"Thể diện", là cái danh từ chúng ta thường nghe đến trong khi nói chuyện, vì nó giống như nghe thì hiểu ngay, cho nên đại khái không mấy người nghĩ kỹ về nó.

Nhưng gần nay từ trong miệng người ngoại quốc, có khi cũng nghe được hai tiếng ấy, hình như họ đang nghiên cứu. Họ cho rằng cái chuyện ấy thật không dễ gì hiểu, song là cái giềng mối của tinh thần Trung Quốc, hễ nắm được nó thì cũng như hai mươi bốn năm trước nắm được cái đuôi sam, cả con người phải chạy theo. Người ta nói hồi Mãn Thanh, người ngoại quốc đến Tổng lý nha môn[1] vòi quyền lợi nầy nọ, đe dọa một mẻ, làm các quan lớn phải vâng vâng nhận lời, nhưng khi đi ra lại bị đưa ra cửa bên[2]. Không cho ra cửa giữa, thế là họ mất thể diện ; mà họ đã mất thể diện, tức là người Trung Quốc được thể diện, tức là đi nước trên. Đó có là sự thực không, tôi không đoán chắc, có điều câu chuyện ấy, trong đám "nhân sĩ trong ngoài" chừng cũng có ít nhiều người biết.

Nhân đó, tôi hơi ngờ rằng họ định đem riêng phần "thể diện" nhường cho chúng ta.

Nhưng "thể diện" rốt lại là cái thá gì? Chẳng nghĩ tới thì thôi, nghĩ tới, thấy nó mập mờ lắm. Nó giống như là có đến mấy thứ, mỗi một thứ thân phận thì có một thứ "thể diện", tức cũng gọi là "mặt". Cái "mặt" ấy có một đường ranh giới, nếu rơi xuống phía dưới đường ấy tức là mất thể diện, cũng gọi là "bẽ mặt". Kẻ nào không sợ "bẽ mặt", tức là "muối mặt". Trái lại, nếu làm được việc gì vượt lên trên đường ấy, thì "có thể diện", hoặc nói "mở mặt". Mà cái nghĩa "bẽ mặt" thì lại tùy người mà không giống nhau: như anh phu xe ngồi bên đường cởi trần bắt rận thì không sao, chứ ông rể nhà giàu ngồi bên đường cởi trần bắt rận, mới là "bẽ mặt". Song le anh phu xe cũng không phải là không có "mặt", có điều lúc đó không coi là "bẽ", khi nào bị vợ đá cho một đá nằm lăn ra khóc, mới thành ra cái "bẽ mặt" của anh phu xe. Cái điều luật "bẽ mặt" ấy cũng thích dụng cho người bậc trên. Xem như thế thì cái cơ hội "bẽ mặt", hầu như người bậc trên tương đối có nhiều hơn, nhưng cũng không hẳn thế, lệ như anh phu xe ăn cắp một túi tiền, bị người ta bắt được, là mất thể diện, mà người bậc trên vét một mớ vàng ngọc châu báu, lại hình như cũng không thấy gì là "bẽ mặt", huống nữa còn có "xuất dương khảo sát" là cái phương thuốc hay để đổi khác mặt đi[3].

