Kiên-Trinh định kế hại thù nhơn,
Sầm-Bích trổ tài phá sơn trại.


Ai đọc truyện đến đây thấy Sầm-Bích dắt có sáu bảy tên dân làng đi đánh cường khấu Linh-Sơn, là bọn mấy làng ở gần nghe danh thảy đều khủng khiếp, thì cũng nóng nảy muốn biết coi Sầm-Bích đánh hơn hay thua. Nhưng mà Lữ-kiên-Trinh là phận gái liễu bồ, bị cường đạo bắt đã hai ngày rồi, không biết tánh mạng thể nào, nên tưởng phải cần nói trước.

Kiên-Trinh mới 17 tuổi, vì sanh trong nhà dân giả, mà lại vì mồ côi mẹ sớm, phải lo giúp cha manh áo nồi cơm nên không nấu sử sôi kinh, không biết câu vịnh giọng đờn như con gái mấy nhà sang trọng. Tuy vậy mà trời đã phú cho Kiên-Trinh tánh thông minh, tình thuần hậu, lời dịu mềm ngon ngọt, da trong bóng trắng tươi, môi đỏ như thoa son, răng dày như hột bấp, mày cong vòng nguyệt, mắt dợn thu ba, tướng đi dịu hơn liễu buông mành, dạng ngồi đẹp hơn hoa đơm nhụy. Người như vậy tánh tình lại như vậy, thì tự nhiên ai cũng yêu, ai cũng mến, ai cũng gấm-ghé, ai cũng trầm trồ. Không phải Kiên-Trinh ỷ sắc của mình, mà không ghé mắt dòm bọn nam nhi trong làng, nhưng vì cô ta thương cha chan chứa đầy lòng, nên không chỗ mà cho tình nào lọt vào được nữa.

Trong làng Thường-Thạnh, ở cách làng Thường-Phú chừng dài dậm, có một người tên là Trần-cao-Phi, tuổi gần bốn mươi, nhà giàu lớn, kết duyên cùng Trương-thị đã gần mười lăm năm mà không có con. Cao-Phi nghĩ tương-lai thì lấy làm buồn, nên tính nạp thiếp đặng may có chút con kế hậu. Mai mối dắt đi cùng mấy làng ở gần, coi đến năm bảy chỗ mà Cao-Phi chẳng đành chỗ nào hết.

Đến làng Thường-phú nghe nói con gái họ Lữ sắc xinh nết tốt thì lén rình mà coi mắt. Cao-Phi vừa ngó thấy thì đành liền, về nhà đêm thốn-thức, ngày ai-hoài, quyết cưới cho được Lữ-kiên-Trinh về làm thiếp, dầu tốn của hao công bao nhiêu cũng chẳng nệ. Nào dè mai mối đến nói đã hết lời mà Hà-Mai cũng không chịu gả, Cao-Phi muốn lấy của chóa mắt người, nên xúi mai dong nói với Hà-Mai rằng nếu chịu gả Kiên-Trinh, dầu muốn đòi tiền bạc bao nhiêu cũng được hết. Hà-Mai nổi giận đáp rằng: “Ta tuy nghèo, song ta trọng nhơn nghĩa chớ kể gì bạc tiền. Đã biết Cao-Phi giàu hơn ta, nhưng mà nó tính lấy của mà dụ ta, thì đủ biết bụng nó không có chút nhơn nghĩa. Ta nhắn lời với nó rằng đừng mong cưới con ta thất công, bởi vì phụng còi lông cũng là phụng, còn gà dầu tốt mả cũng là gà, phụng đâu đành đứng lộn với gà mà mong mỏi”. Mai-nhơn về nói lại, Cao-Phi nổi giận nên ngày đêm lo mưu tính kế, quyết cưới cho được Kiên-Trinh, trước phỉ dạ ước mơ, sau rửa lời khinh bỉ. Hà-Mai chặt dạ, hễ ai nói tới việc gả Kiên-Trinh về làm thiếp cho nhà họ Trần thì rầy la, bởi vậy nên mai mối không ai dám nói nữa. Cao-Phi cùng kế mới tính lên bắt Kiên-Trinh đem đại về nhà, ví dầu Hà-Mai có đi thưa kiện, thì mình sẽ xuất tiền mà đối nại.

