Ông Nguyễn Thiết Thanh là chánh tổng cựu đã được mông thưởng chánh thất phẩm bá hộ. Như thế đáng lẽ ông chỉ là một ông chánh bá dù hàm ông đã cao. Song vì trong hàng tổng phần nhiều người đều có nhờ vả, vay mượn nhà ông, và quan trên lại rục rịch hứa tư thưởng cho ông hàm hàn lâm đãi chiếu nên khắp vùng ấy ai ai cũng gọi tôn ông lên là cụ hàn, tuy ông mới ngoài bốn mươi tuổi.

Vả ông Thanh thực hoàn toàn là một cụ hàn, vì rằng các cụ hàn thường đẫy đà mà ông ta thì phì nộn phương phi lắm, mặc dầu ông ta có nghiện thuốc phiện. Ông ta cũng nghiện chơi nghiện bời cho vui cùng ngày tháng đó mà thôi: ở nhà quê mà không nghiện một thứ gì, thì buồn lắm, cả ngày chả có một việc để làm bận đến cái thân nhà. Một lẽ nữa khiến ông ta ham chơi thú ả phiến, là ông ta giầu, giầu lắm, giầu nhất trong hàng huyện, và thứ nhì thứ ba trong hàng tỉnh; nên ông ta cần phải hút để tiện thức mà coi lấy của.

Ai đi qua con đường thiên lý, xa trông thấy thôn Xuân Ðỉnh tất cũng thấy sau mấy tòa nhà ngói, đến hơn chục cây thóc, cao chót vót ngất từng mây, như những chòm lính canh ở các phủ huyện vậy. Ðó là nhà ông hàn và các bà vợ của ông ta.

Vì ông hàn có những ba vợ ở riêng mỗi người một dinh cơ giáp liền nhau. Vợ cả và vợ hai đều chỉ sinh con gái. ông hàn liền lấy thêm một cô vợ ba, thì sinh ngay được một cậu con trai đầu lòng. Vì thế cô được ông hàn thương yêu chiều chuộng, làm nhà gác cho ở, và cung phụng như một cô tiểu thiếp nhà quan vậy: nào nuôi cho kẻ hầu người hạ tấp nập, nào sắm cho bàn ghế giường tủ kiểu tây, bày la liệt trông rất là rực rỡ. Vợ cả và vợ hai, tuy cũng có ghen nhưng không dám hé môi vì ông hàn oai nghiêm lắm, khắp hàng tổng còn sợ ép một bề nữa là các bà vợ.

Tuy thế, người vợ ba không phải là người có nhan sắc, được ông hàn yêu thương là chỉ vì sinh hạ người nối dòng dõi tông đường cho ông đó mà thôi. ông hàn lại cũng không phải là người không biết thưởng thức cái đẹp, nên tuy đã có ba vợ rồi mà còn muốn kén một bực tiểu tinh diễm lệ để vui thú cảnh nhàn, vì ông hàn vẫn tự phụ là người hào hoa phong nhã.

Hôm ấy, mặt trời đã lên cao, mà ông hàn còn chưa thức giấc. Tối hôm qua, ông chơi những bốn năm hội tổ tôm ở nhà vợ ba, xong lại hút thuốc đến gần sáng, nên hôm nay sớm lắm cũng gần trưa, thì họa may ra ông mới dậy.

Ðược ông chồng luôn luôn ngủ bên nhà mình, cô ba lên mặt hãnh diện với hàng xóm láng giềng lắm, và tỏ ý tôn kính chồng như một ông quan lớn vậy: ra vào rón rén, bắt đầy tớ không được nói chuyện hoặc hắng giọng để được tĩnh mịch cho quan hàn yên giấc.

Lúc đó, cô ba bỗng nghe có người nheo nhéo gọi cổng ngoài, vì nhà các ông cự phú ở chốn thôn quê bao giờ cũng có hai ba chặng cổng và cài đóng rất cẩn thận. Cô hàn nghe tiếng, cau mặt lẩm bẩm, sai một người đầy tớ ra xem, tên nào dám huyên náo như thế, để mất giấc ngủ của quan.

Một lúc, tên người nhà trở vào đưa Mai và người lão bộc theo sau. Cô ba trông thấy vội kêu:

- Quan còn ngủ, sao mày đã cho họ vào.

Rồi chạy ra sân hỏi:

- Ông già kia đến có việc gì?

Lão bộc ấp úng chưa dám ngỏ lời, thì Mai đã ung dung đáp:

- Chúng tôi ở bên Ninh Bắc sang muốn kêu cụ hàn chút việc.

Ý chừng bà hàn nghe Mai gọi quan hàn là cụ thì không bằng lòng nên nguây nguẩy quay vào nhà không thèm trả lời. Lúc bấy giờ ông hàn Thanh thức giấc nghe có tiếng ồn ào ở ngoài sân, liền hỏi cô ba:

- Cái gì đấy?

Cô ba lãnh đạm trả lời:

- Có con bé nào đi với một lão già ý chừng muốn đến vay tiền.

Cô hàn quay bảo tên người nhà:

- Mày bảo chúng nó cút đi.

