Năm năm sau.

Một nếp nhà ở chân đồi trong Làng Trù Mật cách Phú Thọ độ hơn cây số.

Bên cạnh cửa sổ, một người đàn bà còn trẻ, còn đẹp ngồi mạng áo. Thỉnh thoảng nàng lại ngừng tay, thò đầu ra ngoài nhìn một thằng bé con đương cầm cái bay đào đất.

- Ái! Không được vầy đất nữa! Đi rửa tay để ăn cơm chứ!... Cậu Giáo sắp về rồi. Ta bảo không được, chốc tao mách cậu cho đấy.

Thằng bé sợ hãi, chạy lại gần, kêu van:

- Ái lạy mẹ, mẹ đừng mách cậu cho Ái nhé!

- Ừ, thế đi rửa tay ngay... Chậu nước mẹ lấy rồi để ở thềm ấy.

Một lát sau, Ái chạy vào giơ hai tay khoe mẹ:

- Mẹ ơi! Tay Ái sạch rồi, mẹ đừng mách cậu cho Ái nhé!

Mai, vì người đàn bà ấy chính là Mai, ôm lấy con hôn, nói nựng:

- Con tôi ngoan lắm!... Ái có yêu mẹ không?

Ái hai tay quàng lấy cổ mẹ:

- Có chứ!

- Thế Ái có yêu cậu Huy không?

- Có chứ!

- Ngoan lắm! Thế Ái có hôn mẹ một cái thật kêu nào.

Ái kéo đầu mẹ xuống hôn chụt hai bên má, rồi nũng nịu:

- Mẹ cho phép Ái đi đón cậu nhé?

- Không được, lối ấy dốc mà có xe ô-tô hàng qua lại luôn. Con đứng ở cổng đón cậu cũng được.

- Mẹ bảo ông Hạnh đưa con đi... nhe mẹ nhé.

Mai nói dỗi:

- Ừ đấy! ông muốn đi đâu thì đi.

Thấy mẹ gắt, Ái gục đầu vào lòng khóc:

- Mẹ không yêu con rồi.

- Thế sao mẹ bảo, con không nghe?

Ái cười lau nước mắt, thỏ thẻ:

- Vâng, thế con chỉ đứng cổng chờ cậu thôi nhé? Thế mẹ yêu con, mẹ đừng giận con nữa nhé?

Mai không trả lời, ôm con hôn lấy hôn để.

Khi Ái đã ra cổng rồi, Mai xếp kim chỉ vào thúng khâu, ngôi chờ em về.

Năm năm trời, Mai theo em lên Phú Thọ. Thời gian thấm thoát, đoái tưởng đến hồi ở Hà Nội, mọi việc như mới xảy ra mấy tháng trước. Mai lẩm bẩm: "Thế mà đã năm năm!"

Từ ngày Mai và Huy lên Phú Thọ tới nay, chưa một lần nào về Hà Nội, dẫu tới kỳ nghỉ hè cũng vậy. Bốn người cùng nhau hưởng hạnh phúc êm đềm ở một nơi ẩn dật.

Ngày này sang ngày khác, tháng lại tháng, năm lại năm, cuộc đời không thay đổi. Ngày hai buổi Huy trèo dốc dài lên Tỉnh dạy học. Trong khi ấy thì Mai và ông Hạnh trông nom nhà cửa và sửa soạn nấu ăn.

Chủ nhật, hai chị em đưa Ái lên đồi hay vào rừng, đem theo bánh mì và các món ăn, ở mãi đấy cho tới gần chiều mới về. Những hôm ấy, không lần nào Mai không nhờ đem theo các sách của em đương soạn để đọc, rồi hai chị em bàn nhau, hoặc thêm hoặc bớt một vài đoạn, hoặc chữa lại một vài chỗ.

Sự mong ước của Huy là dăm năm sau sẽ có cái vốn vài ba nghìn, và tìm nơi gần đồi, gần sông, mua ít ruộng, ít đất làm nhà cùng ở với chị. Vì thế ngoài giờ dạy học, Huy còn viết sách, viết truyện gửi về Hà Nội bán cho các báo. Sau mấy năm Huy đã để dành được gần một nghìn bạc.

Mai thì ngoài việc mua đất làm nhà, Mai còn nghĩ đến việc cưới vợ cho em nữa. Nhưng hễ nghe Mai nhắc tới, Huy chỉ một mực chối từ, nói mình hãy còn nghèo và việc ấy chưa vội.

Một đôi khi ngắm con. Mai cũng tưởng tới người xưa. Nhưng sự nhớ nhung chỉ có trong chốc lát. Cái hình ảnh người ngồi vắt vẻo trên xe lãnh đạm nhìn Mai đã cắt đứt cảm động, đã tiêu tán hết âu yếm dịu dàng trong tâm hồn Mai.

- A! Cậu Giáo đã về! Mẹ ơi! Cậu Giáo đã về.

Mai vui cười, ra cổng đón em, Ái phụng phịu chạy lại bên mẹ rơm rớm nước mắt:

- Mẹ ơi! Cậu Huy giận con. Hôm nay cậu không hôn con.

Mai đưa mắt nhìn em, nhận ra rằng Huy không được tươi tỉnh như mọi ngày.