Cao-Phi tính như vậy nên bữa nọ giả dạng đi cúng chùa, lên núi Linh-sơn mưu với hai anh em họ Võ đặng bắt Kiên-Trinh, hứa rằng hễ bắt được giao cho mình sẽ thưởng công 15 lượng. Hai anh em họ Võ vừa sửa soạn lựa ngày xuống làng Thường-phú vây nhà họ Lữ mà bắt Kiên-Trinh, bỗng nghe lâu-la vào trại báo rằng: có Lữ-hà-Mai dắt con gái là Kiên-Trinh lên Linh-sơn-tự lạy Phật, người cỡi con ngựa đẹp lắm, nên xin chủ trại đón đường mà giựt.

Võ-Nhứt nghe báo lấy làm mừng rỡ liền sai em là Võ-Nhị dẫn ba tên lâu-la ra đón đường, đợi Hà-Mai trở về đánh bắt Kiên-Trinh và bắt con ngựa nữa. Hà-Mai vẫn biết ở Linh-sơn có cường-khấu, nhưng nghĩ vì mình đi ban ngày lại có hai người khiên kiệu, nên không lẽ ăn cướp dám phạm đến. Nào dè cha con vừa ra khỏi chùa thì bị bọn Võ-Nhị cản lại, bắt trói Kiên-Trinh và giựt luôn con ngựa; hai người khiên kiệu nghe tên Võ-Nhị thì kinh khủng, nên đâm đầu mà chạy. Hà-Mai cô-thế không dám chống cự, phải chạy theo lạy lục khóc lóc năn-nỉ xin tha con. Võ-Nhị thấy vậy tội nghiệp, lại nghĩ Cao-Phi hứa bắt được Kiên-Trinh mà giao thì anh ta thưởng có 15 lượng mà thôi nên biểu Hà-Mai như muốn chuộc con thì phải đem đủ 30 lượng mới cho chuộc, Hà-Mai năn-nỉ hết sức mà không được, nên phải khóc mà đi về.

Võ-Nhị dắt Kiên-Trinh lên núi, thấy Kiên-Trinh dung nhan tuấn tú, mặt kinh hãi xem lại càng thêm đẹp, tóc dã dượi lại càng thêm xinh, thì trong bụng khen thầm, rồi lại nghĩ rằng bắt được một nàng con gái đẹp như vầy, nếu đem mà giao cho Cao-Phi thì uổng lắm.

Khi vào tới trại, Võ-Nhứt mừng rỡ mà nói rằng: “Tài em thiệt giỏi! Khỏi thất công bao nhiêu mà có được 15 lượng bạc.”

Võ-Nhứt tính sai lâu la xuống làng Thường-thạnh báo tin cho Trần-cao-Phi và biểu đem đủ 15 lượng bạc lên mà rước Kiên-Trinh. Võ-Nhị cản lại rằng: “Thưa anh, em nay đã 25 tuổi rồi mà chưa có đôi có bạn, em bắt được nàng nầy dung nhan tuấn-tú, xưa nay chưa từng thấy con gái nào bằng. Vậy em xin anh để nàng kết duyên cùng em, đừng có giao cho Cao-Phi mà uổng.” Võ-Nhứt nghe nói chưng hửng, trợn mắt ngó em nói rằng: “Cha chả! Em tập tánh háo sắc rồi sao? Đừng có vậy, không nên đâu em. Anh thường nói với em hoài, vậy chớ em quên sao? Sắc đàn bà là giống độc ác hơn hết trong đời, xưa nay thiếu gì Vương-đế bị sắc mà mất nước, thiếu gì anh hùng bị sắc mà vong thân, thiếu gì quan trường bị sắc mà hư danh, thiếu gì dân giả bị sắc mà nát nghiệp, anh em mình chiếm núi nầy, mấy năm nay hùng-cứ, quan dân thảy đều sợ, không làm vua mà cũng đủ oai-quyền, vậy thì ta cứ giữ thói cũ mà an hưởng thanh nhàn, sao em lại còn muốn sanh lòng háo sắc? Đã biết nếu em muốn kết duyên cùng nàng ấy thì cũng chẳng khó gì, nhưng mà sắc đàn bà hay lụy anh hùng, nên anh e hễ em gần sắc rồi thì ắt tan tành cơ nghiệp”.

