Xương-Văn sợ loạn tạm lên ngôi,
Xương-Cấp nghe tin mừng trở bước.


Giang-hoài-Nhơn dạy dắt Mã-Chiêu đem ra, nhìn kỹ lại thì không phải Sầm-Bích. Hoài-Nhơn giận Mã-Chiêu hâm hở cứu Bình-vương, chém giết quân-sĩ rất nhiều, nên dạy đem ra ngoài thành mà chém. Xương-Văn nói rằng: Mã-Chiêu là quân hộ-vệ của Bình-vương; tự nhiên nó phải tận tâm cứu chúa; nếu giết nó thì ngày sau ai dám liều mình cứu chúa nữa. Xương-Văn cãn không cho chém Mã-Chiêu và dạy đem giam vào ngục, đợi ngày sau sẽ nghị tội.

Đỗ-Cảnh-Thạc nghe đã bắt được Bình-vương rồi, và thấy quân trong thành mở cửa hàng đầu, không chống cự chi hết, nên kéo binh nhập thành, Cảnh-Thạc đến chánh-điện thấy Xương-Văn, Kiết-Lợi, Hoài-Nhơn cùng các quan văn võ đồng tựu đủ mặt, bèn làm lễ Xương-Văn rồi nói rằng: “Xin Điện-hạ lên ngôi đặng cho bá quan làm lễ triều yết.”

Xương-Văn lắc đầu đáp rằng: “Đỗ-quốc-công phân như vậy sao phải. Vả cái ngôi nầy là ngôi của Nhứt-điện; tuy ta có công thâu phục xã-tắc lại được mặc dầu, song ta không lẽ vì cái công ấy mà cướp ngôi của anh ta. Vậy để ta cho người đi tìm anh ta mà rước về triều rồi bá quan sẽ tôn anh ta lên ngôi.”

Bá quan nhơn dịp ấy mới tỏ sự Lữ-Đường, Lý-Khuê, Thủ-Thiệp giấy binh Tế-Giang, còn Xương-Cấp thì đề binh Đằng-châu hai mặt đều đánh lấy châu quận, quyết về kinh-đô phục-nghiệp, Bình-vương lo sợ nên đã sai Triệu-Hùng đi cản binh Tế-Giang, còn Lâm-Hổ đi cản binh Đằng-châu, Xương-Văn nghe nói chẳng xiết nỗi mừng, liền ngó Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi mà phân rằng: “Nếu vậy thì là may lắm. Nhưng mà Nhứt-điện với chư trấn chưa biết thắng bại lẽ nào. Vậy phiền Dương-tướng-công dẫn 5 ngàn binh ra mặt Đằng-châu mà tiếp chiến với Nhứt-điện rồi rước luôn về kinh, còn Giang Ngự-sử thì cũng dẫn 5 ngàn binh ra mặt Tế-Giang mà trợ chiến cho chư trấn. Ta đợi Nhứt-điện về đến triều rồi sẽ làm lễ tôn-vương.”

Đỗ-Cảnh-Thạc với Giang-Hoài-Nhơn đáp rằng: “Một ngày không có vua thì trong nước không yên tịnh. Vậy xin Điện-hạ phải tạm lên ngôi chấp chánh đặng thâu-phục dân tâm, chớ nếu Điện-hạ đợi chờ thì sợ chẳng khỏi kinh-thành sanh biến.”

Xương-Văn ý không muốn chịu, nhưng vì bá-quan nói quá nên mới tạm lên ngôi, xưng hiệu Nam-Tấn-vương, rồi sai Kiết-Lợi đem binh đi tiếp Xương-Cấp và sai Hoài-Nhơn đem binh đi tiếp bọn Lữ-Đường.

Lữ-Đường, Lý-Khuê với Thủ-Thiệp ở Tế-Giang kéo binh nhắm kinh-đô tấn phát. Các quận huyện không dám đối địch nên phải phi báo về triều. Binh Lữ-Đường với hai tướng kia đi còn chừng nửa ngày nữa thì tới Cổ-Loa thành, bỗng gặp Triệu-Hùng dẫn binh triều ra ngăn cản. Hai bên liệt bày trận thế, rồi giáp chiến với nhau gần nửa ngày, bọn Lữ-Đường binh ít hơn, liệu thắng không nổi, nên sục lại dựa mé rừng mà đóng. Qua bữa sau hai bên đánh nhau nữa. Lữ-Đường với Thủ-Thiệp đương cự với Triệu-Hùng, Lý-Khuê liền dẫn bổn bộ binh lén kéo đi trong rừng, vòng phía sau rồi xông ra mà đánh. Triệu-Hùng thấy thế nguy hiểm, sợ bị vây, nên rút binh nhắm hướng tây mà chạy, Lữ-Đường, Lý-Khuê với Thủ-Thiệp xua quân rượt theo, tưởng đã thắng trận, chẳng dè Triệu-Hùng trá bại chạy chừng một dậm, rồi đốc quân trở lại hỗn chiến với ba tướng. Binh của Triệu-Hùng đông hơn, nên ngăn cản binh ba trấn tới không nổi. Lữ-Đường túng thế phãi tạm đình chiến đặng lo mưu mà phá giặc.

