Vua Thánh Tôn lâm triều phong Tướng quốc
Ông Lê Nhiệm đón cửa đánh thông gia


Trung Hoa có sử rồi còn có truyện nữa, Việt Nam cũng có sử, há lại không có truyện hay sao? Ấy vậy viết một bộ truyện An Nam ví dầu không giúp vui cho độc giả được đi nữa, thì cũng biên chép được một đoạn sự tích của nước mình, làm như thế tưởng có lẽ không phải là một việc vô ích.

Bộ truyện nầy thuộc về nhà Lê, nhằm triều vua Thánh Tôn, trong khoảng hai ba năm trước khi vua thăng hà. Vua Thánh Tôn là con thứ của Thái Tôn. Ngài tên là Tư Thành. Ngài có hai người anh: một Nghi Dân, hai Bang Cơ. Vì bà Hoàng hậu là mẹ của Nghi Dân bị tội nên vua Thái Tôn lập Bang Cơ lên làm Thái tử tồi phong Nghi Dân làm Lạng Sơn Vương, và Tư Thành làm Bình Nguyên Vương. Khi vua Thái Tôn băng, triều đình tôn Thái tử Bang Cơ lên nối ngôi đặng 17 năm, rồi bị anh là Lạng Sơn Vương giết mà giành ngôi. Ðến năm Canh Thìn (1460) các quan đại thần thấy Lạng Sơn Vương tàn bạo, mới hiệp nhau mà giết đi, rồi tôn Bình Nguyên Vương, tức là vua Thánh Tôn.

Vua Thánh Tôn là một đứng hiền lương minh triết. Khi ngài mới lên ngôi, thì ngài đặt niên hiệu là Quan Thuận. Ðến năm Canh Dần (1470) ngài mới đổi niên hiệu lại là Hồng Ðức. Ngài làm vua trong 36 năm đầu, thì ngài hằng lo kế chí vua Thái Tổ, vua Thái Tôn và vua Nhơn Tôn mà giữ gìn biên giới, khai hóa thần dân, bởi vậy ngoài ải thì lân quốc kỉnh đức kiêng oai, trong nước thì sĩ thứ an cư lạc nghiệp. Nước Việt Nam hồi đời ấy cũng đáng gọi là đời thạnh trị.

Năm Hồng Ðức thứ 26 (1495), mùa xuân, vua Thánh Tôn lâm triều, cho bá quan văn võ vào chầu. Những đại thần bên văn cân đai rỡ rỡ thì có:

Lễ bộ Thượng thơ, Thân Nhơn Trung tự Thanh Tuyền.

Lại bộ Thượng thơ, Ðỗ Nhuận.

Hình bộ Thượng thơ, Trịnh Công Lộ.

Hộ bộ Thượng thơ, Lê Nhơn Hiệu.

Còn bên võ oai phương lẫm lẫm thì có:

Thái úy, Lê Niệm tự Nhị Lôi.

Binh bộ Thượng thơ, Lê Thọ Vực.

Công bộ Thượng thơ, Lê Ðình Ngạn.

Tướng quân, Lê Lộng.

Vua định lập Hoàng tử Tăng lên làm Thái tử và định gia phong Lễ bộ Thượng thơ Thân Nhơn Trung lên chức Tả Tướng quốc[1], lãnh dạy Thái tử học văn chương lễ phép. Bá quan thảy đều khấu đầu khâm phục vương mạng, duy có một mình Thái úy Lê Niệm nghe lịnh Phán tuy không dám cãi, song trợn mắt dửng râu, xem sắc diện dường như không vừa ý.

Vả quan Thái úy Lê Niệm là Phò mã, chồng của Công chúa Ngọc Hoa tức là em rể của vua Thánh Tôn. Bà Công chúa Ngọc Hoa mất hồi năm Hồng Ðức thứ 20, có để lại cho ngài một người con gái tên là Lệ Bích, năm nầy đã được 16 tuổi. Nàng Lệ Bích là một gái dung nhan tuyệt thế, cốt cách phi phàm, mà lại thêm văn võ gồm tài, tánh tình khả ái. Năm trước Công tử Thanh Tòng là con của quan Lễ bộ Thượng thơ Thân Nhơn Trung, đi chơi gặp nàng trên đền bà Trung Nữ Vương, rồi lại được thấy 8 câu thi nàng đề trên vách, thì mộ tài gái sắc nên về nhà xin với cha mẹ nói mà cưới nàng cho chàng. Quan Thái úy nghe Thanh Tòng nức tiếng thần đồng, văn tao võ cứng, ông rất ưng lòng, nên ông hứa lời chịu gả, hai bên đã có trao của tin cho nhau rồi, nhưng còn đợi ít năm cho đôi trẻ lớn khôn rồi sẽ cho làm lễ cưới. Ấy vậy quan Thái úy Lê Niệm với quan Lễ bộ Thượng thơ Thân Nhơn Trung đã là bạn đồng liêu, mà trong lại có tư thông gia nữa.