Võ-Nhị cười mà đáp rằng: “Tuy anh nói sắc hay hại người, song sắc cũng có ích cho người lắm chớ: xưa nay thiếu chi kẻ nhờ sắc mới tiêu sầu giải khổ, nhờ sắc mới phấn chí thỏa lòng, nhờ sắc mới biết mùi đời ngon ngọt, nhờ sắc mới giây dưa nòi giống. Sắc hại là tại mình mà sắc lợi cũng tại mình, chớ nào phải tại sắc hay sao?” Võ-Nhứt lắc đầu không chịu nghe. Võ-Nhị túng thế nói rằng: “Khi em bắt được nàng nầy thì cha nàng theo năn nỉ khóc lóc, em thấy vậy có biểu về đem 30 lượng bạc lên mà chuộc, người đã chịu rồi, vậy nên chờ người, vì anh giao cho Cao-Phi thì có 15 lượng mà thôi, còn cho chuộc thì lợi tới 30 lượng.”

Võ-Nhứt nghe nói cha Kiên-Trinh chịu chuộc 30 lượng số lợi bằng hai thì mừng thầm, nên không tính đi kêu Cao-Phi nữa. Võ-Nhị cứ dạy lâu-la an ủi nàng nọ, tính thầm trong bụng rằng: Hà-Mai tuy ở làng Thường-phú, song nhà anh ta không giàu, chắc là không thể có 30 lượng bạc được, mà hễ không có đủ số bạc ấy thì mình cầm nàng nọ ở đây hoài, rồi mình sẽ lập mưu mà giao duyên, chớ không đành để cho nàng về tay Cao-Phi.

Kiên-Trinh bị nhốt ở trong liêu, bữa ban đầu khóc hoài, lâu la bưng cơm nước vào khuyên dỗ hết sức, mà nàng không hiểu cường khấu toan tính việc chi, nên không thèm ăn uống chi hết. Qua bữa sau nghe lâu la nói rằng nàng ở tạm ít ngày đợi cha đem bạc lên chuộc, thì nàng bớt sợ, mới chịu ăn uống đặng sống mà chờ cha lên cứu.

Đến ngày thứ ba, Võ-Nhứt không thấy Hà-Mai đem bạc lên mà chuộc con, thì trong lòng nóng nảy, tính dắt vài tên lâu la xuống làng Thường-Thạnh kêu Cao-Phi, Võ-Nhị theo năn nỉ hết sức mà anh không chịu, nên bất đắt dĩ phải dằn lòng để cho anh đi.

Khi Võ-Nhứt cỡi ngựa xuống núi rồi, Võ-Nhị xốn-xang trong lòng chịu không được, nên đi ra đi vô hoài. Cách một hồi Võ-Nhị vào chỗ giam Kiên-Trinh đuổi hết lâu la ra ngoài rồi mở cửa nhẹ mà bước vào.

