Vào La-Thành, giết gian ác tế Dương-công,
Đến Đằng-giang định chước mưu trừ Hán-tặc.


Lý-Khuê, Đằng-Vân, Thủ-Thiệp và Nhựt-Khánh lần lần cũng dẫn binh tới rồi hội nhau trước cửa thành. Đến sáng Ngô Thứ-sử cũng tới nữa. Bạch-Hổ ở trên địch lầu dòm ra thấy quả là binh của mình, bèn dạy mở cửa thành rồi hiệp với Cảnh-Thạc ra ngoài nghinh-tiếp. Ngô Thứ-sử thấy hai tướng phục binh lấy thành được thì khen ngợi vô cùng, song Bạch-Hổ với Cảnh-Thạc cứ nói khiêm nhượng rằng: “Thành Đại-La mà lấy được đây là nhờ trí lược của thượng quan, chớ hai anh em tôi có công gì mà khen”.

Ngô Thứ-sử nghe nói bắt được Kiều-công-Tiện thì sắc mặt hân hoan, liền dạy chư tướng dẫn binh nhập thành. Chư tướng vưng lịnh sắp binh đứng ngay hàng ngay ngũ, đạo nào riêng theo đạo nấy, rồi dóng trống kéo nhau vào thành, coi oai nghi lẫm liệt. Ngô Thứ-sử với Cảnh-Thạc và Bạch-Hổ đi trước, thẳng vào dinh Tiết-đạt-sứ; lúc bước tới trước cửa có một tên lính già ra quì trước mặt Ngô-Quyền và khóc và nói rằng: “Thân già nầy cũng như cọng cỏ yếu, hễ gió mạnh phía nào thì ngã theo phía nấy; tuy vậy mà mấy tháng nay già thường khẩn nguyện thượng quan thắng trận lấy thành cho đặng bắt đứa bội nghịch mà rửa hờn cho muôn chúng. Nay thượng quan đã vào đến đây rồi, già chẳng biết lấy lời chi mà tỏ lòng vui mừng của già cho được. Vả chỗ nầy là chỗ Công-Hãn nó thích tử Dương-tiên-công. Vậy già cầu xin thượng quan cũng đem Kiều-công-Tiện ra chỗ nầy mà giết, dường ấy mới vừa lòng Dương-tiên-công nơi chín suối”.

Ngô Thứ-sử nghe mấy lời cảm xúc, song dằn lòng mà đáp rằng: “Dân chúng từ già tới trẻ kính mến nhạc-phụ ta như vậy, thiệt ta mang ơn lắm. Vậy xin ông lão đứng dậy, đừng có quì lạy làm chi. Còn việc báo oán trả thù thì để ta liệu lượng”. Ngô Thứ-sử bước vào dinh, rồi thăng đường. Chư tướng đóng binh xong rồi thảy đều vào ngồi dài hai bên. Ngô Thứ-sử truyền lịnh dẫn vợ chồng Kiều-công-Tiện ra để quì trước án mà hỏi rằng: “Kiều-công-Tiện, nhạc-phụ ta đãi mi rất hậu, lẽ thì mi phải hết dạ khuôn phò đặng đền ơn đáp nghĩa mới phải, chớ sao mi lại đành lòng tàn nhẫn thích tử nhạc-phụ ta mà cướp ngôi? Nay mi đã bị ta bắt rồi, vậy cho mi biết hễ làm lành thì mới gặp lành, còn làm dữ thì tự nhiên phải gặp dữ”.