Khi vua phán giữa triều, định lập Hoàng tử Trung làm Thái tử và định phong Thân Nhơn Trung làm Tả Tướng quốc, bá quan dòm thấy Lê Niệm khí sắc bất bình, nhưng không ai hiểu ông bất bình về sự lập Thái tử hay là bất bình về sự phong Tướng quốc.

Chừng bãi chầu, vua phản giá hồi cung, Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ bước ra nói nhỏ với Lê Niệm ít tiếng rồi hai người dắt nhau đi ra trước. Bá quan lần lượt kẻ trước người sau, tiếp nhau mà đi theo. Quan Lại bộ Thượng thơ Ðỗ Nhuận, vốn là bạn tao đàn của ông Thân Nhơn Trung, thấy ông Thân Nhơn Trung được gia phong quyền tước thì mừng rỡ trong lòng nên đón ông mà cung hạ. Bá quan văn võ thấy vậy mới bắt chước áp lại kẻ xưng tụng tài đức, người mừng được cao thăng. Ông Thân Nhơn Trung dùng lời khiêm nhượng mà tạ ơn mỗi người rồi ông kề vai với ông Ðỗ Nhuận huỡn bước lui ra, và đi và đàm đạo. Ra tới ngọ môn, thì thấy quan Thái úy Lê Niệm, tay chống nạnh, tay vuốt râu, đương đứng chần ngần giữa cửa, lại có quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ đứng gần đó nữa.

Ông Thân Nhơn Trung lật đật chào ông Lê Niệm. Ông Lê Niệm đã không đáp lễ, mà lại còn hỏi xộn xàng rằng: "Quan Tả Tướng quốc, tôi hỏi ông vậy chớ ông có công cán gì mà ông được thăng trật phẩm ông nói cho tôi nghe thử?" Ông Thân Nhơn Trung đứng chưng hửng.

Ông Trịnh Công Lộ nheo mắt mà ngó, chằn miệng mà cười lại đứng lóng tai mà nghe. Ông Thân Nhơn Trung nghe lời ông Lê Niệm hỏi và thấy sắc ông Lê Niệm giận thì biết ông bất bình về sự vua phong mình chức Tướng quốc nhưng vì ông nghĩ nghĩa đồng liêu, ông vị tình thông gia, ông không muốn tranh hơn thưa, nên ông trả lời nhỏ nhẹ rằng:

- Tôi đâu dám khoe công cán với ông. Tôi vẫn biết tôi bất tài, còn chức Tướng quốc là một chức trọng yếu của triều đình. Ngặt vì lịnh Bệ hạ đã phán, tôi không dám từ thối, nên tôi phải lãnh đó mà thôi chớ.

- Ông là bọn rung đùi ngâm thi, gãi vế vịnh phú, hễ nghe có giặc thì xui râu rút cổ; ông tài năng gì mà làm Tướng quốc? Ông phải vào tâu với lịnh Bệ hạ mà nhường chức Tả Tướng quốc lại cho tôi. Ông phải đi bây giờ, nếu ông không nghe lời tôi thì tôi nguyện không cho ông ra khỏi ngọ môn.

Ông Thân Nhơn Trung, tuy ôn hòa nho nhã nhưng mà ông nghe mấy lời lỗ mãng như vậy ông cũng tức giận, nên ông hỏi rằng:

- Ví như tôi không nhường chức cho ông rồi ông giết tôi hay sao? Tôi khuyên ông đừng có nóng nảy. Ông là một vị đại thần, ông chẳng nên nói những lời phi lễ phi nghĩa như vậy, các quan hạ ty người ta dòm thấy người ta cười. Tôi với ông là thông gia, tôi được gia quan tấn tước, lẽ thì ông mừng giùm cho tôi mới phải, chớ sao ông lại trở lòng ganh ghét. Tôi cũng vậy mà ông cũng vậy, làm chức nào cũng phải tận tâm báo quốc, nỗ lực cần vương chớ phải Tướng quốc mới sang, còn làm chức khác thì hèn hay sao? Vậy thì ông với tôi phải hiệp nhau, kẻ đem văn tài, người lấy võ lực mà khuôn phò xã tắc, bồi đấp giang san, làm làm sao cho Hoàng triều bền vững muôn năm, làm sao cho Nam Việt nổi danh bốn biển mới là quí, chớ tranh công tranh chức với nhau mà hay gì.