Ai cũng cần có "thể diện", đành có thể nói là điều tốt, song "thể diện", cái vật ấy thực ra có hơi oái oăm. Thân báo ngày 30 tháng 9 có mách cho chúng ta một tin mới: La Lập Hồng, thợ mộc bao làm đồ gỗ ở xóm tây Thượng Hải, làm ma cho mẹ, mời "vợ chồng Vương Thụ Bảo chủ tiệm cầm đồ đến giúp việc, vì đông khách, áo trắng sắm không đủ chia cho, lúc đó có Vương Đạo Tài, tên tục là Tam hỉ tử, cũng đến đưa đám, giành mặc áo trắng không được, cho là mình mất thể diện, căm giận trong lòng... rủ vài chục đồ đảng, mỗi người cầm roi sắt, thấy nói còn có nhiều người cầm súng lục, đánh túi bụi vào bọn Vương Thụ Bảo, hai bên nhân dân dánh nhau kịch liệt một lúc, vỡ đầu chảy máu, nhiều kẻ bị thương nặng..." Vả chăng, áo trắng là thứ sắm cho những người bà con gần có phục mặc[4], nay phải "giành mặc" mà lại " không được", đủ thấy là không phải bà con gần, thế mà cho là "mất thể diện", gây nên trận xô xát lớn. Lúc đó, hình như hễ có gì không giống với người thường, tức là "có thể diện", còn chính mình thành ra cái gì thì lại hoàn toàn không kể. Cái thứ tánh tình ấy dù là "thân thương"[5] cũng không khỏi có lúc phát lộ ra: Lúc Viên Thế Khải sắp xưng đế, có người cho rằng được liệt tên trong biểu khuyến tấn[6] là "có thể diện" ; khi một nước kia rút quân khỏi Thanh Đảo, có người cho rằng được ghi tên trên cái tàn vạn dân[7] là "có thể diện".

Cho nên, muốn được "thể diện" cũng có th nói không hẳn là điều tốt - có điều không phải tôi nói người ta nên "muối mặt" đâu. Bây giờ nói năng khó lắm ; nếu chủ trương "phi hiếu", sẽ có người nói anh đang cổ động đánh cha mẹ, chủ trương trai gái bình đẳng, sẽ có người nói anh đang đề xướng tạp giao - sự phân bua nầy cần lắm, cần lắm.

Vả lại "mở mặt" và "muối mặt" thực ra cũng có thể có lúc khó phân biệt. Chẳng đã có câu chuyện buồn cười nầy là gì. Một vị thân sĩ có tiền có thế, gọi đi là ông cụ Tư, mọi người đều lấy sự được hầu chuyện ông làm vinh hạnh. Có một thằng nhắng chỉ ưa khoe khoang, một hôm hớn hở bảo với người khác rằng: "Ông cụ Tư đã nói chuyện với tôi rồi!". Người ấy hỏi: "Ông nói gì?" Đáp rằng: "Tôi đứng ở cửa ngõ ông, ông cụ Tư ra, nói với tôi rằng mầy cút đi!" Đành rằng đó là câu chuyện buồn cười, hình dung ra cái "muối mặt" của người ấy, có điều ở chính mình nó thì tự cho là "có thể diện", những người như thế càng nhiều ra, cũng thật thành ra "có thể diện" vậy. Bao nhiêu người khác, chẳng là cả đến câu "mầy cút đi", ông cụ Tư cũng không nói với họ ư?

Ở Thượng Hải, "ăn giam bông ngoại quốc"[8], tuy còn chưa phải là "có thể diện", chứ cũng không kể được là "bẽ mặt", nhưng mà đem so với bị người bậc thấp[9] bổn quốc đá cho một cái, lại mường tượng như là "được thể diện".

Người Trung Quốc cần có "thể diện", cái đó là tốt, đáng tiếc là cái "thể diện" ấy "tròn như con vụ", khéo biến hóa, thế rồi nó cùng với "muối mặt" lẫn lộn nhau. Trường Cốc Xuyên Như Thị Nhàn nói về "Đạo tuyền" rằng: "Người quân tử đời xưa ghét tên nó mà không uống. Người quân tử đời nay đổi tên nó mà uống đi."[10] Cũng là nói toạc cái bí mật về "thể diện" của người quân tử đời nay.