Kiều-công-Tiện tay chơn rung lập cập, không dám ngó Ngô-Quyền, cứ cúi đầu cong lưng lạy hoài, xin rộng lượng bao dung, thứ tha tánh mạng. Đỗ-Cảnh-Thạc thấy vậy nổi giận, nên mắng rằng: “Mi là đồ mặt mũi giống người mà ruột gan giống thú; cha chả! Tội ác của mi chất chứa dẫy đầy mà mi còn xin tha thứ cho mi nữa à!” Ngô-Quyền tuy lửa giận lẫy lừng song không muốn lộ ra ngoài nên ngó chư tướng rồi cười gằn mà nói rằng: “Cái cử chỉ của Công-Tiện như vầy, nếu đem mà chém thì nhơ lưỡi gươm của ta quá, ngặt vì nó thích tử nhạc-phụ ta mà cướp ngôi, đã mang một tội bất trung với chúa, mà còn viện binh Nam-Hán vào ứng tiếp, ấy lại mang thêm một tội bất nghĩa với nước nữa; bởi vậy ta nghĩ không lẽ tha cho nó được. Vậy Đỗ tướng quân chịu phiền dọn bàn hương án tại chỗ nó thích tử Dương-tiên-công hồi trước rồi chúng ta đem nó ra hành hình mà tế Dương-tiên-công. Còn Liễu-Thị, ta có nghe khi ta sai sứ đem thơ mà biểu chồng mi phải thúc thủ lai hàng, thì mi có lấy lời trung chánh mà khuyên chồng. Đã biết một người làm quấy, cả nhà phải thọ ương. Nhưng ta xét mi tuy phận đàn bà mà biết lẽ chánh tà, không chịu theo chồng làm quấy. Vậy ta tha tội cho mi; mi muốn đi đâu tùy ý, ta không ngăn cản”.

Liễu-Thị tỉnh táo như thường, chẳng có chút chi sợ sệt, đứng dậy ngó ngay Ngô-Quyền mà nói rằng: “Thượng quan có lòng quảng đại, thứ tha cho thiếp thì thiếp cảm đội ơn dày. Nhưng phận đàn-bà có chồng, khi chồng làm quấy can gián không được, để cho đến nỗi ngày nay chồng phải bị thọ hình, thì còn mặt mũi nào mà thấy người trên dương thế. Thiếp nguyện sống thác cũng theo chồng; vậy nếu thượng quan định giết chồng thiếp, thì xin cũng giết luôn thiếp, đặng cho thiếp trọn niềm phu-phụ”.

Ngô Thứ-sử nghe lời có nghĩa thì trong bụng khen thầm, bởi vậy nhứt định tha bổng Liễu-Thị, nên lấy cho mấy nén bạc, rồi dạy quân dẫn Liễu-Thị ra ngoài thành mà phóng xả. Đỗ-Cảnh-Thạc coi đặt bàn hương án xong rồi. Ngô-Quyền mới dạy trói Công-Tiện đem ra để quì trước án mà tế Dương-diên-Nghệ. Ngô-Quyền bổn thân cầm đao cắt tay Công-Tiện lấy huyết làm rượu để mà tế. Chư tướng mỗi người cũng đều lắc một miếng thịt để lên trên án rồi mới lạy. Kiều-công-Tiện bị lắc thịt từ miếng đau đớn chịu không nổi, nên khóc la vang trời; khi cúng tế xong thì Công-Tiện dứt hơi tuyệt mạng. Ngô-Quyền dạy đem thây Công-Tiện treo trên nam môm cho dân chúng mọi người đều thấy. Liễu-Thị đi thẩn thơ ngoài thành, dòm thấy thây của chồng thì nước mắt tuôn có giọt, khóc kể ai cũng động lòng. Liễu-Thị than khóc đến tối, rồi lấy dây leo lên buộc trên nhành cây thắc họng mà chết. Sáng bữa sau quân ra ngoài thành dòm thấy lật đật trở vào báo lại cho Ngô Thứ-sử hay. Ngô-Quyền xót thương nên dạy quân mở thây đem xuống, tẩn liệm rồi mai táng ngoài thành. Người thuật truyện nầy thấy người đàn bà ở với chồng trọn đạo thì cảm xúc trong lòng, bỏ qua không được, nên có điếu một bài thơ như vầy:

Bởi Kiều-công-Tiện đã ra ma,
Nên Liễu phu-nhơn phải thế mà...,
Vập xác trinh kiên trong đất Việt,
Treo gương tiết liệt trước thành La.
Hồn còn phưởng phất theo mây gió,
Danh hãy phong phanh khắp nước nhà.
Nầy bọn quần xoa xin hỏi thử?
Có ai được vậy nữa, hay là...