Kiên-Trinh từ khi bị bắt đem lên sơn-trại thì trong lòng đã tự quyết nếu cường khấu làm ngang đánh đổ danh tiết của nàng, thì nàng sẽ liều thác mà chống cự, chớ không chịu để cho nó làm đục gương trinh. Chừng nghe Võ-Nhị vào liêu dạy lâu la ra ngoài, thì nàng phát nghi, nên đứng ngó châm bẩm ra cửa, mà mặt mày đà biến sắc. Chẳng dè Võ-Nhị bước vào, mắt ngó Kiên-Trinh rất ôn hòa, mặt nhìn coi có sắc chẳng vui, lại đứng xa mà nói dịu dàng rằng: “Ta là tiểu chủ trại bắt nàng hôm nọ đây. Tuy vậy mà nàng đừng có sợ, vì ta chẳng có bụng nào mà làm hại nàng đâu. Ta thương nàng lắm, ba bữa rày ta ăn ngủ không được, nên nay ta đến đây mà phân đều hơn sự thiệt cho nàng nghe.”

Võ-Nhị nói tới đó rồi ngừng. Kiên-Trinh nghe lời êm ái thì bớt sợ nhưng mà cũng cứ chỉ ngó Võ-Nhị, lóng nghe coi nó muốn nói sự gì. Võ-Nhị tằng-hắng rồi nói rằng: “Thuở nay ta không thấy mặt nàng lần nào, bởi vậy ta bắt nàng là việc tình-cờ, chớ ta không cố-ý chăm nom mà bắt. Tuy vậy mà bắt đây cũng có duyên cớ, nàng có biết vì cớ nào mà ta bắt nàng hay không?”

Kiên-Trinh không hiểu nó muốn việc gì mà nói dông dài như vậy, trong lòng nửa lo nửa sợ, nên lắc đầu đáp rằng: “Không biết.”

Võ-Nhị nói tiếp rằng: “Số là có Trần-cao-Phi ở làng Thường-Thạnh, ta chẳng hiểu nó có thù oán chi với nàng mà hôm nọ nó lên đây cậy anh em ta bắt cho được nàng, hễ giao nàng cho nó thì nó thưởng 15 lượng bạc.”

Kiên-Trinh vừa nghe nói Cao-Phi muốn bắt thì nàng tức giận nên la lớn lên rằng: “Úy! Cha chả! Té ra tôi bị tay thằng khốn kiếp đó mà! Trời Phật ôi! Quân tiểu nhơn tàn nhẫn đến thế sao mà Phật Trời không hại nó, lại đành hại tôi như vậy!” Kiên-Trinh đứng khóc, nước mắt nước mũi chàm ngoàm.

Võ-Nhị thấy vậy liền khuyên rằng: “Xin nàng chớ sầu não, tuy là việc rủi của nàng, song có lẽ rủi mà may. Vậy để ta phân hết cho nàng nghe. Hôm nọ ta bắt nàng rồi, chẳng hiểu vì tại bà Nguyệt ông Tơ đã tiền định hay là vì tại nàng phương-phi cốt cách, dung mạo đoan trang làm cho ta phới dạ động tình, mà hổm nay ta hoài-vọng nàng luôn luôn, ngồi đâu cũng thấy mặt nàng, nằm đâu cũng thấy mặt nàng. Thiệt ta cũng muốn kết duyên cùng nàng hết sức, nếu ta cách mặt nàng thì chắc ta phải chết, chớ không thể sống được. Ngặt anh ta bình sanh không yêu đàn-bà, nên hổm nay theo ngăn cản hoài, không cho ta kết nghĩa giao duyên với nàng, cứ biểu để giao nàng cho Cao-Phi mà lấy 15 lượng bạc.”

Kiên-Trinh mới nghe Võ-Nhị muốn giao duyên thì sợ, chừng nghe Võ-Nhứt cản thì có ý mừng thầm. Nhưng mà nàng chưa kịp suy nghĩ thì Võ-Nhị nói tiếp rằng: “Bữa nay anh ta đã đi xuống Thường-Thạnh mà kêu Cao-Phi rồi. Vậy thì trưa chiều đây Cao-Phi sẽ lên mà bắt nàng. Ta vào đây trước là nói chuyện ấy cho nàng hay, sau hỏi thử nàng coi nàng liệu lẽ nào. Ta thương nàng lắm nên không nỡ ép nàng, nàng muốn lẽ nào thì liệu lấy. Nếu nàng khứng để cho Cao-Phi dắt nàng đi thì ta không cản, song ta buồn; còn như nàng không chịu về tay nó, thì ta nói thiệt, hễ ta còn sống thì không ai làm hại nàng được”.

