Một việc sau cuộc cải cách: Công việc "hương thơ" có thành hiệu như thế nào?
Công việc “hương thơ” (poste rurale)[1] lập ra ở Trung Kỳ, cũng kể là một việc làm mới của Nam triều sau cuộc cải cách ngày 4 Mai 1933 vậy. Hồi trước những việc thông tin ở dân gian toàn do sở bưu điện của bên Bảo hộ hết; từ ngày có hương thơ, các quan ta mới có nhúng tay vào trong đó.
Có người bảo lập hương thơ ra như thế, các quan Nam triều chỉ cong lưng làm lợi cho sở bưu điện, làm lợi cho sổ dự toán Đông Dương mà thôi, nghĩa là chỉ bán thêm được nhiều tem hơn và thu tiền cho sổ dự toán ấy, chứ không có lợi gì hết. Nói như thế họ có ý trách các quan ăn lương thì ăn lương riêng của Trung Kỳ mà làm lợi thì làm lợi chung cho cả Đông Pháp.
Nhưng theo chúng tôi nghĩ, dù có vậy nữa cũng không sao. Cái bệnh của các quan ta bấy lâu là ở chỗ không làm việc. Ngày nay các ngài bới việc ra mà làm, dù việc ấy có lợi về đâu cũng mặc, miễn người mình có dịp để tập sự là hơn. Huống chi, chỉnh đốn việc gởi thơ trong thôn quê để nhân dân được tiện hơn về sự thông tin tức thì cũng là lợi cho dân đó, chớ sao lại bảo là dân không lợi được?
Cốt xem ở cách chỉnh đốn ra sao. Công việc hương thơ ngày nay so với trước nếu có kết quả tốt hơn thì dân ta cũng hoan nghinh lắm; bằng như có điều không tiện thì ta cũng nên nói rõ ra để các quan biết mà sửa đổi, ấy là cái bản ý chúng tôi viết bài này.
Đại khái sự lập ra hương thơ có một điều tiện lợi hơn trước rất lớn, là đâu đâu cũng có thể gởi thơ được cả, nhưng lại cũng có điều không tiện bằng ngày xưa, ấy là bởi đường đất và sự sắp đặt, như chúng tôi lần lượt kể ra ở dưới.
Các tỉnh Trung Kỳ, có nơi nhà quê cách sở bưu điện – tức là cách cái thùng bỏ thơ – đến bốn năm chục cây số. Hồi trước chưa có hương thơ, những nơi ấy muốn bỏ một phong thơ đi nơi khác thật khó khăn. Thường thường vì sự khó khăn ấy mà người ta nín đi không gởi dù là cái thơ đáng gởi. Còn như cố mà gởi cho được thì tốn kém đi về có khi đến một đồng bạc mới bỏ được một phong thơ.
Bây giờ mỗi làng, dù là làng ở nơi thâm sơn cùng cốc, cũng có một cái thùng bỏ thơ và một người làm chức hương thơ để phát và nhận những thơ từ gởi đi gởi lại. Nhờ đó dân gian muốn gởi thơ đi đâu cũng được mà lại khỏi tốn kém gì hết, thật là một sự tiện lợi hơn trước rất nhiều.
Sự tiện lợi mà chúng tôi nhìn thấy được, chỉ có thế thôi. Còn sự bất tiện trong việc sáng kiến này hẳn là không ít và tùy mỗi nơi một khác. Chúng tôi xin chỉ ra những điều bất tiện ở cái nơi mà chúng tôi đã thấy.
Hiện nay có nơi thơ đi gởi chậm hơn trước. Ấy là những nơi mà sở bưu điện chính đóng lệch về miền biển, cách xa đường cái quan hay đường xe hỏa, như Quy Nhơn, Faifoo.[2]
Thử lấy một người có quê quán thuộc về sở bưu điện Faifoo mà nói. Cho đi người ấy ở về làng Kỳ Lam, chỗ hiện đã có ga xe hỏa rồi. Người ấy hồi trước nếu ở Hà Nội gởi thơ về sở bưu điện Faifoo, sở này liền cho người cầm lên tận nhà trong một ngày là đến. Từ khi có hương thơ, thơ ở Hà Nội về Faifoo, rồi từ Faifoo đưa lên phủ Điện, và từ phủ Điện phát lên làng, hương thơ của làng mới nhận mà giao cho người nhận thơ. Đi từng đợt như thế nên ở Faifoo lên Kỳ Lam, ít nữa cũng phải mất ba ngày. Thế là hồi trước ở Hà Nội gởi về Kỳ Lam cái thơ chỉ bốn ngày đến nơi mà bây giờ phải mất bảy ngày vậy.
Ở Kỳ Lam có ga. Giá ở Hà Nội gởi ngay về ga Kỳ Lam rồi phát ra thì tiện lắm. Nhưng theo lối tổ chức hiện giờ, ở ga không có ai coi việc nhận thơ và phát thơ, nên không gởi như thế được mà phải gởi về Faifoo. Faifoo cách Kỳ Lam non 20 cây số. Thơ theo xe hỏa về ga đó rồi, còn phải đưa xuống Faifoo đã rồi mới phát trở lên. Trong đời có sự mất công vô lối như thế mà người ta bị bó buộc bởi cách tổ chức, cũng phải làm theo, và vừa làm vừa tức cười thầm!
Chính người viết bài này bỏ một phong thơ tại Huế ngày 16 Mai mà đến sáng ngày 20 Mai mới nhận được, chỗ nhận thơ là làng Bảo An, cách Kỳ Lam một con sông. Như thế, ở thế kỷ hai mươi này mà thơ Huế gởi về Quảng 5 ngày mới đến, thì còn ai buồn gởi nữa làm chi!
Lại những người làm chức hương thơ không hề có huấn luyện một chút nào, nên họ làm không hết bổn phận, đôi khi họ còn làm ngang nữa. Sự sắp kể đây là sự thật, mới xảy ra ở một miền nhà quê mà chúng tôi đã được nghe.
Một người ở làng X viết một phong thơ gởi ra Hà Nội rồi ra đi sang làng Y có việc riêng. Khi đi cầm thơ định bỏ vào thùng làng mình, lúc tới làng Y mới bỏ vào thùng làng ấy. Về nhà, 5 ngày rồi, chắc mẩm rằng thơ mình đã tới Hà Nội. Không ngờ tiếp được phong thơ ấy từ làng Y giao trả lại. Ngoài bì thấy đề mấy giòng chữ đại khái nói: Phong thơ này bị phát hoàn, vì nó không phải thơ của làng tôi thì sao lại ở trong thùng làng tôi? Thì ra chữ của hương thơ làng Y, vì anh ta thấy họ tên quán chỉ của người gởi đề trên đầu phong bì mà anh ta làm như thế.
Té ra hương thơ các làng họ còn chưa biết bổn phận của họ phải nhận hết thảy các thơ có dán tem bất kỳ là của ai, ở đâu. Họ không như các sở bưu điện hễ thấy con tem của chánh phủ Đông Pháp là phải đưa thơ đi cho kỳ được!
Ấy là tại trước khi cắt những người nhà quê ra làm một việc mới mẻ họ chưa quen, mà không bày bảo họ ít nhiều về bổn phận họ phải làm.
Chúng tôi mong quan Thượng bộ Nội vụ thấy bài này mà tìm cách sửa đổi việc hương thơ cho được tiện lợi hơn.
PHAN KHÔI
Chú thích