Chiến đấu luôn hai ngày, hai bên quân sĩ đều mệt mỏi, nên Triệu-Hùng cũng tạm đình chiến cho binh nghỉ. Cách hai ngày Triệu-Hùng thấy binh khỏe rồi mới dẫn đến trước trại của ba tướng nghịch mà khêu chiến, Lý-Khuê cỡi ngựa dẫn binh xông ra gặp Triệu-Hùng, hai tướng đánh nhau gần 20 hiệp chưa phân thắng bại. Lý-Khuê thối về vòng binh mà yễm trận, cho Lữ-Đường ra thay thế.

Lữ-Đường với Triệu-Hùng đang giao chiến với nhau, bỗng thấy phía đông nam bụi bay tối trời, có một đạo binh đương kéo tới. Lý-Khuê tưởng là binh triều sai qua tiếp chiến với Triệu-Hùng nên biểu Thủ-Thiệp dẫn binh ngăn cản, hỏi lại mới hay là binh của Giang-Hoài-Nhơn đến tiếp ứng chư trấn.

Thủ-Thiệp liền hiệp với Hoài-Nhơn rồi xua quân nhắm giữa vòng binh của Triệu-Hùng mà xông vào, làm cho binh Triệu-Hùng đại loạn.

Triệu-Hùng sợ thất nên lật đật quay về mà cứu, Lữ-Đường với Lý-Khuê rượt theo, hai tướng xông vào một lượt đánh Triệu-Hùng rớt xuống ngựa. Lữ-Đường bắt trói Triệu-Hùng, còn Lý-Khuê với Thủ-Thiệp và Hoài-Nhơn vây bắt quân sĩ. Một muôn binh của Triệu-Hùng thấy chủ tướng bị bắt thì kinh hãi, không dám chống cự nữa, bó tay hàng đầu hết.

Hoài-Nhơn đã tỏ sự Xương-Văn đã thâu đoạt Cổ-Loa và bắt giam Bình-vương cho ba tướng hay. Lữ-Đường, Lý-Khuê và Thủ-Thiệp nghe tin lấy làm mừng rỡ, liền kéo binh thẳng riết tới kinh thành đặng yết kiến Nam-Tấn-vương.

Nam-Tấn-vương nghe tin Hoài-Nhơn đi tiếp ba trấn, đánh bắt được Triệu-Hùng rồi dẫn nhau về kinh thì trong lòng hớn hở, liền ra chánh điện rồi đòi mấy tướng vào. Vua phủ-ủy chư trấn, dạy đem Triệu-Hùng hạ ngục, rồi khuyên ba tổng trấn tạm ở triều ít ngày mà chờ Nhứt-Điện đến đặng hội diện.

Đã biết những người theo phò tá Xương-Văn như là Giang-hoài-Nhơn, Đỗ-Cảnh-Thạc, Dương-Kiết-Lợi thảy đều cho Xương-Văn làm vua đặng họ kể đại công mà lãnh quyền cao lộc trọng. Tuy mấy người ấy không có bụng ghét Xương-Cấp, nhưng mà nếu Xương-Cấp làm vua thì họ có công gì. Bởi họ có ý riêng như vậy nên họ mới ép Xương-Văn xưng Nam-Tấn-vương.

Còn Xương-Văn thiệt tình kính mến anh, không có lòng muốn đoạt ngôi của anh chút nào, nhưng vì bị chư tướng nói nghe hữu lý nên phải tạm lên ngôi đỡ mà chờ anh, Xương-Văn trông đợi hoài không thấy binh của Xương-Cấp đến mà cũng không thấy Kiết-Lợi về, nên ngày đêm thổn-thức ăn ngủ không được.