Kiên-Trinh nghe đến đó, thì thất kinh nên ngồi xuống đất lạy mà nói rằng: “Thưa chủ-trại, làm phước cứu giùm tôi, đừng để cho thằng khốn nạn Cao-Phi nó bắt tôi tội nghiệp. Nếu chủ trại thả cho tôi về nhà thấy mặt cha tôi thì ơn chủ trại tôi coi như trời như biển”.

Võ-Nhị tưởng là Kiên-Trinh đã thuận ý mình, nên nhỏ nhẹ khuyên dỗ rằng: “Nếu vậy thì nàng đừng lo sợ nữa. Ta thề trên có trời, dưới có đất, dầu thiên tai vạn hiểm ta cũng kết duyên với nàng, chớ ta không để nàng về tay ai đâu mà sợ. Ví dầu Cao-Phi có đem đủ 15 lượng bạc lên đây mà bắt nàng, hễ nó dắt nàng xuống khỏi núi thì ta sẽ theo mà giựt lại”.

Kiên-Trinh lại càng kinh hãi hơn nữa, nghĩ thầm rằng theo lời Võ-Nhị mới nói đó thì thân nầy hễ khỏi tay kia chắc mắc tay nọ, nếu không chết thì không thể nào bảo toàn danh tiết được. Nghĩ như vậy nên ngồi ôm mặt mà khóc. Võ-Nhị bước lại gần lấy lời dịu ngọt mà khuyên giải, tưởng là lời dịu-ngọt mát bụng Kiên-Trinh, chớ không dè một lời nói là môt mủi tên phát ra đâm ngay vào ruột Kiên-Trinh, lời nói càng nhiều ruột càng đau-đớn.

Kiên-Trinh khóc một hồi rồi lại nghĩ rằng: thân nầy chết đã đành rồi, mà trước khi chết mình phải liều thế nào mà hại cho được kẻ thù rồi chết cũng ưng bụng. Kiên-Trinh đứng dậy lau nước mắt rồi nói với Võ-Nhị rằng: “Thưa chủ trại, thân hèn mọn mà chủ trại đem lòng thương tưởng, ơn ấy nặng nề không biết lấy chi mà đền đáp cho vừa. Ngặt vì Trần-cao-Phi là kẻ thù của nhà tôi, nó đã thề rằng nếu nó không bắt được tôi đem về nhà làm tôi mọi cho nó thì cũng giết tôi cho chết, nó mới vừa lòng; bởi vậy tôi e dầu bữa nay chủ trại không giao tôi cho nó thì ngày khác tôi cũng không khỏi tay nó được”.

Võ-Nhị vì yêu Kiên-Trinh nên kính trọng không dám cường-bức, lại lấy lời nhỏ nhẹ mà khuyến dụ. Chừng nghe Kiên-Trinh nói mấy lời thì thỏa lòng phỉ dạ, liền trợn mắt đáp rằng: “Nếu như vậy thì chừng nào nó lên đây ta sẽ giết nó mà rửa hờn cho nàng. Nàng để đó mặc ta.”

Kiên-Trinh mừng thầm, song bề ngoài thì ủ mặt thở ra mà nói tiếp: “Chủ-trại quyết kết duyên cùng tôi, mà theo lời chủ trại mới nói hồi nãy, thì anh của chủ trại không bằng lòng, tôi e nếu chủ trại cãi lời, dầu chủ trại không bị hại, chớ phận tôi đây chắc cũng là khó lắm.”