ông hàn đã ngủ được một giấc ngon, trong người thấy khoan khoái dễ chịu vui vẻ, liền cười bảo vợ:

- Thì cứ cho người ta vào. Mình không cho người ta vay thì thôi chứ có hề gì?

Rồi ông gọi tên người nhà lại:

- Mày! Cứ bảo họ vào đây.

Cô Mai và ông lão Hạnh theo người đầy tớ bước vào căn nhà ba gian.

Bên cạnh tủ chè, trên sập gụ, ông hàn ngồi rửa mặt, mình vận cái áo để hở cả bụng, đầu búi tóc ngược trông có vẻ oai vệ lắm. Nhác thấy Mai ông ngây người ra, rồi quấn vội chiếc khăn lượt, mặc vội cái áo đoạn, như đón tiếp một người khách quý vậy. Cô ba ngắm cử chỉ của chồng lấy làm lộn tiết. Cô thừa biết rằng chỉ vì con bé kia có chút nhan sắc mà được cái hân hạnh chồng mình xử một cách quá lễ phép đến như thế. Bởi có cái tiên kiến đó nên ban nãy cô hàn chỉ muốn sai đầy tớ đuổi ngay bọn họ ra mà thôi. Cô vẫn không lạ gì cái tính hiếu sắc của chồng.

Khi đã khăn áo chỉnh tề, đã vuốt cẩn thận bộ râu mép cho thẳng thắn, ông hàn mới quay mặt ra chỗ Mai:

- Cô đến có việc gì vậy? Mời cô hãy ngồi tạm xuống ghế, sao lại đứng thế? Cả ông già nữa!

Ông lão Hạnh chắp tay, lễ phép đáp lại:

- Bẩm quan lớn cứ để mặc chúng cháu.

- Cô em với ông già ở đâu? Ðến có việc gì?

Mai vẫn đứng, khép nép trả lời:

- Bẩm cụ, chúng tôi là con ông tú Lãm ở bên Ninh Bắc.

Chả biết ông hàn có quen cụ tú thực không, nhưng mà có lẽ ông thấy con cụ xinh đẹp quá nên ông vồn vã hỏi thăm như chỗ thân mật lắm:

- Thế à! Cô là con cụ tú Ninh Bắc đấy à? Tưởng ở đâu xa lạ! Vậy cụ tú cho cô sang hỏi tôi có việc gì vậy?

Mai hai má đỏ ửng, cuối mặt se sẽ đáp:

- Thưa cụ, thầy cháu đã khuất.

Ông hàn làm bộ sửng sốt:

- Thế à? Cụ tú quy tiên rồi à? Thế mà chả báo tin cho tôi biết để tôi sang đưa đám. Vậy nay cô cần điều gì đấy?

- Thưa cụ, chúng cháu túng bấn...

Cô hàn đứng lắng tai nghe, phần căm tức về chồng thấy gái thì híp mắt lại, phần lộn tiết vì cô ả kia chắc chỉ đến tán tỉnh để định vay mượn.

Khi nghe Mai nói đến đấy, cô hàn vội lại gần sập rồi giằn từng tiếng bảo chồng:

- Ðấy ông coi, tôi đoán có sai đâu?

Ông hàn gạt đi mà rằng:

- Thì bà hãy để cho cô ấy nói dứt lời đã nào.

Rồi quay lại phía Mai hỏi:

- Sao nữa, cô định nhờ tôi việc gì vậy?

- Thưa cụ, thầy cháu mất đi, chị em cháu, vì cháu có em giai đương đi học, chị em cháu túng bấn, sang kêu cụ làm ơn mua giúp cho cái nhà và miếng đất...

Ông hàn ngắt lời Mai, đáp lại:

- Cô tính tôi làm gì có tiền mà mua đất. Mà tôi mua làm gì nhà đất ở tận bên Ninh Bắc?

Cô hàn nghe thấy chồng chối phắt, lấy làm bằng lòng lắm, tươi cười nói:

- Phải! Mua nhà cửa đất cát ở tận bên Ninh Bắc thì ai sang đấy mà ở?

Mai kêu nài:

- Bẩm nhà thì hai cụ cứ cho dỡ ra tiện sông chở về bên làng, nhà cháu là nếp nhà gạch năm gian hai chái làm toàn bằng gỗ lim tốt, lại có cái nhà ngang, ba gian lợp cói, cói cũng còn tốt.

- Vẫn biết thế, nhưng có tiền đâu mà mua. Vả lại tôi là chỗ quen thuộc với cụ tú khi xưa, nay mua nhà của cô không tiện.

- Bẩm cụ, cụ mua nhà cho cháu là làm phúc cứu sống được chị em cháu, có gì mà ngại, chắc thầy cháu ở dưới suối vàng cũng phải mang ơn cùng cụ... Bẩm vả lại cháu cần tiền thì cụ giả rẻ cháu cũng phải bán.

Cô hàn ngồi nghe biết cô bé con dại dột, chắc có thể xoay được và có thể mua được món hời, liền đưa mắt ra hiệu cho ông chồng rồi sẽ nói:

- Ông vào trong buồng, tôi hỏi tí việc.