Ngô-Quyền báo oán chiêu an trong hai ngày thì xong hết rồi mới hội chư tướng mà nói rằng: “Chúng ta vì nghĩa, chí dốc trả thù cho Dương-tiên-công, nên chúng ta mới chung trí hiệp lực mà dẫn binh đến đây, nay chúng ta trừ loài bội nghịch ở trong được rồi, mà binh Nam-Hán lại đương kéo qua toan chiếm đoạt bờ cõi của nước ta, nếu ta không lo mưu chống cự thì chắc nước ta phải bị Lưu-Cung thâu đoạt, rồi dân ta ắt phải bị đồ thán như trước nữa. Vậy xin chư vị tướng quân hãy vì dân, vì nước, vì nghĩa, vì tình, đậu cật đâu lưng với ta đặng trừ binh Nam-Hán mà gìn giữ giang san, bảo an lê thứ. Nếu chư vị tướng quân bằng lòng theo ta, thì ta nguyện nước còn thì ta mới còn, chớ nếu nước mất thì ta cũng mất luôn theo nước.

Chư tướng nghe nói thảy đều đứng dậy xin dẫn binh đi đối địch với Thái-tử Hoằng-Tháo. Ngô-Quyền thấy nhơn tâm hăng hái thì chẳng xiết nỗi mừng, liền dạy Đỗ-Cảnh-Thạc với Nguyễn-thủ-Thiệp lãnh ba ngàn binh ở lại Đại-La mà giữ thành, còn bao nhiêu binh tướng thì dẫn hết lên Lục-châu mà ngăn cự với Nam-Hán. Bạch-Hổ với Lữ-Đường dẫn ba ngàn binh tráng kiện đi trước mà làm hướng đạo, còn đại binh thì lục-thục kéo theo sau. Lên tới Bạch-đằng-giang, hai tướng tiên phuông gặp Trần-Lãm đương bày chiến thuyền mà nghinh địch. Trần-Lãm thấy có binh ứng tiếp thì mừng rỡ vô cùng, liền tiếp Bạch-Hổ với Lữ-Đường xuống thuyền mà thương nghị việc giao chiến.

Bạch-Hổ thuật chuyện hạ thành Đại-La, bắt được Kiều-công-Tiện lại cho Trần-Lãm nghe, rồi lại nói Ngô Thứ-sử dẫn đại binh đi ngăn giặc, trong vài ngày nữa ắt sẽ tới. Trần-Lãm nghe càng mừng hơn nữa, bèn dạy quân lấy rượu ra đãi hai tướng rồi nói răng: “Nếu Ngô Thứ-sử dẫn đại binh đi ứng tiếp thì chẳng lo chi mà không bắt được Hoằng-Tháo, chẳng dấu chi với nhị vị tướng quân, từ ngày tôi được lịnh lên đây ngăn giặc thì tôi ra đi mà trong lòng lấy làm lo sợ lắm. Nhị vị tướng quân nghĩ đó mà coi, nghe nói Hoằng-Tháo dẫn đến ba vạn binh mà lại có Lý-khắc-Chánh là người lão luyện làm phó tướng, tôi có hơn một ngàn binh mà thôi, thế làm sao mà cự cho nổi. Đã biết binh của ta nhập hết lại thì cũng chẳng kém gì binh Nam-Hán, ngặt ngày tôi ra đi thì thành Đại-La chưa lấy được, thế thì làm sao mà dám kể có binh ứng tiếp, vậy nên tôi phải đồn binh ở đây mà giữ, không cho binh Nam-Hán độ qua sông mà thôi, chớ tôi không dám tính giáp chiến với nó được”.

