Cường khấu còn thương tình thủ túc,
Quan trường lại phụ nghĩa quân-thần.


Từ ngày Trần-cao-Phi đã mất 15 lượng bạc mà bắt không đặng Kiên-Trinh, thì ngày đêm tức giận ăn ngủ không được. Cách ít bữa sai người qua làng Thường-phú dọ Kiên-Trinh có về nhà hay không, và như có về nhà rồi thì hỏi thăm coi người nào cứu đem về nhà đó.

Người nhà đi dọ xong rồi trở về nói rằng: Kiên-Trinh bây giờ ở tại Lữ-gia-trang như thường, còn người cứu nàng ấy là Hồng-Dực, chẳng rõ là người ở đâu lại đó, đi du học với em tên là Hồng-Phi, anh thì võ nghệ cao cường, em thì văn chương tuyệt-diệu, hai anh em còn ở đậu tại nhà Lữ-ông.

Cao-Phi nghe rõ tình hình thì tính thầm trong trí rằng: “Không lẽ hai anh em họ Hồng ở đó hoài, vậy ta đợi chừng nào chúng nó đi rồi ta sẽ lo mưu mà bắt Kiên-Trinh nữa”. Nào dè cách ít ngày lại nghe Hồng-Phi có bịnh nên phải tạm ở đó mà uống thuốc. Cao-Phi mới nghĩ thầm rằng; “À tại thằng nhỏ đau, nên chưa đi. Vậy hễ nó mạnh rồi thì chắc nó đi, chớ ở đó mà làm gì”.

Cao-Phi đợi hơn ba tháng. Ngày nọ nghe Hồng-Phi mạnh rồi thì trong bụng mừng thầm, mà vừa mới nghe mạnh đó rồi kế nghe Lữ-hà-Mai đã hứa gả Kiên-Trinh cho Hồng-Phi. Trần-cao-Phi hay tin ấy cũng như sét nổ bên tai, quạu mặt vững mày nghiến răng mà nói rằng: “À, bây đoạt hôn của tao há! Bây đã tới số chết rồi”.

Sáng ngày sau Cao-Phi lấy 10 lượng bạc bỏ vào lưng, rồi cỡi ngựa lên Linh-sơn, tính mướn cường khấu xuống đánh làng Thường-phú, giết anh em họ Hồng, đốt nhà Lữ-hà-Mai và bắt Kiên-Trinh giao cho mình nữa.

Võ-Nhứt, ở Linh-sơn, chôn em rồi thì lo cất trại lại và lo chiêu tập lâu la thêm. Anh ta thám dọ biết Hồng-Dực là người giết em mình, hãy còn ở tại làng Thường-phú, có khi nằm đêm nhớ tới em thì tức giận, muốn dẫn lâu la xuống đánh mà báo thù, nhưng nghĩ vì rất đỗi là em mình mà còn cự không lại thay, mình đây võ nghệ không giỏi bằng em mình, thế thì mình làm sao mà thắng nó cho được, đã vậy mà mình ở trên sơn trại tụi nó lên đây không thuộc đường đất mà mình còn không làm gì nó được thay, huống chi mình xuống làng của nó thì thắng nó sao nỗi. Bởi Võ-Nhứt nghĩ như vậy nên thương em mà không dám báo thù.

Cao-Phi lên tới Linh-sơn gặp lâu-la bèn biểu dắt lên núi đặng ra mắt chủ-trại. Võ-Nhứt thấy mặt Cao-Phi thì nhớ tới lời em nói lúc gần chết, nên trong lòng không được vui. Cao-Phi bèn nói rằng: “Thưa chủ trại, tôi lên đây trước là thăm chủ-trại sau hỏi chủ-trại đã tính kế chi mà báo thù cho tiểu chủ-trại hay chưa. Mấy tháng nay tôi nghe Lữ-hà-Mai nó nói thách rằng: chủ-trại không dám xuống làng Thường-phú thì tôi giận quá, chịu không được. Trong châu nầy, ai lại không kiên oai chủ-trại, mà nó dám nói như vậy chớ! Ôi! Còn hai anh em họ Hồng chúng nó lại nói phách nhiều hơn nữa. Thằng anh là thằng lên đây giết tiểu chủ-trại đó, nó nói rằng: nếu chủ-trại xuống nó không thèm đánh, nó để thằng em nó bắt sống chủ-trại chơi cho biết danh.

