Nói về cuộc vận động văn học của chúng ta hiện nay
(Trên giường bệnh trả lời cho người phỏng vấn, do O.V. ghi)
Cái mà "Tả dực tác giả liên minh" lãnh đạo và chiến đấu năm sáu năm nay, là cuộc vận động văn học cách mạng giai cấp vô sản. Thứ văn học và cuộc vận động ấy cứ phát triển mãi ; đến bây giờ càng phát triển một cách cụ thể hơn, thực tế đấu tranh hơn, đến chỗ văn học đại chúng về chiến tranh cách mạng dân tộc là một phát triển của văn học cách mạng giai cấp vô sản, là cái nội dụng chân thật và quảng đại của văn học cách mạng vô sản ở thời giờ hiện tại. Thứ văn học ấy hiện nay đã cứ tồn tại rồi, lại còn sắp sẽ ở trên cơ sở ấy chịu thêm sự bồi dưỡng của sinh hoạt chiến đấu thực tế mà trỗ ra những bông hoa rực rỡ. Bởi đó, khi đưa ra khẩu hiệu mới, không thể coi là cuộc vận động văn học cách mạng bị đình chỉ hay là làm không trôi. Cho nên, quyết không phải là đình chỉ cuộc đấu tranh bằng máu bấy lâu chống chủ nghĩa phát xít, chống mọi kẻ phản động, mà là làm cho cuộc đấu tranh ấy càng vào sâu, càng mở rộng, càng thực tế, càng tế nhị khúc chiết, làm cho đấu tranh cụ thể hóa ra là đấu tranh kháng Nhật chống Hán gian, tóm họp mọi dòng đấu tranh vào cái dòng chung đấu tranh kháng Nhật chống Hán gian ấy. Quyết không phải văn học cách mạng buông bỏ cái trách nhiệm lãnh đạo giai cấp của mình, mà là làm cái nhiệm vụ của mình càng nặng thêm, càng lớn thêm, nặng và lớn đến khiến cả dân tộc không chia giai cấp và đảng phái, đều nhất trí đối ngoại. Cái lập trường dân tộc ấy mới thật là lập trường giai cấp. Bọn đồ đệ Tơrốtky Trung Quốc hình như mù mờ cả đến một điểm ấy cũng không hiểu. Song le có một vài chiến hữu của tôi lại có kẻ đang làm cái "mộng đẹp" trái ngược lại, tôi tưởng, đó cũng lại là một thứ người mù mờ nốt.
Nhưng cái khẩu hiệu văn học đại chúng về chiến tranh cách mạng dân tộc cũng như cái khẩu hiệu văn học cách mạng vô sản, đại khái là một cái khẩu hiệu chung. ở dưới khẩu hiệu ấy lại đưa ra những khẩu hiệu cụ thể theo lúc thay đổi, như "văn học quốc phòng", "văn học cứu vong", "văn học kháng Nhật", v.v..., như thế, tôi cho là không hại chi. Chẳng những không hại mà còn là có ích, cần thiết nữa. Cố nhiên nhiều quá thì làm người ta nhức đầu tối mắt.
Có đều, đưa ra khẩu hiệu, bán lậu suông, thì dễ dàng lắm. Song đến sự ứng dụng về phê bình, thực hiện về sáng tác thì thành ra vấn đề. Phê bình và sáng tác đều là công tác thực tế. Theo kinh nghiệm từ trước, lối phê bình của chúng ta thường đi đến chỗ tiêu chuẩn quá hẹp hòi, tầm con mắt quá phớt cạn ; sáng tác của chúng ta cũng thường phơi ra cái nhược điểm gần như là ra đề làm bài bát cổ[1]. Cho nên bây giờ chúng ta phải chú ý ở cái điểm nầy: Văn học đại chúng về chiến tranh cách mạng dân tộc quyết không phải chỉ đóng khung ở những cái tác phẩm tả nghĩa dũng quân đánh trận, học sinh thỉnh nguyện thị uy... mà thôi đâu. Những cái đó vẫn tốt, nhưng không nên khép hẹp ở những cái đó. Nó còn rộng rãi nhiều, rộng rãi đến bao quát mọi thứ văn học miêu tả mọi thứ ý thức sinh hoạt và đấu tranh của Trung Quốc hiện nay. Bởi vì cái vấn đề rất lớn của Trung Quốc hiện nay, vấn đề chung cho mọi người, là vấn đề sống còn của dân tộc. Hết thảy mọi sự sinh hoạt (gồm cả ăn và ngủ), đều có quan hệ với vấn đề ấy, ví như ăn cơm có thể không dính dáng với yêu nhau, nhưng hiện giờ thì sự ăn cơm và sự yêu nhau của người Trung Quốc lại đều có dính dáng ít nhiều với bọn xâm lược Nhật Bản, cứ xem tình hình ở Mãn Châu và Hoa Bắc thì đủ biết. Mà con đường ra có một của Trung Quốc là cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc do toàn quốc nhất trí chống Nhật. Hiểu được điểm ấy thì tác gia quan sát sinh hoạt, xử lý tài liệu cũng như gỡ tơ đã tìm ra mối ; tác giả có thể viết một cách tự do về công nhân, nông dân, học sinh, kẻ cướp, nhà thổ, người nghèo, người sang, bất cứ tài liệu nào cũng được, viết ra đều có thể thành ra văn học đại chúng về chiến tranh cách mạng dân tộc. Cũng không cần thêm một cái đuôi chiến tranh cách mạng dân tộc ở đằng sau tác phẩm, làm như cắm cây cờ lên ; bởi vì sự cần thiết của chúng ta không phải là thêm khẩu hiệu hay cái đuôi giả đằng sau tác phẩm, mà là sự sống chân thật, sự chiến đấu anh dũng, tăm mạch[2], tư tưởng và nhiệt tình cứ luôn luôn khích động trong toàn bộ tác phẩm vậy.
10-6-1936
(Dịch ở Thả giới đình tạm văn mạt biên)
Chú thích
- ▲ "Bát cổ" là một lối văn khoa cử ngày xưa. Thầy giáo hay quan chấm trường cứ lấy một câu trong sách Tứ thư, Ngũ kinh ra làm đầu đề, rồi người học trò cũng cứ theo nghĩa lý trong sách mà làm bài, dù mình có tư tưởng ý kiến gì khác cũng không được nói vào đó.
- ▲ "Tăm" là hơi hướng của cái gì động. Nhưng "tăm cá" là do con cá động dưới nước mà sôi lên thành tăm. "Tăm mạch" là sự động của huyết mạch người ta làm cho có tăm, như khi mình sờ vào cổ tay thấy dựt dựt.