Khi vào buồng, cô hàn thì thầm khuyên chồng nên dìm giá mà mua thật rẻ vì cô có nghe tiếng ông tú Lãm ngày xưa ở Ninh Bắc là người giầu có thì cái nhà ấy chắc cũng dựng bằng gỗ tốt. Còn đất, bán lại cho ai mà không được, nếu không cho người nhà sang ở càng hay chứ sao, vì ở bên ấy ông hàn cũng có mấy chục mẫu ruộng phụ canh. ông hàn cười bảo vợ:

- Tôi đã định liệu đâu đấy cả rồi, bà cứ để mặc tôi.

Cô hàn khen nịnh chồng một câu:

- Phải, ông thì còn phải kể, còn bao giờ kém cạnh nước gì.

- Vậy bà cứ để tôi xoay cho con bé một mẻ. Nhà và đất của nó có lẽ cũng đáng giá nghìn bạc chứ chẳng chơi, nhưng rồi bà xem, tôi chỉ giả độ ba, bốn trăm là mua nổi.

Cô hàn nghe lấy làm hởi dạ, mỉm cười, nũng nịu bảo chồng:

- Thế ông mua cho tôi, văn tự đứng tên tôi nhé.

Ông hàn lấy tay tát yêu hai bên má vợ ba, trả lời:

- Lại mua đất cho ai nữa? Cả mấy chục mẫu ruộng ở bên Ninh Bắc rồi cũng đứng tên ai!

Cô hàn sung sướng đỏ bừng cả mặt. Ông hàn nghĩ một tí rồi lại nói:

- Nhưng nếu có bà ở đây khó xoay vì bà tính hay nóng nảy. Vậy bà ra đồng trông coi qua bọn thợ cấy, để mặc tôi với... với ông lão cùng con bé, thế nào chốc nữa bà về cũng làm xong văn tự... không khéo chỉ hai trăm cũng nên...

Cô hàn nghĩ đến lợi quên bẵng lòng ghen, liền cắp nón đi ngay, để mặc chồng ở nhà cùng với Mai và người lão bộc.

Ông hàn đợi cho vợ đi được một lúc lâu mới ra nhà ngoài, mủm mỉm cười nhìn Mai, hỏi:

- Cô có biết bà hàn dặn tôi những gì không?

Mai đương mong đợi biết kết quả sự bàn định của hai vợ chồng ông hàn, vội vàng hỏi lại:

- Thưa cụ, bà hàn dặn cụ những điều gì thế?

Ông hàn lại gần sẽ nói:

- Bà hàn dặn tôi đừng mua nhà của cô, dù cô nằn nì thế nào cũng từ chối.

Mai thực thà, tin lời ông hàn, buồn rầu đứng dậy, toan cáo từ ra về, thì ông giữ lại:

- Hãy thong thả ngồi chơi uống nước đã. Làm gì mà vội vàng thế?

Mai nghe câu mời của ông hàn có ý lả lơi, càng quả quyết muốn về ngay. Ông hàn cười híp mắt, lấy tay vuốt mãi bộ ria, rồi hỏi Mai:

- Cô có biết tại sao bà hàn không bằng lòng để tôi mua nhà của cô không?

Câu hỏi ngộ nghĩnh, khiến Mai phải bật cười:

- Thưa cụ, cháu còn biết tại sao?

- Tại...

Ông hàn đương nói dở câu, bỗng ngừng lại, bảo ông Hạnh:

- Này ông già, ông xuống nhà giục nó đun nước mau lên.

Mai vội đỡ lời:

- Thôi, xin cụ tha phép cho, chúng cháu không khát.

Khi người lão bộc đã xuống bếp, ông hàn liền ghé gần lại chỗ Mai, khiến cô sợ hãi vội lùi một bước. Ông hàn tươi cười bảo Mai:

- Bà hàn không bằng lòng để tôi mua nhà của cô, là vì cô đẹp lắm.

Mai vừa xấu hổ vừa tức giận, nguây nguẩy toan bước ra sân. Ông hàn nói tiếp:

- Tôi khen cô đẹp thì đã làm sao mà cô giận?

Mai nghiêm sắc mặt nói:

- Thưa cụ, cụ nói là bạn thầy tôi, vậy tôi cũng như con cụ.

- Tôi đâu dám. Thì cô hãy tạm ngồi xuống, tôi nói nốt câu chuyện đã nào.

- Cụ để mặc cháu.

- Câu chuyện tôi sắp nói hay lắm, hay cho cô, vì cô bán được nhà, mà hay cả cho tôi, nhưng mời cô hãy ngồi xuống đã.

Mai chỉ lo không bán được nhà, nghe ông hàn nói tới đó thì mừng thầm, cố dằn lòng ngồi xuống. Ông hàn ngọt ngào nói:

- Tôi có ngót ba chục mẫu ruộng ở bên Ninh Bắc. Chẳng nói giấu gì cô, đó là ruộng của tôi mua lại của cụ tú nhà khi xưa. Cụ cần tiền đem bán cho tôi, tôi đưa tiền cụ tiêu, từ chối không dám nhận ruộng của cụ, song cụ nhất định không nghe, đòi viết văn tự cho bằng được. Thành thử...