Lữ-Đường ngồi lóng tai nghe, có ý muốn biết coi binh Nam-Hán đóng tại đâu, mà Trần-Lãm cứ nói lòng-dòng hoài, không chịu nói tới chuyện đó, nên tức trí mới hỏi rằng: “Vậy mà binh Hoằng-Tháo bây giờ đã kéo tới đâu rồi?”. Trần-Lãm cười mà đáp rằng: “Ngài nóng nảy quá, để thủng thẳng rồi tôi nói cho mà nghe chớ ngài đánh giặc mấy tháng nay chưa mệt hay sao mà còn hăng lắm vậy? Nếu ngài muốn đánh để tôi chỉ cho mà đánh”.

Trần-Lãm nói vừa dứt lời, liền đứng dậy nắm tay Lữ-Đường dắt ra trước mũi thuyền, rồi chỉ qua phía mé sông bên kia mà nói rằng: “Đó, binh Nam-Hán đóng đó, ngài thấy hay chưa? Ngài muốn đánh thì qua đó mà đánh.” Bạch-Hổ nghe nói ở trong mui lật-đật chun ra, đứng dựa bên Lữ-Đường mà ngó qua mé bên kia sông, thấy dọc theo mé sông trại cất kế nhau dài gần một dậm. Bạch-Hổ day lại hỏi Trần-Lãm rằng:

- Khi tướng quân lên đến đây thì binh Tàu đã đóng trại đó rồi hay chưa?

- Chưa. Tôi đến đây cho người thám dọ biết binh Nam-Hán gần tới tôi mới tính ở đây mà chờ. Thiệt quả cách vài ngày binh Nam-Hán tới. Tôi truyền lịnh dàn chiến thuyền ra đặng cho chúng nó thấy có binh ngăn. Có lẽ tại chúng nó không thuyền qua sông nên mới hạ trại ở đó mà đóng thuyền.

- Nếu vậy chúng nó ở đó đã lâu rồi.

- Phải, chúng nó đóng trại đã gần nửa tháng nay.

Ba tướng đương đứng nói chuyện với nhau, bỗng thấy có một chiếc thuyền nhỏ ở trên dòng nước thả xuống, hai đầu có hai tên quân chèo, còn chính giữa thì có một tiểu tướng trạc chừng 15, 16 tuổi diện mạo khôi ngô, bộ tịch vạm vỡ, ngồi chỉ tay bảo cập vào thuyền của Trần-Lãm. Lữ-Đường thấy người trai ấy chẳng lạ, song quên lững không biết có gặp chỗ nào. Thuyền vừa cập, tên trai ấy mới nhảy qua rất gọn gàng, chào Trần-Lãm, Bạch-Hổ và Lữ-Đường, rồi thưa với Trần-Lãm rằng: “Thưa thượng quan, tôi đi thám dọ rõ ràng giặc đương đốn cây đóng thuyền, có lẽ chừng năm mười ngày nữa chúng nó sẽ độ binh qua sông. Vậy thượng quan phải viện binh thêm, chớ binh của mình ít quá, tôi sợ ngăn không nổi”.

Trần-Lãm cười mà nói rằng: “Binh tiếp ứng đã tới rồi, trong vài ngày Ngô Thứ-sử sẽ dẫn đại binh tới nữa. Vậy tướng quân đừng lo cứ đốc binh phòng bị đợi Ngô Thứ-sử đến rồi ta sẽ định kế mà phá giặc”.

Tên trai nầy là Đinh-bộ-Lãnh, ngày trước đón Ngô-Quyền tại Đại-vân-Sơn mà xin đầu quân, gặp Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu khinh thị nên buồn chí mới đầu Trần-Lãm. Mấy tháng nay, Trần-Lãm đãi Bộ-Lãnh rất hậu, đã tin cậy nên trao quyền quản suất binh sĩ, mà lại thương yêu chẳng khác nào cha với con. Vả Trần-Lãm không có con nên trong bụng muốn lập Bộ-Lãnh làm con nuôi song thấy giặc giả chưa an, nên chưa hở môi, đợi giẹp giặc xong rồi sẽ tỏ ý cho Bộ-Lãnh biết. Khi Bộ-Lãnh bước vào trong mui rồi thì Lữ-Đường hỏi Trần-Lãm rằng:

- Tiểu tướng đó là ai?