Võ-Nhứt châu mày, ngừng Cao-Phi lại nói rằng: “Mi đừng nói nữa. Lần trước vì mi mà em ta chết, bây giờ mi còn muốn cho ta chết nữa phải hay không?”.

Cao-Phi đáp rằng: “Chủ-trại nói như vậy thì tội nghiệp cho tôi quá! Tôi thấy tiểu chủ-trại bị hại tôi nóng lòng nên lên đây mà hỏi thăm coi chủ-trại có tính mưu báo thù hay không, chớ phải báo thù mà lợi-ích gì cho tôi hay sao. Nói cùng mà nghe, ví như chủ trại đánh báo thù mà có bắt luôn được Kiên-Trinh giao cho tôi, thì tôi cũng đền ơn thêm cho chủ-trại, chớ phải tôi tính trừ 15 lượng bạc trước đó hay sao? Tôi nói thiệt, nếu chủ-trại muốn đòi thêm chừng 10 lượng nữa tôi cũng chịu, mà muốn đưa trước tôi cũng đưa cho”.

Võ-Nhứt lắc đầu nói rằng: “Ta không muốn nghe mi nói tới việc ấy nữa, bởi vì ta thấy mi là ta nhớ lời em ta, mà hễ ta nhớ lời em ta thì ta giận mi lắm”.

Cao-Phi thấy kế bất-thành, nhắm nói nữa cũng vô ích, nên từ giã mà xuống núi. Lâu la nghe hơi Cao-Phi nói khi nãy thì biết có đem tiền bạc theo lưng, nên xin phép chủ-trại đặng chạy theo mà giựt. Võ-Nhứt can rằng: “Không nên lấy bạc của nó nữa”.

Cao-Phi về nhà buồn bực, nằm lo ngồi tính, không biết mưu nào mà bắt cho được Kiên-Trinh. Cách vài ngày có quan Tri-châu tên Trầm-Khuê đi vãng dân, đến làng Thường-thạnh, thấy nhà Cao-Phi cao lớn hơn hết, bèn dạy quân ghé vào. Cao-Phi thấy quan đến nhà, chẳng biết có việc chi quan-hệ, nên lật đật thay áo bịch khăn rồi ra đón trước cửa mà nghinh-tiếp.

Trầm Tri-châu vào nhà dòm coi trong ngoài rồi mới hỏi thăm làng động-tịnh thể nào, mùa màng đắt hay thất. Cao-Phi vòng tay thưa rằng: “Bẩm thượng-quan, dân trong làng tôi thảy đều lo làm ăn, chẳng ai sanh tâm gian-giảo chi hết. Còn mùa màng năm nay tuy trúng, song trúng thì có đủ lúa ăn mà thôi, chớ không dư dả”.

Quan Tri-châu lại hỏi rằng: “Ta có được lịnh triều đình dạy phải bắt cho được Thái-tử Xương-Cấp với Tổng-binh Sầm-Bích là người có tội. Mi có thấy hai người đó trốn ở trong làng nầy hay không? Nếu có thì mi phải chỉ, chớ yên-ẩm thì cả làng đều bị tội”.

Cao-Phi nghe hỏi thì trong trí liền nghĩ rằng; triều đình kiếm bắt Thái-tử Xương-Cấp với Tổng-binh Sầm-Bích. Quan địa phương không biết mặt hai người ấy. Nếu mình chỉ hai anh em họ Hồng thì chắc quan bắt chúng nó liền, hễ quan bắt chúng nó rồi thì tự nhiên phải giải về kinh. Dầu về triều nhìn không phải mà tha chúng nó đi nữa, thì lúc chúng nó bị giam cầm, mình cũng có đủ ngày giờ mà đoạt Kiên-Trinh được. Nghĩ vậy rồi thưa với quan Tri-châu rằng; “Bẩm thượng-quan, làng tôi không có chứa ai lạ mặt hết, nếu ngày sau thượng-quan có bắt được làng tôi yên-ẩm tội nhơn thì thượng-quan chém hết cả làng chúng tôi cũng cam chịu”.