Mai nhẹ dạ, nghe ông hàn nói, lấy làm cảm động vội ngắt lời:

- Thưa cụ, việc mua bán phải ra việc mua bán chứ, cháu thiết tưởng...

Ông hàn cười tình:

- Cô cứ bày vẽ! Cụ với cháu mãi. Tôi đối với cụ tú nhà chỉ vào hàng con cháu, cô cứ gọi tôi là cụ và xưng cháu với tôi, làm tôi ngượng chết đi ấy.

Ông hàn vừa nói vừa nhích lại gần chỗ Mai. Mai vô tình ngồi yên, khiến ông hàn tưởng cô đã dịu, liền giở giọng tán:

- Cô ạ, giá ngót ba chục mẫu ruộng ấy, có người đứng trông coi cho tôi thì tiện biết bao.

- Thưa cụ, cụ mua nhà cháu rồi cho người sang đấy ở để coi.

- Không được. Ở bên này, ba bà hàn nhà tôi - ba bà tôi coi ngang nhau, chứ chẳng phân cả lẽ trên dưới gì đâu - ba bà đều dinh cơ vườn ruộng cả rồi, không thể cho sang bên ấy được. Mà sai đầy tớ thì không tiện vì phải vợ con mới có thể giao phó cho những công việc to tát ấy được. Vì thế tôi đương tìm một bà vợ nữa để đứng trông coi ruộng bên ấy cho tôi, mà tất nhiên phải người bên làng và trẻ tuổi, trẻ như cô ấy.

Mai nghe nói, hơi cau đôi mày, ngồi lùi về phía tường, rồi nghiêm trang đáp lại:

- Thưa cụ, bên chúng cháu chẳng có ai ra hồn.

Ông hàn mủm mỉm cười, mấy ngón tay vơ vẩn xoa cằm:

- Thôi cô này... nói gần nói xa chẳng qua nói thật... cái nhà của cô ấy mà... không cần bán... cũng có tiền... Tiện cho cô mà tiện cả cho tôi...

- Thưa cụ, cụ dạy gì, cháu không hiểu.

- Lại còn không hiểu. Nghĩa là cô đứng trông coi nhà cửa ruộng nương bên ấy cho tôi.

Mai bỡ ngỡ hỏi:

- Thưa cụ...

- Ðã bảo đừng gọi người ta bằng cụ mà! Gọi bằng ông... hay là anh cũng được.

Mai, hai má đỏ ửng, đứng phắt dậy, ra hiên gọi:

- Ông Hạnh! Ông Hạnh!

Thiết Thanh cười, chạy theo toan lôi Mai lại:

- Làm gì mà cô phải gọi rối lên thế?

Mai sợ thất sắc, tuy lúc bấy giờ người lão bộc ở nhà dưới nghe tiếng cô gọi đã vội chạy lên. Cô biết rằng nóng nảy có khi gặp sự chẳng lành, liều đấu dịu, ung dung gượng cười, trở lại chỗ cũ:

- Thưa cụ, cháu gọi ông ấy lên để sắp xin phép cụ trở về vì cụ chẳng thương mà mua giúp nhà đất cho.

Thiết Thanh ghé gần tận tai, bảo sẽ Mai:

- Có cô chẳng thương tôi thì có!

Mai vờ không nghe tiếng, chắp tay vái chào:

- Lạy cụ ạ, chúng cháu xin về.

- Hãy thong thả, được nước rồi, uống vài chén chè tầu với tôi đã.

Mai lễ phép:

- Thưa cụ, quả cháu nhà quê nhà mùa, không biết uống chè tầu.

- Thì làm gì mà vội thế? Vậy cả nhà lẫn đất cô lấy bao nhiêu tiền, cô lấy tôi bao nhiêu tiền?

Ông hàn ta nghe chừng đắc ý vì đã nói được một câu có ý vị, tình tứ, nhắc đi nhắc lại mãi câu: "Cô lấy tôi...bao nhiêu tiền".

Mai không hiểu, ngẫm nghĩ rồi đưa mắt nhìn ông Hạnh. Ông lão bộc đỡ lời cô chủ:

- Thưa cụ, đáng giá thì đến nghìn rưỡi đấy. Nhưng vì cụ là chỗ bạn cụ tú cháu, thì cô cháu chỉ xin cụ chẵn nghìn bạc.

Ông hàn gật gù đọc câu Kiều:

"Thưa rằng giá đáng nghìn vàng."

Ông ta lấy làm tự đắc rằng có tài ứng đối, vui sướng bảo Mai:

- Cô bằng lòng nhé... Bằng lòng tôi nhé? Nghìn vàng đấy!

Rồi cười ha hả nhắc lại câu chuyện Kiều "Thưa rằng giá đáng nghìn vàng".

Bỗng ông ta ngừng bặt, ngẫm nghĩ, quay ra bảo người lão bộc:

- À ông... ông gì? Ông Hạnh, ông giục nước mau cho.

Người lão bộc, vâng lời xuống nhà, ông hàn liền dỗ Mai:

- Cô nghĩ kỹ mà xem... thật là lợi cho cô nhiều lắm. Này nhé, lấy tôi...

Mai tức giận chảy nước mắt, cô ấp úng đáp:

- Thưa cụ...