Vả đường từ Đằng-châu lên Cổ-loa-thành thì xa, Sầm-Bích lãnh tiền đạo đi đến đâu lại còn phải chiêu-an bá-tánh, khuyến dụ thân hào, nên đi lâu hơn đạo binh mặt Tế-Giang. Đi được nửa đường Sầm-Bích nghe quân thám thính về báo rằng: triều đình sai Lâm-Hổ đem một muôn binh ra chống cự, binh triều ra đã gần tới rồi. Sầm-Bích tuy không sợ tài lược của Lâm-Hổ, song nghĩ mình có một ngàn rưỡi binh, nó có tới một muôn, dầu mình có giỏi hơn cũng khó mà thắng nó được, nên tạm đình binh dựa triền núi Thổ-Sơn rồi sai Sài-Tấn trở lại đại đội mà báo tin cho Xương-Cấp hay.

Xương-Cấp được tin thì lo sợ, nên dạy Lương-chánh-Tôn xua quân riết tới đặng có tiếp ứng với Sầm-Bích.

Lâm-Hổ dẫn binh vừa tới Thổ-Sơn nghe Sầm-Bích có một ngàn rưỡi binh thì trong bụng khinh khi, nên phân binh mà vây, tính bắt Sầm-Bích, Sầm-Bích đợi Lâm-Hổ chia binh mà vây xong rồi mới dẫn quân xuống núi phá vây.

Lâm-Hổ có binh nhiều mà trí ít, theo chiến pháp sự chia binh mà vây là một mưu hiểm nghèo, bởi vì phân binh ra bốn mặt thì tự nhiên thế lực suy giảm, mà mỗi mặt phải có đủ tướng gìn giữ thì mới bắt được giặc. Lâm-Hổ cầm binh đi đánh Sầm-Bích, tài Lâm-Hổ thua tài Sầm-Bích rất nhiều, dầu Sầm-Bích nhắm ngay chỗ Lâm-Hổ gìn giữ mà ra Lâm-Hổ cũng không cãn nổi, huống chi là mấy bộ tướng khác của Lâm-Hổ cản sao được. Bởi vậy Lâm-Hổ vây rồi, Sầm-Bích phá vây mà ra coi dễ như chơi.

Lâm-Hổ nghe Sầm-Bích đánh vẹt quân mà ra khỏi trùng vi, thì nổi giận, mà lại sợ Sầm-Bích chạy khỏi, nên giục ngựa theo cãn Sầm-Bích. Hai tướng gặp nhau, Lâm-Hổ nạt lớn rằng: “Năm trước ta đã để cho mi thoát khỏi tay ta một lần rồi, bây giờ mi tính đến đây mà nạp mình hay sao ?”

Sầm-Bích nghe tiếng tự cao thì tức cười, không thèm trả lời, cứ cầm gươm xông vào mà đánh. Hai tướng giao phuông được mười hiệp, Sầm-Bích càng đánh sức càng bội thêm hoài, Lâm-Hổ liệu thế cự không nổi nên quất ngựa mà chạy, Đào-Quan theo trợ chiến với Sầm-Bích thấy Lâm-Hổ bỏ chạy liền giơ cung lấp tên bắn một mũi trúng sau ót, Lâm-Hổ ngã lăn xuống ngựa, kế Mai-tử-Phục giục ngựa chạy tới chém lấy đầu đem dưng cho Sầm-Bích.

Sầm-Bích còn xua binh mà đánh với binh của Lâm-Hổ, bỗng đại đội của Xương-Cấp kéo tới, Lương-chánh-Tôn đốc quân xông vào tiếp chiến. Binh triều thấy tướng soái đã tử trận mà lại thấy có binh tiếp ứng nữa, thì chẳng còn lòng nào quyết chiến, nên kéo nhau mà chạy, tốp lên núi, tốp vào rừng. Sầm-Bích với Chánh-Tôn xua binh đuổi theo chém giết được mấy trăm người, còn bao nhiêu thì bó tay đầu hàng hết.

Xương-Cấp mới xuất binh mà đã được đại thắng thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, nên tỏ lời khen ngợi Sầm-Bích cùng tướng-sĩ rồi truyền lịnh tấn binh riết vào thành đô. Binh đi được ít dậm, bỗng có thám-tử về báo rằng: có đạo binh ước chừng một muôn, có Kiết-Lợi làm chánh tướng, ở trong kinh đô kéo ra, đội ngũ chỉnh tề, oai phuông lẫm liệt. Xương-Cấp cả kinh liền hội Sầm-Bích với Chánh-Tôn mà thương nghị. Sầm-Bích sắc mặt như thường, chẳng có chút lo sợ, thung dung thưa rằng: “Đả biết Kiết-Lợi là đại tướng song người đã già rồi, mà người có dõng chớ không có mưu nên chẳng đủ lo sợ. Đã vậy mà hôm nọ tôi có một ngàn rưỡi binh, còn Lâm-Hổ có một muôn, tôi còn giết nó được thay, huống chi nay binh Đằng-châu có tới 5 ngàn, lại có binh mới đầu kể gần một muôn nữa, thế lực như vậy lo chi không thắng nổi Dương-kiết-Lợi được.”