- Con của tôi.

Bạch-Hổ lại hỏi rằng:

- Tôi nghe nói ngài không có con mà?

- Nó là con nuôi.

- Ờ, có lẽ là con nuôi chớ Tiểu-tướng diện mạo khôi ngô oai phuông lẫm liệt, người đó tôi coi chẳng phải là người tầm thường. Ngài có con nuôi như vậy thiệt là có phước lắm đa.

Trần-Lãm cười rồi dắt nhau trở vào trong mui ngồi uống rượu. Ba tướng thương nghị với nhau rồi nhứt định cho Lữ-Đường đi ngừa đại binh, trước là dắt đường; sau nữa tỏ tình hình binh giặc cho Ngô Thứ-sử nghe. Còn ba ngàn binh của Bạch-Hổ với Lữ-Đường mới dẫn đến thì dựa theo mé sông bị rừng cao đất ướt không có chỗ đóng nên phải dẫn trở vô vài dậm lựa chỗ đất cao ráo trống trải dựa bên triền núi mới truyền lịnh an dinh hạ trại.

Lữ-Đường đi ngừa, gặp đại binh mới tỏ hết thế lực của Hoằng-Tháo cho Ngô-Quyền nghe, rồi dẫn riết tới mé sông Bạch-Đằng. Bạch-Hổ nghinh tiếp Ngô-Quyền, khuyên đóng binh trên triền núi, bởi vì xuống sát mé sông không có chỗ hạ trại được. Trần-Lãm hay tin đại binh đã đến, bèn kêu Bộ-Lãnh mà dặn phải coi quân suất binh thuyền, rồi lật đật lên bờ nghinh tiếp Ngô Thứ-sử. Trần-Lãm vào trại cung-hạ Ngô-Quyền về sự hạ thành Đại-La, rồi mới dắt Ngô-Quyền xuống thuyền mà khán trận. Có một mình Bạch-Hổ đi theo Ngô-Quyền mà thôi, còn chư tướng mắc coi cho quân-sĩ đốn cây cất trại.

Ngô-Quyền xuống thuyền, đứng ngó qua mé sông bên kia nhắm xem dinh trại của Hoằng-Tháo xong rồi, mới xuống ngồi một chiếc tiểu thuyền đi với Bạch-Hổ và Trần-Lãm dọc theo mé sông bên nây mà coi địa thế, Thũy thủ chèo trở lộn xuống. Đến tối về tới thuyền, Ngô-Quyền bèn dạy Trần-Lãm cho 10 chiếc thuyền chở binh qua sông, giả cướp trại đặng coi Hoằng-Tháo phòng bị thể nào. Trần-Lãm vưng lịnh bèn sai Bộ-Lãnh bày 10 chiếc chiến thuyền, đến đầu canh đèn đuốc tắt hết, lén chèo qua sông mà cướp trại, còn Ngô-Quyền, Bạch-Hổ và Trần-Lãm thì dẫn 5 chiếc thuyền khác theo sau mà tiếp ứng. Khi Bộ-Lãnh vừa xáp vô mé bờ thì nghe trên trại trống đánh vang rân, rồi thấy binh của Hoằng-Tháo giàn ra dài theo mé sông, bắn tên xuống như mưa, làm cho Bộ-Lãnh phải thối lui, chớ không thể nào cất binh lên bờ mà cướp trại được. Ngô Thứ-sử thả thuyền trôi giữa dòng sông, xem thấy cách phòng bị của giặc đủ rồi, liền dóng chiên thâu quân không cho lên cướp trại.