Nàng vội hỏi:

- Em sao thế?

Huy gượng cười:

- Không chị ạ.

Mai không tin hỏi luôn:

- Em có điều gì buồn?

- Không mà lại. Em có buồn đâu. Em mới về hơi mệt đấy thôi.

Muốn làm cho chị hết ngờ vực. Huy cúi xuống bế Ái lên, vừa hôn vừa nói:

- Ái không ngoan rồi, chỉ làm cho mẹ buồn thôi.

Được cậu ẵm, Ái vui mừng, rồi tẩn mẩn nó thò tay vào túi áo Huy định lấy xu.

Bỗng nó giơ lên một tờ giấy xanh, gọi Mai:

- Mẹ ơi! Cậu có cái này đẹp quá, mẹ ạ.

Thoáng trông thấy màu giấy và kiểu chữ trong thư, Mai mặt tái dần, phải đứng tựa vào tường như sợ ngã ngất.

Huy vội đặt Ái xuống đất, giật bức thư bỏ vào túi, rồi chạy lại hỏi:

- Chị sao thế?

Mai ấp úng:

- Em có điều gì giấu chị...

- Không.

- Thế thư của ai gửi cho em đấy?

Huy toan nói đó là một bức thư của bạn. Song hình như đọc được tư tưởng của em và muôn tránh cho em một sự nói dối vô ích, Mai cười gượng:

- Anh ấy vẫn dùng thứ giấy viết thư ngày xưa nhỉ?

Huy nghe chị nói, giật mình. Huy không ngờ ái tình của chị đối với Lộc lại bền chặt đến thế, trung thành đến ăn sâu vào tâm tư, đến nỗi nhớ tới những sự cỏn con như màu giấy viết thư dùng sáu năm về trước. Huy bỗng đem lòng thương hại chị đã trong bao lâu vui gượng để che sự nhớ nhung, sống trong lãnh đạm của cuộc đời hiện tại để cố quên tình ân ái của quãng đường quá khứ, đầu buổi thanh xuân.

- Cậu ơi! Sao mẹ lại khóc kìa, cậu ạ?

Huy nghe lời cháu gọi như một câu trách mắng. Và nhìn hai giọt lệ trên gò má Mai, Huy xiết bao hối hận. Chàng khẽ bảo chị:

- Chị nghĩ làm gì cho đau lòng. Con người như thế chả đáng chị nhớ thương.

Huy vừa nói vừa toan xé bức thư. Mai gạt:

- Em cứ đưa thư cho chị xem.

- Thôi chị ạ, xem làm gì?

Ái kéo áo Huy năn nỉ:

- Cậu cho mẹ tờ giấy xanh, đi cậu. Để mẹ làm cho Ái cái thuyền.

Mai không để ý đến con, nói:

- Không hề gì mà! Em cứ đưa cho chị xem.

Huy còn có ý do dự, thì Mai đã giật bức thư ở tay mở vội ra coi.

Thư vắn tắt có mười dòng:

Huyện Thạch Hà, ngày mùng... tháng ba...

Em Huy,

Tôi xin cậu cho phép tôi được gọi cậu là em và xưng anh với cậu như ngày xưa, như những ngày tháng sung sướng nhất trong đời ba chúng ta.

Em ơi, anh là một người khốn nạn, một người có tội rất lớn đối với vợ anh và đối với em.

Xin em làm ơn kêu van chị cho anh, tha thứ cho anh, không thể tha thứ được, nhưng rủ lòng thương cho phép anh đến tạ tội và tỏ nỗi oan uổng của anh.

Thế nào, xin cậu trả lời cho biết, tôi sẽ xin đến ngay.

Kính thư

NGUYỄN VĂN LỘC

Lời trong thư loanh quanh, lúng túng, khi xưng anh, em, khi xưng cậu, tôi, tỏ ra rằng khi viết thư, Lộc băn khoăn cảm động lắm. Tay Mai cầm bức thư run lẩy bẩy, mặt Mai dần dần đỏ, rồi tái đi. Rồi cất giọng khàn khàn, ướt những nước mắt đương tắc ở họng. Mai bảo Huy:

- Thôi em ạ. Đừng trả lời nữa.

- Vâng.

Huy đáp lại vơ vẩn thế, song vẫn hiểu rằng câu nói của chị có một nghĩa trái ngược. Nàng muốn bảo em trả lời Lộc ngay. Huy đăm đăm nhìn chị thì thầm:

- Hay cứ để anh ấy đến.

Mai trù trừ, ngẫm nghĩ. Cái hình ảnh khinh bạc người ngồi vắt vẻo trên xe nhà lướt qua tâm trí Mai... Nàng liền quả quyết xé vụn bức thư ra, bảo em:

- Thôi! Nhất định thôi. Không trả lời gì hết.

Ái mếu máo vì thấy mẹ giận dữ xé mất tờ giấy đẹp của mình.

- Sao mẹ lại xé của con ra ?

Mai gượng cười, cúi xuống bế con lên hôn rất nồng nàn. Nàng có ngờ đâu tình xưa còn ẩn trong tình mẩu tử, và cái hôn kia chỉ là cái hôn tiếc một quảng đời đã mất.