4-10-1934
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn)

   




Chú thích

  1. Tổng lý nha môn của Mãn Thanh cũng như bộ ngoại giao về sau.
  2. Theo lễ tục Mãn Thanh, cửa giữa để cho vua đi, sứ thần các nước chỉ được đi cửa bên. ở nước ta, thuở Tự Đức cũng thế. Từ Đồng Khánh về sau, toàn quyền, khâm sứ mới đi cửa giữa.
  3. Ở thời đại Lỗ Tấn, Trung Quốc có những tay quân phiệt, tức gọi là "người bậc trên", sau khi chiếm cứ địa bàn một lúc, vơ vét đầy túi rồi, vì việc gì đó, lấy danh nghĩa là "xuất dương khảo sát" đi ra ngoại quốc, không bị tội lệ gì cả.
  4. Theo tang lễ cũ, chỉ có bà con gần trong năm thế hệ thì có để tang, tức là "có phục", còn ngoài ra, tuy bà con mà xa, thì không phục.
  5. Chữ "Thân" nguyên để chỉ người có quan chức, như nói "thân biền", "văn thân", "thân sĩ". Ở Thượng Hải không có quan, chỉ có bọn nhà buôn nhiều tiền, có thế lực, cũng được gọi tôn là "thân thương". Đó là một danh từ mới lạ, nên tác giả để trong vòng ngoặc kép.
  6. Biểu khuyến tấn là bài biểu có nhiều người ký tên khuyên mời một người nào lên làm vua, có từ đời xưa.
  7. Tàn vạn dân, nguyên văn là "vạn dân tán", không hiểu là gì ; "một nước kia rút quân khỏi Thanh đảo", không biết là nước Đức hay nước Nhật: đợi tra.
  8. Cái giò lợn quay đi, thái ra từng khoanh để ăn, tiếng tây gọi là "giam bông". Ở Thượng Hải trước kia, khi người bổn địa bị người ngoại quốc đá đít, họ gọi là "ăn giam bông ngoại quốc" (ngật ngoại quốc hỏa thối).
  9. Người Âu Mỹ hay Nhật Bản trước kia, ở Thượng Hải, đối với người Trung Quốc chia làm hai hạng: hạng có học, có chức vị, có tiền, gọi là "cao đẳng Hoa nhân" ; hạng không học, nghèo, đi làm công, gọi là "hạ đẳng Hoa nhân". Trong bài nầy có nói " người bậc trên", "người bậc thấp" là căn cứ ở đó.
  10. Trường Cốc Xuyên Như Thị Nhàn là người Nhật Bổn. Đạo tuyền là tên một cái suối, nghĩa đen là "suối kẻ trộm". Đời xưa có người đi ngang qua cái suối ấy, đang khát nước, vì ghét cái tên nó mà không uống. Cho nên có câu thơ cổ rằng: "Khát mạt ẩm đạo tuyền thủy, khốn mạt tức ác mộc âm", nghĩa là: Khát, đừng uống nước suối kẻ trộm, mệt, đừng nghỉ dưới bóng cây xấu. - "Đổi tên mà uống đi", lời biếm nhẻ rất sâu cay.
    (Trong bài nầy có dùng một danh từ mà người đọc khi đọc đến chắc phải lấy làm ngờ ngợ, là bốn chữ "ông rể nhà giàu (nguyên văn là "phú gia cô gia"). Nói ai chẳng được, lại phải nói cho kỳ được ông rể nhà giàu?
    Ở tập Chuẩn phong nguyệt đàm, Lỗ Tấn có một bài đả kích một người rể nhà giàu, nhờ tiền vợ mở hiệu sách, mở nhà báo, in "tác phẩm" tồi của mình, làm quảng cáo ầm lên, cũng được gọi là "thi nhân". Người ấy tên là Thiệu Tuân Mỹ, cháu rể Thạnh Tuyên Hoài, một vị đại thần triều Mãn Thanh, đồng thời là nhà tư sản mại bản. Bài ấy đăng báo xong, có mấy tờ báo khác về phe với Thiệu Tuân Mỹ, viết bài bênh cho, gây nên một cuộc bút chiến dai dẳng, không quan trọng, nhưng thật buồn cười. Việc ấy xảy ra tháng 8-1933, cách ngày Lỗ Tấn viết bài nầy không xa, cho nên tôi đoán rằng "Ông rể nhà giàu" là ám chỉ Thiệu Tuân Mỹ.
    Đoán như thế, sợ là xuyên tạc chăng, nên tôi phụ ghi ở đây, không coi hẳn là lời chua).