Võ-Nhị lắc đầu nói rằng: “Không hại chi đâu, nàng đừng lo. Ta kính nhường anh ta là vì ảnh là anh, chớ không phải ảnh tài hay sức hơn ta đâu. Nếu ảnh thuận thì thôi, bằng ảnh muốn làm dữ thì ta cũng không dung ảnh.”

Trong lúc Võ-Nhứt cỡi ngựa xuống núi, rồi Võ-Nhị vào liêu mà nói chuyện với Kiên-Trinh, thì Sầm-Bích, Hà-Liễu và sáu tên dân làng đã lên tới cửa chùa Linh-sơn-tự. Sầm-Bích bàn tính với người đi theo rằng ăn cướp thì đông nếu phải chống cự với chúng nó thì sáu, bảy người không đủ gì, mà lúc kéo nhau đi lên núi chúng có thấy rồi mai-phục chắc là khó lên được, chi bằng để anh ta lén lên một mình, thừa lúc chúng nó không phòng bị anh ta đi thẳng lên trại đánh phá thì có lẽ dễ hơn. Hà-Liễu với mấy người đi theo quyết sống thác với Sầm-Bích, nên không đành để Sầm-Bích đi một mình, cứ nài nỉ xin theo hoài, Sầm-Bích thấy vậy mới chịu cho theo.

Mặt trời đứng đầu, mà vì đường lên núi hai bên có cây giao nhánh nên đi mát mẻ lắm. Đường dọn sạch sẽ, tuy không lớn, song không dốc, bởi vậy ngựa lên xuống mới được. Mấy người lặng thinh mà đi, song mắt liếc dòm chừng hai bên luôn luôn, vì sợ lâu-la mai phục. Đi được một hồi lâu, bỗng thấy trước mặt có mấy trại tranh, cất cái day ngang cái day dọc. Sầm-Bích vừa muốn biểu mấy người đi theo vô bụi núp, để cho anh ta đi một mình chẳng dè có một tên lâu-la, nằm dựa hòn đá ngủ trưa, dòm thấy vùng đứng dậy hỏi rằng: “Mấy người đi đâu?”

Sầm-Bích đáp rằng: “Anh em tôi có việc cần kíp muốn nói với nhị vị chủ trại. Vậy xin cậu làm ơn dắt anh em tôi lên trại cho mau.” Tên lâu-la dòm thấy mỗi người đều cầm khí giới thì trong lòng sanh nghi, nhưng nghĩ vì thuỡ nay ai cũng sợ oai hai anh em họ Võ, chưa có ai dám đến trại mà đối địch, nên tên lâu la không nghi nữa, mà lại biểu phải đứng đó mà chờ, đợi lên báo cho chủ trại hay chừng nào có lịnh cho lên mới được lên. Sầm-Bích gặt đầu mà tên lâu la vừa xây lưng đi thì Sầm-Bích đi theo liền. Tên lâu la ơ hờ, cứ lầm lũi mà đi, không thèm ngó lại sau; chừng tới cửa trại nó mới hay bọn Sầm-Bích cũng tới một lượt, thì nó nổi giận mắng rằng: “Bây muốn chết hay sao? Ta đã biểu đứng dưới mà chờ sao lại theo lên đây?”

Có vài mươi tên lâu-la ở trong trại phía tay trái, nghe tiếng om-sòm, không biết việc gì, nên chạy ra đứng trước sân mà dòm. Sầm-Bích tỉnh táo như thường, không sợ sệt chi hết, bèn nói lớn lên rằng: “Chủ trại của bây đâu, biểu ra đây cho tao hỏi chuyện cho mau.”

Lúc ấy chánh là lúc Võ-Nhị vừa hứa với Kiên-Trinh sẽ giết Cao-Phi và đương hứa nếu anh trở hôn sẻ giết tới anh nữa. Võ-Nhị mới nói dứt lời, bỗng nghe trước trại có tiếng nói lớn tưởng là anh về nên lật đật chạy ra, chẳng dè ra tới cửa xem thấy Sầm-Bích cầm đao đứng trước, oai nghi lẫm liệt, sau lưng lại có sáu bảy người đều cầm khí giới, thì chưng hửng bèn ngó Sầm-Bích mà hỏi rằng: “Mi là ai? Đến đây có việc gì?”