Sáng bữa sau, Ngô-Quyền truyền lịnh phải đóng thuyền thêm cho nhiều và phải đi đốn tre kết bè để dựa bên mé sông, lại dạy quân sĩ người nào cũng có một cây cung với năm mũi tên, nếu điểm binh mà ai thiếu thì người ấy có tội.

Binh của Ngô-Quyền mắc lo làm những việc ấy nên không qua cướp trại của Hoằng-Tháo nữa. Còn Hoằng-Tháo ngó thấy có mấy chục chiến thuyền đậu xơ-rơ bên mé sông đó mà thôi, chớ đại binh của Ngô-Quyền đóng gần trên triền núi, bị giặng rừng dựa theo mé sông cản khuất không thấy dinh trại được, tưởng là giặc chỉ có một đạo thủy quân ở đó mà thôi, nên không có lòng lo sợ, cứ dạy quân đóng thuyền kết bè đặng có độ binh qua sông.

Hai bên cầm cự với nhau cho đến gần cuối tháng tám, mà cũng chưa thấy bên nào động binh. Đến đầu tháng chín, Hoằng-Tháo cụ bị thuyền bè đủ rồi, thừa đêm tối trời, mới tính cất binh xuống thuyền mà độ qua sông. Đêm ấy Bộ-Lãnh ngồi một chiếc tiểu thuyền mà đi tuần, xem thấy bên trại của Hoằng-Tháo quân sĩ lao nhao, trong lòng phát nghi, bèn dạy thủy thủ chèo ra giữa dòng sông mà xem cho kỹ, khi thấy giặc bày chiến thuyền đông nức lại đương chở binh xuống thuyền. Bộ-Lãnh lật đật trở về đại đội mà báo tin. Trần-Lãm nhứt diện sai người lên đại trại mà thông tin cho Ngô Thứ-sử hay, còn nhứt diện sắp đặt chiến thuyền sẵn sàng đặng cự địch.

Ngô-Quyền nghe báo liền dạy Lữ-Đường, Nguyễn-Siêu, Cao-đằng-Vân với Ngô-nhựt-Khánh dẫn binh vào rừng mai phục dọc theo mé sông, hễ thấy giặc thì chống cự đừng cho lên bờ được, nếu liệu thế cự không nổi thì phải phi báo cho đại trại hay đặng phát binh ứng tiếp. Binh Nam-Hán vừa mới chống thuyền đi ra thì chiến thuyền của Trần-Lãm đậu giữa dòng sông, áp vào mà đánh; hai bên hỗn chiến, tên bắn như mưa, trống hồi như sấm. Binh Nam-Hán không quen thủy chiến, chèo bơi lộn xộn, không có hàng ngũ, bởi vậy bị Bộ-Lãnh đoạt được 5 chiếc thuyền, bắt gần 300 quân còn bao nhiêu thì trở vô bờ không dám chiến đấu nữa. Bộ-Lãnh muốn thừa thắng đánh luôn, ngặc vì binh ít quá không dám xáp vô mé mà leo lên, nên đến sáng dắt binh trở về.

Tan giặc rồi Ngô Thứ-sử xuống thuyền khen ngợi Trần-Lãm rồi ngồi thuyền đi xem địa thế nữa. Ngô Thứ-sử đi dài xuống phía dưới, cách chừng năm sáu dậm, thấy sông khúc ấy nước không sâu, mà hai bên mé sông lại sầm uất, cây cao rừng rậm. Ngô Thứ-sử dạy chèo lên chèo xuống ba bốn hiệp, nhắm xem địa cảnh xong rồi nói với Trần-Lãm rằng: “Nếu trời đất vùa giúp cho ta, thì ta sẽ phá binh Nam-Hán và bắt Thái-tử Hoằng-Tháo tại chỗ nầy”. Trần-Lãm không hiểu ý Ngô-Quyền định kế thể nào, nên cười rồi dạy quân chèo trở về.