Cao-Phi nói dứt lời rồi lật đật chạy vào buồng lấy 10 lượng bạc của Võ-Nhứt chê hôm nọ, đem ra để trước mặt quan Tri-châu mà thưa rằng: “Bẩm thượng-quan, không mấy khi thượng-quan đến viếng làng tôi, vậy tôi xin dâng chút lễ mọn mà tạ ơn hạ-cố”.

Quan Tri-châu gặt đầu, dạy quân thâu 10 lượng bạc rồi nói với Cao-Phi rằng: “Mi là dân ở chốn thôn quê mà biết giữ lễ nghĩa như vậy, ta ban khen mi đa. Mà mi có biết trong mấy làng gần đây có ai ức-uất hay là đều chi bất bình hay không?”.

Cao-Phi rón rén thưa rằng: “Bẩm thượng-quan, phận tôi là con dân, còn thượng-quan là cha mẹ, nếu thượng-quan không hỏi thì thôi chớ thượng-quan hỏi thì có lẽ nào tôi dám dấu giếm. Bẩm thượng-quan, hồi nãy thượng-quan hỏi tôi vậy chớ có thấy Thái-tử Xương-Cấp với Tổng-binh Sầm-Bích trốn ở trong làng tôi hay không. Bẩm thượng-quan, thiệt trong làng tôi không có, nhưng mà tôi có một người bà con bên ngoại, tên là Lữ-hà-Mai, ở bên làng Thường-phú, mấy tháng nay có chứa Thái-tử Xương-Cấp với Tổng-binh Sầm-Bích ở trong nhà, lại biểu hai vị ấy cải tánh danh, Xương-Cấp thì kêu là Hồng-Phi, còn Sầm-Bích thì kêu là Hồng-Dực. Sầm-Bích võ nghệ cao cường đánh giết lâu-la trên Linh-sơn thảy đều kinh-tâm tán đởm. Vậy nếu thượng-quan muốn bắt thì xin phải cẩn-thận”.

Quan Tri-châu là người háo lợi háo danh, bởi vậy vừa nghe nói thì mừng rỡ hết sức, quyết bắt cho được Xương-Cấp mà nạp đặng có thăng-quyền tấn-tước, chớ không kể phải quấy chi hết. Cao-Phi thì muốn cậy thế của quan mà tán thành việc riêng của mình, nên dạy người nhà làm heo mà trọng đãi. Quan khách với chủ nhà coi tình thân mật với nhau lắm.

Quan Tri-châu ăn uống no say rồi mới từ mà đi, tính qua làng Thường-phú dọ coi tình hình thể nào rồi sẽ lập mưu mà bắt Xương-Cấp với Sầm-Bích. Cao-Phi lại cho Mã-Kỳ là gia dịch theo hộ-tống, miệng thì nói cho theo chỉ đường mà bụng thì tính cho theo thám-dọ, dặn riêng tên gia dịch ấy hễ thấy quan bắt hai anh em họ Hồng rồi thì phải lập tức chạy về báo tin.

Cao-Phi không thấy mặt Xương-Cấp lần nào, mà cũng không dè hai anh em họ Hồng ấy là Xương-Cấp với Sầm-Bích, nhưng vì có một nàng Kiên-Trinh mà anh ta bày kế rất độc-ác, làm cho anh ta phải mang cái tội phản-chúa là tội không thể dung được.

Kẻ tiểu-nhơn bày mưu sâu kế độc như vậy, mà Xương-Cấp không hay chi hết. Từ khi Hà-Liễu đi vào kinh và Sầm-Bích đi qua Đằng-châu rồi, thì Xương-Cấp ở nhà bình yên như thường, không có chút chi lo sợ, chỉ trông Hà-Liễu về cho mau đặng nghe tin coi mẹ cùng em dật lạt chốn nào mà thôi.

Một buổi sớm mai Xương-Cấp ra đứng trước cửa mà xem hoa đua nở, thình lình có một con chim én ở đâu không biết té nhào dựa bên chưn rồi nằm đó không bay. Xương-Cấp bắt cầm lên mà xem thì con chim đủ lông đủ cánh, không bị tên bị bịnh chi hết. Chàng lấy làm lạ, mới trở vào đưa cho Hà-Mai coi. Hà-Mai thất kinh nói rằng chim sa cá lỵ làm điềm bất tường, nên khuyên chàng phải thả.

Xương-Cấp nghe nói thì sợ nên vưng lời thả cho con chim én bay, nhưng trong bụng bồi-hồi hoài dường như sợ có tai-nạn vậy.