Ông hàn vẫn thong thả tiếp:

- Lấy tôi, tôi cho nghìn bạc làm vốn, lại có ruộng có vườn, mà vừa được ở nhà ở cửa như xưa, sung sướng biết bao...

Không thấy Mai trả lời ông hàn lại nói:

- Cô bằng lòng đấy nhé?...

Mai vẫn không trả lời, vì cô tức uất người, nghẹn ngào không nói được lên tiếng. Cô đã toan cự tuyệt, song nghĩ tới thân gái yếu đuối lỡ bước, nếu không khôn khéo thì khó lòng thoát tay phàm tục, liền dịu dàng đáp lại:

- Thưa cụ...

- Thưa ông mà lại...

Mai cười gượng:

- Thưa ông, cháu tang tóc đâu dám nghĩ tới việc hôn nhân...

- Cô cứ bằng lòng là được rồi. Sang năm cô hết trở - có phải sang năm không, cô?

- Vâng sang năm.

- Tháng mấy sang năm?

- Tháng sáu sang năm.

- Trời ơi! Thế ra còn những mười lăm tháng nữa... mười lăm tháng dài bằng mười lăm năm cho tôi đấy, cô ạ! Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình?

Ông hàn tìm được câu Kiều nữa, lại đắc chí cười ngặt cười nghẽo. Rồi nói luôn:

- Vậy mười lăm năm, à quên, mười lăm tháng nữa chúng ta hãy làm lễ thành hôn, động phòng huê chúc cũng được chứ gì?

Mai không giữ nổi lòng căm tức, nước mắt giàn giụa, nâng vạt áo hỉ mũi. Ông hàn lại gần âu yếm hỏi:

- Sao em lại khóc?

Mai thấy hàn Thanh đứng sát cạnh mình, liền lùi lại một bước rồi vờ tươi cười, cái cười đau đớn hơn tiếng khóc - trả lời chống chế:

- Thưa cụ...

- Thưa ông, thưa mình...

- Thưa ông, tôi nhớ đến thầy tôi, nên tôi khóc.

Hàn Thanh làm bộ thương tiếc cụ tú:

- Khốn nạn! Cụ chả ở dương gian mà mừng cho con sắp lên làm bà hàn.

Ngẫm nghĩ một lát, hàn Thanh đăm đăm nhìn Mai, mỉm cười, rồi lại nói:

- Vậy bây giờ tôi đưa một nghìn để cô... để em làm vốn và em vờ làm tờ cầm nhà, cầm đất để che mắt thiên hạ, hẹn đến tháng sáu năm sau chuộc... Thế rồi... thế rồi đến tháng sáu sang năm... tôi lại giả văn tự cho cô cho em... Thế thì cô tính có tiện không?

- Thưa cụ, cụ hãy cho cháu về cháu nghĩ lại đã.

- Còn nghĩ lại gì nữa? Mỗi cái giấy đây cô viết cho mấy chữ rồi tôi giao tiền là xong, cô biết viết đấy chứ?

Mai nghĩ ra được một kế, một kế hoãn binh:

- Thưa cụ cháu không biết chữ.

- Viết chữ quốc ngữ cũng được.

- Cháu cũng không biết viết quốc ngữ. Thưa cụ hay thế này, vài hôm nữa mời cụ sang chơi bên cháu, rồi cháu nhờ người trong họ thảo hộ văn tự, với lại cũng phải có chú bác cháu ký tên vào văn tự nữa mới được chứ.

- Thế cũng được, thế càng hay, tôi sang thăm nhà cô, nhà chúng ta. Vậy chiều mai tôi sang nhé? Thế thì em ngoan lắm!

- Bây giờ cháu xin phép cụ cháu về.

- Vâng thì cô về. Chiều mai tôi đem tiền sang đấy. Nhà cô mát đấy chứ?

- Thưa cụ cũng khá.

- Thế cô ngẫm nghĩ đi nhé. Chớ đổi ý kiền mà rầy rà đấy. Nhà cô, mà tôi đã không mua thì tôi đố đứa nào ở vùng này dám mua nổi. Không những thế, còn khốn khổ cực nhục với tôi nữa kia. Những ấy là nói phòng xa đấy thôi, chứ chắc cô thương tôi lắm rồi.

Ông hàn, trong lòng sung sướng, lại ngâm một câu Kiều nữa:

"Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên."

Mai cắp nón vái chào:

- Lạy cụ ạ, cháu xin về.

Hàn Thanh cười:

- Không dám, em về nhà, thế chiều mai nhớ nhé... à tên em là gì nhỉ?

- Thưa cụ tên cháu là Mai.

- Thanh Mai! Thanh Mai! Ðôi ta có lẽ se lại bởi duyên trời. Thanh Mai hay lắm!

Mai đã bước ra đến sân, gọi ông lão Hạnh ra về, ông hàn còn dặn với một câu:

- Vậy nhớ nhé, Mai?

Rồi ông ta lấy làm bằng lòng rằng đã tìm được chữ "mai" có hai nghĩa, mỉm cười, vân vê bộ ria, đứng nhìn theo, nhắc lại một lần cuối cùng:

- Chiều mai nhé, Mai!

Mai không trả lời, không quay lại, đi thẳng ra cổng.

