Năm 1933 vừa qua  (1934) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 17 (7. 1. 1934), trang 1.

Số báo vừa rồi ra đúng nhằm ngày cuối năm, lẽ đáng, theo lệ thường của nhà báo, để mấy chữ “Cung chúc tân niên” chào mừng độc giả, nhưng chúng tôi đã không để.

Không để lời chúc trong số đó, chẳng phải chúng tôi thờ ơ đối với các ngài, nhưng chúng tôi thực đã phạm một sự mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn chung cả xã hội Việt Nam: làm việc, biên sổ, trả lương thì theo lịch tây mà ăn tết thì theo lịch An Nam!

Không chúc minh niên theo dương lịch thì chớ, chứ ngày nay cái năm dương lịch nó có quan hệ mật thiết với ta lắm, thì khi nó mãn, ta không có thể mần ngơ đi mà không ngó ngoái lại.

Ngó ngoái lại năm 1933 vừa qua, ta thấy không có việc gì thay đổi lắm ở khắp trên mặt đất này.

Chánh trị bên Âu châu mấy năm gần đây đã từ dân chủ mà xu hướng về độc tài, thì năm 1933 vừa rồi cũng vẫn giữ nguyên như thế. Cái xu hướng ấy có phần mạnh hơn nữa, là: trong năm ấy, Hitler ở nước Đức càng tung hoành hơn, và ở nước Pháp cũng muốn nẩy ra đảng phát-xít.

Bên châu Mỹ, xứ Cu-ba có cuộc chánh biến, nhưng không có ảnh hưởng gì mấy đến thế giới, nhất là đến nước ta.

Ở châu Á mình, nước Xiêm có mấy lần đảo chính. Kỳ thực là một bọn quý tộc ở trên giành quyền nhau; bình dân nước Xiêm năm ấy cũng vẫn là bình dân nước Xiêm năm trước.

Vấn đề Mãn Châu chẳng những không giải quyết ra sao mà như đã chết rồi nữa. Nghĩa là nước Tàu đã đành đi rằng mất hẳn miếng đất ấy và chịu cho cái thế lực nước Nhật ở đó.

Nhân vấn đề ấy mà trong năm 1933 sanh ra hai việc lớn: người Nhật căn cứ ở Mãn Châu được rồi thì tiến lên phía bắc mà tranh nhau với Nga; Tàu mất Mãn Châu, chánh phủ trở mầy mà với Nhật, tỉnh Phúc Kiến phản đối điều ấy mà nổi lên độc lập.

Hôm nay đã sang năm 1934 rồi. Người ta nói sang năm này e khi có chiến tranh. Nếu cuộc chiến tranh phát ra […] bên Á châu thì từ Nga với Nhật. Có lẽ lắm. Mà nếu có chiến tranh ở năm nay thì cái nguyên nhân thật bởi từ năm ngoái.

Việc chánh trị thì như thế; còn về kinh tế: khủng hoảng vẫn khủng hoảng. Có kẻ bảo khủng hoảng chính là con đường tắt để đi đến chiến tranh cho chóng.

Trong nước mình thì vô sự. Phía nam Trung Kỳ có bão cũng không đủ kể. Cái bão ở Trung Kỳ là thường. Đừng thấy những bão lụt đói kém mà khóc! Nhưng hãy cười đi! Một dân tộc quen chịu khổ là dân tộc biết sống và sẽ sống lâu!

Kinh tế khó khăn vẫn khó khăn. Nam Kỳ có nơi lúa xuống đến một hào một giạ. Tuy vậy, lòng người rất yên tĩnh, vì biết cái nạn kinh tế này còn lâu lắm.

Về bên phụ nữ chúng ta có một sự vui. Không phải là cái gì mới có, nhưng là cái đã mất đi, nay được lại: cái vui của hàng vạn gia đình. Người ta tính ra trên một năm nay, Trung, Bắc hai kỳ, tù chính trị được ân xá đến hơn mười một ngàn người, mà riêng phần năm 1933 vừa rồi đến non một vạn.

Hẳn phần nhiều trong số ấy đều có vợ và mẹ. Bấy lâu vợ trông chồng, mẹ nhớ con, thì nay đã được đoàn viên sum họp trong một nhà. Hẳn vui lắm nhỉ! Hẳn sung sướng lắm nhỉ!

Được một chút đó, còn nước Nam năm 1933 vẫn là nước Nam, phụ nữ nước Nam năm 1933 vẫn là phụ nữ nước Nam.

P.N.T.Đ.