- Tình thông gia là tình riêng, còn quyền tước của triều đình là việc chung. Ông đã già cả mà lại không tài cán gì; nếu tôi để cho ông làm Tướng quốc thì cơ nghiệp nhà Lê chắc là phải suy bại. Ông phải giao chức đó lại cho tôi mới được. Ông chịu giao hay không thì ông nói phứt đi?

- Chức Tướng quốc là chức của Bệ hạ phong, tôi làm sao mà giao cho ông được. Ông có muốn thì ông vào cung mà tâu với Bệ hạ; chừng nào có lịnh Bệ hạ dạy thì tôi nhường lại cho ông.

- Lão già hủ nho nầy thiệt thách ta hay sao?

- Không phải là thách.

- Ta nói cho ngươi biết, nếu ngươi thách ta thì ta cho ngươi một cây giản nầy ngươi tán mạng đa.

- Ông có giỏi thì ông giết tôi đi rồi ông làm Tướng quốc.

Ông Lê Niệm là quan võ quen tánh cang cường, ông nghe mấy lời xốc ý ông dằn không được, nên ông nhảy tới đá một đá, ông Thân Nhơn Trung té lăn cù. Ông Ðỗ Nhuận lật đật nhảy vô can, ông ôm ông Lê Niệm và ông kêu ông Trịnh Công Lộ mà cậy đỡ ông Thân Nhơn Trung dậy. Ông kéo riết ông Lê Niệm ra, ông an ủi rồi dắt ông Lê Niệm về dinh. Còn ông Trịnh Công Lộ đỡ ông Thân Nhơn Trung đứng dậy, thì thấy ông Thân Nhơn Trung gãy hết một cái răng. Ông Thân Nhơn Trung đã bị nhục mạ rồi còn bị đánh đập nữa, bởi vậy ông lấy làm tức giận, ông muốn trở vào chánh điện rồi xin phép nhập cung mà tâu với vua. Ông Trịnh Công Lộ can rằng: "Việc quần thần gây gổ với nhau, ông chẳng nên vào cung mà làm cho Bệ hạ kinh khủng. Việc đâu còn đó, để bữa đại triều rồi ông sẽ tâu, nghĩ chẳng muộn gì. Có tôi với quan Thượng Bộ Lại làm chứng cho, không sao đâu mà sợ. Thôi để tôi đưa ông về dinh mà nghỉ".

Ông Thân Nhơn Trung nghe lời can hữu lý, nên ông lần bước trở về dinh. ông Trịnh Công Lộ đi theo, và đi và nói rằng:

- Quan Thái úy ổng ỷ là em rể của Bệ hạ rồi ổng ngang quá! Ông đừng nhịn. Chuyến nầy ông phải ăn thua với ổng một lần cho ổng tởn.

- Tôi nhịn đã hết sức rồi, có thế nào mà nhịn nữa được.

- Ổng thiệt là lỗ mãng. Ông nói phải hết sức mà ổng không biết nghe, ỷ võ nghệ cao cường rồi nhảy đánh đại người ta. May là có tôi với quan Thượng Bộ Lại can kịp, chớ không thì ổng đánh chết ông còn gì.

- Tức tôi lắm! Ổng không nghĩ tới tôi, ổng muốn làm nhục tôi trước mặt bá quan, việc nầy tôi phải báo thù mới được. Tôi với ổng phải một chết một sống tôi mới nghe.

Ông nghĩ như vậy phải lắm chớ. Ông bị nhục mà ông không rửa, thì quần thần ai còn coi ông ra gì, ông làm Tướng quốc ông nói ai nghe.

Ông Trịnh Công Lộ đưa ông Thân Nhơn Trung tới cửa dinh, rồi từ mà về, và đi và chúm chúm cười một mình. Ông Ðỗ Nhuận đưa ông Lê Niệm về dinh rồi ông lật đật sang qua Lễ Bộ mà thăm ông Thân Nhơn Trung. Ông kiếm lời khuyên giải ông nọ, xin để thủng thẳng mà tâu với vua chớ đừng nóng nảy. ông Thân Nhơn Trung bị nhục rồi bị ông Trịnh Công Lộ đốc vô nữa, nên lửa giận phừng phừng trong lòng, ông cứ nói việc báo thù hoài. Ông Ðỗ Nhuận liệu thế khuyên không được, ông bèn từ mà về, thầm tính để bữa sau ông nọ bớt giận rồi sẽ trở qua mà can gián nữa.

   




Chú thích

  1. Tể tướng, thủ tướng