Sầm-Bích liền truyền lịnh đồn binh chia ra làm ba đạo, Xương-Cấp đóng ở giữa, còn Sầm-Bích với Chánh-Tôn thì đóng hai bên, chờ binh Kiết-Lợi kéo tới sẽ giao chiến.

Dương-kiết-Lợi vâng lịnh Nam-Tấn-vương là Xương-Văn, dẫn binh ra mặt Đằng-châu mà tiếp chiến và rước Xương-Cấp về triều. Đi dọc đường gặp binh của Lâm-Hổ bại trận trốn chạy về kinh, Kiết-Lợi đón bắt rồi hỏi mới hay Lâm-Hổ tử trận. Kiết-Lợi đốc quân riết tới đặng nghinh-tiếp Xương-Cấp. Khi thấy đạo binh của Xương-Cấp đóng phía trước, Kiết-Lợi bèn dạy dừng binh hạ trại, rồi một mình cỡi ngựa tía, mang đại đao, nhắm ngay trại của Xương-Cấp mà đi vào.

Quân sĩ thấy tướng giặc xâm xâm đi vào thì ngăn cản không cho tới. Kiết-Lợi bèn nói rằng: “Bây hãy mau vào trung-quân thưa cùng Thái-tử rằng: có ta là Dương-Kiết-Lợi xin vào trại ra mắt ngài.”

Xương-Cấp nghe quân vào báo như vậy thì lấy làm kỳ, liền cho đòi Sầm-Bích với Chánh-Tôn đến trung-quân nghị sự. Sầm-Bích thưa rằng: “Kiết-Lợi nhứt thân, nhứt mã đến trước trại, dầu có lập kế gian cũng không làm gì được. Vậy xin Điện-hạ lên ngựa ra đó coi Kiết-Lợi muốn tỏ đều chi.”

Xương-Cấp nghe lời mới cỡi ngựa đi với Sầm-Bích và Chánh-Tôn ra trước trại. Dương-Kiết-Lợi thấy Thái-tử Xương-Cấp cỡi ngựa kim, mình mặc giáp trắng, đầu vấn khăn trắng, tướng mạo ôn-hòa mà oai phuông lẫm liệt, thì vòng tay thi lễ và nói rằng: “Cách biệt nhau đã 5 năm, ngày nay mới thấy mặt. Đã vậy mà còn mắc vương mạng tại thân nên không trọng lễ được, vậy xin Điện-hạ thứ tội.”

Xương-Cấp liếc ngó Kiết-Lợi rồi cười gằn mà hỏi rằng: “Tiểu điệc cũng kính chào quốc-cựu, Quốc-cựu phò tá Bình-vương chẳng biết năm nay đã thăng tới chức chi, xin cho tiểu điệc biết đặng xưng hô cho khỏi thất lễ ?”

Kiết-Lợi nghe mấy lời cay đắng thì hổ thẹn, nên cúi mặt xuống rồi nói nhỏ nhỏ rằng:

- Lão ngồi chức đại Nguyên-Nhung.

- Cha chả là vinh-vang ! Thưa đại Nguyên-Nhung chẳng hay đại Nguyên-Nhung giựt ngôi của anh em tôi giùm cho An-trí-công rồi mà cũng chưa vừa ý, nay còn quyết đem binh ra đây mà bắt tôi nữa hay chăng?

- Không. Lão ra đây là vâng lịnh Nam-tấn-vương ra đặng tiếp chiến với Điện-hạ mà trừ Lâm-Hổ rồi rước Điện-hạ về triều chớ.

Xương-Cấp nghe nói chưng hửng, nên ngó ngay Kiết-Lợi mà hỏi rằng:

- Nam-Tấn-vuơng là ai mà sai Nguyên-Nhung đi tiếp chiến với tôi ?

- Nam-Tấn-vương là Nhị Điện-hạ Xương-Văn. Người nhờ có lão với Cảnh-Thạc, Hoài-Nhơn phò tá, nên bắt Bình-Vương hạ ngục rồi tức vị xưng vương. Việc nội loạn đã dẹp yên rồi nên sai lão dẫn binh ra tiếp Điện-hạ.

