, thưởng phạt không đúng, đánh trống không tiến, đánh chiêng không ngừng, tuy có trăm vạn cũng chẳng ích gì cho công việc. Gọi rằng trị, ấy là ở thì có lễ, động thì có uy, tiến không thể cản, lui không thể đuổi, tiến lui có mực, tả hữu theo cờ, tuy đứt thành trận, tuy tan thành hàng, cùng với trong lúc an, cùng với trong lúc nguy, quân họp được mà không thể lìa, dùng được mà không thể mỏi, đem đi đến đâu thì thiên hạ không ai cản nổi, gọi là phụ tử chi binh.

Ngô-Tử nói: Phàm cái đạo hành quân, không quá mực tiến nghỉ, không lỡ bữa ăn uống, không tuyệt sức người ngựa. Giữ ba điều ấy để mà nhiệm dụng cái lệnh trên. Nhiệm dụng được lệnh trên thì sự trị bởi đó mà sinh ra vậy. Nếu tiến nghỉ không vừa chừng, uống ăn không đúng bữa, ngựa mỏi người mệt mà không được nghỉ ngơi, thì lệnh trên không thể đem mà dùng được. Lệnh trên đã bỏ thì ở thường phải loạn, đánh nhau phải bại.

Ngô-Tử-nói: Phàm chỗ binh trường chiến địa, tất chết thì lại sống, may sống thì lại chết, người khéo làm tướng, phải như ngồi trong chiếc thuyền thủng, như phục dưới mái nhà cháy, khiến cho người khôn không kịp mưu, người mạnh không kịp giận, cứ việc mà thụ địch. Cho nên nói rằng: Hại của dùng binh, lớn nhất là do dự, vạ của ba quân, sinh ra bởi hồ nghi.

Ngô-Tử nói: Người ta thường chết vì không hay, thua vì không giỏi. Cho nên cái phép dùng binh, dạy răn làm trước. Một người học chiến, dạy thành mười người, mười người học chiến, dạy thành trăm người, trăm người học chiến, dạy thành nghìn người, nghìn người học chiến, dạy thành vạn người, vạn người học chiến, dạy thành ba quân, lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi nhọc, lấy no đợi đói, tròn mà chợt vuông, ngồi mà chợt dậy, đi mà chợt đứng, tả mà chợt hữu, trước mà chợt sau, chia mà chợt hợp, buộc mà chợt cởi, mỗi một cách biến đều tập, rồi trao cho đề binh đó gọi là việc của người làm tướng.

Ngô-tử nói: Cách dạy việc chiến trận, người thấp cầm giáo mác, người cao cầm cung nỏ, người khỏe cầm cờ phướn, người bạo cầm trống chiêng, người yếu cung sai bảo, người khôn làm mưu chủ, làng xóm rủ nhau, thập ngũ giúp nhau, một tiếng trống thì chỉnh binh, hai tiếng trống thì tập trận, ba tiếng trống thì vào ăn, bốn tiếng trống thì đứng nghiêm, năm tiếng trống thì đi đều, nghe trống hợp lại rồi mới dựng cờ.

Vũ-hầu hỏi rằng: Sự tiến sự nghỉ của ba quân, cũng có đạo chăng? Khởi thưa rằng: Đừng chỗ bếp giời, đừng chỗ đầu rồng. Bếp giời là cửa cái hang lớn, đầu rồng là ngọn trái núi to. Tất phải phía tả thì cờ Thanh-long, phía hữu thì cờ Bạch-hổ, đàng trước thì cờ Chu-tước, đàng sau thì cờ Huyền-vũ, cờ Chiêu-giao ở bên trên, làm lụng công việc ở bên dưới. Khi sắp xuất chiến, nhận xem gió đến từ phương nào, gió thuận thì hò la mà theo, gió nghịch thì đóng vững mà đợi.

Vũ-hầu hỏi rằng: Về nuôi ngựa, cũng có phương chăng? Khởi thưa rằng: Này ngựa, chỗ ở nên cho yên định, cỏ nước nên cho thích hợp, đói no nên cho vừa chừng, mùa đông thì chuồng ấm, mùa hạ thì giăng mát, cắt xén lông bờm, cần cho gọn sạch, bưng che tai mắt, đừng để kinh sợ, tập sự giong ruổi, học sự đi đứng, người ngựa thân nhau, sẽ dễ sai khiến, xe cộ yên cương cần phải bền chắc. Phàm ngựa, không hư ở cuối, tất hư ở đầu, không hư vì đói, tất hư vì no. Ngày tối đường xa, thường hay lên xuống. Thà người chịu nhọc, đừng để nhọc ngựa, nuôi sức dồi dào, phòng giặc chụp đánh. Hiểu rõ được thế, hoành hành thiên hạ.