Mặt trời đã lên cao, điểm sáng ánh nắng lên dãy núi Tam Ðảo, như vẽ chỗ tím, chỗ xanh. Một đám mây trắng nhỏ vờn ngang sườn núi như làn khói nhạt. Trên một ngọn đồi phản chiếu ánh vàng, thơ thơ mấy cây thông, lá xanh đen xòe ra như những cái tán cắm lên lưng con rùa.

Cũng cảnh ấy, hôm qua Mai ngắm thấy bao tình tứ ẩn núp ở trong, mà hôm nay Mai chỉ thấy nhuộm một sắc buồn. Cho đến tiếng chim xuân ríu rít hót trên cành, Mai nghe như toàn những lời mai mỉa.

Hai người lẳng lặng đi bên cạnh nhau, không ai nói với ai nửa lời.

Bỗng Mai bưng mặt khóc. Lão bộc buồn rầu hỏi:

- Sao cô khóc thế?

Không thấy Mai trả lời, ông lại nói:

- Ông hàn nhận lời mua nhà cho cô, cô còn buồn nỗi gì?

- Mua nhà à? Mua người ấy?

Ông lão không hiểu, nhưng biết rằng cô chủ đương có sự gì đau đớn lắm, nên không dám hỏi nữa. Còn Mai tuy người mỏi mệt, mà trời lại hơi oi, nhưng vẫn dấn bước trên đường cho mau về tới nhà. Là vì cái hình ảnh hàn Thanh vẫn còn luẩn quẩn trong tâm trí cô, khiến cô sợ hãi, lúc nào cũng có cảm giác bị người đuổi theo sau.

Về tới nhà gọi cổng. Người ra mở cổng không phải là con bé bên hàng xóm mà ông lão bộc nhờ trông nhà hộ, nhưng lại chính là Lộc.

Mai ngơ ngác không kịp chào hỏi. Cô vừa kinh ngạc, vừa sung sướng, không nói được nửa lời. Lộc vồn vã tươi cười:

- Chào cô, tôi ở Phúc Yên đi chuyến xe tám giờ về thăm cô và xem cô có bán được nhà không. Tôi hỏi thăm mãi mới tìm được nhà cô. Khi đến nơi, gặp con bé con, nó nói cô sang làng bên cạnh.

Mai e lệ không trả lời. Lộc lại nói:

- Vậy công việc của cô ra sao? Ðã dạm bán nhà cho ai chưa?

Mai se sẽ đáp:

- Thưa ông, không có ai mua, xin mời ông lên nhà ngồi chơi.

Rồi cô quay lại bảo ông lão Hạnh:

- Ông lên nhà giải chiếu mới ra mời quan tham ngồi chơi, tôi xuống nhà đun nước.

Rồi cô chào Lộc, chạy vụt xuống bếp.

Trong khi Mai lúi húi đun nước thì ở nhà trên Lộc ngồi hỏi chuyện ông lão Hạnh về công việc bán nhà, bán đất; ông lão già chỉ biết rằng buổi sáng cùng Mai sang dạm bán nhà cho ông chánh Thanh, còn việc thuận hay không thuận thì ông ta cũng không rõ.

Ở dưới nhà bếp, siêu nước chè tươi sôi đã lâu, và Mai đã dập tắt lửa, song cô vẫn không dám lên nhà lấy ấm tích xuống rót nước. Cô sợ. Cô sợ ông tham Lộc cười cảnh nhà cô thanh bạch.

Những người xưa giàu có nay bị sa sút vẫn có cái tư tưởng ấy.

Cô đương loay hoay nghĩ ngợi, tay cầm que để cời tro, thì ông lão bộc ở trên nhà đi xuống. Cô vội hỏi:

- Lấy gì đựng nước được, ông Hạnh?

- Cô để tôi lên lấy ấm tích.

- Cái ấm tích không nắp ấy à?

- Thì thưa cô cả nhà có mỗi cái ấm ấy.

Mai mỉm cười, ngượng nghịu:

- Thôi cũng được! Vậy ông lấy xuống, đánh cho sạch cáu vối bám chung quanh đi... Nhưng còn chén?

- Uống bát cũng được, cô ạ.

- Không được! Hay ông... ông lấy tạm chén thờ cụ?

Ông già nhăn nhó:

- Chết! Sao lại lấy chén thờ?

- Thôi cũng được! Ông cứ nghe tôi, phải tội tôi chịu.

Năm phút sau, ông Hạnh kính cẩn bưng đặt lên giường cái khay thờ trong đựng cái ấm tích không có nắp và hai cái chén cổ bịt đồng. Mai cũng theo lên nhưng đứng nấp ngoài hiên, ghé mắt nhìn qua khe cửa, không dám vào.

Lộc hỏi ông lão Hạnh:

- Cô Mai đâu? Ông mời cô lên xơi nước.

- Thưa thầy, cô cháu không dám, mời thầy xơi nước.

Miệng nói tay rót nước ra chén. Lộc sợ ông Hạnh ngờ mình có tư tình gì với Mai liền kể lể:

- Ông lão à! Tôi với cô Mai đây cũng giống như anh em ruột. Ngày trước cụ tú ngồi dạy học ở nhà tôi, khi cụ thân sinh ra tôi còn là Tri huyện Ðông Anh kia. Vậy tôi là môn sinh cụ tú thì cũng như anh cô Mai.