Mặt trời vừa xế bóng, Hà-Mai với Xương-Cấp đương nằm trong nhà bỗng nghe trước ngõ có người nói om-sòm, lật đật chạy ra xem thì thấy có một vị quan-lớn cỡi ngựa vào sân, sau lưng có năm sáu tên quân theo hầu, lại có mấy ông kỳ lão ở trong làng đi theo nữa. Hà-Mai chẳng biết quan đến nhà có việc chi, tuy sợ mà cũng phải chạy ra nghinh tiếp.

Quan Tri-châu Trầm-Khuê xuống ngựa rồi đi thẳng vào nhà. Xương-Cấp cũng ra bái kiến chớ không trốn tránh. Quan Tri-châu vẫn đã có nghe Cao-Phi tỏ trước sự Kiên-Trinh bị sơn-khấu bắt nhờ có anh em họ Hồng lên núi đánh chết trại-chủ cứu nàng đem về, nên vào nhà ngồi rồi thì ngài hỏi Hà-Mai rằng:

- Ta đi vãng các làng, đến đây mới nghe nói cách mấy tháng trước con gái của lão ông bị sơn-khấu bắt, may nhờ có Hồng tráng-sĩ lên Linh-sơn đánh chết chủ trại mà cứu đem về, thiệt có như vậy hay không?

- Bẩm thượng-quan, thiệt có như vậy.

- Sơn-khấu hành-hung đến thế mà sao lão ông không đi báo cho ta hay?

- Bẩm thượng-quan bọn sơn-khấu cường bạo lắm, tôi sợ gây thù gây oán thêm nữa, rồi chúng nó giết luôn tới tôi, nên tôi không dám đi báo cho thượng-quan hay.

- Nếu sơn-khấu cường bạo đến nỗi lão ông sợ oai không dám đi báo cho ta hay, mà Hồng tráng sĩ dám lên Linh-sơn đánh giết chúng nó, thế thì Hồng tráng-sĩ chắc là giỏi lắm. Người ấy bây giờ đi đâu, muốn gặp mặt đặng ban khen cái tài hùng-dõng của kẻ anh-kiệt.

- Hà-Mai không dè hai anh em họ Hồng là ai, mà cũng không rõ ý riêng của quan Tri-châu, nên sự thiệt ông nói thiệt rằng: “Bẩm thượng-quan, người cứu con tôi tên là Hồng-Dực, đã đi qua Đằng-châu mà tìm bà con mấy bữa rày rồi. Còn người em, tên là Hồng-Phi, nghĩa tế của tôi, còn ở tại nhà tôi; nếu thượng-quan cho phép thì tôi sẽ biểu nó ra bái kiến”.

Trầm-Khuê nghe Hồng-Dực võ nghệ cao cường, nên khi gần tới làng Thường-phú trong trí thầm lo, không biết mình bắt nó có chống cự hay không. Nay đến đây nghe nói Hồng-Dực đi khỏi, chỉ có một mình Hồng-Phi mà thôi, nghĩ bắt chắc là dễ lắm, nên hớn hở nói rằng: “Phải người trai chào ta hồi nãy đó hay không?”

- Bẩm thượng-quan, Hồng-Phi là nó đó.

- Nếu vậy thì mời ra đây cho ta xem. Anh cũng vậy mà em cũng vậy; rủi ta không gặp được anh, thì ta khen em cũng được mà.

Hà-Mai lật đật kêu Xương-Cấp ra bái kiến. Trầm-Khuê liếc thấy người diện mạo khôi ngô, da trắng, mặt tròn, mày tầm, mắt phụng, biết không phải là người tầm thường, muốn truyền lịnh cho quân bắt trói mà dắt về; song kẻ bợ quyền ỷ-thế thường hay nhác, thầm nghĩ rằng nếu trong triều rối loạn mà Thái-tử Xương-Cấp thoát khỏi chạy ra đến đây được thì chắc là người cũng có tài lắm, sợ mình có năm sáu tên quân bắt không được, mà để nó chạy khỏi thì uổng, phải tính dùng kế mà bắt mới xong. Trầm-Khuê nghĩ như vậy rồi nói rằng: “Ta chào Hồng Tráng-sĩ. Ta nghe nói lịnh tôn-huynh có tài dẹp yên đảng cường-khấu trên Linh-sơn thì ta ái-mộ, nên tính đến đây đặng mời hết hai anh em về phủ mà trọng đãi đặng tỏ lòng khen ngợi. Rủi lịnh tôn-huynh đi khỏi, vậy ta xin mời tráng-sĩ chịu phiền đi cùng ta lên phủ chơi một đôi ngày đặng ta phỉ lòng ước vọng”.