Sầm-Bích hỏi lại rằng: “Phải mi là chủ trại hay không?” Võ-Nhị gặt đầu. Sầm-Bích mới bước tới và nói rằng: “Ta là Hồng-Dực, vì bây ỷ thế đã chận đường bắt con gái cũa lương dân, rồi cách ba bữa rày bây lại bắt trộm cặp ngựa của ta buộc trên chùa Linh-sơn-tự nữa, nên ta lên đây khuyên bây phải trả nàng con gái ấy lại cho người, và trả cặp ngựa lại cho ta thì ta dung cho bây, ví bằng bây cượng lý thì ta quyết chém đầu đốt trại bây hêt.”

Võ-Nhị nghe nói giận run, liền hô lớn lên rằng: “Đồ súc-sanh, dám đến đây lớn lối dữ à! Lâu-la, bây mau đập chết nó mà quăng xuống cho tao.” Lâu-la trong các trại dạ rân, rồi ào ra đứa cầm cây, đứa cầm mác, xốc lại đánh Sầm-Bích, còn Võ-Nhị thì đứng tại cửa trại mà đốc sức. Sầm-Bích vừa muốn nhảy tới chém Võ-Nhị, bỗng thấy mấy mươi lâu la xông đến, sợ Hà-Liễu và mấy tên dân làng bị hại, nên phải dừng bước lại mà chống cự với lâu la.

Vả Sầm-Bích là một vị võ-cử, năm canh tý (940) Ngô-vương mở hội thi mà kén chọn anh hùng hào kiệt, Hà-cảnh-Dực, Lâm-Hổ, Triệu-Hùng và Sầm-Bích vào ứng thí thì Sầm-Bích giựt giải nhứt, bởi vậy Ngô-vương thương tài, mới phong cho chức Tổng-binh và giao hai Hoàng-tử đặng luyện tập võ nghệ. Lâu la không dè, tưởng là một tên dân làng, không chút chi kiên sợ, áp vào đâm đánh. Sầm-Bích huơi đao như phụng múa, qua lại lẹ như hùm tràn, tên lâu-la nào lại gần đều đứt đầu hết thảy. Lâu-la kinh hãi quăn cây quăn giáo mà chạy. Mấy người đi theo Sầm-Bích thừa thế rượt theo đâm chém vở tan hết.

Võ-Nhị đứng trong cửa trại thấy Sầm-Bích chém chết lâu-la như chém chuối thì nổi giận, nên cầm siêu ra mà cự. Hai người mới tràn qua xoan lại vài hiệp, Võ-Nhị huơi siêu vớt Sầm-Bích, chẳng dè Sầm-Bích huơi đao đỡ vẹt lưỡi siêu rồi xốc tới chém Võ-Nhị. Võ-Nhị đưa cán siêu mà đỡ, bị Sầm-Bích chém mạnh quá nên cán siêu gảy làm hai khúc, Võ-Nhị thất sắc, lật đật chạy vào trại.

Sầm-Bích không hiểu có kế gì, nên không dám rượt theo. Anh ta đứng trước cửa trại kêu lớn lên rằng: “Mi giỏi thì ở đây đánh với ta, sao lại bỏ chạy đi?” Lúc ấy Hà-Liễu rượt lâu-la chạy xuống núi vừa trở lên tới sân, bỗng thấy Vỏ-Nhị nắm tay Kiên-Trinh chạy ra phía sau trại, vùng hô lên rằng: “Quân súc-sanh dắt cháu tôi chạy kia kìa!” Sầm-Bích xách đao rượt theo, thấy Võ-Nhị đương kéo xển Kiên-Trinh vẹt đường mà chạy, lật đật nhảy tới chém trúng cánh tay tả, Võ-Nhị liền buông Kiên-Trinh, nên Kiên-Trinh té ngửa la rằng: “Chết tôi rồi, trời ôi!” Sầm-Bích tưởng đao chém trúng Kiên-Trinh, lật đật quì xuống mà đỡ Kiên-Trinh, nhờ cơ hội ấy nên Võ-Nhị mới chun vào rừng mà chạy khỏi.