Mai đứng ngoài mỉm cười vì cô vừa nghe Lộc nói dối. Thật ra không bao giờ Lộc có học cụ tú. Tự nhiên Mai thấy trong lòng sung sướng, cô cho là sự nói dối kia rất có ý nghĩa, rất có tình tứ. Rồi cô lẩm bẩm nói đùa một mình:

- Nếu là môn sinh thực thì đối với ta là chị em chứ anh em sao được!

Lộc ngồi uống nước, mãi không thấy Mai lên, lấy làm sốt ruột bảo ông Hạnh:

- Ông lão xuống nói với cô Mai hộ tôi rằng tôi xin về.

Mai nghe nói hoảng hốt không kịp giữ gìn vội vàng bước vào trong nhà chắp tay, ấp úng chào mời. Lộc úi đầu đáp lễ:

- Mời cô xơi nước.

- Bẩm quan tôi không dám.

- Thế nào cô, nhà đất có bán được không?

- Bẩm không... bán được.

Lộc thương hại an ủi:

- Càng hay cô ạ. Thực ra tôi không muốn cô bán nhà... bán bàn thờ cụ tú.

Lão bộc thấy Lộc nói trúng ý mình lấy làm thích chí cười bảo Mai:

- Ðấy cô coi quan tham cũng nói thế đấy nhé. Thế mà cô nỡ đem bán đi. Ðến mai người ta sang làm văn tự thì còn nói năng gì nữa.

- Vậy ra cô tìm được người mua nhà rồi đấy. Thế mà cô định giấu tôi.

Mai nghĩ tới chuyện xảy ra buổi sáng phần tức giận, phần xấu hổ, không sao nói được nên lời, chỉ gằm mặt xuống, nuốt ngầm nước mắt.

Lộc lại hỏi:

- Vậy bán được bao nhiêu tiền?

Lão bộc đáp:

- Bẩm một nghìn.

- Có một nghìn, rẻ lắm cô ạ! Cô cứ nghe tôi đừng bán.

Mai sẽ trả lời:

- Nhưng thưa quan, có bán được đâu!

- Sao cô cứ giấu mãi thế?

- Bẩm thực ạ, không bán được. Ông Hạnh ông ấy nghễnh ngãng nghe không ra đấy thôi. Nhưng mà không bán được lại tốt bằng một trăm...

Lộc an ủi:

- Không lo cô ạ, đã có tôi giúp đỡ. Tôi về đây hôm nay chỉ có một mục đích ngăn không để cô bán nhà. Về việc học của cậu Huy tôi có thể giúp cô được.

Ông lão Hạnh cảm động bước lại gần sát chỗ Lộc ngồi để nhìn rõ mặt người ân nhân của nhà cụ tú mà có lẽ Trời Phật thương tình đã dắt lại cho.

Rồi ông lão vừa đưa tay lên dụi mắt vừa nói:

- Quan tham đáng là một môn sinh cụ tú lắm.

Lộc hơi ngượng, nói lảng để ngắt lời người lão bộc:

- Vậy ra nhà không bán được đấy. Tôi đã nói có sai đâu.

- Nhưng bẩm quan...

- Thôi cô cứ gọi ông hay anh tiện hơn cô ạ!

Mai đứng lặng ngẫm nghĩ, vì cô lại nhớ tới những câu chuyện buổi sáng, nhớ tới những lời lả lơi của ông chánh Thanh, mỗi khi cô gọi ông ta là cụ. Cô bỗng có một cảm tưởng chung về bọn đàn ông, cho rằng đứng trước mặt bạn gái họ không bao giờ giữ được ngôn ngữ cử chỉ đứng đắn.

- Thế nào, sao cô lại im?

Mai ngửng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào mặt Lộc trong lòng căm tức.

Nhưng khi cô thấy cặp mắt Lộc dịu dàng, có vẻ chân thật thì cô lấy làm hối hận rằng ngờ oan cho người có lẽ đối với mình chỉ có tấm lòng thương hại.

Từ từ cô cúi đầu, cất giọng run run:

- Thưa ông, đến mai...

Mai như nghẹn lời không nói được nữa. Lộc đoán chắc mới xảy ra sự gì phi thường liền đứng dậy lại gần chỗ Mai hỏi:

- Cô có chuyện gì thế cô, cô cứ nói, tôi sẽ giúp cô.

Mai ấp úng:

- Ðến mai ông hàn Thanh sang đây.

- Ông ấy sang mua nhà cô, phải không?

Mai bẽn lẽn đáp:

- Không phải.

Lộc nóng ruột muốn biết ngay câu chuyện, hỏi dồn:

- Thế sang làm gì?... Ông ta người ở đâu?... Ông ta định sang đây làm cái trò gì?

Mai cố bình tĩnh đem chuyện ban sáng kể qua cho Lộc nghe. Lộc mặt đỏ bừng, mắm môi trợn mắt, nhìn thẳng như mắng ai đương đứng trước mặt:

- Thằng đểu...!

