Ngày 29 Juillet tới đây sẽ có nhựt thực

Ngày 29 Juillet tới đây sẽ có nhựt thực  (1941) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 596 (13 Juin 1941), trang 1, 4.

Các nhà thiên văn trong thế giới định xem nhựt thực lần nầy cách nào?

Thuở xưa, hồi chưa giao thông với phương Tây, nghĩa là thiên văn học của phương Tây chưa du nhập, thì người phương Đông như Tàu và Việt Nam ta đối với những lần nhựt thực đều đã tính trước mà biết được. Tuy vậy, họ tính không được đúng cho lắm: có khi nói sẽ có nhựt thực mà rồi có thật, có khi nói sẽ có nhựt thực mà rồi không có.

Theo thiên văn học của ta, nhựt thực là một cái “thiên biến”, và cái thiên biến ấy có thể lấy sức người kéo lại được. Bởi vậy ở đời xưa, mỗi lần sở Khâm thiên giám tâu trước cùng vua đến ngày nào sẽ có nhựt thực mà rồi đến ngày ấy không ứng nghiệm, thì họ lại đổ cho tại nhà vua “tu đức, đã kéo lại được thiên biến, làm nó khỏi xảy ra”.

Thực ra thì không phải vậy đâu. Nhà thiên văn ta thuở xưa theo cái phép quan sát và kế toán không được rành rẽ cho lắm, cho nên gặp khi nhựt không thực[1] mà tính lộn cho là thực, rồi tuyên bố trước, thành thử đến kỳ mới không ứng nghiệm. Chứ nếu theo phương pháp rất tinh tế mà tính thì không khi nào sai.

Tức như nhà thiên văn bên Âu Mỹ, mỗi lần tuyên bố sẽ có nhựt thực thì đều có cả, và đúng đến từng giờ từng phút từng giây, lại đúng đến thực cách nào, mặt trời bị che cả hay che một ít, không thể sai lầm được.

Non một trăm năm nay, khoa thiên văn Thái Tây truyền qua Đông phương, duy có người nước mình không học theo để cải lương phép cũ, nên Khâm thiên giám ở Huế ngày nay vẫn còn giữ lề lối của đời Tự Đức, chứ còn bên Tàu họ đã cải lương theo phương pháp Âu Mỹ rồi.

Mấy lần nhựt thực trước đây chừng mươi năm, lần nào các nhà thiên văn thế giới cũng đều có tuyên bố trước và lần nào cũng đúng y.

Đến lần nầy, như Dân báo mấy tháng trước có đăng, người ta quyết cho rằng đến ngày 29 Juillet 1941 sẽ có nhựt thực, thì, bạn đọc hãy nhớ mà xem, đến ngày ấy phải có.

Về lần nhựt thực nầy sẽ tới, vừa rồi lại có những tin quan hệ mà chúng tôi sắp thuật lại trong bài báo nầy cho bạn đọc biết.

Mỗi lần nhựt thực, trên trái đất tùy theo chỗ mà thấy khác nhau: hoặc thấy thực cả, hoặc thấy thực một phần. Lần nầy cũng vậy.

Lần nầy, theo lời nhà thiên văn, ở nước Tàu có những tỉnh nầy được thấy thực cả (total): ấy là Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, cộng tám tỉnh. 

Người ta lại nói lần nhựt thực nầy có những hiện tượng đặc biệt mà vài trăm năm nay chưa hề có, nếu quan sát và nghiên cứu những hiện tượng ấy cho đến nơi đến chốn thế nào cũng có bổ ích rất lớn cho khoa học thiên văn. Bởi vậy các chánh phủ của các nước văn minh khắp trên đất đều hết sức chú ý vào lần nhựt thực nầy.

Tám tỉnh bên Tàu nói trên đó hiện nay thuộc vào đến hai cái thế lực phạm vi: nơi thì thuộc về chánh phủ Trùng Khánh của phái Tưởng, nơi thì thuộc về chánh phủ Nam Kinh của phái Uông. Bởi vậy liệt cường chia ra hai phe, ai theo cách nấy hầu kiếm một chỗ căn cứ, làm như một thiên văn đài tạm, trong đất Tàu để quan sát. Cánh Đức, Ý, Nhựt thì lo giao thiệp với Nam Kinh, cánh Anh Mỹ thì lo giao thiệp với Trùng Khánh từ mấy tháng nay rồi. Vả lại mỗi bên đều có ý tranh cạnh nhau ai nấy đều mong mình sẽ có sự phát minh gì mới lạ trong lần nhựt thực sẽ tới.

Riêng về nước Tàu, chánh phủ Trùng Khánh đối với lần nhựt thực nầy cũng coi là rất quan hệ và sẽ quan sát rất tận tâm. Họ sẽ mở một cuộc hội nghị về việc quan trắc nhựt thực và đã quyết nghị những điều như dưới.

Định tổ chứ hai đội quan trắc: một đội Tây bắc và một đội Đông nam. Đội Tây bắc đóng ở Cam Túc, Thiên Thủy và Thiểm Tây, do sở Nghiên cứu thiên văn của Trung ương nghiên cứu viện chịu trách nhiệm về sự quan trắc; còn đội Đông nam đóng ở Phúc Kiến và Giang Tây, do Thiên văn đài của Trung Sơn đại học và Trung quốc thiên văn học hội chịu trách nhiệm. Đội Tây bắc có Trương Giác Triết làm đội trưởng, định cuối tháng sáu tây xuất hành từ Côn Minh; đội Đông nam có Trương Vân làm đội trưởng, định đầu tháng ấy xuất hành từ Lưỡng Quảng.

Về việc quan trắc lần nầy cốt ở nghiên cứu cái sức sáng của nhựt thực và cái sức sáng trong lúc toàn thực (total) giữa thiên không. Đó đều là việc về chuyên môn, ở đây không thể nói tường tận được. 

Người ta nói sẽ có chụp nhiều ảnh và quay nhiều phim trong lúc nhựt thực để rồi sau nầy sẽ đem chưng bày trong các cuộc triển lãm cho công chúng xem. Lúc ấy sẽ có diễn thuyết về nhựt thực nữa, cốt để nhấc cao cái tri thức về khoa học của mọi người.

Bên Tàu hiện đương bị giặc giã mà còn lo được việc tuyên truyền về khoa học như thế, kể cũng là giỏi lắm.     

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Trường hợp này (và một số chỗ khác trong bài này) từ “thực” 蝕 (rút từ “nhật thực” 日 蝕) có nghĩa là “che khuất”, “ăn”…, chứ không phải “thực” trong “sự thực”, “thực tế”.