Xương-Cấp nhỏ nhẻ nói rằng: “Bẩm thượng-quan, anh em tôi là bần-sĩ du học, chẳng có tài lược gì; vì nhục huynh đến đây gặp việc bất bình nóng lòng nên liều thân mà cứu người tai nạn đó thôi. Thượng-quan có lòng hạ cố, thiệt bần sĩ đội ơn vô cùng. Nhưng xét vì phận hèn đâu dám đến cửa quan, vậy nên bần sĩ không dám làm nhọc lòng thượng-quan đến thế”.

Trầm-Khuê cứ theo ép Xương-Cấp phải đi với mình. Xương-Cấp từ chối hoài không chịu đi. Hà-Mai với mấy ông kỳ-lão thấy quan Tri-châu có thạnh tình, không muốn để cho người buồn bụng, nên áp khuyên Xương-Cấp hãy đi theo người. Xương-Cấp bất đắc-dĩ phải cỡi ngựa theo Trầm-Khuê mà lên phủ.

Khi về đến dinh, Trầm-Khuê hối quân dọn tiệc rượu mà đãi Xương-Cấp, lại dặn riêng quân phải chận mấy cửa, hễ nghe có lịnh thì áp vào mà bắt trói Xương-Cấp mà hạ ngục. Uống rượu được vài tuần Trầm-Khuê mới hỏi rằng:

- Tráng-sĩ quê quán ở châu nào?

- Bẩm thượng-quan, bần sĩ gốc ở Phong-châu.

- Phong-châu thì gần kinh đô. Vậy tráng-sĩ có nghe từ khi lịnh kim-thượng tức vị, Hoàng-tử Xương-Cấp với Xương-Văn dật lạt xứ nào hay không?

Trầm-Khuê miệng thì hỏi mà mắt thì liếc Xương-Cấp. Xương-Cấp nghe hỏi đến đó thì biến-sắc, song cũng gượng mà đáp rằng:

- Bẩm thượng-quan, bần sĩ tuy ở gần kinh mà đi du học đã lâu rồi nên không biết việc triều chánh được.

- Tráng-sĩ muốn dấu tôi, chớ lẽ nào tráng-sĩ lại không biết. Thái-tử Xương-Cấp là tráng-sĩ đây chớ ai.

Xương-Cấp cầm đũa đương gắp đồ ăn, bỗng nghe như vậy thì rụng rời tay chơn nên buông hai chiếc đũa rớt trong mâm. Trầm-Khuê chẳng còn nghi ngại chi nữa, liền hô lên một tiếng, quân núp mấy cửa áp vào bắt trói Xương-Cấp. Xương-Cấp thất kinh không đối nại chi được, chỉ khóc và kêu oan mà thôi.

Trầm-Khuê dạy đem Xương-Cấp giam vào ngục rồi sai 20 tên quân tức tốc xuống làng Thường-phú bắt hết cả nhà Hà-Mai mà giải về phủ.

Cha con Hà-Mai ở nhà đương ngồi trông Xương-Cấp, thình lình quân đến vây nhà bắt trói hết hai cha con mà dắt đi. Hà-Mai kinh hãi không biết mình có tội gì, nên than khóc nghe rất thảm thiết. Người trong làng thấy Xương-Cấp đi với quan Tri-châu mà không về, rồi lại có quân đến bắt Hà-Mai với Kiên-Trinh nữa, thì lo sợ hết sức. Mấy người học trò của Sầm-Bích nóng nảy không chịu được, nên hai người đi qua Đằng-châu kiếm Sầm-Bích mà báo tin, còn 5 người dắt nhau đi theo xa xa, tính lên phủ thám dọ coi việc lành dữ thể nào.

Quân dắt Hà-Mai với Kiên-Trinh về tới thì Trầm Tri-châu dạy giam riêng chớ không cho thấy mặt Xương-Cấp.