Mai thấy thế, trong lòng sung sướng, lại càng bịa đặt thêm ra cho câu chuyện có vẻ bi quan. Rồi cô kết luận:

- Ðấy ông coi, những điều tôi thưa cùng ông hôm qua có sai chút nào đâu. Ở làng mà đã dễ được yên thân ư? Bị bọn cường hào họ hà hiếp, còn khốn đốn bằng mấy mươi bị lưu lạc ở nơi thành thị. Nhưng bây giờ thực tiến thoái lưỡng nan. Ði cũng dở, vì không bán được nhà, lão hàn ấy đã thù thì không những không bán được nhà mà còn là khổ sở với lão ta...

Lộc nói to:

- Cô không sợ! Có bác tôi làm quan ở Phúc Yên, cô không sợ.

Mai thở dài:

- Thưa ông, ở nhà quê họ thù ngấm thù ngầm, quan xa biết đấy là đâu.

Ông lão Hạnh cũng bàn góp một câu:

- Bẩm quan lớn, chính thế đấy. Cách đây dăm năm ông hàn Thanh vì có chuyện hiềm khích lấy tranh nhau một người vợ lẽ mà ông ta đã đốt nhà ông ấm Cả, ở bên làng Thượng.

- Sao không kiện?

- Bẩm bằng cớ đâu mà kiện. Việc ấy dai dẳng mãi rồi sau cũng thôi. Cả hàng tổng đều biết đích là ông chánh Thanh sai đầy tớ đốt nhà ông ấm, nhưng không có tang chứng, câu chuyện rồi cũng không ra manh mối. Ấy ông ấm là một người có thân thế đấy.

Lộc tức tối, đi đi lại lại trong ba gian nhà, miệng lẩm bẩm:

- Thế thì ở nhà quê khó chịu lắm nhỉ! Rặt một phường cá nhớn nuốt cá bé!

Ông Hạnh lại bàn:

- Hay là cô bằng lòng quách... ở riêng một mình một dinh cơ, lại có vườn có ruộng!

Mai buồn rầu nhìn người lão bộc:

- Ông lại khuyên tôi câu ấy ư?

- Cô nghĩ kỹ mà xem, bà hàn ba cũng sung sướng chán đấy nhé, sung sướng bằng mấy bà cả, bà hai. Cô mà lấy ông hàn thì chắc lại còn sung sướng bằng mấy bà ba ấy chứ lại.

Mai mỉm cười chép miệng:

- Lúc quẫn bách có lẽ cũng đến phải liều, chứ biết sao.

Lộc đứng đăm đăm chờ Mai đáp lại ông lão bộc ra sao. Nghe câu trả lời chàng cười gằn:

- Vậy cô bằng lòng đấy.

- Thưa ông, quý hồ em Huy có tiền ăn học.

- Thì tôi đã bảo cô để cậu Huy tôi trông nom cho mà lại. Hay cô cùng về Hà Nội thuê nhà ở chung với cậu Huy?

Mai cười:

- Trước tôi bàn thế thì ông gạt đi, nay ông lại khuyên tôi về Hà Nội.

- Trước đây khác bây giờ khác. Cô phải nhớ rằng ngày mai lão hàn sang đây.

Nghe lời nói và ngắm điệu bộ của Lộc, Mai đứng im lặng, mỉm cười sung sướng và cúi xuống vơ vẩn cấu cuống chiếu. Lộc bàn:

- Việc này phải cả quyết và làm cho mau chóng. Cô nên đi Hà Nội ngay hôm nay, giao nhà cho ông Hạnh trông coi. Mai lão hàn có sang, ông Hạnh sẽ nói với lão ta rằng vì cậu Huy ốm nặng, cô phải về Hà Nội ngay. Như thế sẽ tránh được sự thù hằn nhỏ nhen của nó, rồi sau này có xảy ra sự gì, ta sẽ liệu.

Mai ngẫm nghĩ, rồi thốt nhiên hỏi:

- Ăn cơm xong, đi có còn kịp tầu không, thưa ông?

- Còn kịp, còn kịp chán.

Lộc rút đồng hồ ra xem giờ, rồi nói luôn:

- Bây giờ mới một giờ mà mãi bốn giờ mới có xe hỏa. Vả nếu nhỡ chuyến bốn giờ thì ta đi chuyến sáu giờ cũng được kia mà.

Lộc cảm động, nói rất nhanh. Còn Mai, Mai cũng cảm động, hai má đỏ bừng. Từ đó hai người không dám nhìn nhau nữa, tưởng như cùng đương mưu đồ một việc gì ám muội. Mai bỗng bảo ông Hạnh:

- Ông đứng hầu quan tham, tôi chạy qua ra chợ xem có gì ăn không?

Lộc vội gạt:

- Thôi cô ạ, bày vẽ làm gì, ăn quàng qué cho xong để còn đi.

Bữa cơm hôm ấy Mai cố làm thật lịch sự, tuy chỉ có cơm hẩm và một con cá chép vừa nấu, vừa rán, bày trong một cái mâm gỗ sơn son.

Nhưng mà Lộc cho là xưa nay chưa được ăn bữa cơm nào ngon miệng bằng.