Xương-Cấp nghe mấy lời nửa mừng nửa nghi, nên ngó Sầm-Bích, ý muốn hỏi Sầm-Bích coi việc xảy ra như vậy bây giờ phải liệu lẽ nào, Sầm-Bích hội ý liền bước tới phân rằng: “Thưa Điện-hạ, mấy năm nay Điện-hạ phiêu lưu lao khổ, nay trốn đến núi nầy, mai vào nơi thành nọ, ấy là ý Điện-hạ mong trừ loạn thần ngụy đảng mà thâu phục giang sơn. Nay Điện-hạ cầm binh quyết về kinh mà tranh ngôi với Bình-Vương, lại nghe Nhị Điện-hạ đã bắt giam Ngụy chúa và lên ngôi cửu ngũ rồi, ấy là một đều may, vì Điện-hạ khỏi thất công mà giang-sơn lại trở về cho nhà Ngô như cũ. Vậy xin Điện-hạ mời Dương Nguyên-Nhung vào trại mà tiếp đãi rồi định kế hồi trào, kẻo bá quan chờ đợi.”

Xương-Cấp gật đầu rồi mời Kiết-Lợi đi theo vào trại. Vào trung-quân phân ngôi tân-chủ an tọa rồi, Xương-Cấp mới hỏi Dương-Kiết-Lợi coi Xương-Văn lập mưu thế nào mà phế Bình-Vương, còn Kiết-Lợi với Cảnh-Thạc ngày trước phò tá Bình-Vương mà sao bây giờ lại đổi lòng trợ giúp Xương-Văn, Dương-Kiết-Lợi kể hết đầu đuôi mọi việc lại cho Xương-Cấp nghe. Xương-Cấp khen mừng chẳng xiết, khen là khen em có trí có mưu, còn mừng là mừng em đã phục hồi cơ nghiệp.

Kiết-Lợi lại nói tiếp rằng: “Khi bắt Bình-Vương mà giam vào Lãnh-cung rồi, bá quan khuyên Nhị Điện-hạ phải tức vị xưng vương đặng bình phục trong triều, chiêu an ngoài ải. Nhị-Điện không chịu, nói rằng nếu xưng vương thì chẳng khỏi mang tiếng đoạt ngôi của anh. Bá quan theo phân giải hoài, cực chẳng đả phải tạm xưng vương đặng chờ rước Điện-hạ về rồi sẽ nhường ngôi lại. Vậy xin Điện-hạ tấn binh hồi trào cho gắp, kẻo Nhị-Điện trông đợi.”

Xương-Cấp ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: “Ngày nay cơ nghiệp của tiên-vương, Nhị-Điện đã thâu phục được rồi, công ấy là công của Nhị-Điện chớ tôi chẳng có công gì. Đã biết ngày trước phụ-vương tôi phong chức Thái-tử cho tôi mặc dầu, nhưng mà khi phụ-vương tôi thăng-hà rồi, cơ nghiệp tan nát hết, hai anh em tôi phân rẽ, dày thân gió bụi, gởi bước chông gai, từ ấy đến nay chẳng biết ai là Thái-tử. Hai anh em tôi vì tiếc cơ nghiệp của tiên vương, nên em ở trong triều, anh ở ngoài trấn, mỗi người đều lo mưu tính kế mà phục hổi xã tắc giang-sơn. Nay trời khiến cho em tôi thành công, thì tôi phải để cho nó hưởng, chớ lẽ nào mà tôi lại về mà cướp công của nó. Huống chi em tôi nó nhỏ mà còn biết nghĩa nên dụ-dự không làm vua, phận tôi là lớn, há tôi đành về mà giành ngôi của nó hay sao. Vậy xin Nguyên-Nhung về triều mà tâu lại Tấn-vương làm vua cũng vậy, mà tôi làm vua cũng vậy, miễn là cơ nghiệp của Ngô-vương khai sáng ngày nay trở lại cho con cháu nhà Ngô thì tôi đã vui mừng rồi chẳng còn mong chi nữa”.

Kiết-Lợi vâng lịnh đi rước Xương-Cấp, sợ không thành công về triều có tội, nên theo năn nỉ hoài mà Xương-Cấp chặt dạ không chịu tấn binh. Sầm-Bích nghe lời Xương-Cấp nói lời nào cũng thiệt nhơn nghĩa, nên không dám xen vào can gián. Kiết-Lợi nói hoài đến ba ngày cũng không được, túng thế phải từ biệt dẫn binh trở về kinh phục mạng.

Khi Kiết-Lợi đi rồi thì Xương-Cấp dạy Sầm-Bích với Chánh-Tôn quày lại Đằng-châu.