Hà-Liễu chạy tới đỡ cháu ngồi dậy, xét coi không có thương tích chi hết, song vì Kiên-Trinh một là kinh tâm, hai là bị té nên ngồi bất tỉnh nhơn sự, mồ-hôi ra như tấm. Hà-Liễu lo săn sóc cháu, còn Sầm-Bích coi dấu máu mà đi theo; đi được một khúc không thấy máu nửa, mà trên núi cây cao lá rậm không biết Võ-Nhị chạy ngả nào, nên phải dắt dân trở lại.

Kiên-Trinh đứng dậy thấy chú là Hà-Liễu thì chưng hửng. Hà-Liễu mới thuật sơ chuyện Sầm-Bích đánh cường khấu mà cứu cháu lại cho nó nghe. Kiên-Trinh ngó mấy người đứng xung quanh mình, biết mấy người ở trong làng hết thảy, duy thấy có một mình Sầm-Bích lạ mặt, định chắc người đó là ân-nhơn, nên cúi lạy mà thưa rằng: “Mấy bữa rày cháu đã quyết chết mà thôi, không trông mong còn thấy mặt cha, chú và bà con trong làng nữa. May nhờ ân-nhân cứu cháu thoát khỏi nạn nầy, nghĩ thiệt cũng như cháu đã chết rồi mà ân-nhân làm sống dậy. Cháu chẳng biết lấy chi mà đáp nghĩa với ân-nhân, nên cháu xin lạy đỡ ít lạy, rồi chừng nào về nhà cháu sẽ thưa với cha cháu tạ ơn cho xứng đáng”.

Sầm-Bích cười mà đáp rằng: “Tiểu-thơ hãy đứng dậy! Tiểu-thơ bộ yếu lắm nên phải ngồi cho khỏe, đừng nói chuyện nhơn nghĩa làm gì”. Kiên-Trinh ngồi trên hòn đá mà nghỉ một hồi; chừng thấy đã khỏe, Hà-Liễu mới hỏi thăm coi hổm nay ăn cướp bắt mà có đánh đập chi không. Kiên-Trinh thuật hết đầu đuôi mọi việc lại cho chú nghe, Hà-Liễu nghe cháu nói nó bị ăn cướp bắt đó là tại Trần-cao-Phi mướn, thì nổi giận nên hâm để về nhà rồi đi kiện Trần-cao-Phi. Còn Sầm-Bích nghe Kiên-Trinh nói chắc bề nào cũng phải chết, chớ không chịu để xủ tiết nhơ danh, nên tính kế giết Cao-Phi và giết luôn Võ-Nhứt rồi sẽ chết, thì khen rằng: “Con gái mà có trí lược như tiểu-thơ thiệt là khó kiếm lắm. Đã biết trọng chữ trinh hơn mạng sống, mà trước khi chết lại còn toan mưu mà hại kẻ thù, gái dường ấy dầu chết ngàn năm tiếng thơm cũng còn để lại”.

Sầm-Bích dắt hết trở vào trại, kiếm coi cặp ngựa của mình với con ngựa của Hà-Mai, ăn cướp nhốt chỗ nào mà bắt lại. Đi tới chuồng ngựa thấy còn có một con ngựa của Thái-tử và con ngựa của Hà-Mai mà thôi, còn ngựa của Sầm-Bích không có, nên ai cũng nghĩ ngựa ấy Võ-Nhứt cỡi đi rồi. Sầm-Bích biểu mấy người đi theo dắt hai con ngựa đi với Kiên-Trinh xuống núi, còn mình ở lại sau nổi lửa đốt cháy trại tiêu hết rồi mới chịu theo.